Mặc dù chưa có khái niệm cụ thể về người chưa thành niên, song căn cứ vào những quy định nêu trong các bộ luật nói trên, có thể hiểu về người chưa thành niên như sau: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Như vậy, người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam bao gồm cả trẻ em và những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì cụm từ “Người chưa thành niên” được thay thế bằng “Người dưới 18 tuổi”.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống thống kê thống nhất với các số liệu đáng tin cậy về tình hình người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật (VPPL), bao gồm cả vi phạm hành chính (VPHC) và phạm tội hình sự để làm cơ sở đánh giá một cách chính xác thực trạng người dưới 18 tuổi VPPL. Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người dưới 18 tuổi VPPL. Phần lớn VPPL do người dưới 18 tuổi thực hiện là VPHC, trung bình chiếm gần 63%. Trong giai đoạn 2013-2019, số vụ VPHC do người dưới 18 tuổi thực hiện giảm mạnh (66%), trong khi số vụ phạm tội hình sự giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (gần 35%). Điều đó khiến cho tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự trên tổng số VPPL do người dưới 18 tuổi thực hiện lại tăng lên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số liệu nêu trên chưa phản ảnh đầy đủ tình hình người dưới 18 tuổi VPPL bị xử lý VPHC. Từ năm 2014 đến nay, việc theo dõi tình hình xử lý VPHC đã được cải thiện và những số liệu do Cục Quản lý, xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết số người dưới 18 tuổi VPPL trung bình mỗi năm có thể lên đến 18.000 người. Trong thời gian tới, nguồn số liệu này cần được nhanh chóng tích hợp với các số liệu người dưới 18 tuổi phạm tội hình sự để có thể đánh giá chuẩn xác về tình hình người dưới 18 tuổi VPPL.
Trong số vụ VPPL do người dưới 18 tuổi thực hiện, các hành vi xâm phạm sở hữu là phổ biến nhất (gần 46%), đặc biệt là trộm cẳp tài sản (gần 38%). Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác chiếm hơn 18% trên tổng số vi phạm. Đi sâu vào nghiên cứu số liệu phạm tội hình sự, gần 71% người dưới 18 tuổi bị khởi tố về một trong bốn tội danh sau: Trộm cắp tài sản (34%), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (16,8%), cướp tài sản (11,9%), và cướp giật tài sản (8,1%).
Khoảng 96% người dưới 18 tuổi VPPL là nam và vi phạm lần đầu. Trong giai đoạn 2013-2019, số người dưới 18 tuổi VPPL từ hai lần trở lên giảm. Nhiều người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi VPPL do đồng phạm với người trên 18 tuổi, kể cả với chính cha mẹ mình. Gần 21% người dưới 18 tuổi bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như có bố hoặc mẹ đã bị phạt tù hoặc đang bị giam giữ, cải tạo, bố mẹ ly dị, không có bố hoặc mẹ hoặc đi lang thang.
Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi VPPL. Tổng hòa những quy định mới này của pháp luật đã cho thấy một xu hướng cải cách rõ rệt nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện, hiệu quả, thân thiện và có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dưới 18 tuổi VPPL.
Thứ nhất, Luật Trẻ em (LTE), Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Xử lý vi phạm hành chính (LXLVPHC) đã quy định những nguyên tắc định hướng, những yêu cầu cơ bản trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi VPPL.
Thứ hai, các văn bản pháp luật nêu trên yêu cầu ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý không chính thức, thay thế cho xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự (xử lý chuyển hướng). Những quy định mới của Luật hòa giải cơ sở (LHGCS), LXLVPHC đã quy định cụ thể hơn về phạm vi và cách thức áp dụng các biện pháp thay thế đối với người dưới 18 tuổi thực hiện những VPHC nhỏ.
Thứ ba, cả LXLVPHC và BLHS đều yêu cầu hạn chế áp dụng các chế tài hạn chế tự do đối với người dưới 18 tuổi VPPL, cụ thể là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và hình phạt tù có thời hạn. BLTTHS năm 2015 đã quy định giảm đáng kể thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi. Ví dụ, thời hạn tạm giam tối đa đối với tội đặc biệt nghiêm trọng đã giảm 45% từ 22 tháng xuống còn 12 tháng.
Thứ tư, việc hình thành Tòa gia đình và người dưới 18 tuổi trong hệ thống Tòa án nhân dân với tư cách là tòa chuyên trách về các vấn đề của người dưới 18 tuổi và gia đình. Đây là bước tiến hết sức mạnh mẽ trong việc chuyên môn hóa các thiết chế tư pháp người dưới 18 tuổi trên cơ sở thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc.
Thứ năm, các văn bản pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý để tăng cường các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với độ tuổi, điều kiện, hoàn cảnh cá nhân của người dưới 18 tuổi, bảo đảm tính linh hoạt nhằm giải quyết các nguyên nhân và điều kiện VPPL. Nổi bật nhất là việc Luật Trợ giúp pháp lý (LTGPL) mở rộng phạm vi trợ giúp pháp lý đối với toàn bộ trẻ em và người dưới 18 tuổi phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. LTE lần đầu tiên quy định vai trò, trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý VPHC, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự đã xác định rõ vai trò của cán bộ tư pháp trẻ em bán chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ quản lý những người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS để giáo dục, phục hồi tại cộng đồng.
Thứ sáu, BLTTHS, LXLVPHC và nhiều văn bản dưới luật đã có các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ pháp lý đối với người dưới 18 tuổi VPPL và thủ tục tổ tụng hình sự, xét xử thân thiện đối với người dưới 18 tuổi, cho phép Người dưới 18 tuổi VPPL và gia đình được tham gia đầy đủ hơn vào quá trình xử lý, được bảo vệ sự riêng tư tốt hơn. Đặc biệt, LXLVPHC chuyển thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ cơ quan hành chính sang cho cơ quan tư pháp đã thể hiện cải cách pháp luật to lớn, bảo đảm các quyền tố tụng và một số quyền hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
Thứ bảy, hệ thống báo cáo, quản lý số liệu về người dưới 18 tuổi VPPL cũng đã được tăng cường với việc ban hành Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT/BLĐTBXH-BC. VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc thu thập, quản lý, cung cấp và sử dụng số liệu về người dưới 18 tuổi VPPL và Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Những tiến bộ nêu trên đã tiếp tục đưa hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam tiệm cận hơn nữa với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em nói chung và luật pháp trẻ em nói riêng; tuy vậy, vẫn chưa đạt tới mức cần thiết để xây dựng một hệ thống tư pháp toàn diện cho người dưới 18 tuổi ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đã chỉ ra một số hạn chế cả về thể chế, thiết chế, hệ thống dịch vụ và hệ thống theo dõi, báo cáo cần đưa tiếp tục hoàn thiện trong tương lai.
Trước hết, hiện nay chưa có một kế hoạch chiến lược về cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành hiệu quả trong việc xây dựng tư pháp cho người dưới 18 tuổi. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi VPPL trong thời gian qua mặc dù thể hiện một xu hướng cải cách mạnh mẽ nhưng còn thiếu một tầm nhìn tổng thể, mang tính chiến lược nhằm bảo đảm sự nhất quán và đồng bộ của hệ thống luật pháp, chính sách. Việc triển khai thi hành các quy định mới của pháp luật được tiến hành theo ngành dọc mà thiếu sự điều phối chung.
Hệ thống luật pháp, chính sách về tư pháp người dưới 18 tuổi vẫn còn tản mạn và khiếm khuyết. Việt Nam vẫn chưa có một luật tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho một hệ thống tư pháp cho người dưới 18 tuổi riêng biệt và đặc thù. Đặc biệt, việc xử lý người dưới 18 tuổi VPPL được thực hiện theo hai hệ thống pháp luật hành chính và hình sự với sự độc lập nhất định dẫn đến tình trạng không nhất quán trong chính sách xử lý. Đồng thời, các văn bản pháp luật mới được ban hành, sửa đổi bổ sung tuy có nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn còn một số khiếm khuyết.
Việt Nam cũng còn thiếu một đội ngũ cán bộ chuyên trách để xử lý, giáo dục, phục hồi cho người dưới 18 tuổi VPPL. Việc hình thành Tòa án gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án nhân dân là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy cách thức tiếp cận chuyên môn hóa trong việc xử lý các vụ án của người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, ở các cơ quan Công an, Kiểm sát, Luật sư thì vẫn chưa có các cán bộ chuyên trách được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc có hiệu quả với người dưới 18 tuổi.
Các dịch vụ giáo dục, phục hồi cho người dưới 18 tuổi VPPL tại cộng đồng còn thiếu, chất lượng chưa cao để có thể hỗ trợ người dưới 18 tuổi khắc phục các nguyên nhân và điều kiện VPPL như tham vấn, giáo dục kỹ năng sống và dạy nghề. Bên cạnh đó, sự tham gia của gia đình, các cơ quan và tổ chức trong quá trình này vẫn còn mang tính hình thức. Người dưới 18 tuổi VPPL trong các trường giáo dưỡng và trại giam có quyền được học tập, học nghề và giúp đỡ để chuẩn bị tái hòa nhập. Tuy nhiên, các chương trình giáo dục, dạy nghề và các chương trình khác được xây dựng nhằm chuẩn bị cho trẻ em tái hòa nhập ở một số cơ sở vẫn còn hạn chế về chất lượng và chưa đa dạng.
Hình phạt tù có thời hạn vẫn được áp dụng quá nhiều đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong thời gian qua, số người dưới 18 tuổi phạm tội bị xử phạt tù có thời hạn vẫn còn rất cao. Từ năm 2013 đến năm 2019, có 15.382 người dưới 18 tuổi bị tòa án xử phạt tù có thời hạn, chiếm khoảng 67% bị cáo chưa thành niên. 6,086 em khác cũng bị xử phạt tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo (khoảng 26,5% trên tổng số bị cáo chưa thành niên).
Việc thống kê, báo cáo, phân tích số liệu về người dưới 18 tuổi VPPL còn chưa được thực hiện đầy đủ và có hệ thống. Việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch dựa trên bằng chứng đang bị cản trở do thiếu nghiên cứu sâu rộng về các yếu tố dẫn đến VPPL của người dưới 18 tuổi và những biện pháp có hiệu quả nhất để giáo dục, phục hồi người dưới 18 tuổi VPPL, ngăn ngừa tái phạm.
Trên cơ sở phân tích tình hình người dưới 18 tuổi VPPL trong thời gian qua, những tiến bộ và thách thức trong việc hoàn thiện luật pháp, chính sách cũng như thi hành pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp nâng cao, với các bước đi ngắn hạn và trung hạn cụ thể để tăng cường hiệu quả phòng ngừa, xử lý, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi VPPL trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, cần xây dựng một chiến lược phát triển tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện trong đó xác định rõ định hướng xây dựng một hệ thống tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện, với các bước đi có lộ trình hợp lý, khả thi nhằm phòng ngừa và ứng phó hiệu quả, đồng bộ đối với VPPL của Người dưới 18 tuổi.
Hai là, tăng cường điều phối về tư pháp người dưới 18 tuổi và phối hợp liên ngành. Việc xác định một cơ quan đầu mối, có trách nhiệm điều phối về tư pháp người dưới 18 tuổi là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện luật pháp, chính sách và phương pháp tiếp cận thống nhất về tư pháp người dưới 18 tuổi. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm điều phối và bảo đảm phối hợp liên ngành chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp với nhau và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan phúc lợi, giáo dục, y tế và các chủ thể khác trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi VPPL. Bên cạnh đó các cơ quan này có chức năng theo dõi, giám sát tổng thể hiệu quả của hệ thống tư pháp cho người dưới 18 tuổi và thực thi luật pháp và các chính sách về tư pháp người dưới 18 tuổi.
Ba là, đưa ra những khuyến nghị để tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về tư pháp người dưới 18 tuổi, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện.
Bốn là, nâng cao năng lực và từng bước chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tư pháp người dưới 18 tuổi cũng là giải pháp hết sức cần thiết, khẩn trương hình thành Tòa án gia đình và người dưới 18 tuổi trên toàn quốc, đặc biệt là ở cấp huyện; nghiên cứu tính khả thi tiến tới thành lập các đơn vị/đội điều tra chuyên trách về người dưới 18 tuổi.
Năm là, thúc đẩy sự tham gia của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp người dưới 18 tuổi. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Đề án quốc gia về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011- 2020. Thời gian tới, cần quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp người dưới 18 tuổi, cụ thể trong LTE, BLHS và xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng người dưới 18 tuổi VPPL.
Sáu là, tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, phục hồi tại cộng đồng, thực nghiệm cho xử lý VPHC và truy cứu trách nhiệm hình sự, các chương trình tư pháp phục hồi cho người dưới 18 tuổi VPPL, đặc biệt từng bước tăng cường sự đa dạng và chất lượng của của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng, với sự tham gia chủ động, tích cực của gia đình, nhà trường, cộng đồng, khu vực kinh tế tư nhân, các cơ sở cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện và các chủ thể khác.
Song song với việc tăng cường giáo dục, phục hồi tại cộng đồng, cần tiếp tục giảm dần việc áp dụng các chế tài giam giữ, đặc biệt hạn chế phạm vi áp dụng cùa hình phạt tù có thời hạn và rút ngắn thời hạn tối đa của hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cần nghiên cứu và đề xuất chỉ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng như một chế tài hình sự thay vì biện pháp xử lý hành chính.
Bảy là, cần tăng cường hệ thống dữ liệu để theo dõi, giám sát tình hình người dưới 18 tuổi VPPL, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu về tư pháp người dưới 18 tuổi để cung cấp những thông tin xác thực, có cơ sở khoa học cho quá trình tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về tư pháp người dưới 18 tuổi.
Nguyễn Thanh Bình
Hoàng Mạnh Thắng
Khoa Cảnh sát hình sự – Học viện CSND
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.