1. Người nước ngoài là gì?
Hiện nay ở Việt Nam, định nghĩa về người nước ngoài được quy định ở nhiều văn bản.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt nam 2014 thì ” Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam” và khoản 2 điều này thì “Giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, gồm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu).”
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quốc tịch Việt nam năm 2008 thì “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.” và khoản 2 điều này thì “Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.”
Như vậy, việc công dân của các nước khác nhau sống cùng công dân nước sở tại trong lãnh thổ của một quốc gia là một hiện thực khách quan. Việc nghiên cứu quy chế pháp lý của công dân nước ngoài không thể không tìm hiểu sâu khái niệm “người nước ngoài” đã được hình thành trong khoa học pháp lý ở nước ngoài và ở nước ta.Hiện nay. thuật ngữ “người nước ngoài” được sử dụng rộng rãi ở các nước cũng như ở Việt Nam và nó được hiểu rất rộng, bao hàm như sau: Người mang một quốc tịch nước ngoài; Người mang nhiều quốc tịch nước ngoài; Người không mang quốc tịch nước nào (gọi tắt là người không quốc tịch).
Ngoài ra, thuật ngữ “người nước ngoài” còn được hiểu là công dân nước ngoài. Trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới, có một nét đặc trưng chung nhất là đều lấy dấu hiệu quốc tịch để định nghĩa người nước ngoài. Chế định quốc tịch được nghiên cứu sâu trong khoa học pháp lý không chỉ có ý nghĩa lớn trong Công pháp quốc tế (về dân cư) mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong Tư pháp quốc tế (về người nước ngoài) và trong các ngành khoa học pháp lý khác.
Người nước ngoài là người không có quốc tịch của nước nơi mà họ dạng cư trú. Phân tích khái niệm trên ta thấy bất kỳ một cá nhân nào cư trú trên lãnh thổ một nước nhất định mà không mang quốc tịch của quốc gia đó đều là người nước ngoài. Quốc tịch luôn là căn cứ để xác định người đó là công dân nước nào hoặc là người không thuộc công dân nước nào (người không quốc tịch). Quốc tịch luôn luôn thuộc quy chế nhân thân của con người.
Khái niệm người nước ngoài hiểu theo nghĩa rộng trong một so văn bản pháp quy không chỉ dùng để chỉ thể nhân nước ngoài, mà còn dùng để chỉ pháp nhân nước ngoài, đôi khi còn để chỉ cả quốc gia nước ngoài nữa, Người nước ngoài theo nghĩa hẹp chỉ dùng để hiểu đó là công dân nước ngoài (hay thế nhân nước ngoài) hoặc thậm chí cả người không quốc tịch. Có thể nói cách hiểu như trên chỉ mang tính chất quy ước.
2. Các chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài
Chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài là là chế độ mà người nước ngoài được hưởng khi làm ăn, sinh sống hay làm việc tại Việt Nam.
+ Chế độ đãi ngộ quốc gia
Đây là chế độ được quy định phổ biến trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung cơ bản của chế độ này được thể hiện như sau: chế độ cho phép người nước ngoài được hưởng các quyền cũng như được thực hiện các nghĩa vụ ngang hoặc tương đương với những quyền mà nghĩa vụ của công dân nước sở tại đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai (trừ những ngoại lệ theo pháp luật quy định trong các trường hợp cụ thể). Có thể nói chế độ đãi ngộ như công dân đã thể hiện được mối quan hệ giữa người nước ngoài với công dân nước sở tại. Thể hiện mối quan hệ bình đẳng những quyền và nghĩa vụ giữa người nước ngoài và công dân nước sở tại. Và hơn thế nữa chế độ đãi ngộ như công dân cũng thể hiện việc tôn trọng nhân quyền của pháp luật nước sở tại dành cho những người không phải công dân của mình. Thông thường người nước ngoài được hưởng các quyền dân sự, thương mại, lao động và văn hóa như công dân nước sở tại. Tuy nhiên trong một số quan hệ xã hội người nước ngoài bị hạn chế một số quyền thậm chí không được hưởng một số quyền như công dân nước sở tại, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử và các quyền theo học các trường an ninh, quân sự … những quy định này rất dễ có trong quy định của các nước nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Bởi khi người nước ngoài được hưởng đãi ngộ như công dân thì vấn đề xác định chế độ đãi ngộ của người nước ngoài dựa trên chế độ đãi ngộ như đối với công dân nước sở tại, tuy nhiên nhìn từ góc độ pháp lý quốc tế những hạn chế đấy chỉ được chấp nhận khi không làm phương hại đến chuẩn mực quốc tế về nhân quyền ( ví dụ như những hạn chế đó không được dựa trên cơ sở phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo…
Như vậy chế độ đãi ngộ quốc gia là cơ sở để xác định năng lực pháp luật của người nước ngoài tại nước sở tại bao gồm 3 vấn đề cơ bản sau:
– Là chế độ cho phép người nước ngoài có quyền và nghĩa vụ tương ứng như công dân nước sở tại trong các quan hệ xã hội nhất định.
– Người nước ngoài được hưởng các quyền dân sự và lao động, cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác tương đương hoặc bằng với những quyền và nghĩa vụ mà công dân nước sở tại đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai. Ví dụ: trong giao kết hợp đồng.
– Người nước ngoài được hưởng quyền và nghĩa vụ như công dân nước sở tại không phải ở tất cả mọi mặt, người nước ngoài bị hạn chế ở một số quyền nhất đinh. Ví dụ: quyền bầu cử, quyền ứng cử, đề cử, quyền cư trú, quyền hành nghề, học tập trong lĩnh vực an ninh quốc phòng..
+ Chế độ tối huệ quốc
– Chế độ tối huệ quốc là người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được hưởng một chế độ mà nước sở tại dành cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài của bất kỳ nước thứ ba nào đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai.
– Chế độ tối huệ quốc thì người nước ngoài cũng như pháp nhân nước ngoài được hưởng đầy đủ và hoàn toàn các quyền hợp pháp mà một quốc gia đã dành và sẽ dành cho bất kỳ một nhóm người nước ngoài cũng như pháp nhân nước ngoài đang sinh sống hay hoạt động tại lãnh thổ của quốc gia đó.
– Phạm vi áp dụng chủ yếu của chế độ này nằm trong thương mại và hàng hải được ghi nhận trong các điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia nhằm đưa lại những điều kiện và cơ hội như nhau cho công dân pháp nhân các nước khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, thương mại trên lãnh thổ nước sở tại.
Ví dụ : Thuế nhập khẩu linh kiện xe máy vào Việt nam được áp dụng ở mức 50%, sau đó Việt nam kí kết hiệp định thương mại song phương với Nhật bản, quy định mức thuế mới đối lới linh kiện xe máy nhập khẩu từ Nhật bản là 30%. Khi đó nếu trong hiệp định giữa Việt nam và Trung quốc có quy định về việc hai bên giành cho nhau chế độ tối huệ quốc thì lúc này mức thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe máy từ Trung quốc vào Việt nam sẽ tự động và ngay lập tức được điều chỉnh xuống còn 30%.
+ Chế độ đãi ngộ đặc biệt
– Chế độ này là người nước ngoài được hưởng những quyền ưu tiên, ưu đãi đặc biệt hoặc quyền đặc hưởng mà nước sở tại dành cho họ thậm chí chính công dân nước sở tại cũng không được hưởng.
– Các ưu tiên, ưu đãi hoặc các đặc quyền này thường được quy định trong luật pháp của các quốc gia cũng như trong các điều ước quốc tế.
– Áp dụng đối với nhân viên ngoại giao, lãnh sự và nhân viên của các tổ chức quốc tế.
Cơ sở : người nước ngoài chỉ được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt này trên cơ sở pháp luật quốc gia của nước sở tại hoặc điều ước quốc tế mà nước này tham gia. Trên thực tế các chế độ đãi ngộ đặc biệt này thường được áp dụng trong các quan hệ ngoại giao – quan hệ lãnh sự
Theo điều 29 Công ước viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao thì nhân viên ngoại giao của nước ngoài ở nước sở tại được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt: “ thân thể của viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất kì hình thức nào. Nước tiếp nhận cần có sự đối xử trọng thị xứng đáng với họ và áp dụng mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, tự do hay phẩm cách của họ”
+ Chế độ có đi có lại
– Chế độ có đi có lại thể hiện ở việc một quốc gia dành một chế độ pháp lý nhất định cho cá nhân và pháp nhân nước ngoài tương ứng như trước đó đã dành và sẽ dành cho công dân và pháp nhân của mình ở đó trên cơ sở có đi có lại.
– Do các quốc gia có chế độ chính trị, nền kinh tế cũng như lịch sử khác nhau, cho nên trong thực tiễn chế độ có đi có lại được thể hiện dưới hai cách: có đi có lại thực chất và có đi có lại hình thức.
+ Có đi có lại thực chất: là một nước dành cho cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài một số quyền và nghĩa vụ hoặc những ưu đãi nhất định đúng bằng những quyền và nghĩa vụ cũng như những ưu đãi thực tế mà các cá nhân và pháp nhân của nước đó đã được hưởng ở nước ngoài kia. Có đi có lại thực chất được áp dụng ở những nước có cùng chế độ kinh tế – chính trị – xã hội.
+ Chế độ có đi có lại hình thức: Một nước dành cho cá nhân và pháp nhân nước ngoài một chế độ pháp lý nhất định như chế độ đãi ngộ như công dân hoặc chế độ đãi ngộ tội huệ quốc mà ở nước kia cũng đã dành cho công dân và pháp nhân nước mình một chế độ tương ứng như thế. Được áp dụng rất hữu hiệu trong quan hệ giữa các quốc gia có chế độ chính trị – xã hội khác nhau.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.