Trình bày “dẫn chiếu ngược” và “dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ 3”? Vấn đề có đi có lại trong việc áp dụng pháp luật nước ngoài?

Khái niệm:

Dẫn chiếu ngược là trường hợp pháp luật của một nước do quy phạm xung đột dẫn chiếu đến lại dẫn chiếu trở lại pháp luật của nước ban đầu (nước có cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc)

Dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba có nghĩa là theo quy phạm xung đột của nước có cơ quan giải quyết tranh chấp thì pháp luật của nước ngoài phải được áp dụng nhưng trong pháp luật nước ngoài đó lại có quy phạm xung đột quy định cần phải áp dụng pháp luật của nước thứ ba.

Ví dụ:

Hai vợ chồng đều là công dân Việt Nam, đi làm việc và cư trú tại nước X.

Sau thời gian mâu thuẫn kéo dài, đến tháng 6/2015 họ quyết định li hôn và đơn xin li hôn được gửi tới toà án Việt Nam, nơi cư trú trước đây của họ. Giả sử toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết và đã thụ lý vụ việc này. Giữa Việt Nam và nước X không có HĐTTTP nên toà án Việt Nam sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam để giải quyết, cụ thể toà án Việt Nam căn cứ vào khoản 2 điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu li hôn thì việc li hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”

Vụ việc này toà án Việt Nam xác định hai vợ chồng đương sự có nơi thường trú chung tại nước X nên sẽ áp dụng luật nước X để giải quyết việc li hôn. Song, căn cứ vào luật nước X thì việc li hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước mà hai vợ chồng mang quốc tịch, tức là luật Việt Nam.

Như vậy, trong trường hợp này tòa án Việt Nam theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột (khoản 2 điều 127 Luật HN&GĐ) sẽ áp dụng pháp luật nước X, là luật nơi thường trú chung của vợ chồng.

Nhưng trong pháp luật nước X cũng có các quy phạm xung đột liên quan đến vấn đề này và luật nước X lại quy định trường hợp này sẽ áp dụng luật nước vợ chồng mang quốc tịch thì luật áp dụng lại là luật Việt Nam. Như vậy, ở đây có hiện tượng dẫn chiếu ngược, luật Việt Nam dẫn chiếu đến luật nước X, luật nước X lại có quy phạm dẫn chiếu ngược trở lại pháp luật Việt Nam.

Hiệu lực của quy phạm xung đột

Khi dẫn chiếu ngược hay dẫn chiếu đến PL của nước thứ 3 tùy vào quan điểm của từng quốc gia, có 2 quan điểm:

Thứ nhất, không công nhận vấn đề dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến PL của nước thứ 3: chỉ có 1 số nước như Ả rập, Sirya, Ai Cập, … (đều là các nước Hồi Giáo). Đối với nước không công nhận vấn đề dẫn chiếu ngược thì hiệu lực của quy phạm xung đột vẫn nguyên vẹn.

Thứ hai, công nhận vấn đề dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến PL của nước thứ 3: là quan điểm của hầu hết các nước, trong đó có VN.

“Điều 668. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến

  1. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
  2. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
  3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
  4. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.”

Hệ quả pháp lý: đối với những quốc gia chấp nhận vấn đề dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến PL của nước thứ 3 thì hiệu lực của quy phạm xung đột sẽ bị ảnh hưởng 1 phần.

Các trường hợp không áp dụng dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến PL của nước thứ 3:

  • Đối với các quy phạm xung đột được quy định trong điều ước quốc tế (tức là quy phạm xung đột thống nhất)
  • Đối với việc chọn PL áp dụng do các bên thỏa thuận (tức là chọn quy phạm thực chất, quy định rõ quyền và nghĩa vụ)

Vấn đề có đi có lại trong việc áp dụng luật nước ngoài.

Nguyên tắc có đi có lại được ghi nhận trong luật pháp của đại đa số các nước trên thế giới cũng như được thể hiện trong rất nhiều ĐƯQT. K 1 Điều 1 hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên Bang Nga ghi: “ Công dân của bên kí kết này được hưởng trên lãnh thổ của bên kí kết kia sự bảo vệ pháp lý đối với nhân thân và tài sản như công dân của bên kí kết kia”.

Trong tư pháp quốc tế các nước thì phần lớn đều thừa nhận việc thi hành các quy phạm xung đột không bị hạn chế bởi các quy định của nguyên tắc có đi có lại. Điều này có nghĩa là khi cơ quan tư pháp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào đó vận dụng luật nước ngoài để giải quyết vụ việc sẽ không cần thiết phải xem xét là ở nước ngoài đó có áp dụng luật pháp của nước kia hay không.

Việc áp dụng luật nước ngoài là nhu cầu tất yếu khách quan để giải quyết quan hệ dân sự quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *