Khái niệm về giải thích pháp luật

1. Khái niệm giải thích pháp luật

Theo từ điển Tiếng Việt, “giải thích” là làm cho hiểu; là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước; là yếu tố bảo đảm sự ổn định và trật tự xã hội.

Như vậy, giải thích pháp luật được hiểu là việc làm rõ hơn về tinh thần, nội dung, phạm vi, ý nghĩa và mục đích các quy định của pháp luật so với nội dung ban đầu của nó, giúp mọi người hiểu và thực thi các quy định của pháp luật một cách chính xác và thống nhất..

Giải thích pháp luật là hoạt động do các cơ quan, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân các công dân tiến hành nhằm làm sáng tỏ tư tưởng, nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật, đảm bảo cho sự nhận thức pháp luật được đúng đắn.

2. Phân loại giải thích pháp luật

Với cách hiểu giải thích pháp luật theo nghĩa rộng, các nhà khoa học pháp lý đã chia giải thích pháp luật thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào cách thức và căn cứ phân loại, giải thích pháp luật được chia thành các loại cơ bản như sau:

– Nếu căn cứ vào tính chất của chủ thể tiến hành giải thích, giải thích pháp luật được phân loại thành giải thích của cơ quan lập pháp (Nghị viện, Quốc hội); giải thích của cơ quan hành pháp (Chính phủ); giải thích của cơ quan tư pháp (Tòa án) và giải thích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như: giải thích của các luật sư, thẩm phán, nhà khoa học v.v..

– Nếu căn cứ vào hình thức pháp luật, giải thích pháp luật được phân thành giải thích tập quán pháp; giải thích tiền lệ pháp và giải thích VBQPPL. Trong giải thích VBQPPL, chúng còn có thể chia thành: giải thích Hiến pháp, giải thích luật, giải thích pháp lệnh v.v..

– Nếu căn cứ vào giá trị pháp lý của nội dung giải thích, giải thích pháp luật được phân thành giải thích chính thức và giải thích không chính thức. Trường hợp giải thích không chính thức thì nội dung giải thích không mang tính bắt buộc thực hiện đối với các bên liên quan; nó chỉ có giá trị tham khảo và thường được tiến hành bởi tất cả các chủ thể pháp luật như các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học v.v.. Giải thức chính thức thường được thực hiện bởi các chủ thể được nhà nước trao quyền; được tiến hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; nội dung giải thích thường được thể hiện bằng văn bản, có giá trị pháp lý như các quy định pháp luật cần giải thích. Giải thích chính thức lại được chia làm hai loại là giải thích chính thức mang tính quy phạm và giải thích chính thức cho những vụ việc cụ thể (giải thích tình huống)

+ Giải thích chính thức mang tính quy phạm là giải thích pháp luật mà nội dung giải thích được thể hiện dưới dạng một VBQPPL; thường được thực hiện bởi cơ quan quyền lực nhà nước theo một trình tự độc lập trên cơ sở khái quát từ thực tế của hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật; văn bản thể hiện nội dung giải thích có giá trị chính thức và bắt buộc đối với mọi cơ quan quyền lực nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp, các cơ quan tự trị địa phương, các xí nghiệp, công sở, tổ chức, hiệp hội, các quan chức và công dân.

+ Giải thích tình huống là hoạt động giải thích gắn liền với việc giải quyết một vụ việc cụ thể; nội dung giải thích không mang tính quy phạm, chỉ có giá trị pháp lý đối với các chủ thể trong vụ việc được giải quyết mà không có giá trị đối với các chủ thể ở các vụ việc pháp lý khác; thường được Toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác tiến hành khi giải quyết một tranh chấp hoặc xét xử một vụ án cụ thể[15]. Vì vậy, giải thích tình huống được hiểu là việc làm sáng tỏ quy phạm của chủ thể áp dụng quy phạm.

– Ngoài ra, giải thích pháp luật còn được phân thành giải thích đích thực và giải thích thông thường. Giải thích đích thực là giải thích bằng văn bản của cơ quan lập pháp hoặc một cơ quan khác của nhà nước được giao thẩm quyền này. Giải thích thông thường được sử dụng trong thực tiễn chấp hành pháp luật, trong quá trình áp dụng pháp luật mà không được ghi thành văn bản mang tính quy phạm pháp luật.

3. Phương pháp giải thích pháp luật

Để thực hiện giải thích pháp luật, có các phương pháp được áp dụng khác nhau. Khoa học pháp lý đã đưa ra các phương pháp giải thích pháp luật sau đây:

Phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử: Phương pháp lôgic thường được sử dụng khi quy định cần giải thích không trực tiếp nói đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Phương pháp lịch sử thường được áp dụng để xác định phạm vi, đối tượng áp dụng, mục đích, ý nghĩa của nội dung cần giải thích. Hai phương pháp này gắn bó chặt chẽ và bổ sung cho nhau;

Phương pháp giải thích về văn phạm là làm sáng tỏ nội dung, tư tưởng quy định của pháp luật bằng cách làm rõ nghĩa từng chữ, từng câu được dùng để thể hiện nội dung và xác định mối liên hệ ngữ pháp giữa chúng. Giải thích về văn phạm gồm giải thích từ ngữ và giải thích theo cú pháp;

Phương pháp giải thích chính trị – lịch sử là phương pháp tìm hiểu nội dung, tư tưởng quy định của pháp luật thông qua việc nghiên cứu các điều kiện chính trị – lịch sử tại thời điểm ban hành quy định đó.

Phương pháp giải thích hệ thống là làm rõ tư tưởng, nội dung quy định của pháp luật thông qua việc đối chiếu nó với các quy định khác của pháp luật; xác định vị trí của quy định cần giải thích trong mối quan hệ với toàn văn bản, ngành luật và hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, trong hoạt động giải thích pháp luật, phương pháp giải thích theo khối lượng gồm giải thích theo đúng nguyên văn; giải thích mở rộng; giải thích hạn chế cũng được sử dụng.

Trong thực tế, khi tiến hành giải thích pháp luật, các chủ thể thường không sử dụng một phương pháp nhất định mà kết hợp một số phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả cao. Việc lựa chọn này tuỳ thuộc vào nhận thức chủ quan, tư duy khoa học của người giải thích và tương ứng phù hợp với từng loại quy định cần giải thích, hoàn cảnh giải thích, mục đích giải thích, thời điểm giải thích, người đề nghị giải thích v.v..

4. Vị trí của giải thích pháp luật

Trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt trong nhà nước pháp quyền và xã hội công dân thì pháp luật ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng. Giải thích pháp luật với nhiệm vụ làm sáng tỏ hơn các quy phạm pháp luật, kết quả của việc giải thích pháp luật có giá trị như pháp luật, nên nó rất cần thiết trong nhận thức – thực thi – áp dụng pháp luật. Có thể khẳng định rằng, giải thích pháp luật là một nhu cầu tất yếu khách quan đối với mọi xã hội và mọi hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, về lý thuyết, nhu cầu này chỉ không phát sinh khi và chỉ khi có một hệ thống pháp luật hoàn thiện tuyệt đối và nhận thức pháp luật của người dân ở trình độ cao.

Trong hình thức áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng đối với hoạt động áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, cụ thể là áp dụng tương tự quy phạm pháp luật và áp dụng tương tự pháp luật. Đối với áp dụng tương tự quy phạm pháp luật, việc xác định không có quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật điều chỉnh vụ việc cần giải quyết là điều kiện cần và tìm ra quy phạm pháp luật để áp dụng tương tự là điều kiện đủ. Để hội tụ cả hai điều kiện này, đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải rất am hiểu pháp luật để có thể thực hiện một cách chính xác. Việc am hiểu pháp luật còn giúp cho chủ thể phân tích kỹ lưỡng và chính xác hơn nội dung và tư tưởng của quy phạm pháp luật được lựa chọn để áp dụng tương tự, thấy được điểm tương tự với vụ việc cần giải quyết, làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng tương tự và làm cho chủ thể trực tiếp chịu sự điều chỉnh của quy phạm trong hoạt động áp dụng tương tự quy phạm hiểu – một nền tảng quan trọng cho việc ra quyết định và thực thi văn bản áp dụng pháp luật.

5. Vai trò của giải thích pháp luật

Thông qua việc làm rõ nội dung, ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, giải thích pháp luật sẽ giúp các chủ thể pháp luật hiểu chính xác và thống nhất các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức pháp luật của các chủ thể, giúp họ tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật một cách hợp pháp; kiềm chế và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do không nhận thức đúng các quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò của giải thích pháp luật được thể hiện đầy đủ và mang lại ý nghĩa to lớn trong hình thức áp dụng pháp luật – một hình thức thực hiện pháp luật được tiến hành với mục đích nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện một cách triệt để hơn trong đời sống thực tế – do cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền thực hiện và có tính chất quyết định tới quyền và nghĩa vụ của người dân. Vai trò đó được quyết định bởi chính bản chất và tính chất của hoạt động áp dụng pháp luật. Bản chất của hoạt động áp dụng pháp luật chính là việc áp dụng các quy phạm pháp luật vào từng trường hợp cụ thể. Tính chất của hoạt động áp dụng pháp luật là sự sáng tạo của chủ thể áp dụng pháp luật trong quá trình vận dụng cái chung, cái tổng quát vào từng cái riêng, cái cụ thể. Yêu cầu này đòi hỏi người áp dụng pháp luật trước khi quyết định lựa chọn quy phạm pháp luật cần phải làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của quy phạm pháp luật đó. Để làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của quy phạm pháp luật đưa ra áp dụng, thì cần phải biết giải thích pháp luật. Như vậy, nếu không có giải thích pháp luật thì sẽ khó có thể hiểu nội dung quy phạm pháp luật được mang ra áp dụng một cách chính xác, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, thể hiện hết ý nghĩa, mục đích pháp lý, chính trị và kinh tế sâu xa đằng sau các ngôn từ của quy phạm pháp luật đó khi được xây dựng. Việc làm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của văn bản áp dụng pháp luật – một sản phẩm của giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình áp dụng pháp luật và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các chủ thể pháp luật hoặc những trách nhiệm pháp lý đối với vi phạm được xác lập.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *