Tuy nhiên, nếu chỉ có pháp luật xác định quan hệ nào là quan hệ pháp luật thì cũng chưa thể có quan hệ pháp luật cụ thể xảy ra trên thực tế. Chẳng hạn, pháp luật hôn nhân và gia đình vẫn tồn tại nhung quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng không thể nảy sinh hay chấm dứt nếu thiếu yêu cầu của các cá nhân và quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, để có quan hệ pháp luật nảy sinh trong thực tế, thì cần có sự kiện pháp lí. Đó là những sự kiện thực tế của đời sống mà khi xảy ra được pháp luật gắn với việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật, chẳng hạn quyết định đăng kí kết hôn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở nguyện vọng của đôi nam nữ và quy định của pháp luật đã làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng của họ.
1. Khái niệm sự kiện pháp lý
Sự kiện pháp lí là sự kiện thực tế mà khi chúng xảy ra được pháp luật gắn với việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.
Sự kiện pháp lí là những sự kiện trong số các sự kiện xảy ra trong thực tế, là bộ phận của chúng. Thông thường, một sự kiện thực tế được coi là sự kiện pháp lí chỉ khi chúng được pháp luật quy định. Cùng một sự kiện pháp lí nhưng có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật này đồng thời có thể làm thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật khác.
Việc xác định một sự kiện nào là sự kiện pháp lí cũng như thời điểm nó xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đó chính là căn cứ pháp lí xác định thời điểm quan hệ pháp luật phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt, nói cách khác đó là căn cứ pháp lí xác định thời điểm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ pháp luật đối với nhau.
2. Phân loại sự kiện pháp lí
Sự kiện pháp lí rất đa dạng và phức tạp, có thể xảy ra do biến cố của thiên nhiên, quy luật sinh tồn hoặc sự tác động của con người… Do vậy, cần thiết phải có sự phân loại sự kiện pháp lí để làm rõ ý nghĩa của sự kiện pháp lí trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật cũng như vai trò của nó đối với sự vận động của các quan hệ pháp luật.
– Dựa vào tiêu chuẩn ý chí, sự kiện pháp lí được chia thành sự biến và hành vi.
+ Sự biến là những hiện tượng xảy ra nằm ngoài ý chí của con người (con người không điều khiển được). Chẳng hạn, cái chết của con người làm chấm dứt quan hệ pháp luật vợ chồng, cha mẹ con cái…
+ Hành vi là những xử sự của con người, biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Chẳng hạn, hành vi giao kết hợp đồng kinh tế, hành vi bỏ mặc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng… Hành vi gồm hai loại là hành vi họp pháp và hành vi bất hợp pháp. Hành vi sẽ được nghiên cứu sâu hom trong các chương sau của giáo trình này.
– Dựa vào số lượng sự kiện thực tế tạo thành sự kiện pháp lí, sự kiện pháp lí được chia thành hai loại là sự kiện pháp lí đom nhất và sự kiện pháp lí phức hợp.
Sự kiện pháp lí đom nhất là sự kiện chỉ bao gồm một sự kiện thực tế mà pháp luật gắn sự kiện thực tế này với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật. Chẳng hạn, hành vi xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người khác.
Sự kiện pháp lí phức hợp là sự kiện bao gồm nhiều sự kiện thực tế mà nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập họp đó thì quan hệ pháp luật không thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt. Chẳng hạn, người lao động chỉ được nghỉ hưu (chấm dứt quan hệ pháp luật lao động) khi họ có đủ các điều kiện về độ tuổi, số năm công tác, quyết định cho nghỉ hưu của chủ thể có thẩm quyền…
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.