Trách nhiệm pháp lý quốc tế được hiểu là việc khôi phục lại trật tự pháp lý quốc tế thông qua việc áp dụng những hạn chế nhất định về vật chất hoặc phi vật chất đối với quốc gia có hành vi vi phạm luật quốc tế hoặc xâm phạm đến quyền của quốc gia khác, kể cả quyền của quốc gia bị thiệt hại áp dụng những hạn chế này với mục đích đảm bảo sự tuân thủ các quy phạm Luật quốc tế.
Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia được xác định dựa trên ba yếu tố:
– Hành vi vi phạm luật quốc tế của quốc gia;
– Thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra;
– Mối quan hệ nhân quả hành vi – thiệt hại.
Trong những yếu tố trên, hành vi vi phạm là yếu tố tiên quyết để xác định sự tồn tại của trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trả lời câu hỏi có tồn tại hay không trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia. Bên cạnh đó, yếu tố thiệt hại trả lời câu hỏi, xác định trách nhiệm pháp lý quốc tế để giải quyết vấn đề gì, nói cách khác đây là tiền đề để xác định nghĩa vụ bồi thường của quốc gia thực hiện hành vi vi phạm.