Lịch sử hình thành và phát triển tâm lý học

1. Tâm lý học thời cổ đại

Thời cổ đại chưa có tâm lý học nhưng đã có những tư tưởng về tâm lý người. Trong các di chỉ của người nguyên thuỷ đã thấy những bằng cứ chứng tỏ quan niệm của hồn, phách sau cái chết của thể xác. Trong các bản văn tự đầu tiên của thời kỳ cổ đại, trong các kinh ở Ấn Độ đã có những nhận xét về tính chất của hồn, như vậy đã có những ý tưởng tiền khoa học về tâm lý.

Khái niệm tâm hồn được hệ thống hoá lần đầu tiên trong các tác phẩm triết học Hy lạp cổ đại. Những tri thức đấu tiên về tâm lý con người đã được phản ánh trong cả hệ tư tưởng triết học duy tâm và duy vật

 a) Quan niệm tâm lý người trong hệ tư tưởng triết học duy tâm.

Hệ tư tưởng duy tâm cho rằng “linh hồn” của con người là do các lực lượng siêu tự nhiên như Thượng Đế, Trời, Phật tạo ra. Linh hồn là cái thứ nhất, có trước, còn thế giới vật chất là cái thứ hai, có sau.

Tiêu biểu là nhà triết học duy tâm Platon (427- 347 tr.CN ) cho rằng thế giới “ý niệm” là cái có truớc, còn thế giới vật chất có sau và do thế giới “ý niệm” sinh ra. Linh hồn không gắn với thế giới hiện thực, nó gắn bó với cái gọi là “trí tuệ toàn cầu”. Con người chỉ cần nhớ lại. Nguồn gốc của thế giới chân thực là sự hồi tưởng của linh hồn con người đối với thế giới “ý niệm”.

Platon cho rằng tâm hồn là cái có trước, thực tại là cái có sau, tâm hồn do Thượng Đế sinh ra. Tâm hồn trí tuệ nằm ở trong đầu, tâm hồn dũng cảm nằm ở ngực và chỉ có ở từng lớp quí tộc, tâm hồn khát vọng nằm ở bụng và chỉ có ở tầng lớp nô lệ.

Hoặc D. Hium (1811- 1916), một nhà duy tâm thuộc trường phái bất khả tri cho thế giới là những kinh nghiệm chủ quan, con người không thể nhận biết được tồn tại khách quan và phủ nhận cơ sở vật chất của sự vật.

b) Quan niệm tâm lý con người trong tư tưởng triết học duy vật.

Triết học duy vật cho rằng: tâm lý, tâm hồn là một, tâm lý gắn với thể xác.

Tâm lý, tâm hồn đều cấu tạo từ vật chất.

Người đầu tiên bàn vế tâm hồn là Arixtốt (384 – 322 tr.CN), ông cho rằng thể xác và tâm hồn là một, tâm hồn gắn với thể xác, nó là biểu hiện của tâm lý con người. Tâm hồn có 3 loại:

– Tâm hồn thực vật: có chung cả người và động vật, làm chức năng dinh dưỡng, vận động ( Arixtốt gọi là tâm hồn cảm giác ).

– Tâm hồn động vật có chung ở người và động vật làm chức năng cảm giác, vận động ( còn gọi là tâm hồn cảm giác)

– Tâm hồn trí tuệ, chỉ có ở người (Arixtốt gọi là tâm hồn suy nghĩ). Để lý giải tâm hồn, Arixtốt đã đặt thế giới ấy trong mối quan hệ với cơ thể, trong môi trường chung quanh, tâm lý nẩy sinh và phát triển trong cuộc sống, tâm lý là chức năng của cuộc sống và có thể quan sát được, tức là có thể nghiên cứu thế giới này mặc dù nó cực kỳ phức tạp.

Đại diện của quan điểm duy vật với tâm lý con người còn phải kể đến tên tuổi của các nhà triết học như:

Talét (Thế kỷ VII-VI tr.CN), Heraclit (Thế kỷ thứ VI- V tr.CN). Các nhà triết học này cho rằng tâm lý, tâm hồn  cũng như vạn vật đều được cấu tạo từ vật chất như: nước, lửa, không khí, đất .

Đêmôcrit (460-370tr.CN): vạn vật đều do nguyên tử lửa tạo thành. Linh hồn, tâm hồn cũng do nguyên tử lửa tạo nên, nhưng đó là một loại nguyên tử rất tinh vi. Vật thể và linh hồn có lúc phải bị mất đi do nguyên tử bị tiêu hao.

Xôcrát (469-399TCN) đã tuyên bố một câu nổi tiếng là hãy tự biết mình. Đây là một định hướng có giá trị to lớn trong cho tâm lý học: con người có thể và cần phải tự hiểu biết mình, tự nhận thức, tự ý thức về cái ta.

2. Những tư tưởng tâm lý học từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước.

Trong suốt thời kỳ trung cổ, tâm lý học mang bản thể huyền bí. Sự phát triển các tri thức các tư tưởng tiến bộ bị kìm hãm.

Đến thế kỷ XVII, R. Đêcác (1596-1650) đại diện cho phái nhị nguyên luận cho rằng vật chất và tâm hồn là hai thực thể song song tồn tại. Đêcác cho rằng cơ thể con người phản xạ như một cái máy, còn tinh thần, tâm lý của con người thì không thể biết được. Tuy nhiên phát kiến của ông về phản xạ là một cống hiến to lớn cho tâm lý học khoa học lúc bấy giờ.

Sang thế kỷ XVIII. tâm lý học bắt đầu có tên gọi. Nhà triết học Đức Vônphơ đã chia nhân chủng học ra thành hai thứ khoa học, một là khoa học về cơ thể, hai là khoa học về tâm lý học. Năm 1732, ông xuất bản cuốn “Tâm lý học kinh nghiệm”, sau đó hai năm (1734) ông cho ra đời cuốn “Tâm lý học lý trí”. Thế là tâm lý học ra đời từ đó .

Đến nửa thế kỷ XIX, L.Phơ bách đã có công đưa chủ nghĩa duy vật lên đỉnh cao thời bấy giờ. Ông là nhà duy vật lỗi lạc trước khi chủ nghĩa Mác ra đời. Theo ông, tinh thần, tâm lý không thể tách rời khỏi não người, nó là sản phẩm của thứ vật chất phát triển tới mức độ cao là bộ não người. Tâm lý là hình ảnh của thế giới khách quan.

3.Tâm lý học trở thành một khoa học độc lập

Các thành tựu của các khoa học ảnh hưởng đến sự ra đời của tâm lý học đó là:

– Học thuyết tiến hoá của Đacwin (Anh )

– Thuyết tâm sinh lý học giác quan của Hemhôn (Đức)

– Tâm vật lý học cuả Phécne và Vêbe (Đức), tâm lý học phát sinh phát triển của Gantôn (Anh)

– Các công trình nghiên cứu tâm thần học của Bác sỹ Sáccô (Pháp).

Đối với tâm lý học thế kỷ XIX phải đặc biệt nhấn mạnh năm 1879 là năm tại thành phố Laixíc (nước Đức), nhà tâm lý học Vuntơ (1832-1920) đã thành lập phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới. Một năm sau phòng thí nghiệm này đã chuyển thành viện tâm lý học đầu tiên trên thế giới, xuất bản các tạp chí tâm lý học. Từ vương quốc của chủ nghĩa duy tâm coi ý thức chủ quan là đối tượng của tâm lý học và con đường nghiên cứu tâm lý bằng phương pháp tự quan sát, nội quan chuyển sang con đường nghiên cứu ý thức một cách khách quan, bằng quan sát, phân tích, đo đạc.

Trong vòng 10 năm của đầu thế kỷ XX trên thế giới đã xuất hiện nhiều trường phái tâm lý học khách quan đó tâm lý học hành vi, tâm lý học Gestalt, tâm lý học Phơrơt.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *