Khái niệm sai lệch chuẩn mực xã hội

Khái niệm chung về sai lệch chuẩn mực pháp luật

        Trong đời sống xã hội, do nhu cầu điều chỉnh các loại quan hệ xã hội khác nhau nên đã xuất hiện và tồn tại nhiều loại chuẩn mực xã hội khác nhau ( chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực chính trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực thẩm mỹ,…). Nếu mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội đều nghiêm chỉnh tuân thủ theo các quy tắc, yêu cầu của các loại chuẩn mực xã hội thì đó là nền tảng của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trong thực tế xã hội, không phải chuẩn mực xã hội luôn luôn được mọi người tôn trọng, tuân thủ ở mọi lúc, mọi nơi; mà thường xảy ra các hành vi của những cá nhân, nhóm xã hội vi phạm, phá vỡ hiệu lực, tính ổn định, sự tác động của các loại chuẩn mực xã hội. Đó chính là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Chẳng hạn, học trò vô lễ với thầy, cô giáo ( vi phạm chuẩn mực đạo đức); một số cá nhân xả rác bừa bãi nơi công cộng, viết, vẽ tự do lên các công trình di tích lịch sử ( vi phạm chuẩn mực thẩm mỹ); vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông đô thị ( vi phạm chuẩn mực pháp luật)…

          Việc một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó thực hiện một hành vi xâm hại tới các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật được xã hội học pháp luật gọi đó là sai lệch chuẩn mực pháp luật.

          Sai lệch chuẩn mực pháp luật là hành vi của một cá nhân hay một nhóm xã hội vi phạm các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật ( hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật).

          Dưới góc độ luật học, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật chính là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có các dấu hiệu cơ bản: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi của chủ thể và chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý.

Phân loại sai lệch chuẩn mực pháp luật

          Hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật thường đượcxã hội học pháp luật phân loại theo các tiêu chí sau:

Căn cứ vào nội dung, tính chất của các chuẩn mực pháp luật bị xâm hại, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật được chia thành hành vi sai lệch tích cực và hành vi sai lệch tiêu cực

        Hành vi sai lệch tích cực là những hành vi ( cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế xã hội hiện tại hoặc không còn được nhà nước và xã hội thừa nhận.

          Có hai khả năng xảy ra ở đây. Một là, những quy phạm pháp luật do các chế độ xã hội cũ ban hành không còn phù hợp trong điều kiện xã hội mới do tính chất hà khắc, lạc hậu , lỗi thời của nó. Hành vi vi phạm, phá bỏ các quy tắc pháp luật cũ đó mang ý nghĩa tích cực về mặt xã hội nên đó là hành vi sai lệch tích cực. Hai là, các quy phạm pháp luật do nhà nước hiện nay ban hành, đã hết hoặc vẫn còn hiệu lực thực thi, nhưng chúng không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế cuộc sống hiện nay, đòi hỏi nhà  nước phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Việc một cá nhân, nhóm xã hội vi phạm, chống lại các quy phạm pháp luật hiện hành nhưng không còn phù hợp đó là sự “gióng lên hồi chuông cảnh báo” để nhà nước sửa đổi, thay đổi chúng, nghĩa là nó mang ý nghĩa tích cực.

          Ví dụ, nửa đầu năm 2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Nha Trang – Khánh Hòa tăng cao, nhất là Nga và Trung Quốc. Điều này đã làm nảy sinh một số vấn đề bất cập trong quy định đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế do một số quy định không còn phù hợp với thực tế. Theo báo cáo của Sở Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 222 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 40 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, chủ yếu khai thác 2 thị trường Nga và Trung Quốc. Đối với thị trường khách Nga, hiện có 7 công ty, 1 chi nhánh và 2 văn phòng đại diện trực tiếp khai thác; thị trường khách Trung Quốc có 27 doanh nghiệp đón, phục vụ, trong đó có 9 doanh nghiệp trong tỉnh, 16 doanh nghiệp ngoại tỉnh và 2 doanh nghiệp làm đại lý. Hiện nay, do lượng khách Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh đã kéo theo những bất cập liên quan đến hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Thực tế, để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã có những sự hỗ trợ nhất định. Chẳng hạn, số lượng người có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế biết nói tiếng Nga trên địa bàn tỉnh còn ít (chưa đầy 100 người) nên tỉnh đã linh động cho các doanh nghiệp đón khách Nga được phép sử dụng người Nga dưới dạng thực tập sinh để dẫn các đoàn khách Nga đi tham quan, du lịch ở Khánh Hòa. Đối với doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc, hiện nay tỉnh cũng đang xem xét đề xuất của Sở Du lịch cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động người Việt Nam biết tiếng Trung Quốc nhưng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách Trung Quốc. Bởi thực tế, toàn tỉnh chỉ có 11 người được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế biết tiếng Trung, quá ít so với nhu cầu.

      Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho rằng, một số quy định được áp dụng lâu nay đã không còn phù hợp: “Luật Du lịch nghiêm cấm việc người nước ngoài làm hướng dẫn viên trên địa bàn Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình hình hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, và trước thực trạng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nhất là những hướng dẫn viên biết ngoại ngữ hiếm thì cần có một cơ chế phù hợp đối với việc đào tạo, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Chúng tôi sẽ kiến nghị vấn đề này lên Hiệp hội Du lịch Việt Nam để góp tiếng nói kiến nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp”, ông Thành nói. Hiện nay, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, trong đó các nội dung liên quan đến hướng dẫn viên du lịch gần như không thay đổi so với những quy định trước đây. Vì vậy, từ thực tiễn của tình hình địa phương, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cần có tiếng nói góp ý chính thức về vấn đề này. Như vậy, có thể thấy, hành động linh động gỡ khó cho doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa là một hành vi sai lệch tích cực. Bởi lẽ bản thân Luật Du lịch còn tồn tại một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế. Việc vi phạm hành động đó nhằm mục đích phục vụ tốt hơn lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh, góp phần tăng trưởng kim ngạch du lịch của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, là một hành vi sai lệch tích cực.

      Hành vi sai lệch tiêu cực là những hành vi ( cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật hiện hành, có nội dung tính chất phù hợp, tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, cộng đồng người thừa nhận rộng rãi trong xã hội.

       Ví dụ, quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy được áp dụng từ năm 2007. Đây là một quy định thực sự thiết thực nhằm bảo vệ an toàn của chính người điều khiển xe gắn máy. Quy định này ngày càng đi vào cuộc sống người dân và được chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những trường hợp phạm luật. Trên riêng địa bàn thành phố Hà Nội, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công  an Thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông đã xử lý 235.949 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó xe mô tô là 133.638 trường hợp và có đến 60.081 lỗi liên quan đến mũ bảo hiểm. Điều đó thể hiện ý thức của người tham gia giao thông tuy có được cải thiện nhưng vẫn rất kém, coi thường pháp luật và coi thường cả tính mạng của bản thân mình. Đây là minh chứng cho hành vi sai lệch tiêu cực.

Căn cứ vào thái độ tâm lý chủ quan (lỗi) của người thực hiện hành vi sai lệch, gồm có hành vi sai lệch chủ động và hành vi sai lệch thụ động

       Hành vi sai lệch chủ động là hành vi có ý thức, có tính toán, cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật, dù chuân mực đó đã lạc hậu, lỗi thời hay còn đang tiến bộ, phù hợp.

         Ví dụ, khoảng 17 giờ ngày 6/12, một thanh niên bịt mặt đã xông vào chi nhánh ngân hàng BIDV tại số 29 Mai Thúc Loan, thành phố Huế, sau đó dùng súng uy hiếp các nhân viên và lấy đi số tiền lớn rồi phóng xe máy bỏ trốn. Ngày 18/12, đối tượng bịt mặt cướp ngân hàng ở Huế đã bị lực lượng công an bắt giữ tại Đà Nẵng sau 12 ngày lẩn trốn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, 10h30 cùng ngày các trinh sát tinh nhuệ nhất đã vây bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm (sinh năm 1987 trú tại 05 Thanh Khê 6; phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố  Đà Nẵng) khi nghi can đang lẩn trốn tại nhà. Liên quan đến vụ án, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, xét hành vi phạm tội của đối tượng đã dùng súng giả đe dọa nhân viên thủ quỹ và mọi người trong ngân hàng để chiếm đoạt số tiền hơn 725 triệu đã cấu thành “Tội cướp tài sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 4, Điều 133 Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 144 ngày 29-6-2016 của Quốc hội và hướng dẫn số 276 ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự 2015), thì tội cướp tài sản đã bỏ hình phạt tử hình. Cụ thể, kèm theo Hướng dẫn số 276 nêu trên Tòa án nhân dân Tối cao có ban hành danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật Hình sự  2015. Tại số thứ tự thứ 68 trong danh mục này quy định dẫn chiếu đến Điều 168 Bộ luật Hình sự  2015 quy định mức hình phạt tương ứng với khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999, cao nhất là tù chung thân. Như vậy, hành vi của tội phạm Nguyễn Hoàng Tâm là hành vi sai lệch chủ động vì rõ ràng đây là một hành động phạm tội có chủ đích.

      Hành vi sai lệch thụ động là hành vi vô ý, không mong muốn vi phạm, phá vỡ tính ổn định, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật.

      Ví dụ, khoảng gần 18h chiều 5/12, một chiếc xe ô tô Range Rover đang lưu thông trên đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân, Hà Nội thì bất ngờ đâm vào 2 xe máy, 1 xe ba gác lưu thông cùng chiều khiến 3 người bị thương. Theo một số người dân chứng kiến vụ việc, vào thời điểm trên, xe ô tô Range Rover lưu thông trên đường Hoàng Minh Giám hướng về Lê Văn Lương. Khi chạy đến đoạn đối diện với tòa nhà N2C thì bất ngờ đâm liên tiếp vào 2 xe máy, 1 xe ba gác đi cùng chiều. Chiếc xe Range Rover chỉ dừng lại khi dồn 3 xe nói trên vào sát gốc cây trên vỉa hè. Chúng ta có thể thấy, đây là hành vi sai lệch thụ động của chủ xe ô tô vi rõ ràng đây là hành vi vô ý gây nên tai nạn.

Căn cứ và xem xét đồng thời cả hai tiêu chí phân loại nêu trên trong một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật thì chúng ta có thêm bốn loại hành vi sau đây

        Hành vi sai lệch chủ động – tích cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của đời sống xã hội hiện tại.

          Ví dụ, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì một trong các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Điều 10 là cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1/1/2001) thì trên thực tế, những đám cưới giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra. Nổi bật trong đó là vào năm 2011, nhiều người không khỏi bất ngờ khi chứng kiến đám cưới có một không hai vào bậc nhất ở Việt Nam. Đám cưới gây thu hút không phải vì dàn siêu xe đắt tiền hay vì của hồi môn đắt giá… mà bởi cô dâu, chú rể quá đặc biệt. Họ là hai người chàng trai đồng tính: Pin Okio và Nel Fi. Cô dâu Pin Okio tên thật là Đỗ Đinh Luân (sinh năm 1989), còn chú rể Nel Fi tên thật là Lê Bá Phi (sinh năm 1985), cùng sống ở TP.HCM. Sau đó là ngày 24/1/2015, cặp đôi đồng tính đầu tiên của làng giải trí Việt –  nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn và doanh nhân Sơn Đoàn đã tổ chức đám cưới tại Nha Trang. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng có quy định cụ thể: “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp  luật  bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam. Không chỉ vậy, Luật cũng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Đây là một tin rất vui cho những cặp đôi đồng tính nói riêng và những người đồng tính ở Việt Nam nói chung. Như vậy, có thể thấy, hành động trên của các cặp đôi đồng tính là hành vi sai lệch chủ động – tích cực. Họ đã cố ý vi phạm luật hôn nhân và gia đình trước đó bởi lẽ không ai được lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, và mọi người đều có quyền bình đẳng, đều có quyền được hưởng hạnh phúc.

      Hành vi sai lệch chủ động – tiêu cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật hiện hành mang tính chất tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, xã hội thừa nhận rộng rãi.

       Ví dụ, Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền hàng loạt video ghi cảnh nam thanh niên chích điện vào khắp thân thể một em bé ở Campuchia khiến cộng đồng phẫn nộ. Nhiều người đã chia sẻ và yêu cầu tìm ra danh tính nam thanh niên và trừng trị anh ta theo pháp luật. Ngày 7/12, mạng xã hội rúng động khi video được xác thực. Một công dân Hà Lan và 2 người Campuchia đã bị cảnh sát bắt giữ tại tỉnh Kompong Cham trong ngày 6/12, sau khi vài đoạn video được tung lên mạng xã hội Facebook cho thấy hoạt động hành hạ dã man một đứa trẻ, gồm việc chích điện nạn nhân. Tờ Cambodia Daily dẫn lời Phó giám đốc cảnh sát tỉnh Kompong Cham, ông Heng Sambath, cho biết 3 người trên bị nghi ngờ đã tham gia vụ tra tấn đứa trẻ. Ông cho biết những người Campuchia, gồm Ret Sothy, 28 tuổi và Oeu Nat, 25 tuổi, làm việc cho người Hà Lan. Nhân vật này đang sở hữu một trang trại ở tỉnh Mondolkiri. Theo ông, chủ trang trại đã 53 tuổi và có tên Campuchia là Ly Heng. Một bức ảnh chụp người đàn ông này trông khá giống với ảnh của Stefan Struik, Tổng giám đốc điều hành Kamkav, một công ty có trang trại trồng cây cacao ở tỉnh Mondolkiri và một trang trại mía đường ở Kompong Cham. Nhân vật thứ tư liên quan tới vụ việc, được xác định là công dân Việt Nam có tên Nguyen Thanh, hiện đang chạy trốn. Ngày 15/12, liên quan đến vụ việc nam thanh niên hành hạ, bạo hành bé trai gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) về hành vi “Hành hạ trẻ em” theo Điều 110 Bộ luật Hình Sự. Đây là một hành động dã man, tàn bạo không có tính người, bị xã hội lên án gay gắt, một hành vi sai lệch chủ động – tiêu cực cần phải lên án.

      Hành vi sai lệch thụ động – tích cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội.

      Hành vi sai lệch thụ động – tiêu cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội.Ví dụ, A là con trai, B là con gái. Hai người yêu rồi lấy nhau. Sau một thời gian chung sống, A phát hiện ra B là nam nhưng chuyển giới thành nữ. Đây là một hành vi thụ động tích cực, đã vô tình góp phần làm cho mọi người thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.

       Ví dụ, theo điều 138 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:

       Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

       Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
  • Hành hung để tẩu thoát;
  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
  • Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
  • Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
  • Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

          Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp vẫn còn rất phổ biến trong xã hội. Theo thống kê của Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an. Trong năm 2014 xảy ra 27.180 vụ trộm cắp tài sản. Tăng 7.08%  so với năm 2013. Tổng giá trị thiệt hại lên tới hơn 259 tỷ đồng. Có thể thấy, những tội phạm dù không biết chính xác, cụ thể về hình phạt của tội trộm cắp nhưng chắc  chắn vẫn biết trộm cắp là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nhưng dường như các vụ trộm cắp qua từng năm chỉ có tăng mà không có giảm, gây nên tình trạng bất ổn định trong xã hội.

Từ sự phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, sai lệch chuẩn mực pháp luật có thẻ gây ra một số hậu quả:

          Khi xem xét, đánh giá hậu quả của một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật nào đó, chúng ta cần phải căn cứ vào một số yếu tố sau:

  • Căn cứ vào tính chất, khuynh hướng và sự phổ biến tương đối của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó.
  • Căn cứ vào các điều kiện lịch sử – địa lý, hoàn cảnh xã hội cụ thể.
  • Căn cứ vào địa điểm và thời gian xảy ra hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó.

Những căn cứ trên đây cho phép chúng ta nhận thức và đánh giá đúng đắn hậu quả của một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật. Hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể được nhìn nhận trên hai phương diện sau:

Thứ nhất, hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể mang nội dung, tính chất tích cực, tiến bộ, cách tân nếu như nó vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự chi phối của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, đang kìm hãm sự phát triển của các cá nhân và xã hội. Khi đó, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể góp phần làm thay đổi nhận thức chung của một cộng đồng xã hội và thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội trong xã hội.

Thứ hai, ngược lại, hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể mang nội dung và tính chất tiêu cực, ảnh hưởng xấu hoặc nguy hiểm cho xã hội nếu như nó vi phạm, phá hoại tính ổn định, sự tác động của những chuẩn mực pháp luật tiến bộ, phù hợp ,tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội. Trong trường hợp này, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó phải bị xã hội phê phán, lên án hoặc đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp trừng phạt theo các nguyên tắc, quy định của pháp luật.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *