1. Quyền con người qua các bản hiến pháp và văn bản pháp luật

Những định hướng cơ bản trên đây về quyền con người của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thể hiện rõ qua quy định của các bản Hiến pháp. Hiến pháp 1946 đã dành hẳn 18 điều trong chương II – “nghĩa vụ và quyền lợi của công dân” để ghi nhận khá đầy đủ, toàn diện, bao quát và không hạn chế quyền công dân, trong đó nổi bật lên những phương diện chủ yếu của quyền con người, đó là quyền bình đẳng về mọi phương diện (chính trị, kinh tế, văn hoá ở Điều 6), bình đẳng dân tộc, bình đẳng giới và bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do trong các quan hệ chính trị-dân sự, kinh tế-xã hội-văn hoá; quyền dân chủ trong mọi quan hệ mà trước hết là dân chủ về chính trị.

Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 là thời kỳ phát triển mới của quyền con người ở Việt Nam. Nếu chế định quyền công dân của Hiến pháp 1946 còn mang đậm tính tuyên ngôn thì đến Hiến pháp 1959 là sự cụ thể hoá một quyền có tính nguyên tắc thành những quyền khác nhau và ở từng quyền có sự bảo đảm cho việc thực thi trên thực tế, ví dụ quyền của người lao động trong Hiến pháp 1959 được xác định rất cụ thể (quyền có việc làm, quyền nghỉ ngơi, quyền được giúp đỡ về vật chất…). Có thể nói, đến Hiến pháp 1959, chế định quyền công dân Việt Nam có bước phát triển dài, thể hiện rõ cách tiếp cận chế định quyền công dân hiện đại có tính phổ biêh trong cộng đồng quốc tế. Từ đó, Hiến pháp 1980 trên cơ sở kế thừa, tiếp thu và có sự bổ sung, cụ thể hoá mà chủ yếu là xác định các biện pháp để bảo đảm trên thực thế việc thực hiện quyền con người, quyền công dân tốt hơn. Hiến pháp 1980 đã nâng chế định quyền công dân lên bước phát triển mới, tạo khuôn khổ pháp lý rộng rãi để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các quyền công dân của mình phục vụ thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Pháp luật Việt Nam về quyền con người thông qua Hiến pháp 1992 và các bộ luật, luật, pháp lệnh… đã ghi nhận và tạo ra các bảo đảm thực tế cho các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của con người được thực hiện phù hợp với thời kỳ đổi mới. Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa. Gắn liền với quá trình này, quyền tự do kinh doanh của công dân chính thức được thừa nhận, trở thành nguyên tắc hiến định. Các quyền mang tính chất kinh tế, xã hội khác như quyền làm việc, quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi… được pháp luật bảo hộ. Đặc biệt, pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em rất phát triển tại Việt Nam. Việt Nam là một trong số những nước châu Á đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới đã ký và phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em nărtì 1989. Trong nội dung Hiến pháp 1992 có nhiều điều quy định về việc trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Các quyền dân sự của trẻ em được thể chế hoá đầy đủ, chi tiết, cụ thể trong Bộ luật dân sự 1995, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Kế thừa và phát triển tinh thần của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khoá XIII thông’qua ngày 28/11/2013 tiếp tục khẳng định các quyền cơ bản của con người. So vói Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định:

“Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14).

Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đó là:

“Quyền cọn người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng” (Điều 14).

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người khác mà Việt Nam là thành viên. Sự tiếp thu này là phù hợp với thời kỳ toàn cầu hoá và để những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp được đầy đủ hơn. Với những nội dung đã được hoàn thiện, hoàn toàn có thể khẳng định, Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người, quyền công dân được hiện thực hoá đầy đủ trong thực tiễn hướng tới xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

2. Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam

2.1 Về chính trị và dân sự

Trên bình diện quốc tế và khu vực, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có quyền dân tộc tự quyết, có quyền lựa chọn và quyết định thể chế chính trị cũng như tham gia và thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hê thương mại với trên 165 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN…

Trong từng góc độ của quyền dân sự-chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển và bảo vệ quyền con người. Nhà nước quan tâm và bảo đảm cho các quyền dân chủ về chính trị, dân sự của người dân được thực hiện. Các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tư tưởng, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân được tôn trọng. Nhà nước bảo đảm cho những quyền này của công dân và trừng trị nghiêm khắc những hành vi vi phạm các quyền đó.

2.2 Về kinh tế-xã hội-văn hoá

Hiện nay, chỉ số phát triển của con người Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan, trong đó chỉ số HDI của Việt Nam gia tăng tương đối nhanh, xếp hạng HDI của Việt Nam trong các nước và vùng lãnh thổ có chuyển biến rõ rệt, xếp hạng về HDI cao hơn xếp hạng về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương. Bên cạnh đó, quyền được chăm sóc sức khỏe của con người luôn là mục tiêu ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và nhà nước. Có thể nói, thành tựu trong phát triển y tế là thành tựu nổi bật nhất trên các lĩnh vực của Việt Nam.

Việt Nam hiện đang thu được những kết quả không nhỏ trong lĩnh vực phát triển giáo dục, văn hoá mà nổi bật trong đó là việc đổi mới các hình thức đào tạo theo hướng đa dạng hoá, mở ra cho cá nhân cơ hội được đào tạo và sự lựa chọn rộng rãi để nâng cao tri thức.

Ngoài những thành tựu nói trên, công cuộc đổi mới tại Việt Nam đang tạo ra sự thay đổi tích cực trong phát triển và tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn, từ một nước nhập khẩu gạo, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định… Theo đánh giá chung, sự phân bổ thu nhập trong tầng lớp dân cư của Việt Nam được coi là tương đối bình đẳng.

2.3 Về bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giới

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, mức sống của người dân đã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, mặt bằng dân trí được nâng lên, văn hoá phát triển phong phú, trong đó văn hoá truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.

Quyền bình đẳng nam nữ được tôn trọng và tạo điều kiện thực hiện. Phụ nữ tham gia chính trị ngày càng nhiều, có mặt ở các vị trí lãnh đạo của tất cả các cấp. Việt Nam có một đội ngũ cán bộ nữ có trình độ học vấn cao. Các quyền tự do trong hôn nhân và gia đình của phụ nữ được đảm bảo.

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sôhg cũng như bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tóm lại, xã hội Việt Nam là xã hội vì con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống làm mục tiêu hành động và phục vụ. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành và thực hiện các chính sách xã hội theo quan điểm phát huy nhân tố con người, bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, kết hợp tốt giữa tăng trưởng kinh tế vói tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần; đáp ứng nhu cầu trước mắt và chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.