Quốc hữu hóa trong tư pháp quốc tế

1. Khái quát của quốc hữu hóa:

Quốc hữu hóa được hiểu là việc một quốc gia tước quyền sở hữu tài sản (công cụ và tư liệu sản xuất, ruộng đất, hầm mỏ, xí nghiệp, ngân hàng, phương tiện giao thông…) của một cá nhân hoặc một tổ chức để chuyển tài sản đó thuộc quyền sở hữu quốc gia. Trong một số trường hợp nhất định, tài sản bị quốc hữu hóa là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, và hậu quả sẽ có những vấn đề pháp lý phát sinh vượt quá thẩm quyền của tòa án địa phương hay quốc gia quy định. Như vậy, quốc hữu hóa là việc đưa các tài sản (động sản và bất động sản) từ sở hữu tư nhân thành sở hữu nhà nước. Đây là một quyết định đơn phương quyền lực của nhà nước đối với các tài sản. Việc quốc hữu hóa có thể kèm theo đền bù kinh phí đối với tư nhân.

Ta có thể hiểu đơn giản, quốc hữu hóa là việc chuyển giao công cụ, tư liệu sản xuất, ruộng đất, hầm mỏ, xí nghiệp, ngân hàng, phương tiện giao thông thuộc sở hữu tư nhân sang sở hữu nhà nước mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nhằm thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế xã hội.

Quốc hữu hóa là một trong những biện pháp cải cách kinh tế xã hộ không phải là biện pháp trừng phạt riêng lẻ, thực hiện với nhiều chủ thể.

Quốc hữu hóa là việc chuyển quyền sở hữu tài sản của một hoặc một số cá nhân hoặc một hoặc một số tổ chức thành tài sản công (tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia). Cá nhân và tổ chức có tài sản bị quốc hữu hóa có thể là công dân hoặc pháp nhân của nước thực hiện việc quốc hữu hóa hoặc có thể là công dân hoặc pháp nhân của một nước khác.

Quốc hữu hóa được luật pháp quốc tế thừa nhận là hành động bảo vệ chủ quyền xác đáng và phù hợp với điều kiện việc bồi thường cho chủ sở hữu cũ được tiến hành một cách công bằng và nhanh chóng. Trong trường hợp nước tiến hành quốc hữu hóa không thực hiện việc bồi thường hoặc việc bồi thường không đáp ứng được các điều kiện trên, hành động quốc hữu hóa lúc đó được hiểu là tịch thu hoặc sung công.

Như vậy, quốc hữu hóa là một hành vi biểu hiện quyền lực của Nhà nước và dựa trên ý chí độc lập của Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa. Việc chuyển dịch sở hữu trên cơ sở đạo luật quốc hữu hóa khác với việc chuyển dịch quyền sở hữu trong dân sự ở chỗ: việc chuyển dịch quyền sở hữu trong đạo luật quốc hữu hóa mang tính chất cưỡng chế và không cần có sự thỏa thuận giữa các chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của đạo luật quốc hữu hóa. Phạm vi tài sản bị quốc hữu hóa thông thường được quy định cụ thể ngay trong các đạo luật về quốc hữu hóa. Các tài sản đều có thể trở thành đối tượng điều chỉnh của các đạo luật quốc hữu hóa bất luận tài sản đó thuộc về ai, của công dân và pháp nhân nước sở tại hay của người nước ngoài.

2. Những lý do dẫn tới việc quốc hữu hóa:

Thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc quốc hữu hóa nổi bật là những nguyên nhân sau:

– Hoàn cảnh lịch sử: Ở Áo sau Chiến tranh thế giới thứ hai tất cả các tài sản của người Đức bất kể tư hay công từ các kỹ nghệ nhiên liệu thô trở thành tài sản công của nước Áo.

– Khi một số công ty, tập đoàn lớn ở các nước phát triển đang lâm vào tình trạng phá sản. Nếu các công ty đó phá sản, nó sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn tới nền kinh tế quốc gia (đặc biệt là các ngân hàng), bởi vậy, Nhà nước có thể tiến hành quốc hữu hóa để cứu vớt các công ty đó, tránh những hậu quả khôn lường về sau.

– Quốc hữu hóa góp phần để Nhà nước ngăn ngừa tình trạng độc quyền tư nhân.

– Đối với các nước đang phát triển, có nguồn tài nguyên dồi dào, việc chính phủ quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp quan trọng có ý nghĩa to lớn với nền kinh tế quốc dân là rất cần thiết để tránh việc các nước giàu có đầu tư vào để khai thác tài nguyên dẫn đến nền kinh tế bị phụ thuộc.

– Quốc hữu hóa những ngành kinh tế quan trọng như ngân hàng, hầm mỏ, kỹ nghệ sắt, thép, hệ thống giao thông xe lửa. Đằng sau những quyết định này là ý tưởng, nhà nước phải sở hữu những công ty này để có thể điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Hoặc cố ý đập tan những thế lực chính trị của các cá nhân có được nhờ thế lực kinh tế. Quốc hữu hóa cũng có thể xảy ra vì lo sợ là những ngành quan trọng bị rơi vào tay những tập đoàn ngoại quốc.

– Ngoài ra, quốc hữu hóa đôi khi là trường hợp của sự trả đũa về chính trị khi bang giao giữa các quốc gia liên quan. Trong trường hợp này là quốc gia nhận vốn đầu tư với quốc gia của nhà đầu tư không được tốt đẹp.

Và dù với bất cứ lý do nào khi quốc hữu hóa thì chúng ta thường phải chấp nhận những thiệt hại, vì các hãng nhà nước thường làm việc không hiệu quả bằng các hãng tư nhân. Một điều quan trọng nữa là phải bồi thường cho các chủ cũ như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng cần được quy định cụ thể.

3. Hiệu lực của đạo luật quốc hữu hóa:

Đa số các quốc gia đều thừa nhận là hiệu lực của đạo luật quốc hữu hóa mang tính trị ngoại lãnh thổ: vượt ra phạm vi quốc gia: vượt ra phạm vi lãnh thổ.

Đạo luật quốc hữu hóa do quốc gia ban hành không chỉ có hiệu lực đối với tài sản là đối tượng của quốc hữu hóa nằm trên lãnh thổ nước mình mà ngay cả tài sản đó nằm ở lãnh thổ nước ngoài.

Trong thực tiễn các quốc gia nước ngoài chỉ trả lại tài sản là đổi tượng của đạo luật quốc hữu hóa trong trường hợp vào thời điểm đạo luật quốc hữu hóa có hiệu lực thì tài sản vẫn đang nằm trên lãnh thổ quốc gia tiến hành quốc hữu hóa. Vì một lí do nào đó tài sản đó bị đem ra nước ngoài thì quốc gia đó sẽ trả lại.

4. Vấn đề quốc hữu hóa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay:

Vấn đề quốc hữu hóa được Nhà nước quy định cụ thể lần đầu tại Điều 23 và Điều 25 của Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001) và kế thừa, phát triển ở Hiến pháp 2013. Các luật chuyên ngành cũng có những quy định cụ thể về vấn đề quốc hữu hóa.

Ta có thể thấy, vấn đề quốc hữu hóa trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam không được áp dụng mà Nhà nước chỉ quy định về vấn đề trưng mua, trưng dụng. Như vậy, Nhà nước ta trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, giữ vững ổn định về kinh tế cũng như chế độ chính trị.

Kết quả của quốc hữu hóa trong lĩnh vực kinh tế luôn mang tính hai mặt: vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Nhà nước nhưng đồng thời lại hạn chế “niềm tin” của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam do quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của họ có thể bị xâm phạm, với quy định về trưng mua, trưng dụng, tổ chức, cá nhân sẽ được bồi thường khi Nhà nước thực hiện việc trưng dụng tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân đó. Tính hai mặt của lợi ích kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả về chính trị. Chính vì vậy, quy định về vấn đề quốc hữu hóa là một trong những vấn đề khá “nhạy cảm” và cần được quan tâm. Quy định về vấn đề quốc hữu hóa là sự thể hiện những quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về ổn định và phát triển nền kinh tế nói riêng cũng như ổn định và phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội nói chung

Nền kinh tế ở Việt Nam vừa mang những đặc tính chung của nền kinh tế thị trường, lại vừa mang tính đặc thù là định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua một trong những đặc điểm sau: chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất chủ yếu đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Hiện nay Nhà nước ta lại có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh, ban hành các văn bản hướng dẫn chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác trở thành đồng chủ sở hữu của các công ty này, chứ không tiến hành quốc hữu hóa các doanh nghiệp để hình thành nên chế độ sở hữu công của chủ nghĩa xã hội.

Ta có thể thấy, quan điểm về vấn đề quốc hữu hóa nói riêng và chế độ sở hữu công cộng nói chung ở Việt Nam hiện nay đã thể hiện quan điểm về đường lối xây dựng đất nước trong thời kì quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam được xây dựng mang một màu sắc đặc biệt, bởi nó gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa tức là mục tiêu hàng đầu là giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, động viên mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở đó cải thiện từng bước đời sống nhân dân.

Như vậy, phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là đòn bẩy để giúp phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững, là phương tiện quan trọng để thực hiện xã hội hóa xã hội chủ nghĩa nền sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, quy định ở nước ta hiện nay về vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đa hình thức sở hữu chứ không thừa nhận quốc hữu hóa để sở hữu nhà nước giữ địa vị độc tôn không hề mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kì quá độ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *