Nhưng pháp luật không đơn thuần chỉ như một tấm gương phản ánh trình độ phát triển đó. Pháp luật được nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó, có các quan hệ kinh tế giữ vai trò quyết định, có khả năng hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một chiều nhất định. Điều này nói lên tác động tích cực (mà không thụ động, chỉ phụ thuộc vào kinh tế) của pháp luật.

Pháp luật có khả năng điều chỉnh, tức tác động, làm cho hành vi, xử sự của một chủ thể thao tác, vận hành theo một chiều hướng nhất định. Sở dĩ pháp luật có thể thực hiện được sự điều chỉnh này là nhờ con người là một thực thể có ý chí. Pháp luật tác động lên ý chí của con người đưa ra hành vi, NÀNG cách xử sự đi theo chiều hướng pháp luật đã hạn định. Nhưng đây không phải là một khả năng vô hạn mà bị giới hạn bởi trình độ, điều kiện phát triển của xã hội.

Pháp luật có khả năng điều chỉnh quan hệ xã hội theo chiều phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Khi đó, sự điều chỉnh của pháp luật có vai trò tích cực, có ý nghĩa tiến bộ, hiệu quả xã hội sẽ rất to lớn. Trong trường hợp ngược lại, sự điều chỉnh của pháp luật là một nhân tố tiêu cực, cản trở sự phát triển xã hội.

Nghiên cứu về điều chỉnh pháp luật và cơ chế điều chỉnh pháp luật có ý nghĩa rất lớn về mặt phương pháp luận đối với việc tiếp cận các hiện tượng pháp lí từ góc độ hệ thống. Nó cho phép nhìn nhận các hiện tượng pháp lí trong một thể thống nhất. Từ đó, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng bộ phận trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, tìm ra những ưu điểm, những hạn chế của từng bộ phận, từng khâu có ảnh hưởng tới hiệu quả điều chỉnh pháp luật để kịp thời có những biện pháp khắc phục.

Tính chất cộng đồng của đời sống con người xuất hiện nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhằm tạo ra một trật tự cần thiết bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển. Nếu không có sự điều chỉnh các quan hệ xã hội, dưới sự tác động của con người chúng có thể sẽ phát triển đi chệch quy luật, làm cho xã hội khó phát triển, thậm chí, có thể dẫn đến suy vong. Chẳng hạn, vấn đề hôn nhân nên cách nhau bao nhiêu đời; có nên quy định hôn nhân bắt buộc hay không; các gia đình sinh bao nhiêu con thì phù hợp… Đe làm được điều đó cần có những phương tiện nhất định. Từ tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo, quy định của các tổ chức xã hội, pháp luật…, có thể nói là những phương tiện này rất đa dạng và mỗi loại phương tiện đó được coi là một công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Trong xã hội có giai cấp thì pháp luật là một phương tiện quan trọng bậc nhất và không thể thiếu để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức, quản lí xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội, phù hợp với những mục đích mà nhà nước và xã hội đặt ra. Điều chỉnh pháp luật là nhà nước sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, sắp xếp, trật tự hoá và định hướng cho chúng phát triển theo những hướng nhằm đạt được những mục đích nhất định. Vì vậy, Điều 8 Hiến pháp Việt Nam hiện hành khẳng định:

“Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lí xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật… ”.

Quản lí xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật là dùng pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội, làm cho các quan hệ xã hội vận động theo đúng quỹ đạo của chúng, phù hợp với các quy luật khách quan, nhằm thiết lập một trật tự, trong đó các quan hệ xã hội phát triển theo những hướng xác định nhằm đạt được mục đích mong muốn đề ra. Chẳng hạn, để quản lí các hoạt động trong lĩnh vực kinh tể của đất nước thì nhà nước phải ban hành pháp luật về kinh tế để xác định các hình thức sở hữu, quy định các thành phần kinh tế, các hoạt động kinh tế được phép, các hoạt động không được phép thực hiện…

Điều chỉnh pháp luật là một dạng của điều chỉnh xã hội. Pháp luật không thể làm phát sinh các quan hệ xã hội (các quan hệ xã hội phát sinh, phát triển, biến đổi phụ thuộc vào các quy luật khách quan), pháp luật chỉ điều chỉnh chúng, sắp xếp chúng theo những trật tự, hướng cho chúng phát triển theo những định hướng nhất định. Các quan hệ xã hội rất đa dạng và phong phú, pháp luật không điều chỉnh tất cả chúng mà pháp luật chỉ tập trung điều chỉnh những quan hệ có tính phổ biến, điển hình. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và các quan hệ xã hội rất đa dạng, phức tạp. Một mặt, các quan hệ xã hội (đặc biệt là những quan hệ kinh tế, chính trị) có vai trò quyết định đối với pháp luật; mặt khác, chính bản thân các quan hệ xã hội lại là đối tượng tác động có mục đích của pháp luật.

Sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội thường xảy ra theo hai hướng:

– Đối với những quan hệ xã hội phù hợp với tiến trình phát triển xã hội, đáp ứng lợi ích của nhà nước và xã hội thì pháp luật bảo vệ, củng cố và tạo điều kiện cho chúng phát triển.

Trong một số trường hợp, pháp luật còn tác động để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển những quan hệ xã hội mới, đáp ứng đòi hỏi của đời sống xã hội.

– Đối với những quan hệ xã hội không đáp ứng được lợi ích của nhà nước, của xã hội, không phù hợp với quy luật phát triển thì pháp luật ngăn cản, kìm hãm sự phát triển của chúng và từng bước loại trừ chúng ra khỏi đời sống xã hội.

Pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội bằng cách quy định cho các bên tham gia các quan hệ đó một số quyền và nghĩa vụ pháp lí nhất định, đồng thời, pháp luật cũng xác định cả những điều kiện bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ pháp lí đó được thực hiện. Khi tham gia vào các quan hệ do pháp luật điều chỉnh, các chủ thể buộc phải tự điều khiển hành vi của mình sao cho phù hợp với các quy tắc, các yêu cầu của pháp luật.

Như vậy, điều chỉnh pháp luật là quá trình nhà nước dùng pháp luật (với tư cách là công cụ điều chỉnh) tác động lên các quan hệ xã hội theo những định hướng nhất định nhằm đạt được những mục đích đề ra.

Điều chỉnh pháp luật là nhà nước dùng pháp luật, thông qua pháp luật, bằng pháp luật để tổ chức một đời sống xã hội phù hợp với sự vận động khách quan của các quan hệ xã hội, bảo đảm cho chứng vận động, phát triển phù hợp với ý chí của nhà nước. Điều chỉnh pháp luật theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các khâu, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống (đồng nghĩa với sự tác động của thượng tầng kiến trúc pháp lí tới hạ tầng cơ sở); theo nghĩa hẹp thì đó là quá trình tác động của quy phạm pháp luật lên quan hệ xã hội theo định hướng nhất định (chỉ bắt đầu đưa quy phạm pháp luật vào cuộc sống, nghĩa là, khi quy phạm pháp luật đã có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và việc thực hiện nó).

Tuy nhiên, cần chú ý là, pháp luật không chỉ tác động tới hành vi của các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật mà còn có sự tác động mang tính giáo dục chung. Nói cách khác, pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội với hai tư cách: Thứ nhất là, công cụ điều chỉnh mang tính quy phạm và tính bắt buộc chung; Thứ hai là, phương tiện tác động về mặt tư tưởng. Trong nhiều trường họp, sự giáo dục không nhằm mục đích thay đổi hành vi của chủ thể mà chỉ giúp chủ thể nhận thức sâu sắc hơn khi thực hiện hành vi đó.

Tác động pháp luật là sự tác động của toàn bộ thượng tầng pháp lí đến toàn bộ đời sống xã hội (tất cả các quan hệ xã hội). Sự tác động có thể không mang lại kết quả cụ thể và không theo một định hướng nào rõ ràng.

Còn điều chỉnh pháp luật chỉ là một bộ phận, một phần của sự tác động pháp luật. Điều chỉnh pháp luật luôn phải theo những định hướng và nhằm đạt được những mục đích định trước, có sự chuẩn bị, có kết quả mong muốn. Điều chỉnh pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, điển hình, phổ biến và được thực hiện bằng những chủ thể cụ thể.

Điều chỉnh pháp luật là một dạng hoạt động quản lí xã hội bằng pháp luật. Đây là hoạt động có mục đích, có định hướng, có tổ chức và được thực hiện thông qua một hệ thống các phương tiện, quy trình pháp lí (thông qua cơ chế điều chỉnh pháp luật).

Điều chỉnh pháp luật có hai loại: điều chỉnh chung và điều chỉnh riêng. Điều chỉnh chung có tính chất bắt buộc đối với mọi chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.Việc điều chỉnh này được thực hiện thông qua việc ban hành hệ thống các quy phạm pháp luật. Điều chỉnh riêng là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các quy phạm pháp luật đưa ra những mệnh lệnh cá biệt, đơn hành đối với một chủ thể cụ thể nào đó trong những tình huống mà pháp luật đã dự liệu.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.