[VPLUDVN] Hiện nay trong các tài liệu, giáo trình tâm lý học thường nêu lên bốn đặc điểm cơ bản của nhân cách: tính ổn định, tính thống nhất, tính tích cực và tính giao lưu của nhân cách.
a. Tính ổn định của nhân cách
Dưới ảnh hưởng của cuộc sống và giáo dục, từng thuộc tính tạo nên nhân cách có thể được biến đổi, được chuyển hoá, nhưng trong tổng thể thì chúng tạo thành một cấu trúc trọn vẹn của nhân cách. Cấu trúc này tương đối ổn định nói lên bộ mặt tâm lý – xã hội của cá nhân ấy trong một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời con người. Nhờ có tính ổn định tương đối này của nhân cách, người ta có thể đánh giá được giá trị xã hội của một nhân cách nào đó ở thời điểm hiện tại và có thể dự đoán trước được hành vi của nó trong những tình huống nhất định.
b. Tính thống nhất của nhân cách
Nhân cách là một chỉnh thể thống nhất của các thuộc tính hay các phẩm chất và năng lực của con người. Các thuộc tính đó có liên quan, kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống nhất chứ không phải là một phép cộng đơn giản các thuộc tính riêng lẻ. Vì vậy khi xem xét, đánh giá một nét nào đó của nhân cách phải xét nó trong mối liên hệ với các thuộc tính khác của nhân cách và toàn bộ nhân cách. Chẳng hạn, tinh thần dũng cảm của một chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ dân khác xa với sự dũng cảm của một kẻ trong một băng cướp, khi đánh giá về mặt đạo đức của nhân cách. Vì vậy không được giáo dục nhân cách theo “từng phần”, từng thuộc tính riêng lẻ tách bạch mà phải giáo dục con người như một nhân cách hoàn chỉnh.
c. Tính tích cực của nhân cách
Nhân cách là một sản phẩm của xã hội. Nhân cách không chỉ là khách thể chịu sự tác động của các mối quan hệ xã hội, mà điều quan trọng hơn là nó chủ động tham gia vào các mối quan hệ đó, là chủ thể của các mối quan hệ xã hội ấy, nghĩa là nó có tính tích cực của mình. Tính tích cực của nhân cách biểu hiện ở những hoạt động muôn hình muôn vẻ với mục đích cải tạo thế giới xung quanh và cải tạo chính bản thân mình. Nếu không hoạt động, con người không thể tồn tại, nhân cách của họ không thể được hình thành và phát triển. Giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét ở tính tích cực của nhân cách. Như vậy cá nhân được coi là nhân cách khi nó tích cực hoạt động và giao lưu trong xã hội một cách có ý thức. Do đâu có được tính tích cực của nhân cách. Theo quan niệm của tâm lý học thì nguồn gốc tính tích cực của nhân cách chính là nhu cầu. Tính tích cực của nhân cách thể hiện trong quá trình thoả mãn nhu cầu của nó. Khác với động vật và bằng hoạt động lao động của mình, con người không thoả mãn nhu cầu bằng các đối tượng có sẵn mà luôn luôn sáng tạo ra những đối tượng mới, các phương thức mới để thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng và ngày càng cao của mình.
d. Tính giao lưu của nhân cách
Nhân cách chỉ có thể tồn tại trong sự giao lưu với những nhân cách khác. Vì lí do nào đó mà ngay từ lúc mới sinh con người bị tách khỏi xã hội loài người thì không thể tồn tại và phát triển như một nhân cách. Chẳng hạn, một đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi ở ngoài rừng được các con vật nuôi hay một đứa trẻ bị nuôi ở dưới hầm từ lúc còn rất bé không được tiếp xúc, giao lưu với những nhân cách khác thì không thể trở thành một nhân cách. Như vậy nhân cách không thể tồn tại, không thể hình thành và phát triển bên ngoài sự giao tiếp, bên ngoài xã hội loài người. Nhu cầu giao lưu hay giao tiếp được xuất hiện rất sớm và có thể coi như một nhu cầu bẩm sinh của con người. Nhu cầu của con người trước hết là nhu cầu về người khác. Vì sao vậy? Bởi vì chỉ có thông qua giao tiếp cá nhân mới có thể gia nhập các mối quan hệ với các cá nhân khác trong các nhóm xã hội và quan hệ với toàn xã hội. Qua giao tiếp, cá nhân lĩnh hội được các chuẩn m ực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội và cũng nhờ có giao tiếp, mỗi cá nhân được nhìn nhận, được đánh giá theo quan niệm về giá trị, đạo đức của thời đại cá nhân đó đang sống. Trên cơ sở đó, cá nhân tự điều chỉnh, điều khiển bản thân theo các chuẩn mực xã hội và cũng qua giao tiếp mỗi cá nhân có thể tham gia đóng góp những giá trị phẩm chất nhân cách của mình cho sự phát triển xã hội.
Đặc điểm này của nhân cách là cơ sở tâm lý học cho nhiều phương pháp biện pháp giáo dục trẻ, đặc biệt là nguyên tắc giáo dục trong tập thể và bằng tập thể do nhà giáo dục Nga AXMacarencô đề xướng.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.