1. Hệ thống hóa pháp luật
Hệ thống hóa pháp luật là hoạt động nhằm sắp xếp, hoàn thiện các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật, chấn chỉnh thành hệ thống có sự thống nhất nội tại theo một trình tự nhất định.
Hệ thống hoá pháp luật có hai dạng là tập hợp hoá và pháp điển hoá.
2. Tập hợp hóa pháp luật
Tập hợp hoá pháp luật là sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật theo thời gian ban hành, theo cơ quan ban hành hoặc theo lĩnh vực quản lí nhà nước… trong đó, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật được giữ nguyên. Thông thường, việc tập hợp hoá được thực hiện theo từng ngành luật, từng chế định pháp luật. Bất kì cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng có thể tiến hành tập hợp hoá pháp luật.
Tập hợp hóa là hình thức thu thập và sắp xếp các văn bản pháp quy theo từng vấn đề thành tập luật lệ hiện hành. Ở Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu đã tiến hành hệ thống hóa dưới hình thức này theo nhiều lĩnh vực và vấn đề khác nhau.
Các đặc trưng của hình thức hệ thống hóa này thể hiện ở một số điểm cơ bản như sau:
– Việc tập hợp hóa các văn bản pháp quy thành tập luật lệ hiện hành không làm thay đổi phạm vi hiệu lực của các văn bản đó. Trong tập luật lệ này, các quy phạm, các chương, điều hoặc toàn bộ văn bản pháp quy được trích dẫn hoặc đưa vào toàn bộ theo nguyên bản. Nếu các quy phạm trong bản gốc có hiệu lực trong phạm vi cả nước thì khi được đưa vào tập luật lệ chúng vẫn giữ nguyên phạm vi hiệu lực đó.
– Sự liên kết của các quy phạm đượchệ thống hóa theo vấn đề không tạo nên những chế định pháp lý mới mà chỉ dừng lại ở việc tập hợp hóa các văn bản theo vấn đề đó. Toàn bộ cấu trúc hình thức của mỗi quy phạm, mỗi chương, điều trong bản gốc quy phạm nào đó được đánh số thứ tự chương, mục, điều, khoản như thế nào, thì ở trong tập luật lệ hiện hành nó vẫn giữ nguyên thứ tự đó như trong văn bản gốc.
– Nội dung của các quy phạm pháp luật khi được hệ thống hóa theo hình thức này không thay đổi.
– Việc hệ thống hóa theo hình thức tập hợp hóa có thể do bất cứ mọi cơ quan Nhà nước thực hiện. Các cơ quan này chỉ cần tập hợp, thu thập văn bản, tiến hành rà soát, sắp xếp chúng theo vấn đề và sau đó quyết định xuất bản tập hệ thống hóa pháp luật hiện hành. Tập hợp hóa là hình thức hiện nay được các ngành dùng rất rộng rãi. Năm 1978 ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã tiến hành hệ thống hóa và xuất bản tập luật lệ khoa học và kỹ thuật để sử dụng thống nhất trong cả nước; một số cơ quan chức năng khác như Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp, Cục Môi trường cũng đã tiến hành tập hợp hóa và xuất bản các cuốn văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành của mình.
3. Pháp điển hoá pháp luật
Pháp điển hóa pháp luật là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực quản lí nhất định, loại bỏ sự mâu thuẫn, chồng chéo và các quy định lỗi thời, bổ sung quy định mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội. Kết quả của hoạt động pháp điển hoá là việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mới dựa trên nền tảng pháp luật cũ mà điển hình là bộ luật.
Pháp điển hóa là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó không những tập hợp những văn bản đã có theo 1 trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn mà còn chế định thêm những quy phạm mới nhằm thay thế cho những quy định bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống được thực hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm hiện hành, nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng.
Pháp điển hóa là hình thức cao nhất, hoàn chỉnh của công tác hệ thống hóa pháp luật. Có hai trường phái pháp điển hóa là pháp điển hóa nội dung (substantive codification) và pháp điển hóa hình thức (formal codification).
Pháp điển hóa nội dung Khi pháp điển hóa người ta không những tập hợp những quy phạm hiện hành mà còn ban hành các quy phạm mới ở ngay trong chính bộ luật. Khi nói về pháp điển hóa, ngoài các đặc trưng nêu trên, cần lưu ý rằng pháp điển hóa khác với tập hợp hóa rất nhiều về thủ tục tiến hành. Công tác pháp điển hóa chỉ có thể do cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội phê duyệt. Kết quả quá trình pháp điển hóa là việc ban hành các bộ luật.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng pháp điển hóa nội dung theo cách truyền thống ngày càng bộc lộ những hạn chế của mình. Đó là “quá trình pháp điển hóa là một quá trình lâu dài và không bao giờ kết thúc và không mang tính tổng thể với hệ thống pháp luật. Trong khi đó, nhu cầu rất lớn của các chủ thể trong xã hội là có thể dễ dàng tiếp cận với các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành theo các lĩnh vực khác nhau. Điều này chỉ có thể giải quyết được thông qua việc sử dụng cách thức pháp điẻn hóa về hình thức với những ưu thế về tính tổng thể và tính thực dụng của nó.
Khác với tập hợp hoá, trong pháp điển hoá, nội dung và hình thức của quy phạm pháp luật, chế định luật, văn bản quy phạm pháp luật có thể bị thay đổi và cơ quan có thẩm quyền có thể sáng tạo thêm những quy phạm pháp luật mới hoặc chế định luật mới, nâng một văn bản dưới luật thành đạo luật hoặc bộ luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên hoặc định kì là trách nhiệm mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Dưới đây chúng ta sẽ cùng làm rõ về sự giống và khác nhau giữa pháp điển hóa và hệ thống hóa.
4. Sự giống nhau giữa hệ thống hóa và pháp điển hóa pháp luật
– Đều là phương pháp hệ thống hóa pháp luật.
– Đề nhằm sắp xếp, hoàn thiện các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật, chấn chỉnh thành hệ thống có sự thống nhất nội tại theo một trình tự nhất định.
5. Sự khác nhau giữa hệ thống hóa và pháp điển hóa pháp luật
a) Khái niệm
– Tập hợp hoá pháp luật là thu thập, sắp xếp các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật theo một trật tự nhất định để làm hình thành nên một tập hợp các quy định của pháp luật
– Pháp điển hoá pháp luật là hình thức hệ thống hoá pháp luật, trong đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo đối tượng điều chỉnh hay theo chủ đề; loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, những quy định lỗi thời, lạc hậu; sửa đổi những quy định chưa phù hợp; xây dựng, bổ sung những quy định mới, từ đó xây dựng nên một bộ pháp điển hoặc ban hành một bộ luật mới trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy phạm pháp luật cũ để làm cho pháp luật thống nhất, hợp lý và phát triển hơn.
b) Sự tác động đến nội dung và hình thức của quy phạm pháp luật
– Việc tập hợp hoá pháp luật không làm thay đổi nội dung và hình thức của quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật được thu thập, không làm xuất hiện các quy phạm pháp luật, chế định pháp luật và các khái niệm pháp lý mới, bởi vì các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khi đưa vào tập hợp phải được sao chép nguyên văn.
– Nếu xây dựng bộ pháp điển theo chủ đề (pháp điển hóa về hình thức) thì việc pháp điển hóa sẽ không làm thay đối nội dung và hình thức của các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật được tập hợp. Nếu xây dựng bộ luật mới (pháp điển hóa về nội dung) thì việc pháp điển ho á có thể làm thay đổi nội dung và hình thức của các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật được thu thập, có thể làm xuất hiện thêm các quy phạm pháp luật, chế định pháp luật và các khái niệm pháp lý mới.
c) Thủ tục tiến hành
– Việc tập hợp hoá pháp luật có thể được tiến hành theo nhiều tiêu chí khác nhau: theo thời gian ban hành văn bản, theo giá trị pháp lý của văn bản, theo đối tượng điều chỉnh của văn bản…
– Việc pháp điển hoá chỉ được tiến hành theo đối tượng điều chỉnh của quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu xây dựng bộ pháp điển theo chủ đề thì còn được tiến hành theo giá trị pháp lý của văn bản hoặc quy phạm.
d. Sự tác động đến hiệu lực pháp lý
– Các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật được đưa vào tập hợp có thể còn hoặc đã hết hoặc sắp có hiệu lực pháp lý.
– Các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật được thu thập trong quá trình pháp điển hóa phải đang còn hiệu lực pháp lý. Nếu xây dựng bộ pháp điển theo chủ đề thì các quy phạm và các văn bản quy phạm pháp luật được thu thập có thể sắp có hiệu lực pháp lý.
e) Kết quả
– Kết quả cuối cùng của việc tập hợp hoá pháp luật là làm hình thành nên một tập hợp các quy định của pháp luật nên chủ thể tiến hành tập hợp hoá pháp luật có thể là bất kỳ Tổ chức, cá nhân nào trong xã hội song chủ yếu là các cơ quan nhà nước và các chuyên gia pháp luật.
Theo nghĩa hẹp, tập hợp hoá pháp luật chỉ là một công đoạn trong quá trình xây dựng pháp luật, được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở các văn bản cũ, các chủ thể này phải thu thập, sắp xếp các quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo đối tượng điều chỉnh của chúng để lựa chọn các quy phạm pháp luật còn phù hợp đưa vào văn bản mới, xác định những quy phạm cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, những quy phạm còn thiếu cần phải xây dựng thêm, làm cơ sở cho việc hình thành nên một văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở các văn bản cũ.
– Kết quả cuối cùng của pháp điển hoá là làm hình thành nên một bộ pháp điển hoặc một bộ luật mới trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật cũ nhằm làm cho pháp luật thống nhất, hợp lý và phát triển hơn nên chủ thể tiến hành pháp điển hoá chỉ có thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, nếu pháp điển hóa về nội dung thì chỉ Quốc hội mới có thể tiến hành, còn pháp điển hóa về hình thức thì chủ thể có thể tiến hành bao gồm Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiếm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.