Khái niệm và các giai đoạn xây dựng văn bản pháp luật

[VPLUDVN] Ban hành văn bản pháp luật nói chung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đều phải tuân theo những trình tự thủ tục được quy định cụ thể trong hai đạo luật là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Luật  ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân , Ủy ban nhân dân 2004. Để tìm hiểu quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua những giai đoạn như thế nào, em chọn nghiên cứu đề bài: “ Trình bày các giai đoạn trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật”

Có thể nói trong các văn bản pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự thủ tục phức tạp nhất, nhiều giai đoạn nhất. Nếu như thủ tục ban hành văn bàn áp dụng pháp luật và văn bản hành chính chỉ có 3 giai đoạn là soạn thảo, thông qua , ban hành văn bản ( với văn bản áp dụng pháp luật ) và gửi văn bản ( với văn bản hành chính ) thì việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật có thủ tục phức tạp hơn với 6 giai đoạn là:

+ Lập chương trình xây dựng pháp luật;

+ Thành lập ban soạn thảo;

+ Soạn thảo;

+ Thẩm định;

+ Thông qua;

+ Công bố văn bản quy phạm pháp luật

1. Giai đoạn thứ nhất: Lập chương trình xây dựng pháp luật.

Để làm được một công việc nhất định bao giờ chúng ta cũng phải lên kế hoạch thực hiện nó. Kế hoạch đó tác động trực tiếp đến hiệu quả công việc, kế hoạch có cụ thể thiết thực thì công việc mới thành công được. Giống như việc xây dựng dàn ý cho bài văn, việc lập chương trình xây dựng pháp luật là một giai đoạn khá quan trọng góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả của văn bản pháp luật được xây dựng. Chương trình xây dựng pháp luật được hình thành trên cơ sở khoa học và cơ sở pháp lí nhất định. Nội dung của chương trình xây dựng pháp luật gồm danh mục các văn bản cần ban hành; cơ quan soạn thảo; dự kiến thời gian trình dự thảo văn bản và dự trữ  kinh phí cần thiết cho việc thực hiện chương trình.

2. Giai đoạn thứ hai: Thành lập ban soạn thảo 

Do tính chất phức tạp của việc soạn thảo văn bản nên việc thành lập ban soạn thảo là một giai đoạn cần thiết trong công đoạn xây dựng văn bản qui phạm pháp luật.

Ban soạn thảo có trách nhiệm bảo đảm chất lượng của dự thảo, hoàn thành dự thảo theo kế hoạch; báo cáo định kì về tiến độ soạn thảo với cơ quan, tổ chức trình dự thảo, kịp thời báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của chủ thể có thẩm quyền khi phát sinh những vấn đề mới chưa có định hướng hoặc vấn đề phức tạp còn nhiều quan điểm khác nhau, chuẩn bị văn bản để trình dự thảo văn bản qui phạm pháp luật gửi cơ quan ban hành.

3. Giai đoạn thứ ba: Soạn thảo văn bản

Có thể nói giai đoạn này là giai đoạn quan trọng nhất và là giai đoạn bắt buộc trong tất cả các quá trình ban hành văn bản pháp luật. Do vậy e xin đi sâu phân tích giai đoạn này.

Trong giai đoạn soạn thảo lại phải thực hiện một số công đoạn nhỏ khác đó là: khảo sát thực tiễn; xây dựng đề cương chi tiết của dự thảo văn bản qui phạm pháp luật; soạn thảo văn bản và có thể tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo.

Công việc đầu tiên của giai đoạn soạn thảo này là ban soạn thảo phải khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn có liên quan đến chủ đề của văn bản – đây là một công việc cần thiết để xác định việc xây dựng văn bản qui phạm pháp luật có phù hợp với thực tế hay không, có đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân hay không. Theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 24/2009/ NĐ – CP quy định khi soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể huy động sự tham gia của viện nghiên cứu, trường đại học… vào hoạt động khảo sát, điều tra xã hội học đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự án, dự thảo.

Công việc thứ hai trong giai đoạn soạn thảo là xây dựng đề cương chi tiết của dự thảo văn bản qui phạm pháp luật. Việc xây dựng đề cương phải được thực hiện bởi những người có năng lực chuyên môn và có thẩm quyền trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi đề cương được cấp có thẩm quyền thông qua, ban soạn thảo tổ chức việc soạn thảo văn bản.Tùy từng văn bản qui phạm pháp luật cụ thể mà trong giai đoạn soạn thảo này ban soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo bằng các hình thức và trong những phạm vi khác nhau. Ví dụ Điều 27 Nghị định số 24/2009/ NĐ – CP quy định trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, nêu những vấn đề xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến … Những đóng góp đó không quyết định trực tiếp tới văn bản được soạn thảo nhưng ban soạn thảo cũng cần xem xét, tiếp thu điểm hợp lý để dự thảo được hoàn thiện hơn.

4. Giai đoạn thứ tư: Thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm định, thẩm tra dự thảo là việc cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét toàn diện dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

5. Giai đoạn thứ năm: Thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi dự thảo đã được hoàn thiện đã có báo cáo thẩm tra, thẩm định, ban soạn thảo phải có văn bản trình dự thảo, sau đó gửi hồ sơ dự thảo đến cơ quan ban hành để xem xét và thông qua dự thảo.

6. Giai đoạn thứ 6: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi văn bản pháp luật đã được thông qua sẽ được công bố rộng rãi với các hình thức khác nhau để tất cả mọi người đều được biết và thực hiện.

Ngoài ra sau khi văn bản được ban hành các chủ thể có thẩm quyền sẽ xem xét đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy văn bản áp dụng pháp luật có thủ tục ban hành phức tạp hơn và nhiều giai đoạn hơn so với các văn bản pháp luật khác.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *