Căn cứ pháp lý
Điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định về thủ tục phiên tòa phúc thẩm như sau:
“1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
2. Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
3. Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.”
Thủ tục phiên tòa phúc thẩm tiến hành như thế nào?
Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành khi kháng cáo, kháng nghị hợp lệ hoặc tuy kháng cáo quá hạn nhưng có lý do chính đáng được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Tòa án cấp phúc thẩm là câp xét xử thứ hai có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm thông qua việc xét xử lại vụ án tại phiên tòa.
Khoản 1 Điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự(có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định “Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm”. Như vậy, phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm cơ bản giống nhau, cũng bao gồm phấn thủ tục, phần xét hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án.
Tuy nhiên, phiên toà phúc thẩm khác với phiên tòa sơ thẩm ở một số điểm sau đây:
– Ở phần thủ tục, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ kiểm tra căn cước của các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị, trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
– Phần xét hỏi tại phiên tòa chủ yếu tập trung vào làm sáng tỏ các vẩn đề liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị;
– Ở phần tranh luận, trên cơ sở đánh giá những chứng cứ cũ, chứng cứ mới đã được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm, về hướng giải quyết vụ án.
– Trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm nghị án, chỉ có các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị mới có quyền nói lời sau cùng.
Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo/Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên/bị cáo và những người liên quan trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Đồng thời, khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Như vậy, thủ tục phiên tòa phúc thẩm có nhiều nét cơ bản giống với thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên vẫn có những điểm mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Viện kiểm sát, của người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời, nội dung của phiên tòa phúc thẩm cũng tập trung theo hướng làm rõ nội dung kháng cáo, kháng nghị trên cơ sở xem xét các chứng cứ mới, các chứng cứ cũ, tài liệu, đồ vật, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.