[VPLUDVN] Cấu trúc là sự thống nhất toàn vẹn các phần tử và sự liên hệ về mọi mặt giữa chúng. Cấu trúc tâm lý của nhân cách cũng vậy Theo nhà tâm lý học Nga K.K. Platônốp thì nhân cách không phải là vô định, không phải là cái túi với những đặc điểm của nhân cách vô tình bị bỏ vào trong đó.
Nhân cách có một cấu trúc nhất định. Nhân cách bao gồm các phần tử và các phần tử liên hệ với nhau theo cách thức khác nhau. Chính các phần tử kết hợp lại bằng sự liên hệ theo một cách thức tạo nên nhân cách toàn vẹn. Nhân cách cũng có ảnh hưởng ngược trở lại các phần tử và các mối liên hệ giữa các phần tử. Từ đó có thể nói, câu trúc nhân cách là sự sắp xếp các thuộc tính hay các thành phần của nhân cách thành một chỉnh thể trọn vẹn tương đối ổn định trong một liên hệ và quan hệ nhất định. Có nhiều quan điểm khác nhau về cấu trúc nhân cách tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi tác giả về bản chất của nhân cách. Có tác giả xem xét cấu trúc nhân cách gồm ba, bốn hay năm thành phần. Có thể nêu ra một số loại cấu trúc nhân cách sau: Loại cấu trúc hai phần:
+ Trong tài liệu tâm lý học Việt Nam đưa ra quan niệm cho rằng cấu trúc nhân cách gồm hai thành phần cơ bản là đức và tài hay còn gọi là phẩm chất và năng lực.
+ Quan niệm cấu trúc nhân cách có hai tầng: Tầng “nổi” sáng tỏ gồm ý thức, tự ý thức, ý thức nhóm và tầng “sâu” tối tăm bao gồm tiềm thức, vô thức.
Loại cấu trúc ba thành phần:
+ S. Phrớt quan niệm cấu trúc nhân cách gồm ba phần: cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Mỗi bộ phận hoạt động theo nguyên tắc nhất định và có liên hệ chặt chẽ với nhau.
+ AG. Covaliốp cho rằng trong cấu trúc của nhân cách bao gồm ba thành phần là các quá trình tâm lý, các trạng thái tâm lý và các thuộc tính tâm lý cá nhân.
+ Quan điểm coi nhân cách bao gồm ba lĩnh vực cơ bản; nhận thức (bao gồm cả tri thức và năng lực trí tuệ), tình cảm (rung cảm, thái độ) và lí trí (phẩm chất ý chí, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen).
Loại cấu trúc bốn thành phần:
- Tiểu cấu trúc có nguồn gốc sinh học (bao gồm khí chất, giới tính, lứa tuổi và có cả những đặc điểm bệnh lí).
- Tiểu cấu trúc về đặc điểm của các quá trình tâm lý như các phẩm chất của cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy; những phẩm chất của ý chí; những đặc điểm của xúc cảm, tình cảm.
- Tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm gồm các tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, năng lực,…
- Tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách: nhu cầu, hứng thú, lí tưởng, thế giới quan, niềm tin…
+ Quan điểm coi nhân cách gồm bốn nhóm thuộc tính tâm lý điển hình của cá nhân: xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực (những thuộc tính này đang được thừa nhận tương đối rộng rãi nên sẽ được phân tích chi tiết ở mục 2).
+ Theo nhà tâm lý học Việt Nam, Phạm Minh Hạc thì nhân cách con người bao gồm bốn bộ phận sau:
- Xu hướng của nhân cách: Đó là hệ thống những thúc đẩy quy định tính lựa chọn của các thái độ và tính tích cực của con người. Xu hướng của nhân cách bao gồm nhiều thuộc tính khác nhau, bao gồm một hệ thống các nhu cầu, hứng thú, niềm tin, lí tưởng tác động qua lại với nhau. Trong đó có một thành phần nào đó chiếm ưu thế và có ý nghĩa chủ đạo, đồng thời các thành phần khác giữ vai trò làm chỗ dựa, làm nền.
- Những khả năng của nhân cách: bao gồm một hệ thống các năng lực, đảm bảo cho sự thành công của hoạt động. Các năng lực cá nhân là tiền đề tâm lý đảm bảo cho những xu hướng của nhân cách trở thành hiện thực, chúng có liên quan và tác động qua lại với nhau. Thông thường, có một năng lực nào đó chiếm ưu thế còn những năng lực khác thì phụ thuộc vào nó và tăng cường cho nó (tức năng lực chủ đạo). Rõ ràng là, cấu trúc của xu hướng nhân cách sẽ ảnh hưởng đến tính chất của mối tương quan giữa các năng lực của nó. Về phần mình, sự phân hoá của các năng lực sẽ lại ảnh hưởng đến thái độ lựa chọn của nhân cách đối với hiện thực.
- Phong cách, hành vi của nhân cách: Phong cách, cũng như các đặc điểm tâm lý trong hành vi của nhân cách là do tính cách và khí chất của nhân cách đó quy định. Tính cách là hệ thống thái độ của con người đối với thế giới xung quanh và bản thân. được thể hiện trong hành vi của họ. Tính cách tạo nên phong cách hành vi của con người trong môi trường xã hội và phương thức giải quyết những nhiệm vụ thực tế của họ. Khí chất là những thuộc tính cá thể quy định động thái của hoạt động tâm lý con người, quy định sắc thái thể hiện bên ngoài của đời sống tinh thần của họ.
- Hệ thống điều khiển của nhân cách: Hệ thống này thường được gọi là cái “tôi” của nhân cách. “Cái tôi” là một cấu tạo tự ý thức của nhân cách, nó thực hiện sự điều chỉnh: tăng cường hay làm giảm bớt hoạt động, tự kiểm tra và sửa chữa các hành vi và hoạt động, dự kiến và hoạch định cuộc sống và hoạt động của cá nhân. Tuỳ theo mức độ phát triển mà hệ thống tự điều chỉnh này được củng cố và con người trở thành chủ nhân của các sức mạnh của mình. Tuỳ thuộc vào sự giáo dục và lối sống của đứa trẻ và người lớn mà phẩm chất của “cái tôi” được xác định, khả năng tự điều chỉnh các sức mạnh và phương tiện của bản thân được xác định Biểu tượng về “cái tôi” của bản thân sẽ quy định mức độ kì vọng, mức độ tính tích cực tương ứng của nhân cách cũng như mức độ phát triển của các năng lực.
– Loại cấu trúc năm thành phần:
Nhà tâm lý học Cộng hoà Séc J. Stêfanôvic đưa ra cấu trúc nhân cách gồm năm đặc điểm:
+ Đặc điểm tính tích cực – động cơ của nhân cách như xu hướng, nguyện vọng, hứng thú, kế hoạch sống.
+ Đặc điểm lập trường – quan hệ của nhân cách thể hiện mặt giá trị của nhân cách bao gồm lập trường, lí tưởng và quan điểm sống.
+ Đặc điểm về mặt hành động của nhân cách bao gồm tri thức kĩ xảo thói quen.
+ Đặc điểm tự điều chỉnh của nhân cách gồm tự ý thức, tự đánh giá, tự phê bình của nhân cách.
+ Đặc điểm về động thái của nhân cách thể hiện ở khí chất
Sau đây chúng ta phân tích chi tiết hơn về quan điểm cấu trúc nhân cách của các nhà tâm lý học Việt Nam để có thể dễ dàng vận dụng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta. Đó là quan điểm coi cấu trúc nhân cách gồm hai mặt thống nhất với nhau là đức và tài (phẩm chất và năng lực).
Có thể biểu diễn cấu trúc theo bảng sau:
Phẩm chất (Đức) | Năng lực (Tài) |
---|---|
– Phẩm chất xã hội (đạo đức, chính trị) như: thế giới quan. lí tưởng. niềm tin, lập trường, thái độ… | – Năng lực xã hội hoá: khả năng thích ứng. hoà nhập, tính mềm dẻo cơ động, linh hoạt trong cuộc sống |
– Phẩm chất cá nhân (đạo đức tư cách: cái nết. thói quen. các ham muốn) | – Năng lực chủ thể hoá: khả năng thể hiện tính độc đáo, đặc sắc, khả năng thể hiện cái riêng, cái “bản lĩnh” của cá nhân |
– Phẩm chất ý chí: tính mục đích, tính tự chủ, tính kỉ luật, tính quả quyết, tính phê phán. | – Năng lực hành động: khả năng hành động có mục đích, chủ động tích cực có hiệu quả |
– Cung cách ứng xử: tác phong, lễ tiết, tính khí. | – Năng lực giao tiếp: khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ với người khác |
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.