Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải
Hình thức hòa giải bao gồm hai hình thức như sau:
- Tự hòa giải : Việc tổ chức và giám sát do các bên tự quy định không có sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hoặc người hòa giải thứ ba nào
- Hòa giải quy chế: Do một tổ chức, hoặc một trung tâm hòa giải chuyên nghiệp thực hiện, các bên phải tuân theo những quy tắc hòa giải riêng của tổ chức hòa giải đó.
Về mặt pháp lý, quyết định của hòa giải viên không có hiệu lực bắt buộc thi hành và chỉ mang tính chất khuyến nghị. Tuy nhiên, các bên có thể quy định trong thỏa thuận một điều khoản về việc đảm bảo trách nhiệm thi hành đúng theo kết quả hòa giải của hòa giải viên.
Phương thức hòa giải mang tính hữu nghị cao, đem đến sự hợp tác lâu dài giữa các đối tác, đồng thời bảo toàn được bí mật kinh doanh, quá trình làm việc của hai bên. Nguyên tắc hòa giải mang tính tự do ý chí, đảm bảo tính khách quan, tôn trọng tập quán thương mại.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
- Đây là hình thức giải quyết mang tính cưỡng chế cao nhất, được tiến hành thông qua hoạt động của cơ quan tài phán. Bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành theo đúng quy định pháp luật.
- Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án như kê biên tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng,…
- Đương sự có thể tiến hành kháng cáo, yêu cầu xét xử lại nếu thấy phán quyết của Tòa không thỏa đáng
Thủ tục giải quyết căn cứ theo Điều 683 Bộ luật dân sự 2015, theo đó:
- Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Do đó, khi có tranh chấp, Tòa án sẽ xác định dựa vào luật mà các bên thỏa thuận áp dụng.
- Mức án phí xác định theo Danh mục mức án phí, lệ án phí được quy định tại Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thường phức tạp, lâu dài và không có tính bảo mật thông tin cao. Các bên nên cân nhắc để chọn lựa giải pháp tốt ưu nhất cho doanh nghiệp mình.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Căn cứ theo Điều 5 luật trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gồm:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
- Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng TTTM như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.
- Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo
- Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (theo Điều 35 Luật TTTM 2010)
- Thành lập Hội đồng trọng tài
- Hòa giải (theo Điều 58 Luật TTTM 2010)
- Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 55 Luật TTTM 2010)
- Hội đồng trọng tài ra phán quyết
Ưu điểm của cơ quan trọng tài là tính bảo mật thông tin cao cũng như tính linh động, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục tố tụng cho các bên.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.