Các quy luật cơ bản của tư duy hình thức

1. QUAN NIỆM CHUNG VỀ QUI LUẬT CỦA TƯ DUY
1.1. Qui luật và qui luật logic của tư duy

Qui luật là những mối liên hệ có tính tất yếu, cơ bản, phổ biến, lặp đi lặp lại giữa các sự vật hiện tượng. Quá trình tư duy diễn ra cũng hết sức tinh vi, phức tạp, song nó cũng phải tuân theo những qui luật nhất định để phản ánh hiện thực khách quan.

Qui luật logic là qui luật chi phối sự vận động của quá trình tư duy, chi phối quá trình suy nghĩ của con người trong khi phản ánh giới hiện thực. Qui luật logic nào chi phối toàn bộ quá trình tư duy được gọi là qui luật logic cơ bản, còn qui luật logic nào chỉ chi phối một lĩnh vực, một bộ phận của quá trình tư duy dược gọi là các qui luật logic không cơ bản.

Logic học có hai chuyên ngành, đó là Logic biện chứng và Logic hình thức. Logic hình thức khi xem xét tư duy, nó không xem xét, không để ý đến các khía cạnh như đối tượng phản ánh, nội dung phản ánh của nó, cũng như hình thức ngôn ngữ diễn đạt tư tưởng, mà chỉ tập trung sự chú ý đến “Cấu tạo logic” của tư tưởng. Tức là chú ý tới phương thức liên kết, phương thức tổ chức các bộ phận cấu thành nội dung tư tưởng đã định hình trong tư duy để tạo nên một ánh phản xác định về đối tượng ở một phẩm chất nhất định, mà ta có thể đánh giá được là ánh phản đó là chân thực hay giả dối.

Cơ cấu logic hay cấu tạo logic của tư tưởng không phải là cái mà con người quy ước hay bịa đặt ra một cách tuỳ tiện, mà nó là ảnh, là hình thức của ánh phản, phản ánh những quan hệ xác định trong hiện thực đã được con người nhận thức thông qua thực tiễn. Cơ cấu logic ấy, vì vậy, không tách rời hay đứng trên nội dung phản ánh của tư tưởng, mà nó là một bộ phận hữu cơ làm nên tư tưởng. Do đó, cấu tạo logic cũng góp phần qui định tính chân thực hay giả dối của nội dung tư tuởng trong việc phản ánh đối tượng.

Nhiệm vụ của Logic hình thức là nghiên cứu, tìm ra các cơ cấu logic khác nhau của tư tưởng, vạch ra các nguyên tắc, các qui luật cho sự kết hợp các hình thức của tư tưởng (trong tính độc lập tương đối của nó với nội dung phản ánh) để chúng đạt tới sự phản ánh chân thực hiện thực khách quan.

Trong Logic hình thức, có bốn qui luật cơ bản đó là luật đồng nhất, luật cấm mâu thuẫn, luật lý do đầy đủ. Ngoài ra Logic hình thức còn có rất nhiều các qui luật logic không cơ bản khác , đó là các qui tắc, các công thức… chi phối một bộ phận này hay một bộ phận khác của các hình thức cơ bản của tư duy.

1.2. Đặc điểm chung của các qui luật logic của tư duy hình thức

Những qui luật của tư duy mà Logic hình thức nghiên cứu không phải là toàn bộ những qui luật mà tư duy trong quá trình nhận thức phải tuân theo, mà chỉ là những qui luật của tư duy hình thức (tư duy đã được định hình về đối tượng ở phẩm chất xác định trong một thời gian, một điều kiện và một mối quan hệ nhất định). Những qui luật này phản ánh những mối liên hệ cơ bản, tất yếu, giữa các đơn vị cấu thành của tư tưởng mà nó phát sinh trong quá trình thực hiện các thao tác tư duy.

Đặc trưng chung nhất, cơ bản nhất của các qui luật của tư duy hình thức là nó gắn với các hình thức của các thao tác tư duy khác nhau như: Suy luận, định nghĩa, phân loại, chứng minh, bắt bẻ, giả thuyết. Qui luật của tư duy hình thức biểu thị những thuộc tính chung nhất của tư duy đúng đắn như: Tính xác định, tính liên tục, tính không mâu thuẫn, tính có căn cứ của tư duy trong sự phản ánh hiện thực.

Các qui luật của Logic hình thức còn mang một đặc trưng khách quan là tồn tại độc lập với ý thức con người, nhưng lại được hình thành trong ý thức con người. Chúng không do ai tạo ra, mà là kết quả hoạt động thực tiễn của con người phát hiện, sử dụng nhằm mục đích nâng cao trình độ tư duy, loại trừ các sai lầm logic. Tính khách quan của qui luật lôgích hình thức còn thể hiện ở chỗ là nó không lệ thuộc vào tính giai cấp, tính dân tộc, vì kết cấu tư duy của mọi người là như nhau.

Các qui luật logic hình thức còn mang đặc trưng tiên đề, tức là tính chân thực của chúng không cần phải chứng minh, tính chân thực đó đã đưîc thực tiễn kiểm nghiệm lặp đi lặp lại hàng triệu triệu lần, như Lênin đã viết trong Bút ký triết học, trang 211 “Hoạt động thực tiễn của con người đã làm cho ý thức của con người lÆp đi lÆp lại hàng nghìn triệu lần những cách logic khác nhau càng làm cho các cách này có thể có được ý nghĩa công lý”. Vì vậy muốn đạt tới chân lý con người nhất thiết phải tuân theo các qui luật của Logic hình thức trong qua trình tư duy. Con người không thể nhận thức được đối tượng, nếu chỉ xem xét đối tượng trong quá trình vận động biến đổi không ngừng của chúng, mà bỏ qua sự nhận thức mặt ổn định tương đối của chúng. Nghĩa là, nếu ta bỏ qua sự nhận thức đối tượng trong sự thống nhất giữa lượng và chất của nó trong không gian, thời gian xác định, khi nó còn là nó, phân biệt được với các đối tượng khác, thì thực chất, ta cũng không thể nhận thức đúng đắn được hiện thực khách quan như nó vốn có.

2. CÁC QUI LUẬT CỦA TƯ DUY HÌNH THỨC
2.1. Qui luật đồng nhất
2.1.1. Đặc trưng phản ánh của qui luật

Qui luật đồng nhất phản ánh quan hệ đồng nhất trừu tượng của sự vật hiện tượng trong thế giới hiện thực với chính bản thân nó ở một phẩm chất nhất định trong điều kiện xác định được xem xét. Đây chính là nguyên tắc có tính chất cơ sở để xây dựng toàn bộ khoa học Logic hình thức. Tính đồng nhất trừu tượng của mỗi một sự vật hiện tượng, là điều kiện trước tiên, để định hình tư duy với tư cách là ảnh tinh thần về đối tượng phản ánh. Trong hiện thực, mỗi sự vật hiện tượng đều luôn vận động, biến đổi, nó vừa là nó đồng thời lại đang là cái khác với nó. Nhờ có thao tác đồng nhất trừu tượng trong đầu óc con người mà người ta mới định hình được những hiểu biết về đối tượng và phân biệt nó với những cái không phải là nó.

2.1.2. Nội dung của qui luật

Qui luật đồng nhất phát biểu như sau: “Một ý nghĩ, một tư tưởng đã được định hình trong tư duy phản ánh đối tượng ở một phẩm chất xác định, thì phải đồng nhất với chính bản thân nó (tức chính sự vật đó) hoặc với chính tư tưởng ấy về mặt giá trị logic”. Nói cách khác: Mỗi tư tưởng (khái niệm, phán đoán) khi đã định hình về đối tượng ở một phẩm chất xác định thì phải tường minh, và giữ nguyên nghĩa trong suốt quá trình tư duy (lập luận) để rút ra kết luận.

Qui luật đồng nhất có thể được biểu diễn bằng công thức:

Đọc là: “A đồng nhất với A về giá trị logic” hoặc “Nếu A chân thực thì A là chân thực”.

2.1.3. Yêu cầu của qui luật

– Không được đánh tráo đối tượng (nội dung) của tư tưởng – nghĩa là một khi tư tưởng đã định hình phản ánh đối tượng ở một phẩm chất nào đó thì trong suốt quá trình tư duy nó chỉ được phản ánh đối tượng ở phẩm chất đó mà thôi, không được thêm bớt phẩm chất (xuyên tạc nội dung), tức là không được phản ánh sang đối tượng ở một phẩm chất khác với phẩm chất ban đầu được xét. Đơn giản là, trong quá trình tư duy, lập luận không được thay đổi nội dung tư tưởng (cùng các điều kiện tạo thành nội dung đó) đã được các xác định từ đầu, không được thay đổi đối tượng của tư tưởng này bằng đối tượng tư tưởng khác. Vi phạm yêu cầu này tức là tư duy vi phạm qui luật đồng nhất.

a≡a

– Không được đánh tráo ngôn ngữ diễn đạt tư tưởng – Nghĩa là những tư tưởng khác nhau không được đồng nhất với nhau hoặc ngược lại từ tư tưởng đồng nhất không được rút ra hai tư tưởng khác nhau. Đơn giản là trong biểu đạt không được ý nọ lời kia, nếu khi chọn từ, chọn câu để diễn đạt mà lại không trình bày đúng ý tưởng đúng đối tượng phải trình bày, tức là đã vi phạm luật đồng nhất.

– Ý nghĩ, tư duy tái tạo phải đồng nhất với ý nghĩ, tư duy nguyên mẫu – nghĩa là khi nhắc lại, tái tạo lại một tư tưởng nào đó của mình hay của người khác, thì phải nhắc lại hay tái tạo lại chính xác tư tưởng đó, không được làm sai lạc nội dung của ý nghĩ, tư tưởng nguyên mẫu. nếu nhắc lại hay tái tạo lại sai ý nghĩ, tư tưởng đã định hình ban đầu là vi phạm yêu cầu thứ ba của qui luật, trường hợp này ta gọi là tam sao thất bản.

2.1.4. Ý nghĩa của qui luật đồng nhất

Qui luật đồng nhất biểu thị một tính chất rất cơ bản của tư duy, đó là tính xác định. Nếu không có tính chất xác định đó thì ta không thể hiểu đúng và dẫn tới hiểu lầm nhau theo kiểu ông nói gà bà nói vịt. Tính xác định này phản ánh tính ổn định tương đối về chất của đối tượng trong hiện thực. Tuân thủ các yêu cầu của qui luật đồng nhất giúp chúng ta nắm chắc nội dung tư tưởng của vấn đề đã đặt ra từ trước và trong quá trình lập luận… chúng ta bị không lạc vấn đề, cũng như tư duy không bị rối loạn.

Qui luật đồng nhất giúp ta khắc phục tính mơ hồ về nội dung vấn đề, tính không cụ thể của phạm vi vấn đề được đề cập, đặc biệt chống lối nói nước đôi hoặc nguỵ biện.

* Chú ý:

– Những từ đồng âm khác nghĩa và đồng nghĩa khác âm dễ vi phạm yêu cầu qui luật

– Dễ phạm sai lầm khi hiểu biết của ta về đối tượng không đầy đủ nên trong ngôn ngữ diễn đạt lại dùng theo nghĩa khác (mở rộng khái niệm).

– Trong tranh luận khoa học trước những vấn đề phức tạp, không đủ năng lực giữ vững đối tượng (lạc đề, vượt quá phạm vi vấn đề đặt ra)

– Dễ phạm sai lầm trong suy luận suy diễn nếu hiểu biết của ta không đầy đủ và diễn đạt không chính xác sẽ gấp bốn thuật ngữ trong tam đoạn luận.

2.2. Qui luật cấm mâu thuẫn

2.2.1. Đặc trưng phản ánh của qui luật

Qui luật cấm mâu thuẫn phản ánh sự khác biệt của đối tượng đang được xét với các đối tượng khác, đồng thời cũng phản ánh sự khác biệt của đối tượng đang được xét ở một phẩm chất đã được xác định với các phẩm chất khác của chính đối tượng đó. Như vậy, qui luật cấm mâu thuẫn cũng khẳng định lại đặc trưng đồng nhất trừu tượng của mỗi sự vật, hiện tượng với chính nó, nhưng dưới dạng phủ định. Nghĩa là, mỗi sự vật hiện tượng, hoặc thuộc tính nào đó của sự vật, hiện tượng, trong cùng một không gian, thời gian, cùng một quan hệ xác định thì không thể đồng thời vừa tồn tại vừa không tồn tại, vừa có lại vừa không.

2.2.2. Nội dung qui luật

Qui luật cấm mâu thuẫn được phát biểu như sau: “Một ý nghĩ, một tư tưởng khi đã được định hình trong tư duy, phản ánh đối tượng ở một phẩm chất xác định thì không thể đồng thời mang hai giá trị logic trái ngược nhau”. Qui luật này có thể phát biểu tóm tắt là: “Hai ý nghĩ, hai tưởng mâu thuẫn nhau thì không thể cùng chân thực”. Nói dễ hiểu, thì trong quá trình lập luận về đối tượng hay “vấn đề” nào đó ta không được vừa khẳng định, vừa phủ định một cái gì đó thuộc về đối tượng ở cùng một quan hệ, một điều kiện xem xét.

Công thức diễn đạt qui luật:

Đọc là: (Không thể có chuyện vừa “a” vừa “không a”)

Hoặc là: (Không thể có chuyện vừa là “a” vừa là “không a” mà lại cùng chân thực)

2.2.3. Yêu cầu của qui luật

– Không được dung chứa mâu thuẫn logic trực tiếp trong tư duy khi phản ánh về đối tượng ở một phẩm chất xác định (về cùng một đối tượng, ở cùng một thời gian và trong cùng một mối quan hệ). Tức là về cùng một đối tượng, ta không thể đồng thời vừa khẳng định điều gì đó song lại phủ định ngay chính điều ấy. Nếu các tư tưởng, ý nghĩ mà mâu thuẫn phủ định nhau tức là vi phạm yêu cầu của qui luật, ta thường gọi là lỗi “Tiền hậu bất nhất”.

Ví dụ: Nghe cha mẹ hỏi “Con ngủ chưa”?. Bé trả lời: “Con ngủ rồi ”

– Không được dung chứa mâu thuẫn logic gián tiếp trong tư duy. Có hai trường hợp xảy ra:

+ Về một đối tượng nào đó, ta không được vừa khẳng định một điều gì đó về đối tượng, rồi sau đó lại phủ định những hệ quả được rút ra từ điều ta vừa khẳng định.

Phần 2: Các qui luật logic cơ bản của tư duy hình thức

“Ông hãy lấy cái Mâu của ông để đâm cái thuẫn của ông đi, nếu đúng như lời rao thì tôi mới mua” – Liệu người bán Mâu và Thuẫn có thể đáp ứng yêu cầu đó không?

+ Về cùng một đối tượng, ta không được khẳng định cho chúng hai thuộc tính mà trong thực tế hai thuộc tính đó lại loại trừ nhau lẫn nhau.

Ví dụ trong “Ngụ ngôn LaFonten”có chuyện: “Một khách bộ hành xin ngủ qua đêm nhà của Quỷ. Vợ chồng Quỷ rất mừng tưởng gặp dịp may. Gia đình Quỷ sửa soạn ăn tối. Quỷ mời khách cùng ăn. Ngồi vào bàn, anh ta đưa hai bàn tay lên miệng thổi.

– Ông làm gì vậy? Quỷ cái hỏi.

– Trời lạnh cóng tay, ta thổi cho nó ấm lên. Quỷ vợ múc cho khách một đĩa xúp, hơi bốc lên nghi ngút. Khách lại ghé miệng vào đĩa mà thổi. Quỷ cái lại hỏi:

– Ông làm gì vậy?.

– Khách trả lời: “Ta thổi cho nó nguội đi!”. Nghe vậy Quỷ chồng hốt hoảng:

– Ới ông ơi! Xin ông đi đâu thì đi. Ngay bọn Quỷ chúng tôi cũng không thể làm một cái thổi vừa làm cho nóng lên lại vừa làm cho lạnh đi!”.

Ta thấy, trong câu chuyện trên Quỷ đã lầm khi cho rằng con người làm được hai việc mâu thuẫn nhau, vì nó đã đồng nhất hai cái thổi ở hai thời điểm khác nhau trong hai quan hệ khác nhau (thổi – bàn tay lạnh / thổi – đĩa xúp nóng).

2.2.4. Ý nghĩa qui luật

Không có mâu thuẫn logic trong tư duy là điều kiện cần thiết của nhận thức chân lý. Qui luật cấm mâu thuẫn biểu thị tính chất cơ bản của tư duy đó là tính liên tục và không mâu thuẫn, tôn trọng các yêu cầu của qui luật là điều kiện cần thiết để tránh mâu thuẫn trong tư duy khi phản ánh về đối tượng ở cùng một phẩm chất, trong cùng một thời gian, một điều kiện và một mối quan hệ.

2.3. Qui luật loại trừ cái thứ ba

2.3.1. Đặc trưng phản ánh của qui luật

Qui luật loại trừ cái thứ ba phản ánh tính xác định về mặt giá trị logic của tư tưởng đã được nêu lên. Nói cách khác, khi tư duy của chúng ta đã định hình để phản ánh về một đối tượng ở một phẩm chất xác định nào đó thì tư duy chúng ta chỉ có thể là phản ánh một cách chân thực hoặc là phản ánh một cách giả dối, chứ không thể vừa chân thực vừa giả dối.

2.3.2. Nội dung qui luật

Qui luật loại trừ cái thứ ba phát biểu như sau: “Một ý nghĩ, một tư tưởng đã được định hình trong tư duy, phản ánh về một đối tượng ở một phẩm chất xác định thì phải mang một giá trị logic xác định, hoặc chân thực hoặc giả dối, không có trường hợp thứ ba.” Nói cách khác, có hai phán đoán phủ định nhau, theo cùng một quan hệ, trong cùng một thời gian, thì phải có một phán đoán đúng và phán đoán ngược lại là giả dối, chúng ta dứt khoát phải thừa nhận điều đó chứ không thể khác.

Công thức của qui luật:

Đọc là: “Tư tưởng “a” chân thực hoặc giả dối chứ không có khả năng thứ ba

2.3.3. Yêu cầu của qui luật

– Phải định hình tư duy khi phản ánh đối tượng ở phẩm chất xác định nào đó, tức là phải công nhận là chân thực một trong hai tư tưởng mâu thuẫn với nhau khi cùng phản ánh đối tượng ở phẩm chất xác định, trong cùng một quan hệ nhất định.

– Phải định hình nội dung của các danh từ logic được sử dụng để diễn đạt tư tưởng.

Ví dụ: Một nhà thông thái muốn kén rể thông minh cho con gái, bèn treo bảng kén rể. Anh hào các nơi kéo về, nhà thông thái cho bày ra hai đĩa thức ăn, và bảo: “Các anh hãy thử ăn đi. Ăn còn thì ta đánh đòn cho chết; mà ăn hết thì ta cho đánh chết bằng đòn. Ai ăn mà vẫn không thể bị đòn thì ta sẽ kén làm rể”. Mọi người lúng túng, rồi bỏ đi. Mãi sau mới có một chàng trai xin được thử. Anh ta ăn một đĩa hết sạch, còn đĩa kia anh ta không động tới, kết quả anh ta được chọn làm rể.

Trong câu chuyện trên, nhà thông thái khôn ngoan đã sử dụng tính không xác định của phạm vi khái niệm “ăn còn” và “ăn hết” đối với thức ăn đem ra (hai đĩa) để thử trí thông minh của các chàng trai.

2.3.4. Ý nghĩa của qui luật

Qui luật loại trừ cái thứ ba giúp ta quyết đoán tìm ra kết luận chính xác trước một vấn đề đặt ra. Nó không cho phép người ta mơ hồ giữa cái khẳng định và cái phủ định, nó thể hiện tính Đảng trong tư tưởng.

Người vi phạm qui luật này trong nhiều trường hợp không phải là có biết hay không biết qui luật logic mà vấn đề ở chỗ tư tưởng không dám quyết đoán, không dám công nhận giữa cái đúng và cái sai, hoặc ít ra là không dám công khai tuyên bố quan điểm của mình trước một vấn đề cần lựa chọn.

2.4. Qui luật lý do đầy đủ

2.4.1. Đặc trưng phản ánh của qui luật

Qui luật lý do đầy đủ phản ánh một thực tế là sự xuất hiện, biến đổi của sự vật hiện tượng của thế giới bao giờ cũng có nguyên nhân, có căn cứ. Đó là kết quả của sự liên hệ tác động giữa các yếu tố vốn có trong lòng sự vật hiện tượng, hoặc giữa các sự vật hiện tượng. Bởi vậy, tư tưởng một khi khẳng định hay phủ định một thuộc tính, một quan hệ hay bản thân đối tượng nào đó, thì phải có đầy đủ những căn cứ logic – nghĩa là phải chứng minh được tính chân thực của chính sự khẳng định hay phủ định ấy.

2.4.2. Nội dung qui luật lý do đầy đủ

Qui luật lý do đầy đủ phát biểu: “Một ý nghĩ, một tư tưởng khi đã được định hình trong tư duy phản ánh về đối tượng ở một phẩm chất xác định thì chỉ được công nhận là chân thực khi có đầy đủ căn cứ để xác định hay chứng minh cho tính chân thực đó”. Nghĩa là mỗi tư tưởng hay luận điểm nào đó chỉ được coi là hoàn toàn đúng, đáng tin cậy phải là tư tưởng hay luận điểm đã được chứng minh, tức là phải chỉ ra được lý do, sở cứ của sự đúng đắn, tin cậy đó.

Trong khoa học và trong hoạt động hàng ngày ta không thể công nhận hay bác bỏ một cách vô căn cứ, vô điều kiện một cái gì, khi nó chưa có đủ những bằng cứ. Những căn cứ, cơ sở, lý do có thể là những sự kiện thực tế, có thể là những điều đã được khoa học chứng minh và thực tiễn kiểm nghiệm, song cũng có thể là bằng con đường logic tức là so sánh với các luận điểm đã được chứng minh để lập luận về tính chân thực của chúng.

2.4.3. Yêu cầu của qui luật lý do đầy đủ

– Khi một tư tưởng, một ý nghĩ đã được định hình trong tư duy thì cũng phải xác định được giá trị logic của chúng

– Phải tìm được đầy đủ căn cứ làm chỗ dựa cho giá trị logic của tư tưởng, của ý nghĩ được nêu trên. Có hai loại căn cứ:

+ Lý do suy ra trực tiếp từ nguyên nhân (lý do ngoài logic), tức là lý do của một hiện tượng nào đấy chính là nguyên nhân của hiện tượng đấy. Ở đây, lý do và nguyên nhân đồng nhất với nhau.

+ Lý do logic: Dựa vào những luận điểm, định lý, qui tắc, công thức… đã được chứng minh là tin cậy làm lý do, làm tiền đề chứng minh cho một tư tưởng hay luận điểm nào đó là chân thực.

2.4.4. Ý nghĩa của qui luật lý do đầy đủ

Khi đưa ra một quan điểm cần chuẩn bị đầy đủ những luận chứng luận cứ cần thiết để bảo vệ cho quan điểm của mình. Không nên vội vã đưa ra nhận xét, kết luận về một điều gì đấy khi chưa đủ bằng chứng xác đáng để giải thích, chứng minh cho tính chân thực hay giả dối của nó. Không nên vội tin hay bác bỏ ngay những điều mà tư duy ta còn mơ hồ chưa xác định được giá trị logic của nó. Qui luật lý do đầy đủ giúp ta suy nghĩ, hành động một cách thận trọng chắc chắn, không tiếp thu bằng niềm tin mù quáng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *