Bản chất nhà nước Việt Nam hiện nay

1. Bản chất của nhà nước là gì?

Bản chất là những cái bên trong của sự vật, sự việc, cái cốt lõi của sự vật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của sự vật, sự việc đó. Từ đó, chúng ta liên tưởng được bản chất của nhà nước, đó là cốt lõi bên trong gắn liền với sự hình thành và phát triển của nhà nước.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Bản chất của nhà nước được thể hiện qua hai thuộc tính: Bản chất giai cấp và bản chất xã hội.

Bản chất giai cấp của nhà nước

Nhà nước được sinh ra trong xã hội có giai cấp nên bao giờ cũng thể hiện bản chất giai cấp sâu sắc. Tính giai cấp của Nhà nước được thể hiện qua việc nhà nước là công cụ thống trị trong xã hội. Nhà nước sinh ra là để thực hiện ý chí của giai cấp thống trị, củng cố và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Nhà nước thiết lập nên hệ thống pháp luật, các thiết chế xã hội, chính phủ, tòa án, quân đội… để duy trì trật tự xã hội theo ý muốn của giai cấp thống trị.

Bản chất xã hội của nhà nước

Ngoài bản chất giai cấp thì Nhà nước còn thể hiện bản chất xã hội của mình. Tính xã hội của Nhà nước hay còn được gọi là vai trò kinh tế – xã hội của Nhà nước. Bản chất này được thể hiện qua vai trò quản lý xã hội của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm phải giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh trong xã hội như: đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai… nhằm đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội.

2. Bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tương tự như những nhà nước khác, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng tồn tại bản chất giai cấp và bản chất xã hội.

Bản chất giai cấp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cụ thể: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và giới trí thức”.

Bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân được thể hiện qua các đặc trưng sau:

Nhân dân là chủ thể tối cao của Nhà nước

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do dân mà nòng cốt là liên minh công – nông – trí thức. Quyền lực của Nhà nước Việt Nam không phụ thuộc vào bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào mà thuộc về toàn thể nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong đó hình thức cơ bản nhất là thông qua bầu cử để lập ra cơ quan đại diện cho quyền lực của mình.

Ngoài ra, nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình thông qua việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như trực tiếp trình bày hoặc đưa ra ý kiến, kiến nghị của mình đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống suốt dọc chiều dài của đất nước. Các dân tộc anh em đoàn kết một lòng, đó là truyền thống lâu dài, là nguồn sức mạnh to lớn của đất nước mỗi khi có ngoại xâm. Ngày nay, tính dân tộc ấy lại càng được thể hiện rõ nét, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống hàng ngày và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Thực vậy, công dân có đầy đủ các quyền trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước. Công dân có quyền tự do, dân chủ trong việc quyết định những vấn đề sống còn của đất nước. Tuy nhiên, song song với quyền lợi thì công dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Đó là mối quan hệ được xác lập trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhau.

Tính chất dân chủ rộng rãi của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Về chính trị, nhà nước tạo ra cơ sở pháp lý, cụ thể là pháp luật để đảm bảo quyền tự do, dân chủ của công dân.

Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”. Nền kinh tế thị trường là phương tiện để Nhà nước và xã hội thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đối với vấn đề văn hóa – xã hội, Nhà nước chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội như bệnh tật, giáo dục, thiên tai, tệ nạn xã hội, nghèo đói… Nhà nước cũng kiên quyết trừng trị các hành vi phá hoại, xâm hại đến an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Nhà nước thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới.

Nhà nước mở rộng giao lưu văn hóa, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân trên toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *