Hệ thống pháp luật quốc tế là gì? Phân tích một vài hệ thống pháp luật quốc tế

[VPLUDVN] Hệ thống pháp luật quốc tế dùng để chỉ tập hợp cấu trúc và sự gắn kết giữa các yếu tố của pháp luật quốc tế, gồm những quy định pháp luật được hình thành trong quá trình kí kết và thoả thuận giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác để điều chỉnh các quan hệ giữa các quốc gia, giữa các quốc gia với các tố chức quốc tế là chủ yếu.

Hệ thống pháp luật quốc tế luôn có sự gắn kết, quan hệ mật thiết với hệ thống pháp luật quốc gia. Ở một số quốc gia các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế (điều ước quốc tế) có thể được áp dụng trực tiếp trong quốc gia, một số quốc gia khác thường có sự nội luật hoá các quy định của hệ thống pháp luật quốc tế hoặc đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của hệ thống pháp luật quốc tế (các điều ước quốc tế mà quốc gia kí kết hoặc tham gia). Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 6 Luật kí kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005 quy định:

“Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

Mỗi hệ thống pháp luật quốc gia đều có lịch sử riêng của mình, nó luôn phản ánh và phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia. Khi những điều kiện, những yếu tố đó thay đổi thì hệ thống pháp luật quốc gia cũng thay đổi theo để đáp ứng những yêu cầu quản lí, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy vậy, hiện nay quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá đòi hỏi các quốc gia khi xây dựng và thực hiện pháp luật của quốc gia phải bảo đảm sự hài hoà hoá giữa pháp luật của quốc gia mình với pháp luật quốc tế ở những mức độ nhất định.

1. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa hình thành khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được tạo lập ở thế kỉ XX. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm tương đồng với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như nguồn pháp luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động tố tụng theo mô hình tố tụng thẩm vấn, các thẩm phán chỉ tiến hành hoạt động xét xử và không được tạo ra các chế định, các quy phạm pháp luật…

+ Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đề cao lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, không thừa nhận việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp mà với quan niệm tất cả đều là việc công nên các quy phạm pháp luật được phân định thành ngành luật, chế định pháp luật…

+ Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặt mục tiêu giải phóng con người khỏi bóc lột và xoá bỏ mọi sự áp bức, bất công.

2. Hệ thống pháp luật Hồi giáo (Islamic Law)

Hệ thống pháp luật Hồi giáo gồm pháp luật của các nước theo đạo Hồi như Pakistan, Afganistan, Arập Xêut, Iran, Marốc… là một trong những hệ thống pháp luật lớn hiện nay. Hệ thống pháp luật Hồi giáo có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

+ Các nước theo đạo Hồi, cư dân và kể cả nhà nước thường khẳng định sự trung thành của minh đối với các giá trị đạo đức, tôn giáo của đạo Hồi, trong đó có cả luật đạo Hồi. ở nhiều quốc gia hồi giáo chính thống như Iran, Marốc, Pakistan có sự song hành của luật hồi giáo và các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành.

+ Nguồn pháp luật bao gồm cả các quy định do nhà nước ban hành và cả các quy định do các tổ chức tôn giáo ban hành. Pháp luật đạo Hồi có bốn nguồn cơ bản là: Kinh Coran (Các luật gia đạo Hồi thường gọi Thánh kinh của đạo Hồi là “những khổ thơ pháp luật” quy định về quy chế cá nhân, dân sự, hình sự, thủ tục toà án, kinh tế, tài chính, quan hệ quốc tế…); Sunna (những lời truyền của Nhà tiên tri Môhammed); Idjma (Khế ước thống nhất của xã hội đạo Hồi); Kias (Suy diễn tương tự), trong đó quan trọng nhất là Kinh Coran. Do nguồn cơ bản của pháp luật Hồi giáo xuất phát từ Chúa trời nên những người trung thành với đạo Hồi cho rằng pháp luật đạo Hồi là vĩnh cửu, không thay đổi, bởi nó quá hoàn thiện và trong tương lai toàn thể loài người sẽ thừa nhận và tuân thủ. Các văn bản pháp luật mà các nhà nước Hồi giáo ban hành không thể làm thay đổi luật Hồi giáo, mà chỉ là sự chi tiết hoá hoặc bổ sung thêm những chỗ còn trống trong luật Hồi giáo.

+ Trong một sổ luật, bộ luật của các nước Hồi giáo còn có các quy định cho phép các cơ quan có thẩm quyền của mình áp dụng các quy phạm luật Hồi giáo để giải quyết những vấn đề mà pháp luật của nhà nước chưa điều chỉnh. Như vậy, đặc trưng lớn nhất của hệ thống pháp luật ở các nước Hồi giáo là sự liên kết giữa luật pháp nhà nước và luật pháp tôn giáo. Đối với những người theo đạo Hồi thì nhà thờ cũng là nhà nước và ngược lại nên luật pháp nhà nước và luật pháp tôn giáo chỉ là một, không có sự phân biệt.

+ Pháp luật Hồi giáo chỉ áp dụng đối với những người theo đạo Hồi, nguyên tắc tôn giáo làm cơ sở cho pháp luật đạo Hồi sẽ không có hiệu lực nếu một trong các bên không phải là người theo đạo Hồi.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *