Các kiểu phân chia khái niệm

Các kiểu phân chia khái niệm

Phân chia theo dấu hiệu biến đổi: là phân chia các khái niêm loại thành các khái niêm chủng, sao cho mỗi chủng vẫn giữ được dấu hiệu nào đó của loại, đổng thời lại có những dấu hiệu bản chất của chủng. Cơ sở phân chia có thể là dấu hiệu bản chất hay không bản chất, dấu hiệu nội dung hay thuần tuý hình thức bên ngoài.

Ví dụ: phân chia khái niệm “lịch sử” thành các khái niệm “lịch sử tự nhiên”, “lịch sử xã hội”, “lịch sử tư tưởng”; hoặc chia khái niệm “Người” thành “người da trắng”, “người da đen”, “người da màu”…

Phân đôi khái niệm: là chia ngoại diên của khái niệm thành hai phần mâu thuẫn, loại trừ nhau. Ở đây mỗi dấu hiệu của phần này sẽ không có trong phần còn lại. Khi phân đôi khái niệm thì luôn phải theo một cơ sở nhất định và luôn phải đảm bảo tính cân đối.

Phân nhóm khái niệm: là sắp xếp các đối tượng thành các lớp theo sự giống nhau giữa chúng, sao cho lớp này có vị trí xác định đối với lớp khác. Phân nhóm là một dạng phân chia đặc biệt, dựa vào dấu hiệu bản chất để liên tiếp chia từ khái niệm loại đến khái niệm chủng theo các quy tắc phân chia.

Ví dụ: phân nhóm học sinh trong một lớp học căn cứ vào lực học thành học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu.

Có 2 kiểu phân nhóm: – Phân nhóm tự nhiên: là sắp xếp các đối tượng theo lớp xác định dựa vào dấu hiệu bản chất của chúng. Đây là kiểu cho phép xác định thuộc tính của đối tượng mà không cần kiểm tra bằng thực nghiêm và thường được sử dụng nhiều trong khoa học: sinh học, hoá học, ngôn ngữ học…

– Phân nhóm bổ trợ: là kiểu phân nhóm dựa vào các dấu hiệu bên ngoài không bản chất của đối tượng, nhưng lại có ích cho việc tìm kiếm đối tượng.

Ví dụ: lập thư mục sách trong thư viện theo tên tác giả, tên sách, hay theo tiếng (ngôn ngữ).

Sự thống nhất của phân chia và định nghĩa: Việc khảo sát định nghĩa và phân chia tách riêng nhau là để tiện nghiên cứu các thao tác với khái niệm. Nhưng trong thực tiễn tư duy sinh động chúng luôn thống nhất, liên hệ qua lại và tương tác lẫn nhau. Sở dĩ như vậy là do có sự thống nhất nội hàm và ngoại diên khái niệm được vạch mở nhờ định nghĩa và phân chia. Sự thống nhất và tương tác qua lại của các thao tác lôgíc ấy thể hiện trên hai mặt.

Một mặt, định nghĩa vạch ra bản chất, tính xác định về chất của đối tượng, đổng thời tạo cơ sở cho phép phân chia. Để phân ra được các hình thức của đối tượng, cần xuất phát từ bản chất của nó.

Mặt khác, phép phân chia bổ sung cho phép định nghĩa. Nếu như định nghĩa vạch mở bản chất của đối tượng độc lập với các hình thức thể hiện của nó, dường như tạm gác chúng lại, thì ở phép phân chia tư duy lại tập trung vào việc vạch ra các hình thức ấy. Chỉ có như vậy sự phân tích mới đầy đủ, toàn diện.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *