Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

[VPLUDVN] Người ta thường bảo nhau rằng có vô phúc mới đáo tụng đình. Chỉ khi không thể nào thương thảo, giải quyết nội bộ với nhau được thì người ta mới lôi nhau ra tòa. Kiện tụng không chỉ cho thấy mối quan hệ giữa các bên xảy ra tranh chấp thiếu hòa khí mà khi giải quyết bằng phương thức này còn cũng “ngốn” không ít tiền bạc, công sức và thời gian. Vậy thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm một vụ án dân sự là bao lâu?

Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án

Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định cụ thể tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

  • Thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án:
    Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự được quy định tại Điều 26 và các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  • Thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án:
    Đối với các vụ án tranh chấp về kinh doanh, thương mại được quy định tại Điều 30 và các vụ án tranh chấp về lao động được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  • Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan:
    – Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án được quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật.
    – Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng đối với vụ án được quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

Hồ sơ vụ án dân sự bao gồm:

  • Đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác;
  • Tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án;
  • Văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án dân sự.

Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án dân sự phải được đánh số bút lục, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm. Giấy tờ, tài liệu có trước thì để ở dưới, giấy tờ, tài liệu có sau thì để ở trên và phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Các quyết định trong thời hạn chuẩn bị xét xử

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, tùy từng trường hợp mà Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  2. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  3. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  4. Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa.

Trường hợp có lý do chính đáng thì Tòa án phải mở phiên tòa trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi tiến hành hòa giải theo thủ tục quy định tại Khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.

Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *