Chức năng của nhà nước qua các kiểu nhà nước

[VPLUDVN] Mỗi kiểu nhà nước có bản chất riêng phù hợp với cơ sở kinh tế – xã hội của nó, đồng thời bản chất của mỗi kiểu nhà nước lại là yếu tố quan trọng quyết định các chức năng nhà nước. Qua các kiểu nhà nước, chức năng của nhà nước có sự phát triển thể hiện ở sự tăng thêm về số lượng, sự mở rộng về nội dung và sự đa dạng hơn về phương thức thực hiện. Sự phát triển của các chức năng nhà nước là một tất yếu khách quan phù hợp với sự vận động phát triển của đời sống xã hội. Cụ thể:

Về số lượng chức năng của nhà nước:

Có thể nói, các nhà nước đều có chức năng kinh tế, chức năng xã hội, chức năng bảo vệ đất nước… Tuy nhiên, có những chức năng chỉ xuất hiện ở những nhà nước hiện đại, còn ở các nhà nước chủ nô và phong kiến chưa có chức năng đó mà đó mới chỉ là những hoạt động lẻ tẻ, chưa phải là mặt hoạt động cơ bản, chủ yếu của nhà nước. Chẳng hạn, tổ chức và quản lí văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường… chỉ trở thành những mặt hoạt động chủ yếu của các nhà nước hiện đại. Tương tự, chức năng thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước khác chưa có ở nhà nước chủ nô, phong kiến, tuy nhiên đây lại là chức năng quan họng của các nhà nước hiện đại. Để phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục… hay giải quyết những vấn đề có tính chất quốc tế, các nhà nước cần thiết phải tham gia quan hệ với các nhà nước khác. Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử của đất nước, chế độ chính trị xã hội của từng nước mà chức năng này có biểu hiện khác nhau, về quy mô có thể là quan hệ hợp tác song phương hoặc đa phương, về nội dung có thể là hợp tác ở một hoặc nhiều lĩnh vực… Các nhà nước chủ nô, phong kiến cũng có một số hoạt động bang giao với các nhà nước khác, tuy nhiên đây là những hoạt động không cơ bản, không thường xuyên, việc thực hiện những hoạt động này chỉ có tính nhất thời, nhằm giải quyết những vụ việc cụ thể. Sự phát triển đa dạng, phức tạp trên mọi mặt của đời sống xã hội có thể khiến nhà nước còn phải thực hiện thêm một số chức năng khác, chẳng hạn chống biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa khủng bố…

Sự thay đổi về số lượng chức năng nhà nước còn thể hiện ở việc mất đi chức năng nào đó của nhà nước. Chẳng hạn, tiến hành chiến tranh xâm lược là chức năng của nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản nhưng nhà nước xã hội chủ nghĩa không còn có chức năng này. Với bản chất tốt đẹp của mình, nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn mong muốn xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng không có áp bức bóc lột nên các nước xã hội chủ nghĩa luôn muốn thiết lập các quan hệ hữu hảo với các dân tộc khác. Như vậy, việc mất đi những chức năng có tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển của xã hội cũng là biểu hiện sự phát triển của chức năng nhà nước.

Về nội dung của mỗi chức năng:

Cùng với sự phát triển ngày một phức tạp của đời sống xã hội thi nội dung mỗi chức năng của nhà nước cũng ngày một đa dạng, phong phú phù họp với nhiều vấn đề mới phát sinh mà nhà nước phải giải quyết. Chẳng hạn, nội dung chức năng kinh tế của các nhà nước thường bao gồm việc củng cố, bảo vệ quan hệ sản xuất, quản lí các hoạt động kinh tế… Tuy nhiên các kiểu nhà nước khác nhau thì các hoạt động này cũng khác nhau. Ở nhà nước chủ nô, nhà nước chủ yếu là củng cố, bảo vệ chế độ sở hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và người nô lệ, còn hoạt động tổ chức quản lí kinh tế của nhà nước thì rất hạn hẹp, như nhà nước chỉ tiến hành một số hoạt động trị thủy, khai khẩn đất hoang nhằm mở rộng diện tích canh tác để phát triển nông nghiệp. Việc quản lí kinh tế của nhà nước phong kiến đã được quan tâm hom. Do đất đai là yếu tố sống còn của nhà nước phong kiến nên các nhà nước đều tiến hành các hoạt động trị thủy, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh đó để phát triển kinh tế, các nhà nước phong kiến đã quan tâm hơn đến bảo hộ, khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công, phát triển thương nghiệp bằng việc vận chuyển hàng hoá giao thương giữa các vùng lãnh thổ quốc gia và các nước lân cận. Với nhà nước tư sản, hoạt động tổ chức quản lí kinh té trở nên rất đa dạng, phức tạp, được nhà nước rất coi trọng. Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, nhà nước tư sản dùng chính sách thuế khoá tác động đến các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, nhà nước tư sản đã can thiệp sâu vào quá trình kinh tế, đưa ra chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô nhằm tránh cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bị rơi vào các cuộc khủng hoảng. Nhà nước tư sản đã sử dụng các đòn bẩy kinh tế, các chính sách thuế khoá để điều tiết nền kinh tế. Có thể nói, chức năng kinh tế của nhà nước tư sản thực hiện ngày càng phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội hiện đại, tạo ra nguồn của cải vật chất khổng lồ cho nhân loại. Với nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt. Theo V. I. Lênin, sự thành công của chủ nghĩa xã hội được quyết định bởi năng suất lao động, của cải vật chất ngày một nhiều, đời sống vật chất của người dân ngày một nâng cao. Để thực hiện chức năng này, nhà nước xã hội chủ nghĩa phải củng cố, bảo vệ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, phải tiến hành việc quốc hữu hoá xí nghiệp, đất đai của giai cấp bóc lột đã bị lật đổ, quy định những tư liệu sản xuất quan trọng đều thuộc sở hữu toàn dân và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc đối với mọi hành vi xâm hại tới chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt nhà nước xã hội chủ nghĩa thay mặt cho nhân dân quản lí những tư liệu sản xuất quan trọng nhất, trực tiếp tiến hành việc tổ chức quản lí sản xuất, phân công lao động và phân phối sản phẩm xã hội nhằm phát triển một nền kinh tế cân đối và toàn diện, đảm bảo ngày càng nâng cao mức sống của người dân.

Tương tự, đối với chức năng xã hội của nhà nước, phạm vi hoạt động của nhà nước cũng ngày càng mở rộng hơn, nhà nước tiến hành ngày càng nhiều hơn những hoạt động vì sự phát triển chung của cộng đồng. Chẳng hạn, nhà nước chủ nô mới chỉ thực hiện một số hoạt động nhằm ổn định xã hội như tiến hành các hoạt động văn hoá, thể thao, thực hiện các nghi lễ tôn giáo… Nhà nước phong kiến thực hiện một số hoạt động nhân đạo như cứu tế, cấp phát lương thực hỗ trợ dân lúc đói kém, khuyến khích giáo dục, coi trọng khoa cử nhằm lựa chọn người hiền tài phục vụ đất nước. Đối với nhà nước tư sản, chức năng xã hội rất phát triển do bản chất tiến bộ của nó. Ngay từ khi mới ra đời, tính xã hội của nhà nước tư sản đã rộng rãi hơn rất nhiều so với nhà nước phong kiến. Chính điều này đã quyết định đến chức năng xã hội của nhà nước tư sản. Trước hết nhà nước tư sản có nhiều hoạt động nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, an toàn của xã hội. Nhà nước đầu tư lớn cho các công trình phúc lợi chung, nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, văn hoá giáo dục và y tế. Hệ thống giáo dục với nhiều cấp học, bậc học rất phù hợp và phát triển. Hệ thống y tế với các loại hình công, tư và đội ngũ y bác sĩ trình độ cao đã làm khá tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đặc biệt nhà nước ứng phó rất kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Việc phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, nhà nước tư sản cũng thực hiện rất hiệu quả, giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Nhà nước tư sản tiến hành nhiều hoạt động quan tâm đến đời sống của người dân; thực hiện chính sách an sinh xã hội như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp cho người thu nhập thấp, có các chính sách về bảo hiểm xã hội phù hợp, chăm lo đời sống của những người già cô đơn, người tàn tật trong xã hội… Đặc biệt, chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa rất phát triển. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đại diện cho toàn thể người lao động nên nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo một xã hội ổn định theo hướng có lợi cho người lao động, quan tâm chăm lo đến đời sống mọi mặt của người dân. Chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa được tiến hành với nhiều nội dung phong phú. về văn hoá, nhà nước xã hội chủ nghĩa xây dựng và thực hiện nền văn hoá mới, con người mới, nâng cao dân trí. về giáo dục, nhà nước từ chỗ xoá mù chữ đến thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, miễn giảm học phí ở nhiều cấp học cho nhân dân. Hệ thống y tế rất phát triển, nhiều mạng lưới y tế được mở rộng với nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện đại đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nhà nước có chính sách tôn giáo, dân tộc hợp lí, ưu tiên phát triển ở vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào thiểu số để đảm bảo sự phát triển hài hoà của mọi vùng miền trong cả nước, về an sinh xã hội, nhà nước rất quan tâm đến việc làm, đến trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội; thực hiện việc miễn giảm đóng góp bảo hiểm xã hội cho những đối tượng đặc biệt…

Chức năng xã hội là chức năng cơ bản, thể hiện rõ nét bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện tốt chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ và dự báo trong tương lai, các nước xã hội chủ nghĩa sẽ có điều kiện để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng này. Chính vì vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa được coi là nhà nước phục vụ nhân dân.

Về phương thức thực hiện chức năng của nhà nước:

Các nhà nước đều thực hiện chức năng của mình thông qua các phương thức là xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, các nhà nước thường kết hợp giữa giáo dục thuyết phục với cưỡng chế. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng pháp luật trong các nhà nước chủ nô, phong kiến còn nhiều hạn,chế, pháp luật chủ yếu thể hiện ý chí của vua chúa và thường rất hà khắc. Nhà vua tự coi mình đứng trên pháp luật, việc thực hiện pháp luật của bộ máy quan lại nhiều khi còn tùy tiện. Các nhà nước này thường coi trọng biện pháp cưỡng chế trong việc thực hiện chức năng của nhà nước, nhiều trường hợp các biện pháp cưỡng chế rất dã man tàn khốc. Chẳng hạn, trong xã hội chiếm hữu nô lệ, người nô lệ bị bóc lột rất nặng nề, họ bị coi là tài sản, là đồ vật thuộc sở hữu của chủ nô.1 Mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ vô cùng gay gắt, nhiều cuộc đấu tranh của nô lệ đã xảy ra. Nhà nước chủ nô đã ban hành pháp luật quy định tình trạng vô quyền của nô lệ, đồng thời sử dụng những biện pháp cưỡng chế rất dã man tàn bạo để trấn áp sự phản kháng của nô lệ. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nô lệ nổ ra, trong đó cuộc khởi nghĩa do Cleon-Ennus hay cuộc khởi nghĩa do Spartacus lãnh đạo kéo dài nhiều năm đã làm rung chuyển chế độ La Mã cổ đại. Trước tình thế đó, nhà nước chủ nô đã sử dụng quân đội thẳng tay đàn áp những người nô lệ, nhấn chìm các cuộc đấu tranh của nô lệ trong bể máu.

Nhà nước phong kiến ra đời thay thế nhà nước chủ nô, quan hệ giữa địa chủ phong kiến và nông nô được cải thiện một bước. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân trong xã hội phong kiến vẫn rất cùng cực, họ phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng và rất nhiều phu phen, tạp dịch. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra, chẳng hạn khởi nghĩa Khăn Vàng cuối thời Đông Hán, khởi nghĩa Hoàng Sào cuối đời Đường ở Trung Quốc… Nhà nước phong kiến cũng sử dụng bạo lực quân sự để thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Ngoài việc sử dụng bạo lực, nhà nước phong kiến còn dùng pháp luật quy định những biện pháp trừng trị rất hà khắc, những biện pháp gây đau đớn về thể xác và hạ nhục về tinh thần. Nhà nước còn quy định chế độ trách nhiệm tập thể như buộc cả cộng đồng làng xã phải chịu trách nhiệm, buộc cả những người thân thích với người vi phạm cùng phải chịu trách nhiệm tru di tam tộc, tru di cửu tộc). Nhà nước phong kiến sử dụng khá nhuần nhuyễn công cụ tôn giáo trong việc thực hiện chức năng của mình. Chẳng hạn, các nhà nước phong kiến phương Tây lấy Thiên chúa giáo làm quốc giáo, kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền. Ngoài đàn áp bằng bạo lực và tư tưởng, nhà nước phong kiến còn thực hiện chính sách ngu dân, trói buộc người nông dân vào những hủ tục lạc hậu của xã hội.

Nhà nước tư sản ra đời trong bối cảnh chế độ phong kiến suy tàn, phương thức sản xuất phong kiến trở thành trở lực cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhiều hạn chế của nó dần dần được bộc lộ. Do cạnh tranh làm giàu, giai cấp tư sản không từ một thủ đoạn nào để bóc lột sức lao động của người công nhân. Từ chỗ tin tưởng vào tương lai trong xã hội mới, những người lao động đã sớm nhận thấy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản, họ tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đòi giai cấp tư sản cải thiện cuộc sống cho họ. Trong thời kì chủ nghĩa đế quốc, nhà nước tư sản đã sử dụng lực lượng vũ trang để thẳng tay đàn áp phong trào công nhân. Cùng với việc sử dụng bạo lực để trấn áp, nhà nước tư sản còn ban hành pháp luật trong đó có nhiều đạo luật chống phong trào công nhân, đặt đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật với mục đích làm tan rã và triệt tiêu sự đấu tranh của những người lao động. Những năm gần đây, phong trào đấu tranh của công nhân cũng có sự thay đổi về cách thức và mục tiêu. Nhà nước tư sản vẫn thực hiện chức năng trấn áp nhưng có sự thay đổi thích hợp.

Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, phương thức thực hiện chức năng nhà nước ngày càng dân chủ, rất tiến bộ, tôn trọng quyền con người. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cưỡng chế vẫn còn rất cần thiết, tuy nhiên nó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ các quyền, các giá trị con người. Trong giai đoạn cách mạng mới thành công, nhà nước xã hội chủ nghĩa mới ra đời, sự phản kháng của các lực lượng chống đối còn hết sức gay gắt, vì vậy, cưỡng chế là cần thiết và tất yếu. Bên cạnh việc sử dụng lực lượng vũ trang, nhà nước cũng sử dụng pháp luật với việc quy định biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc đối với mọi hành vi chống phá, gây tổn hại đến sự tồn tại của chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, nhà nước rất coi trọng biện pháp giáo dục, thuyết phục. Theo Lênin, trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, dù thế nào cũng trước hết phải thuyết phục, sau đó mới cưỡng chế. Nhà nước luôn coi trọng việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện. Hoạt động xây dựng pháp luật được thực hiện đảm bảo nguyên tắc khách quan, khoa học, dân chủ…, nhờ đó đã tạo ra hệ thống pháp luật đáp ứng tốt việc thực hiện chức năng nhà nước. Đồng thời nhà nước cũng rất chú trọng việc phổ biến, giáo dục, giải thích pháp luật cho người dân, từ đó động viên, khuyến khích tính tích cực của họ trong việc đáp ứng các yêu cầu thực hiện chức năng nhà nước. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các cơ quan thực hiện và bảo vệ pháp luật hoạt động rất nhanh chóng, khách quan, công minh, đúng pháp luật.

Về xu hướng vận động phát triển của chức năng nhà nước:

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, chức năng của nhà nước có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhà nước chuyển dần từ chủ yếu thực hiện chức năng “cai trị” sang thực hiện chức năng “phục vụ”. Trong các nhà nước chủ nô, phong kiến và nhà nước tư sản giai đoạn chủ nghĩa đế quốc trở về trước, chức năng chủ yếu của nhà nước là phục vụ lợi ích giai cấp thống trị, nô dịch áp bức nhân dân. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ra đời và phát triển mạnh mẽ, trở thành đối trọng với hệ thống tư bản chủ nghĩa, mặt khác, phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức nổ ra và giành thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới, phong trào đấu tranh của công nhân ở các nước tư bản cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ buộc chính quyền của giai cấp tư sản phải có sự thay đổi rất đáng kể trong việc thực hiện chức năng của mình. Ngày nay, các nhà nước hiện đại trở thành tổ chức phục vụ nhân dân, nhà nước ra đời, tồn tại là để phục vụ lợi ích về mọi mặt cho nhân dân. Các chức năng của nhà nước đều hướng đến việc chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các quyền con người được thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Nhà nước thực hiện việc quản lí xã hội không phải bằng những mệnh lệnh dựa trên ý chí chủ quan của mình mà bằng các quy định pháp luật dựa trên sự đồng thuận xã hội. Nhà nước không chỉ đơn thuần là người quản lí mà còn là người gợi ý, hướng dẫn, định hướng, dẫn dắt các hoạt động kinh tế – xã hội, cung cấp thông tin, tạo sự kết nối trong xã hội…, nói cách khác, nhà nước trở thành người kiến tạo phát triển. Để phục vụ tốt nhất cho nhân dân, nhà nước phải thực hiện nhiều hoạt động như hoạch định các mục tiêu phát triển xã hội, lựa chọn các ưu tiên phát triển của đất nước; ban hành cơ chế, chính sách và xây dựng bộ máy nhân lực; tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của xã hội; tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội phát huy mọi tiềm năng phát triển; điều tiết các quan hệ xã hội, giải quyết các mâu thuẫn và xung đột xã hội; ứng phó thảm họa, khủng hoảng, giúp đỡ, hỗ trợ người dân khi họ gặp khó khăn; bảo đảm ổn định và trật tự, an toàn xã hội…


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *