Sự thành lập
Năm 1959, theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, với người đứng đầu là Đông chí Trường Chinh, trong đó có Phòng Sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 1973: được đổi thành Phòng Sáng chế phát minh.
Cục Sáng chế
Ngày 29/7/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 125/HĐBT về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước trong đó có Cục Sáng chế là một đơn vị trực thuộc. Và, Ngày 29/7 đã chính thức trở thành ngày thành lập Cục Sáng chế, sau đó là Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Sở hữu trí tuệ ngày nay.
Theo Điều lệ tổ chức và Hoạt động thì Cục Sáng chế được xây dựng trên cơ sở Phòng Sáng chế phát minh, có trách nhiệm giúp Chủ nhiệm ủy ban thực hiện chức năng thống nhất quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế và công tác sở hữu công nghiệp trong cả nước, bảo hộ pháp lý sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp; Cục có 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, Cục chưa thành lập các phòng mà vẫn tiếp tục duy trì các tổ chuyên môn.
Khi mới thành lập, Cục có 27 cán bộ, được tổ chức thành 02 tổ chuyên môn: Tổ Quản lý và Tổ Thông tin.
Cục Sở hữu công nghiệp
Ngày 22/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 22-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Cục Sáng chế được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp.
Cục đã tổ chức lại các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, thống nhất các thủ tục xác lập quyền theo nguyên tắc một đầu mối; củng cố các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Về cơ cấu tổ chức, Cục có 07 phòng, 01 trung tâm, 02 bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ và 01 văn phòng quản lý dự án.
Cục Sở hữu trí tuệ
Ngày 19/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngày 25/6/2004, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 14/2004/QĐ-BKHCN ban hành Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Cục Sở hữu trí.
Với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Khoa học và Công nghệ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục Sở hữu trí tuệ, công tác quản lý nhà nước và các hoạt động về SHTT tiếp tục đạt được kết quả khả quan.
Hệ thống pháp luật về SHTT tiếp tục được hoàn thiện. Công tác tổ chức thi hành các quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính về sở hữu công nghiệp có nhiều cải tiến theo hướng thuận tiện, đơn giản hoá. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT cũng như phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống trong những năm qua có nhiều tiến bộ; nhận thức của xã hội nói chung và của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nói riêng được nâng cao một bước. Trình độ chuyên môn của những người làm công tác SHTT tại các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì và phát triển, nhờ đó nhận được sự hỗ trợ hết sức thiết thực, kịp thời. Tình hình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực.
Đội ngũ cán bộ, công chức của Cục tiếp tục được bổ sung cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất từng bước được tăng cường và hiện đại đáp ứng ngày càng tốt hơn các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Đại diện Sở hữu Công nghiệp
Đại diện sở hữu công nghiệp gồm tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) và cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó (sau đây gọi là người đại diện sở hữu công nghiệp).
Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:
a) Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
b) Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
c) Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Vũ Việt Hoàng
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.