Trình bày và phân tích các nguyên tắc đặc trưng riêng của Tư pháp quốc tế Việt Nam?

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lí giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau

Nội dung:

Nội dung cơ bản của nguyên tắc là Nhà nước Việt Nam không phân biệt đối xử giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các chế độ ở hữu này được đối xử bình đẳng với nhau về mặt pháp lí, không phân biệt chế độ chính trị, kinh ế, xã hội mà quốc gia theo đuổi.

Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại, đó là bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.

Ý nghĩa:

  • Đảm bảo cho hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế Việt Nam được vận hành một cách khách quan, trơn tru, không hề có định kiến, áp đặt,
  •  Đảm bảo sự bình đẳng về pháp lí giữa các chủ thể đến từ các quốc gia khác nhau khi tham gia vào các quan hệ tư pháp quốc tế,

Từ đó, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế phát triển.

Điều 12 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã gián tiếp ghi nhận nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lí giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau trên thế giới:

“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.”

Thứ hai, nguyên tắc quyền miễn trừ của quốc gia

Nội dung:

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là trong quan hệ tư pháp quốc tế, nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không một cơ quan nhà nước nào được phép xét xử, áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo cho vụ kiện, thi hành án đối với quốc gia cũng như áp dụng các biện pháp như tịch thu, sai áp, bắt giữ v.v. các tài sản thuộc sở hữu của quốc gia.

Ý nghĩa:

  • Đảm bảo cho quốc gia khi tham gia vào quan hệ tư pháp quốc tế được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp và miễn trừ đối với tất cả tài sản thuộc sở hữu của quốc gia
  • Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại, đó là bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.

Cho đến nay, dù chưa có đạo luật riêng về quyền miễn trừ của quốc gia ở Việt Nam, tuy nhiên, tư pháp quốc tế Việt Nam hiện hành đã có quy định về từ bỏ quyền miễn trừ của quốc gia trong những trường hợp cụ thể. Điều 100 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây:

  1. a) Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ;
  2. b) Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ;
  3. c) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.

Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương, pháp nhân, cá nhân Việt Nam được áp dụng tương tự khoản 1 Điều này.”

Thứ ba, nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam

Nội dung:

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là, khi tham gia vào các quan hệ tư pháp quốc tế, về  cơ bản, người nước ngoài được đối xử bình đẳng với nhau và với công dân Việt Nam, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị v.v..

Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia, người nước ngoài phải chịu những hạn chế nhất định so với công dân Việt Nam, ví dụ như: người nước ngoài không được tham gia bầu cử, ứng cử các chức danh nhà nước, không được làm việc trong một số ngành nghề liên quan tới an ninh quốc gia, không được sở hữu nhà với thời hạn không xác định…

Ý nghĩa:

  •  Tránh sự phân biệt đối xử, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thể nhân và pháp nhân nước ngoài với nhau tại nước sở tại hay giữa thể nhân, pháp nhân nước ngoài với thể nhân và pháp nhân của nước sở tại.
  • Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nguyên tắc làm cho điều kiện cạnh tranh giữa các chủ thể hàng ngang bằng nhau, không có bất kì sự kì thị, phân biệt đối xử nào làm thúc đẩy quan hệ buôn bán giữa các nước.

Thứ tư, nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên

Nội dung:

Nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong một số lĩnh vực mà pháp luật cho phép của tư pháp quốc tế Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tư pháp quốc tế hiện nay trên thế giới. Điều đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong giao dịch tư pháp quốc tế, thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế phát triển.

Một số ví dụ trong một số đạo luật có liên quan như:

Điều 4 Luật đầu tư 2014: “Đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam”.

Khoản 1 Điều 687 Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ

“Các bên được thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…” 

Tương tự, khoản 1 Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Các bên trong quan hệ hợp đồng được thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”

Thứ năm, nguyên tắc có đi có lại

Nội dung:

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng và đảm bảo thực thi trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ mà công dân, pháp nhân Việt Nam được quy định và đảm bảo thực thi ở nước ngoài tương ứng.

Tùy theo quan hệ giữa Việt Nam và nước ngoài mà nguyên tắc có đi có lại thực chất hoặc hình thức sẽ được áp dụng.

Ví dụ: Khoản 1 Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

  1. a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
  2. b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
  3. c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.”

Hay, khoản 3 Điều 465 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng dân sự tương ứng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài mà Toà án của nước đó đã hạn chế quyên tố tụng dân sự đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài của cơ quan, tổ chức Việt Nam”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *