[VPLUDVN] Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Trong đó, quy phạm pháp luật được xem là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện).
Ví dụ: Một số loại văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;…
Khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và áp dụng một thời gian nhất định sẽ không tránh khỏi trường hợp nội dung văn bản đó không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hay sau một thời gian áp dụng mới phát hiện ra những sai sót tồn tại… Vậy khi gặp phải những trường hợp trên thì sẽ phải tiến hành xử lý như thế nào đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đó. Bài viết dưới đây mình xin hệ thống các hình thức xử lý văn bản quy phạm pháp luật mà khi áp dụng, kiểm tra, giám sát phát hiện sai phạm hoặc cần phải tiến hành thay đổi để phù hợp với tình hình xã hội.
Cụ thể, theo quy định hiện hành thì có 08 hình thức xử lý sau đây:
1. Đình chỉ:
Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bãi bỏ:
Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trong các trường hợp sau:
+ Đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn;
+ Một phần hoặc toàn bộ văn bản được ban hành trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung hoặc có chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế
+ Văn bản vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành;
+ Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.
3. Sửa đổi:
Khi phát hiện đối tượng điều chỉnh có sự thay đổi so với thời điểm ban hành văn bản làm nội dung điều chỉnh văn bản đó không còn phù hợp với thực tiễn -> phải tiến hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác để thay đổi “một phần” nội dung văn bản hiện hành.
4. Bổ sung:
Khi xét thấy văn bản quy phạm trước đó ban hành điều chỉnh thiết sót một số nội dung thì có thể ban hành văn bản quy phạm mới để giữ nguyên văn bản cũ trước đó và thêm những quy phạm mới để bổ sung cho văn bản cũ.
5.Thay thế:
Trường hợp toàn bộ hoặc phần lớn nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
6. Ban hành văn bản mới:
Trường hợp qua rà soát phát hiện có quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc có quan hệ xã hội cần điều chỉnh nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.
7.Đính chính:
Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày. Cơ quan, người ban hành văn bản đính chính văn bản bằng văn bản hành chính.
8. Ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản trong một thời hạn nhất định:
Được áp dụng trong trường hợp rà soát văn bản căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội phát sinh.
THẨM QUYỀN XỬ LÝ
Vì mỗi loại văn bản thuộc các cấp, cá nhân, cơ quan khác nhau ban hành sẽ có những chủ thể có thẩm quyền khác nhau có quyền xử lý đối với văn bản quy phạm sai sót, trái pháp luật (các bạn có thể tham khảo việc xử lý những loại văn bản cụ thể nào thuộc thẩm quyền cụ thể của chủ thể nào thì các bạn có thể đọc thêm tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biên pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015). Tuy nhiên, về đại thể thì các hình thức xử lý này được áp dụng bởi chủ thể có thẩm quyền như sau:
STT |
Hình thức xử lý |
Chủ thể đã ban hành văn bản |
Chủ thể khác |
1 |
Đình chỉ |
|
X |
2 |
Bãi bỏ |
X |
X |
3 |
Sửa đổi |
X |
|
4 |
Bổ sung |
X |
|
5 |
Thay thế |
X |
|
6 |
Ban hành văn bản mới |
X |
X |
7 |
Ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản |
X |
|
8 |
Đính chính |
X |
|
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.