Đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

[VPLUDVN] Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam, Người đã nêu 4 điều liên quan đến pháp quyền. Tư tưởng pháp quyền này đã xuyên suốt tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ.

Thực tiễn đổi mới trong những năm qua đã khẳng định yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Bản chất này của nhà nước tiếp tục được khẳng định trong các Cương lĩnh, các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới, được thể chế hoá rõ trong Hiến pháp 2013. Những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của một chế độ dân chủ, đó là:

Một là , Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước.

Tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung đều bao hàm hai thành tố tập trung và dân chủ. Hai thành tố đó không hề đối lập nhau mà có mối quan hệ biện chứng với nhau và cùng phát triển theo tỷ lệ thuận. Tập trung càng cao thì dân chủ càng được mở rộng, và ngược lại. Tập trung ở đây không phải là tập trung quan liêu, tập trung độc đoán. Dân chủ ở đây là dân chủ thực sự, chứ không phải dân chủ mang tính hình thức, hay dân chủ “không giới hạn”, dân chủ cực đoan, muốn làm gì thì làm. Tập trung trên cơ sở dân chủ thì tập trung sẽ thúc đẩy dân chủ rộng rãi và có chất lượng cao hơn. Tập trung là đòi hỏi của chính bản thân dân chủ. Ngược lại, dân chủ trên cơ sở tập trung sẽ dễ dàng đạt tới sự thống nhất cao. Lúc đó, dân chủ trở thành đòi hỏi của chính bản thân tập trung. Dân chủ mà không tập trung, về thực chất, là xóa bỏ dân chủ. Tập trung mà không dân chủ, về thực chất, cũng là xóa bỏ tập trung.

Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp; dân chủ đại diện.

Hai là Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp và pháp luật luôn giữ vai trò điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản đối với toàn bộ hoạt động Nhà nước và hoạt động xã hội, quyết định tính hợp hiến và hợp pháp của mọi tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên không phải mọi chế độ lập Hiến, mọi hệ thống pháp luật đều có thể đưa lại khả năng xây dựng nhà nước pháp quyền, mà chỉ có Hiến pháp và hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng mới có thể làm cơ sở cho chế độ pháp quyền trong nhà nước và xã hội.

Ba là , Nhà nước pháp quyền tôn trọng, đề cao và đảm bảo quyền con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp.

Mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước được xác định chặt chẽ về phương diện luật pháp và mang tính bình đẳng. Mô hình quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân được xác định theo nguyên tắc: Đối với cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; đối với công dân được làm tất cả trừ những điều luật cấm.

Bốn là , Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền được tổ chức và thực hiện theo các nguyên tắc dân chủ: phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tính chất và cách thức phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước rất đa dạng, tuỳ thuộc vào chính thể nhà nước ở các nước khác nhau, nhưng đều có điểm chung là quyền lực nhà nước không thể tập trung vào một người, vào một cơ quan, mà phải được phân công (phân chia) giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đồng thời, việc tổ chức và thực thi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ với các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể kể cả bên trong bộ máy nhà nước và bên ngoài bộ máy nhà nước.

Năm là , Nhà nước pháp quyền gắn liền với một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp.

Nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng, do vậy, một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật luôn là một yêu cầu, một điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo cho Hiến pháp, pháp luật luôn được tôn trọng, đề cao và tuân thủ nghiêm minh.

Hình thức và phương thức bảo vệ Hiến pháp và pháp luật ở các quốc gia có thể đa dạng và khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu là bảo đảm địa vị tối cao, bất khả xâm phạm của Hiến pháp, loại bỏ hành vi trái với tinh thần và quy định của Hiến pháp, không phụ thuộc và chủ thể của các hành vi này. Đồng thời với bảo vệ Hiến pháp, nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi phải xây dựng và thực thi một chế độ tư pháp thật sự dân chủ, minh bạch và trong sạch để duy trì và bảo vệ pháp chế trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Sáu là, Trong nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước luôn được giới hạn trong các mối quan hệ: Nhà nước và kinh tế; Nhà nước và xã hội.

Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước được xác định bởi tính chất, trình độ của các mô hình kinh tế thị trường, theo hướng Nhà nước tôn trọng, phát huy các quy luật khách quan của thị trường, thông qua thị trường để điều tiết các quan hệ kinh tế, đồng thời khắc phục, hạn chế các mặt tiêu cực của thị trường.

Trong mối quan hệ với xã hội, Nhà nước thông qua luật pháp để quản lý xã hội, tôn trọng đề cao vị trí, vai trò và quyền tự chủ (tự quản) của các cấu trúc xã hội (các tổ chức xã hội, các cộng đồng xã hội).

Mối quan hệ giữa Nhà nước, kinh tế, xã hội là mối quan hệ tương tác, quy định và chi phối lẫn nhau. Nhà nước không đứng trên kinh tế và xã hội. Nhà nước pháp quyền gắn liền với kinh tế và xã hội, phục vụ kinh tế và xã hội trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thể hiện những tư tưởng quan điểm tích cực, tiến bộ, phản ánh được ước mơ và khát vọng của nhân dân đối với công lý, tự do, bình đẳng trong một xã hội còn giai cấp.

Với những đặc trưng nêu trên, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thể hiện những tư tưởng quan điểm tích cực, tiến bộ, phản ánh được ước mơ và khát vọng của nhân dân đối với công lý, tự do, bình đẳng trong một xã hội còn giai cấp.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *