Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong việc giải quyết xung đột pháp luật về nội dung hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài

[VPLUDVN] Tự do trong khuôn khổ của pháp luật” – mọi thỏa thuận của các bên chủ thể hợp đồng, trong đó bao hàm việc chọn luật áp dụng vẫn phải nằm trong phạm vi mà pháp luật cho phép. Pháp luật cho phép là những quy định nào? Câu trả lời không quá khó cho những hợp đồng trong nước, nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều đối với các hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài khi mà tính chất “quốc tế” của chúng đưa lại hệ quả là “khả năng” tham gia chi phối của nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau. Lúc đó, chúng ta phải soi rọi vào pháp luật nào để tìm kiếm tính hợp pháp của việc chọn luật áp dụng?
Để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, trong đó bao hàm hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài thì mỗi nước có một ngành luật riêng – tư pháp quốc tế, một số nước gọi là Luật xung đột (Private International Law, Conflict of Law) [1]. Nhưng như trên đã phân tích về thẩm quyền giải quyết, tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được giải quyết bởi cơ quan tài phán nước này nhưng cũng có thể bởi cơ quan tài phán nước khác. Về nguyên tắc, cơ quan tài phán một nước sẽ áp dụng tư pháp quốc tế của nước đó để xem xét vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Vì thế, tư pháp quốc tế của nước có cơ quan tài phán thụ lý tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ là nguồn pháp luật xác định thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên chủ thể là hợp pháp hay không [2]. Phân tích này cho thấy, việc xác định hệ thống pháp luật được dùng để đánh giá tính hợp pháp của thỏa thuận chọn luật giữa các bên chủ thể trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào việc cơ quan tài phán thụ lý vụ việc tranh chấp thuộc nước nào. Do đó, xem xét thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài cần phải đặt trong sự gắn kết với từng con đường giải quyết tranh chấp.
-Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài: Pháp luật các nước, các điều ước quốc tế về trọng tài và quy tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài trên thế giới đều cho phép, khuyến khích các bên chủ thể thỏa thuận về luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung khi sử dụng con đường giải quyết tranh chấp là trọng tài. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật được lựa chọn không có nghĩa là tự do mà vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước, điều ước quốc tế có liên quan. Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam năm 2003 quy định: “Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, khi lựa chọn trọng tài nước nào, các bên chủ thể cần phải xem xét cả pháp luật nước đó, điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên có liên quan và quy tắc trọng tài (trong trường hợp đây là trọng tài quy chế) để biết được loại hợp đồng giữa họ có được phép thỏa thuận lựa chọn luật không và hệ thống pháp luật được lựa chọn có hợp pháp hay không?
-Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án: Tư pháp quốc tế của nước có tòa án sẽ là cơ sở để xem việc thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên có hợp pháp hay không. Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay đều đi theo hướng cho phép các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, quyền tự do thỏa thuận này cũng bị “tước bỏ” trong một số hợp đồng đặc biệt. Theo quy định tại Điều 769 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 của Việt Nam thì:
“1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng,nếu không có thỏa thuận khác.
Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy, hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam và hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam thì tòa án Việt Nam khi thụ lý sẽ luôn áp dụng pháp luật Việt Nam và vô hiệu hóa thỏa thuận chọn luật áp dụng (nếu có) của các bên chủ thể. Vì thế, khi thỏa thuận chọn luật áp dụng, cần thiết phải tìm hiểu một cách thấu đáo tư pháp quốc tế của nước có tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng.
Luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có được hiểu là áp dụng cho mọi vấn đề của hợp đồng?
Thông thường, điều khoản về luật áp dụng trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có nội dung mang tính chất khuôn mẫu như “mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng pháp luật nước X”. Giả định rằng tranh chấp được đưa ra xét xử tại tòa án nước Y và việc lựa chọn hệ thống pháp luật này là hợp pháp thì rốt cuộc có phải “mọi vấn đề của hợp đồng” đều được xem xét bằng pháp luật nước X hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào tư pháp quốc tế nước Y. Nếu tư pháp quốc tế của nước Y cho phép các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng cho mọi vấn đề của hợp đồng, câu trả lời là “có”. Nhưng đặt trường hợp tư pháp quốc tế của nước Y không cho phép thỏa thuận luật áp dụng cho một vấn đề nào đó của hợp đồng, câu trả lời là “không”. Ví dụ, Điều 770 của BLDS năm 2005 của Việt Nam quy định:
“1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam.
2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Như vậy, pháp luật Việt Nam không mở ra cơ hội thỏa thuận luật áp dụng về hình thức của hợp đồng. Do đó, khi nước Y là Việt Nam thì rõ ràng vấn đề hình thức của hợp đồng sẽ không được áp dụng theo hệ thống pháp luật mà các bên chủ thể thỏa thuận. Tương tự, pháp luật Việt Nam hiện hành (Điều 761, 762, 765 của BLDS năm 2005 cũng như các quy định khác) cũng không cho phép các bên chủ thể lựa chọn luật áp dụng về vấn đề năng lực chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng.
Các bên chủ thể có thể lựa chọn hệ thống pháp luật của bất kỳ nước nào trên thế giới hay không?
Xét về tính logic, các bên chủ thể của hợp đồng thường lựa chọn hệ thống pháp luật của nước có liên quan tới hợp đồng (ví dụ pháp luật của nước mà một trong các bên chủ thể có quốc tịch, nơi cư trú, trụ sở hay pháp luật nước nơi thực hiện hợp đồng…). Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy nhiều trường hợp các bên chủ thể lựa chọn luật áp dụng của nước không có mối liên hệ gì với hợp đồng một cách cố tình hay vô tình. Trường hợp vô tình như việc chọn luật áp dụng là pháp luật của Áo trong hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam với huấn luyện viên Letard (người Pháp) trước đây là một ví dụ điển hình. Pháp luật Việt Nam không hề có bất kỳ một hạn chế nào về hệ thống pháp luật được lựa chọn, do đó có thể hiểu rằng các bên chủ thể có quyền thỏa thuận về bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Qua khảo cứu pháp luật của nhiều nước và các điều ước quốc tế cũng cho thấy nội dung tương tự.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *