Tình hình tội phạm ở Việt Nam

1. Thực trạng tình hình tội phạm ở nước ta trong giai đoạn 10 năm qua

Trong thập niên qua, thế giới và khu vực đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, tình hình kinh tế – xã hội toàn cầu diễn ra phức tạp. Hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính ở Châu Á năm 1997 đã dẫn đến sự suy giảm kinh tế ở nhiều nước. Đặc biệt sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ kéo theo là cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Irắc do Mỹ đứng đầu; các cuộc xung đột sắc tộc, ly khai dân tộc, diễn ra ở nhiều khu vực với nhiều hình thức mới đã tác động sâu sắc làm thay đổi cục diện tình hình an ninh, chính trị thế giới. Tình trạng khủng bố xảy ra ở nhiều quốc gia với tính chất và quy mô khác nhau. Lợi dụng chiêu bài chống khủng bố, Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ các nước làm cho tình hình ngày càng phức tạp, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự nước ta. Dịch bệnh các loại hoành hành ở nhiều nơi, giá cả các mặt hàng chiến lược không ổn định và tăng cao đã gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế – xã hội nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trong đó có Việt Nam. ở trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”; lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, kích động bọn phản động và các đối tượng cực đoan tăng cường các hoạt động chống phá, chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm cho tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao… Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội được đẩy mạnh; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế và lực của Việt Nam ngày càng được củng cố, vững mạnh hơn bao giờ hết, vị trí Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, mỗi năm phát hiện trung bình trên 70 ngàn vụ phạm tội các loại, trong đó khoảng 50 ngàn vụ phạm tội về trật tự xã hội, trên 10 ngàn vụ phạm tội về kinh tế và gần 10 ngàn vụ phạm tội về ma tuý. So với các nước trên thế giới và trong khu vực thì tình hình tội phạm ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp, nhưng tính chất phức tạp. Đáng lưu ý, tỷ lệ tội phạm ẩn ở nước ta cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tội phạm về kinh tế, ma tuý.

Tội phạm tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn (chiếm 70%). Các tuyến, địa bàn tội phạm xảy ra nhiều: năm thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ (chiếm 25% – 30% tổng số vụ phạm tội trên toàn quốc hàng năm); các tuyến Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…), thành phố. Hồ Chí Minh – các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang…), các tỉnh miền Trung – Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Bình Định…).

Một số đặc điểm nổi bật của tình hình tội phạm trong giai đoạn này là:

Các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng bạo lực, hình thành các băng, ổ nhóm, hoạt động có tổ chức phức tạp, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, có sự móc nối với một số cán bộ công chức nhà nước, hoạt động lưu động, công khai, trắng trợn, gây tâm lý hoang mang lo sợ trong nhân dân và thường tập trung vào một số loại tội phạm như: giết người; cướp tài sản; cố ý gây thương tích, giết người thuê; bảo kê nhà hàng, khách sạn, vũ trường, tổ chức các sòng bạc, cá độ, ma tuý, mại dâm…

Xu hướng liên kết hình thành các băng, nhóm tội phạm ngày càng gia tăng rõ rệt, hoạt động có tính chất lưu động ở nhiều địa bàn khác nhau, gây nhiều loại án khác nhau. ở một số địa phương xuất hiện loại tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” núp dưới nhiều vỏ bọc công khai như khách sạn, nhà hàng, nghiệp đoàn, doanh nghiệp tư nhân… Với tính chất côn đồ hung hãn, thủ đoạn tinh vi như bảo kê nhà hàng, cho vay nặng lãi, xiết nợ thuê, đâm thuê, chém mướn… hoạt động ngang nhiên, trắng trợn, táo bạo, thách thức pháp luật như: ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Thuận… Điển hình là tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu tại thành phố Hồ Chí Minh, băng nhóm tội phạm Hà Lê (Khánh Hoà), Hai Chi (Bình Thuận)…

Tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng, đã xuất hiện một số băng nhóm tội phạm là người nước ngoài, hoặc các đối tượng là người Việt Nam câu kết với các đối tượng người nước ngoài để thực hiện các hành vi phạm tội như giết người, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma tuý, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp…. Từ sau khi đẩy mạnh điều tra triệt phá một số băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen lớn, đặc biệt là băng nhóm Năm Cam và đồng bọn, tình hình các băng, nhóm tội phạm có xu hướng “co lại” không còn hoạt động công khai, trắng trợn, thách thức pháp luật như trước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Gần đây, đã phát hiện sự móc nối giữa các băng nhóm hoạt động trên nhiều tuyến, địa bàn, lĩnh vực; nổi lên một số băng, nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, ăn chơi mâu thuẫn dẫn đến dùng dao, mã tấu đâm, chém lẫn nhau diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.

Cũng đã xuất hiện một số băng, nhóm tội phạm là người nước ngoài, hoặc các đối tượng là người Việt Nam câu kết với các đối tượng người nước ngoài để thực hiện các hành vi phạm tội như giết người, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma tuý, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp…

Các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp Tội phạm giết người, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ. Mặc dù số vụ án giết người đã được kiềm chế và có xu hướng giảm, nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Trong các vụ án giết người, giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao (90%), có nhiều vụ nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì mâu thuẫn, cãi, chửi nhau dẫn đến phạm tội. Đáng chú ý, tình trạng người thân trong gia đình giết nhau, như vợ giết chồng, chồng giết vợ, bố giết con, con giết bố, cháu giết ông… có xu hướng tăng. Số vụ giết người để cướp tài sản chỉ chiếm khoảng 10%. Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

Tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em gia tăng. Đặc biệt tình trạng hiếp dâm trẻ em xảy ra hết sức nghiêm trọng, trung bình mỗi năm xảy ra 600 vụ. Có một số vụ hiếp dâm tính chất rất nghiêm trọng. Thời gian gần đây, các vụ hiếp dâm, kể cả hiếp dâm trẻ em xẩy ra nhiều ở khu vực, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tội cướp tài sản trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.600 vụ. Tuy nhiên, những vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng, có sử dụng vũ khí nóng xẩy ra nhiều, có những vụ diễn ra công khai, trắng trợn tại trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, đặc biệt là tình trạng dùng súng cướp các tiệm vàng giữa ban ngày ở khu vực đông dân cư và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt. Tình trạng cướp xe ôm, cướp xe tắc xi xảy ra nhiều ở một số địa phương. Đặc biệt là các vụ cướp xe máy bằng thủ đoạn sử dụng thuốc mê; dùng gậy, vật cứng, bất ngờ tấn công chủ phương tiện rồi cướp xe, nhất là ở các địa bàn giáp ranh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Đáng lưu ý là xu hướng hình thành các băng, nhóm tội phạm cướp mang tính tổ chức, hoạt động lưu động ở nhiều tỉnh, có nhiều đối tượng tham gia (làm quen qua chát, hoặc lập kế hoạch rủ nhau đi cướp thông qua mạng..) .

Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên tăng cao trong những năm gần đây, thậm chí hình thành những băng nhóm học sinh dùng dao lê, côn, kiếm… đâm chém, sát phạt lẫn nhau. Hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá xảy ra phức tạp, đã phát hiện một số đường dây cá độ bóng đá lớn (vụ cá độ bóng đá ở TP. Hồ Chí Minh do Hồ Thị Ngọc Lan cầm đầu với số tiền 2,3 tỷ đồng và 903.870 USD; vụ cá độ, dàn xếp tỷ số liên quan đến nhiều trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên…).

Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (PNTE) có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến năm 2006, cả nước đã phát hiện khoảng 5 ngàn PNTE bị buôn bán. Đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp và có tiền án, tiền sự về buôn bán PNTE, thường câu kết với những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, câu móc, lừa gạt đưa PNTE ra nước ngoài. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng chủ yếu là công dân Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm này thường triệt để lợi dụng số PNTE ở các vùng nông thôn nghèo, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp thiếu việc làm để lừa đảo đưa qua biên giới bán cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm ở nước ngoài ; chúng còn lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập của nước ta, lợi dụng sơ hở của pháp luật trong vấn đề tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, đi hợp tác lao động để lừa gạt PNTE ra nước ngoài bán. Đặc biệt, bọn tội phạm tích cực lợi dụng công nghệ viễn thông hiện đại, thông qua Internet, chat, game… để thiết lập đường dây buôn bán PNTE, các đường dây gái gọi qua mạng, qua điện thoại di động, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia nên nhiều PNTE, kể cả sinh viên cũng bị lừa đưa ra nước ngoài bán.

Về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách và tập trung chỉ đạo quyết liệt chống loại tội phạm này nhưng tình trạng tiêu cực, tham nhũng còn xảy ra phổ biến, nhất là trong các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhức nhối cho xã hội. Nổi lên một số nét cụ thể:

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các vụ buôn lậu xảy ra nhiều ở khu vực biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia qua các đường buôn bán tiểu mạch, tại các cửa khẩu, đường biển, đường hàng không vào Việt Nam xảy ra rất nghiêm trọng mà chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Tội phạm buôn lậu thường kéo theo cùng với một số loại tội phạm khác như kinh doanh trái phép, làm hàng giả, trốn thuế và đi cùng với tội đưa và nhận hối lộ làm tha hoá một số lớn đội ngũ cán bộ công chức nhà nước trong các ngành thuế vụ, hải quan, công an v.v… Điển hình như vụ án Tân Trường Sanh, truy tố 86 bị can, trong đó hơn một nửa là cán bộ hải quan; vụ buôn lậu xăng, dầu ở Tiền Giang cũng tương tự. Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, lập hồ sơ giả, kê khai khống, lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách của Nhà nước.

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả; vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ tiền giả diễn ra phức tạp ở hầu hết các vùng, miền trong cả nước. Hình thành những tổ chức, đường dây sản xuất, vận chuyển ở thôn Thống Nhất xã Thủ Sỹ tiêu thụ tiền giả mang tính chuyên nghiệp ở từng cung đoạn khác nhau. Bên cạnh tiền Đồng Việt Nam giả, các loại ngoại tệ, séc, thẻ tín dụng giả xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động, tội phạm tẩy rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, … đã xuất hiện trong những năm gần đây.

Tội phạm tham nhũng, tình trạng tiêu cực xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, vi phạm quản lý đất đai…, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có một số vụ án lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ Tân Trường Sanh, EPCO -Minh Phụng; vụ Dệt Nam Định, vụ thuỷ cung Thăng Long, vụ Mường Tè – Lai Châu, PMU 18… gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nguy hiểm hơn là chúng đã làm tha hoá một bộ phận cán bộ công chức trong các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, số vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, đưa ra ánh sáng còn ít.

Gần đây xuất hiện loại tội phạm làm giả cổ phiếu chứng khoán, lừa đảo trong đầu tư chứng khoán, lừa đảo qua mạng, thâm nhập vào mạng để lấy cắp tiền ở tài khoản của cá nhân hoặc của ngân hàng, lấy cắp thông tin cá nhân để làm thẻ tín dụng giả hoặc bán cho đối tượng pham tội khác…

Tội phạm về ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp. Nguồn ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam chưa giảm, tập trung trên các tuyến biên giới, phần lớn là các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma tuý (chiếm 71%); tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý chiếm 12%. Thành phần người phạm tội ma tuý cũng rất phức tạp: Thanh thiếu niên học sinh, sinh viên, đảng viên, công nhân viên chức, người nước ngoài, nông dân, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ em phạm tội.

Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ma túy thường rất tinh vi, xảo quyệt, được tổ chức một cách chặt chẽ, sẵn sàng sử dụng bạo lực, tấn công, chống trả quyết liệt với các lực lượng đấu tranh chống tội phạm ma tuý, kể cả giết người bịt đầu mối (ở Lai Châu chúng đã giết chết Trung uý Phạm Văn Cường, cán bộ phòng Cảnh sátđiều tra tội phạm về ma tuý – Công an tỉnh Lai Châu).

Tỷ lệ người nghiện ma tuý phạm tội ngày càng cao, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiện nay cả nước có khoảng 170 ngàn người nghiện ma tuý, đây là số liệu người nghiện có hồ sơ quản lý, còn số người nghiện thực tế lớn hơn nhiều. Mặt khác, do phương pháp điều trị, cai nghiện của chúng ta hiệu quả còn thấp, tỷ lệ tái nghiện cao (có nơi tỷ lệ tái nghiện lên đến 90%) nên số các đối tượng nghiện các chất ma tuý thường xuyên được bổ sung, tạo ra sức ép rất lớn trong mối quan hệ “cung – cầu” các chất ma tuý, dẫn đến tình trạng buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý ngày một gia tăng.

Thời gian gần đây xuất hiện một số tổ chức tội phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma tuý với số lượng lớn, phạm tội nhiều lần, liên quan đến cả đối tượng là người nước ngoài tham gia. Thí dụ vụ buôn ma tuý ở Quảng Trị phát hiện 185 bánh Heroin, vụ buôn lậu ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh có các các đối tượng người Campuchia, người úc gốc Việt Nam…

Tình trạng sử dụng trái phép các chất ma tuý, đặc biệt là ma tuý tổng hợp diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, một số tụ điểm hoạt động trong thời gian dài, công khai, trắng trợn, có sự bảo kê của một số cán bộ cơ sở… Nhiều tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp, ăn chơi thác loạn trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke (Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương…). Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên (85% trong lứa tuổi 16-25, cá biệt có đối tượng 14 tuổi), có vụ hàng trăm đối tượng tham gia.

Hiện tượng tinh chế, sản xuất heroin có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam (vụ Trịnh Nguyên Thuỷ tại Hà Nội). Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện xảy ra ở một số địa phương (Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hoá, Đồng Tháp…).

Tình hình tội phạm xảy ra như trên đã tác động làm xuất hiện một số vấn đề xã hội bức xúc như mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân tuy đã được tập trung giải quyết, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai hình thành điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở một số địa phương. Các loại tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc… chưa giảm, hoạt động dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm vi phạm trật tự an toàn giao thông, đua xe trái phép, vấn đề tai nạngiao thông đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”. Để đạt được điều đó đòi hỏi phải đấu tranh kiên quyết với tất cả các loại tội phạm, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, từng bước loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

2. Một số đặc điểm tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay

a. Sự hình thành các tổ chức, băng, nhóm tội phạm có chiều hướng gia tăng

Để tồn tại và tiếp tục hoạt động, tránh được sự phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bọn tội phạm thường tìm cách móc nối, liên kết, hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình hoạt động phạm pháp, tạo thành các tổ chức, băng, nhóm tội phạm. Đây là một xu hướng phát triển của tội phạm hiện nay không chỉ ở nước ta mà ở hầu hết các nước trên thế giới như: Liên bang Nga, Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Ma Cao… Bọn tội phạm đã liên kết hình thành các tổ chức tội phạm, thâm nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở nhiều nước và đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành những tổ chức tội phạm mang tính quốc tế như: các băng “ Hội Tam Hoàng”, “Trúc Liên Bồng”, “Tai Huen Chai”, Hội 14K ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, “Quân đội đỏ Nhật Bản” ở Nhật Bản…

Hoạt động của tội phạm có tổ chức không chỉ diễn ra trong một số lĩnh vực nhất định mà đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động buôn bán ma tuý, buôn lậu, giết người, bảo kê, cố ý gây thương tích… Sự liên kết, trở thành các tổ chức, băng, nhóm tội phạm xảy ra không chỉ trong một xã, phường, thị trấn, thị xã hay một quận, huyện… mà đã diễn ra trong phạm vi rộng hơn nhiều, trở thành những tổ chức, băng, nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, trong phạm vi cả nước. Một số trường hợp còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tội phạm xuyên quốc gia, đa quốc gia, tội phạm mang tính quốc tế…

b. Tính chất các loại tội phạm ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, hậu quả của tội phạm ngày càng lớn

Xu hướng các loại tội phạm xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Bọn tội phạm luôn tìm mọi cách để thực hiện hành vi phạm tội một cách nhanh gọn, tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chuyên môn. Chúng dùng cả kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp và ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ vào quá trình phạm tội. Có trường hợp, chúng còn giả tạo hiện trường, đánh lạc hướng sự điều tra của các cơ quan chuyên môn, hoặc tự tử, thủ tiêu, giết người bịt đầu mối…

Hậu quả, tác hại do tội phạm gây ra ngày một lớn hơn so với trước, nhất là trong các vụ phạm tội kinh tế. Những năm trước, trong các vụ án, hậu quả xảy ra không nhiều, thiệt hại không lớn (chỉ vài chục triệu đồng, hoặc vài trăm triệu đồng), nhưng những năm gần đây, số vụ phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều, có vụ gây thiệt hại đến hàng nghìn tỷ đồng như vụ EPCO – Minh Phụng, Tân Trường Sanh (khoảng trên 7 ngàn tỷ đồng)…

c. Tội phạm sử dụng thành tựu của khoa học – công nghệ vào quá trình phạm tội ngày càng nhiều, số người phạm tội là người có trình độ học vấn cao ngày càng gia tăng

Trong điều kiện khoa học – công nghệ phát triển ở mức cao, trình độ nhận thức của người dân được nâng lên, khoa học phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ngày càng phát triển. Các cơ quan điều tra tội phạm được trang bị nhiều công cụ, phương tiện, kỹ thuật hiện đại, nhất là trong quá trình nghiên cứu, phát hiện, thu, bảo quản, giám định các loại dấu vết hình sự. Mọi dấu vết do tội phạm gây ra đều có thể được phát hiện, nghiên cứu, khai thác, sử dụng nhằm chứng minh tội phạm. Do đó, để thực hiện hành vi phạm tội, tránh được sự phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chuyên môn, bọn tội phạm thường nghiên cứu sử dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội một cách trót lọt, đạt được mục đích và khó bị phát hiện. Hơn nữa, chúng còn sử dụng thành tựu của khoa học – công nghệ để tiêu huỷ chứng cứ, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Số người phạm tội có trình độ học vấn cao ngày càng tăng, nhất là trong các vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giết người, cố ý gây thương tích…

d. Tội phạm ngày càng gắn với tệ nạn ma tuý

Phần lớn các vụ phạm tội đều liên quan tới ma tuý và các đối tượng nghiện ma tuý, đặc biệt là các vụ trộm cắp, giết người, cướp của, cướp giật tài sản…

Tổng kết cho thấy: (70 – 80)% số vụ phạm tội ít nhiều có liên quan đến ma tuý và người nghiện ma tuý. Riêng tội phạm cướp, cướp giật có tới 95% số vụ do các đối tượng nghiện ma tuý gây ra.

e. Tính xã hội của tội phạm ngày càng thể hiện rõ nét, thể hiện những đặc trưng riêng của nền kinh tế thị trường phát triển

Phần lớn các vụ việc phạm tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội đều có nguyên nhân từ các mâu thuẫn, tranh chấp, thù tức, ghen tuông, xích mích (nguyên nhân xã hội)… các vấn đề này thường nảy sinh nhiều trong cuộc sống, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường đang phát triển như hiện nay, nếu không được giải quyết kịp thời thường dẫn đến những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Riêng trong các vụ án giết người thì giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao (khoảng 90%), có nhiều vụ nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì mâu thuẫn, cãi, chửi nhau dẫn đến phạm tội giết người. Trong đó, 81% là do mâu thuẫn thù tức; 1,54% do mê tín dị đoan; 3,6% để bịt đầu mối… Đáng chú ý là tình trạng người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, như vợ giết chồng, chồng giết vợ, bố giết con, con giết bố… có xu hướng tăng chiếm 15% – 20% tổng số vụ xảy ra. Điều này phản ánh những hiện tượng tâm lý không bình thường của một bộ phận dân cư trong xã hội. Số vụ giết người để cướp tài sản chỉ chiếm khoảng 10%.

Một số loại tội phạm về kinh tế gắn liền với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Hầu như khi ban hành một chính sách mới, sẽ xuất hiện một loại tội phạm đặc trưng, nếu như chúng ta không kịp thời phát hiện, bổ sung hoàn chỉnh những sơ hở, thiếu sót ngay từ khi ban hành cũng như trong quá trình thực hiện. Ví dụ, khi chúng ta áp dụng Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), liền sau đó hàng loạt hành vi lợi dụng quy trình hoàn thuế, lập hồ sơ khống để lừa đảo rút tiền của Nhà nước gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng…

3. Nguyên nhân của tình trạng tội phạm

Nguyên nhân khách quan

– Tính chất giai cấp của tội phạm: Chừng nào xã hội còn phân chia giai cấp, chừng đó vẫn còn tội phạm, bởi nguyên nhân, điều kiện hình thành và phát triển tội phạm vẫn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, mỗi xã hội, với những hình thái kinh tế xã hội khác nhau thì hình thức và mức độ hoạt động của tội phạm có khác nhau. Sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của tội phạm phụ thuộc vào nền tảng vật chất – kỹ thuật, mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với hạ tầng cơ sở và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong xã hội đó.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, hạ tầng cơ sở – kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu; thượng tầng kiến trúc chưa phát triển đầy đủ, nhất là hệ thống các quy phạm pháp luật. Nhiều văn bản pháp luật còn thiếu, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; sự phân hoá giai cấp và phân tầng xã hội giữa người giàu, kẻ nghèo ngày càng gia tăng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tình trạng thất học, mù chữ và tái mù chữ tiếp tục gia tăng; đạo đức xã hội bị xuống cấp. Một bộ phận dân cư chạy theo lối sống thực dụng, xa hoa trụy lạc, coi thường pháp luật, chạy theo giá trị của đồng tiền, làm giàu bất chính… Số người thất nghiệp, thiếu việc làm, việc làm không ổn định ngày một tăng (hiện nay 2/3 lao động ở nông thôn không đủ việc làm và cả nước có 7 – 8 triệu người không có việc làm và thiếu việc làm)… Các yếu tố đó đã ảnh hưởng, tác động đến sự hình thành và phát triển của tội phạm.

– Tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trên thế giới diễn ra khá phức tạp, đã tác động xấu đến sự hình thành và phát triển tội phạm ở nước ta, làm nhiều loại tội phạm mới nảy sinh, phát triển như: tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm rửa tiền, sử dụng bom thư, phong bì thư có vi trùng gây bệnh, ăn cắp cước điện thoại qua vệ tinh; rút tiền ngân hàng bằng các thẻ tín dụng giả, phá sóng, gây nhiễu sóng điện thoại…

Cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính ở nhiều nước trên thế giới; sự kiện nước Mỹ bị tấn công (11-9-2001); chiến tranh chống khủng bố ở ápganixtan và chiến tranh xâm lược Irắc do liên quân Mỹ – Anh phát động; các vụ khủng bố trên thế giới đã ảnh hưởng, tác động xấu đến tình hình kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nhiều nước, trong đó có nước ta, làm tội phạm có điều kiện phát triển, gia tăng.

Nguyên nhân chủ quan

– Công tác quản lý kinh tế – xã hội còn nhiều sơ hở, thiếu sót, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cơ chế, chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa nhất quán, chưa sát với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Những yếu kém, bất cập đó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung, mà còn là những điều kiện tốt để tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hoạt động, tiếp tục phát sinh, phát triển.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Do chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nên một số cơ quan, doanh nghiệp đã lợi dụng chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, do chưa có kinh nghiệm, chưa loại bỏ được những sơ hở, thiếu sót, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, lập hồ sơ, chứng từ giả, rồi móc nối với nhân viên hải quan, thuế vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Trong quản lý văn hoá – tư tưởng: do chưa quản lý tốt các sản phẩm văn hoá, một số văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh, đồi trụy, kích động bạo lực,… đã gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến một bộ phận dân cư, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Điều này làm cho một số chạy theo lối sống thực dụng, đề cao “sức mạnh” của đồng tiền, vị kỷ cá nhân, coi thường pháp luật, kể cả đi vào con đường phạm tội, hoạt động tệ nạn xã hội…

Trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự: chưa được thường xuyên quan tâm, đầu tư đúng mức. Có nơi, có lúc còn buông lỏng, chưa có các biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên… trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân… còn chưa tốt. Sự phối kết hợp giữa các môi trường, các lực lượng xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hiệu quả chưa cao. Việc quản lý, giáo dục con em trong các gia đình còn nhiều bất cập, nhất là trong điều kiện sống hiện đại.

– Đạo đức xã hội bị xuống cấp, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao do bị tác động của lối sống thực dụng, tiền tệ hoá các quan hệ xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao, chưa tạo ra được thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, sống có văn hoá, tôn trọng kỷ cương, phép nước, không phạm tội, không hoạt động tệ nạn xã hội…

4. Các quan điểm chủ đạo trong phòng, chống tội phạm

– Xã hội hoá công tác phòng, chống tội phạm

Phòng, chống tội phạm là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mọi cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Uỷ ban nhân dân, sự tham mưu hướng dẫn của lực lượng công an nhân dân… Quan điểm này được xây dựng trên cơ sở xác định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và quần chúng là người làm nên lịch sử”. Theo lôgich đó, hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta là sự nghiệp của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực và rất phức tạp. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả đối với hiện tượng tiêu cực này, chúng ta phải dựa vào xã hội, huy động sức mạnh của toàn xã hội.

-Công tác phòng, chống tội phạm phải được thực hiện trong sự lồng ghép chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước

Tội phạm là một vấn đề xã hội, có nguyên nhân kinh tế – xã hội, do đó để phòng, chống tội phạm, trước hết phải phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nhằm khắc phục các nguyên nhân kinh tế – xã hội đó của tội phạm thì tội phạm sẽ từng bước bị giảm dần và dẫn đến triệt tiêu.

-Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp tội phạm, lấy phòng ngừa là cơ bản, đấu tranh trấn áp tội phạm là quan trọng

Mục đích của đấu tranh phòng, chống tội phạm là không để tội phạm xảy ra, gây hậu quả xấu cho xã hội, giảm thiểu số người bị xử lý bằng hình phạt. Đó chính là bản chất nhân đạo, tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, cần phải chủ động phòng ngừa không để tội phạm xảy ra. Nhưng, khi đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa mà tội phạm vẫn xảy ra thì phải kiên quyết điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh, đảm bảo không một hành vi phạm tội nào không bị phát hiện, không một người phạm tội nào không bị xử lý. Kết quả điều tra, xử lý nghiêm minh tội phạm còn có tác dụng giáo dục, răn đe những người phạm tội từ bỏ con đường phạm tội và những người khác không đi vào con đường tội phạm, tạo thế áp đảo và niềm tin cho nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm…

Như vậy, phương châm và quan điểm chủ đạo trong phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay là lấy phòng ngừa làm cơ bản, tạo thế chủ động tấn công trấn áp tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội và toàn thể quần chúng nhân dân, thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong sự đồng bộ với các chương trình kinh tế – xã hội.

5. Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm

Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm là một chương trình tổng thể do Chính phủ đặt ra, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn hiện nay.

a. Ý nghĩa của Chương trình QG phòng, chống tội phạm

– Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của Đảng và Nhà nước ta

Tội phạm hoạt động, gây ra hậu quả xấu cho xã hội sẽ ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, gây trở ngại cho việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, gây ra bất ổn về mặt chính trị. Nhiều vấn đề hình sự đã trở thành vấn đề chính trị, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như: buôn lậu, tham ô tài sản với giá trị lớn, cố ý làm trái các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… gây ra sự bất ổn cho xã hội… ở một số nước, nhiều vụ tham ô, hối lộ, sách nhiễu dân chúng dẫn đến làm suy sụp cả chế độ xã hội như ở Indônêxia, Philippin, Mêhicô…

– Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm sẽ góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đảng ta chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và an ninh với kinh tế.Thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm sẽ góp phần tạo ra một mội trường xã hội lành mạnh, ít tội phạm, ít tệ nạn xã hội để nhân dân yên tâm làm ăn, xây dựng và phát triển đất nước, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

– Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm sẽ góp phần hạn chế tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, mọi quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị – xã hội và của công dân sẽ được tôn trọng và bảo vệ. Mọi hành vi phạm tội sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

b. Mục tiêu của Chương trình QG phòng, chống tội phạm

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương phép nước, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nếp sống văn minh, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; làm giảm cơ bản các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là mục tiêu cơ bản và lâu dài, có tính chiến lược.

Từng bước xây dựng môi trường sống lành mạnh tại các cộng đồng dân cư, trong các nhà trường và gia đình; tạo ra những chuyển biến rõ rệt về trật tự an toàn xã hội; nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân; đẩy mạnh tính chủ động, sáng tạo của các cấp cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm.

Kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm, trước hết ở các địa bàn trọng điểm, các đô thị. Tổ chức giáo dục có hiệu quả hơn đối với những người phạm tội, giúp họ nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng.

Từng bước làm giảm các loại tội phạm có sử dụng bạo lực, đặc biệt là các tội phạm giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, các tội phạm xâm hại trẻ em, lôi kéo trẻ em vào con đường sử dụng và nghiện hút ma túy, tội phạm người chưa thành niên và các loại tội phạm có tổ chức, có sử dụng vũ khí hoặc có tính chất côn đồ, hung hãn. Kiên quyết truy bắt bọn tội phạm còn lẩn trốn, thực hiện triệt để công tác thi hành án hình sự.

Nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý của Chính phủ và chính quyền các cấp trong công tác quản lý hành chính nhà nước về trật tự xã hội và phòng, chống tội phạm.

c. Nội dung của Chương trình

Phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, vận động người phạm tội ra tự thú và truy bắt bọn tội phạm có lệnh truy nã.

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của công dân về bảo vệ an ninh, trật tự xã hội.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm ở các cộng đồng dân cư, trong từng hộ gia đình, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang.

Đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính quốc tế, tội cướp, cướp giật và các hành vi côn đồ hung hãn, các tội hiếp dâm trẻ em, bắt cóc và mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm người chưa thành niên, tội chống người thi hành công vụ.

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội và tạo điều kiện để họ tái hoà nhập cộng đồng xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, nhất là chống các tội phạm có tính quốc tế và tội phạm là người Việt Nam ở nước ngoài.

d. Các đề án của chương trình

Đề án I: Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư

Đề án do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… tham gia.

Đề án II: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh, trật tự

Đề án do Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Công an, Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia.

Đề án III: Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế.

Đề án do Bộ Công an chủ trì, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia.

Đề án IV: Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em; tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên

Đề án do Bộ Công an chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia.

Theo Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 8-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an sẽ xây dựng trình Chính phủ phê duyệt 4 đề án bổ sung của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm là: Phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cư­ờng năng lực giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam; xây dựng hệ thống trung tâm thông tin tội phạm; tăng c­ường năng lực của các cơ quan điều tra các cấp trong điều tra khám phá các loại án kinh tế, hình sự, ma tuý.

Kết qủa thực hiện NQ 09/CP vàChưong trình quốc gia phòng chống tội phạm từ 1998-2007

Qua gần 10 năm thực hiện đã khẳng định NQ 09/CP và CTQG phòng chống tội phạm của Chính phủ là một chủ trương có tính chiến lược, mang tính xã hội hoá cao, đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.

Các Bộ, Ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đi vào thực tế cuộc sống xã hội và trở thành hành động của mỗi người dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh quốc gia, Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

– Đã tạo bước chuyển biến quan trọng của toàn xã hội trong nhận thức về trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, các cấp, các ngành và đại bộ phận nhân dân đã thấy được trách nhiệm, quyền lợi trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp đều xác định rõ hơn trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, coi đấu tranh phòng chống tội phạm vừa là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mỗi tổ chức, cá nhân.

– Tạo được cơ chế phối hợp thực hiện đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.

– Từng bước tạo sự chuyển biến về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nếp sống và làm việc theo pháp luật, tạo khí thế mới và phát huy được nguồn lực to lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự tại cơ quan, đơn vị và địa bàn cơ sở. Động viên được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa xã hội, giảm thiểu được những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội. Đã xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng nhân dân anh dũng, không quản nguy hiểm đến tính mạng, sẵn sàng tham gia truy bắt tội phạm; đã giáo dục, cảm hoá, cải tạo được nhiều đối tượng phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư giúp họ tái hoà nhập cộng đồng.

– Đã điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma tuý; bóc gỡ được nhiều đường dây, tổ chức phạm tội nghiêm trọng; làm rõ được nhiều vụ án tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội.

– Từ năm 1999 đến nay, chúng ta đã liên tục kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm được một số loại tội phạm nghiêm trọng: Tội phạm hiếp dâm, cướp tài sản, cố ý gây thương tích được ngăn chặn và từng bước kiềm chế. Đây là kết quả quan trọng thể hiện sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và tinh thần quyết tâm của toàn xã hội trong phòng chống, tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được như trên, trong quá trình chỉ đạo thực hiện vẫn còn một số vấn đề tồn tại, yếu kém cần khắc phục:

– Việc thực hiện NQ 09/CP và CTQG phòng chống tội phạm ở một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên, vẫn còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng chống tội phạm chỉ là của Công an, “khoán trắng” cho lực lượng Công an. Phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm không đồng đều ở các địa phương, đơn vị. Nhiều mô hình, điển hình chưa được nhân rộng kịp thời.

– Việc triển khai thực hiện các đề án của Chương trình bước đầu đã tạo được sự đột phá, giải quyết được những vấn đề bức xúc nổi lên, lấy lại được lòng tin của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm, nhưng nhìn chung tiến độ còn chậm; Công tác cảm hoá, quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết kịp thời và triệt để (tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm do nguyên nhân xã hội, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, các tệ nạn ma tuý, cờ bạc, mại dâm…)

Việc lồng ghép thực hiện NQ 09/CP, CTQG phòng chống tội phạm với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác nhiều nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Tình hình tội phạm tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, đáng chú ý là:

+ Hoạt động của tội phạm có tổ chức tuy không còn công khai, trắng trợn, lộng hành như trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các băng nhóm, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều địa phương. Các loại tội phạm hình sự nguy hiểm như hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên… còn xảy ra ở nhiều nơi.

+ Tội phạm hình sự xảy ra chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, cụm các tỉnh Đông Bắc, miền Đông và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và dọc tuyến quốc lộ 1A.

+ Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Một số loại tội phạm như: tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài… tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng có tiền án phạm tội tuy giảm, song phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi và thiệt hại gây ra ngày càng lớn.

+ Tệ tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, nông nghiệp nông thôn, các ngành kinh tế trọng điểm, các cơ quan bảo vệ pháp luật… gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cản trở việc thực hiện hiệu quả NQ 09/CP và CTQG phòng chống tội phạm trong những năm qua. Một số vụ án tham nhũng đã phát hiện xử lý không nghiêm minh hoặc để kéo dài. Một số chủ trương, biện pháp phòng chống tham nhũng chưa được thực hiện kiên quyết, triệt để. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm về ma tuý và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh ngăn chặn nguồn ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam đạt hiệu quả thấp.

Từ thực tế qua thời gian triển khai thực hiện NQ 09/CP và CTQG phòng chống tội phạm của Chính phủ có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, công tác phòng chống tội phạm chỉ đạt hiệu quả cao khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt thực hiện của lực lượng công an và sự ủng hộ, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cùng các tầng lớp nhân dân. Bám sát mục tiêu, chỉ đạo quyết tâm, thống nhất và sử dụng sức mạnh, biện pháp đồng bộ, tổng hợp, tạo khí thế mạnh mẽ trong phòng chống tội phạm.

Hai là, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện có vai trò rất quan trọng, được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn cụ thể; phát huy tối đa ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin nội bộ và vai trò của các đoàn thể quần chúng trong tuyên truyền vận động toàn dân tích cực tham gia thực hiện.

Ba là, lực lượng Công an phải xây dựng thế trận phòng chống tội phạm,làm tốt chức năng thường trực, tham mưu, hướng dẫn thực hiện NQ 09/CP, CTQG phòng chống tội phạm vừa là lực lượng nòng cốt, xung kích trong tấn công trấn áp tội phạm, đồng thời phải làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên các lĩnh vực, thì công tác phòng, chống tội phạm mới đạt hiệu quả cao.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn. Phòng ngừa phải đi đôi với đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh tội phạm theo phương châm phòng ngừa là cơ bản, xử lý nghiêm minh tội phạm là quan trọng và phải tuân thủ đúng nguyên tắc không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Năm là, phát huy tinh thần làm chủ và vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; coi trọng vai trò của gia đình, nhà trường, các đoàn thể quần chúng, phát huy tính tích cực của các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Sáu là,quá trình triển khai thực hiện cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 138 các cấp. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, phát hiện nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Bảy là, ở từng địa bàn, địa phương cụ thể việc chọn vấn đề đột phá và điểm đột phá là rất quan trọng; qua đó tập trung chỉ đạo giải quyết cho được những vấn đề bức xúc nổi lên tạo sự chuyển biến làm tiền đề cho các hoạt động phòng chống tội phạm ở cơ sở.

Tám là, việc triển khai thực hiện NQ 09/CP, CTQG phòng chống tội phạm phải lồng ghép với các chương trình kinh tế – xã hội khác thì mới đạt hiệu quả cao, đặc biệt là với Chương trình hành động phòng, chống ma tuý, Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, Chương trình xoá đói giảm nghè, Chương trình tạo việc làm; hoặc với các hoạt động, các phong trào thiết thực ở địa phương như phong trào 3 giảm (thành phố Hồ Chí Minh), phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *