Bộ máy nhà nước qua các kiểu nhà nước

[VPLUDVN] Bộ máy nhà nước hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của nhà nước. Tuy có những bước thăng trầm nhất định song nhìn nhận một cách khái quát, theo quy luật phát triển chung của xã hội thì bộ máy nhà nước phát triển theo xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ cấu tổ chức ngày càng hợp lí, khoa học hơn; sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn; cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng quy củ, chặt chẽ, khoa học hơn; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng khoa học, đầy đủ, dân chủ và tiến bộ hơn; sự giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng cao hơn; phương hướng hoạt động, vị trí, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, nhân đạo và phát triển hơn. Sự phát triển đó được thể hiện qua một số khía cạnh sau:

Trước hết, cấu trúc của bộ máy nhà nước phát triển từ đơn giản sang phức tạp, đa dạng hơn, số lượng các cơ quan trong bộ máy nhà nước thay đổi theo chiều hướng ngày càng đầy đủ, hợp lí hơn. Khi nhà nước chủ nô mới ra đời, phạm vi lãnh thổ còn nhỏ hẹp, bộ máy nhà nước còn hết sức đơn giản và mang nhiều dấu vết của tổ chức thị tộc, bộ lạc. Dần dần, do lãnh thổ ngày càng mở rộng, dân cư đông đúc hơn, xã hội phát triển ngày càng cao hơn, bộ máy nhà nước trở nên phức tạp hơn. ở các nhà nước đương đại, cơ cấu bộ máy nhà nước khá phức tạp, bao gồm nhiều hệ thống cơ quan như cơ quan đại diện, cơ quan quản lí, cơ quan xét xử, cơ quan công tố, cơ quan kiểm toán…

Thứ hai, sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn. Trong bộ máy nhà nước chủ nô, phong kiến mặc dù đã có sự phân chia chức năng, thẩm quyền, song mới chỉ ở mức sơ khai và cơ sở pháp lí chưa đầy đủ.

Ở các nhà nước đương đại, sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; giữa các hệ thống cơ quan đại diện, cơ quan quản lí, cơ quan xét xử; giữa cơ quan cấp ừên với cơ quan cấp dưới đã tương đối rõ ràng, rành mạch và được quy định cụ thể trong pháp luật. Nhờ đó, tính chất chuyên môn hoá trong hoạt động của mỗi cơ quan từng bước được thiết lập và ngày càng nâng cao, mỗi cơ quan từ chỗ kiêm nhiệm nhiều việc dần dần chỉ chuyên thực hiện những công việc nhất định. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước cũng từng bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện, quyền lực nhà nước vì thế từng bước bị giới hạn và được kiểm soát.

Thứ ba, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng quy củ, chặt chẽ, khoa học hơn. Việc thực hiện quyền lực tối cao của nhà nước được chuyển dần từ một người (nhà vua, hoàng đế) sang nhiều người (nghị viện, nguyên thủ quốc gia…). Cách thức hình thành, trình tự thành lập các cơ quan tối cao của nhà nước ngày càng dân chủ, tiến bộ hơn, chuyển dần từ cha truyền con nối sang bầu cử. Đối tượng được hưởng quyền bầu cử cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước cũng ngày càng mở rộng, từ một bộ phận dân cư sang toàn bộ công dân khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước ngày càng quy củ chặt chẽ hợn. Phương pháp dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ chỗ được sử dụng hạn chế, trong phạm vi hẹp đã phát triển đến bước được sử dụng một cách phổ biến, rộng rãi và thường xuyên hơn. Tính chất công khai hoá, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được thiết lập và ngày càng được chú trọng. Người dân từ chỗ phải tuyệt đối phục tùng nhà nước đã trở thành chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, được tham gia vào tổ chức, hoạt động và giám sạt hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được hình thành và ngày càng khoa học, dân chủ hơn. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước không xuất hiện ngay từ khi nhà nước ra đời mà hình thành và phát triển dần trong quá trình phát triển của bộ máy nhà nước. Từ chỗ chưa có nguyên tắc hoặc chỉ có một vài nguyên tắc đơn lẻ, thiếu dân chủ dần dần đã tiến tới việc hình thành một hệ thống nguyên tắc dân chủ và tiến bộ. Trong nhà nước chủ nô, phong kiến, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là nguyên tắc thế tập (cha truyền, con nối); nguyên tắc tôn quân quyền (đề cao quyền lực tuyệt đối của nhà vua)… Khi nhà nước tư sản ra đời, nhiều nguyên tắc khoa học, tiến bộ từng bước được xác lập như nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước, nguyên tắc dân chủ; nguyên tắc tuân thủ hiến pháp và pháp luật… Đặc biệt, với sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có bước phát triển mới về chất, thể hiện tính chất dân chủ, tiến bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ năm, phương hướng hoạt động, vị trí, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, nhân đạo và phát triển hơn. Trong các nhà nước chủ nô, phong kiến, các cơ quan cưỡng chế, trấn áp đóng vai trò quan trọng nhất và luôn được mở rộng, tăng cường. Ở các nhà nước đương đại, các cơ quan quản lí các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục được thiết lập và ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn, các cơ quan cưỡng chế thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng và vai trò ngày càng giảm dần, không còn là bộ phận chù đạo trong bộ máy nhà nước. Một số nhà nước đương đại đang chuyển dần từ nhà nước chủ yếu quản lí sang chủ yếu phục vụ xã hội, do đó các cơ quan thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho xã hội ngày càng được coi trọng. Nhìn một cách khái quát, có thể nói hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước có xu hướng ngày càng cao hon nhờ sự phát triển của kinh tế – xã hội, nền văn minh và tri thức của nhân loại, của cách mạng khoa học kĩ thuật…

Tóm lại, những phân tích trên cho thấy, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà cơ bản là điều kiện kinh tế – xã hội, trình độ phát triển của nền văn minh nhân loại, bản chất, chức năng của nhà nước, tính chất và trình độ phát triển của nền dân chủ, tương quan so sánh lực lượng giữa các giai cấp trong xã hội, phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lí dân tộc… Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, các yếu tố trên không cố định mà có sự thay đổi theo thời gian, không gian, từ nước này sang nước khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của bộ máy nhà nước.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *