Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật về tính hợp pháp của hợp đồng theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia?

  • Về hình thức hợp đồng: 

Các quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết được quy định theo hướng hình thức hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với chính hợp đồng đó. Trong trường hợp khác, hình thức của hợp đồng vẫn được coi là hợp pháp nếu phù hợp với nơi kí kết hợp đồng. Đối với hợp đồng liên quan đến bất động sản thì hình thức phải phù hợp với pháp luật của nước kí kết nơi có bất động sản.

Ví dụ, nội dung này được quy định tại điều 37 HĐTTTP Việt Nam- Ba Lan.

  • Về nội dung hợp đồng: 

Để giải quyết xung đột pháp luật về nội dung hợp đồng, trong điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết với các nước thường thỏa thuận việc giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng sẽ tuân theo nguyên tắc lựa chọn của các bên.

Ví dụ, tại điều 36 HĐTTTP Việt Nam- Liên bang Nga có quy định trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng thì áp dụng pháp luật nước kí kết nơi bên phải thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng thường trú, được thành lập hoặc có trụ sở.

  • Về năng lực giao kết hợp đồng: 

Nhìn chung, trong các ĐƯQT song phương mà Việt Nam kí với các nước đều quy định năng lực pháp lí và năng lực hành vi của cá nhân sẽ được xác định theo pháp luật của nước kí kết mà người đó là công dân.

Như vậy, pháp luật của nước mà bên kí kết hợp đồng là công dân được ưu tiên áp dụng khi giải quyết xung đột pháp luật về việc xác định năng lực hành vi dân sự được ghi nhận trong các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam đã kí kết.

Theo đó, đương sự mang quốc tịch nước nào thì pháp luật nước đó sẽ được áp dụng để xác định năng lực giao kết hợp đồng của các bên đương sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì năng lực hành vi giao kết hợp đồng của các bên chủ thể còn chịu sự chi phối bởi pháp luật nơi xác lập hợp đồng.

Trong các ĐƯQT song phương mà Việt Nam đã kí kết còn quy định trong trường hợp các bên xác lập hợp đồng để giải quyết các nhu cầu thông thường của đời sống hàng ngày của mình thì năng lực hành vi của cá nhân sẽ được xác lập trên cơ sở pháp luật nước kí kết nơi hợp đồng được xác lập.

Đối với trường hợp giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật của pháp nhân có trụ sở trên lãnh thổ của nước kí kết thì nhìn chung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết được ghi nhận theo nguyên tắc:

Năng lực pháp luật của pháp nhân có trụ sở trên lãnh thổ nước kí kết được xác định theo pháp luật của nước kí kết đã thành lập pháp nhân đó. Ví dụ, nội dung này được quy định tại điều 28 HĐTTTP Việt Nam- Hungari; điều 17 HĐTTTP Việt Nam- CHDCND Lào…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *