Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân ở Việt Nam hiện nay

[VPLUDVN] Công dân là mục đích tồn tại của Nhà nước và Nhà nước là biện pháp để công dân thực hiện mục đích của mình. Xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền (NNPQ) và cá nhân công dân – con người, mọi thiết chế do con người sáng tạo ra, từ Nhà nước đến pháp luật… đều tồn tại vì con người chứ không phải con người tồn tại vì Nhà nước và pháp luật.

Mối quan hệ giữa NNPQ và cá nhân công dân là mối quan hệ biện chứng: nếu pháp luật đòi hỏi cá nhân công dân phải có trách nhiệm với Nhà nước thì đồng thời cũng đòi hỏi Nhà nước phải có trách nhiệm trước cá nhân công dân1. Không thể nói đến NNPQ nếu như mọi người không bình đẳng trước pháp luật, không có sự bảo đảm an toàn, hợp lý về các quyền tự do dân chủ.

Mặc dù ra đời trước thời kỳ đổi mới đất nước, nhưng bước sang giai đoạn xây dựng NNPQ XHCN, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (NNVCD) mới có nhiều thay đổi và được xem là một trong những mối quan hệ vô cùng quan trọng, được nhận thức rõ và sâu sắc hơn. Đó là quan hệ thống nhất về quyền và nghĩa vụ pháp lý, được khẳng định dưới dạng các quy phạm Hiến pháp, hơn nữa còn được cụ thể hóa thông qua các quan hệ pháp luật khác.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương xây dựng NNPQ XHCN của dân, do dân, vì dân và được ghi nhận trong Hiến pháp. Dù trong khoa học pháp lý có nhiều quan điểm khác nhau về NNPQ, nhưng xét về thực chất, NNPQ là Nhà nước trong đó, quan hệ giữa NNVCD là quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Trong NNPQ, quyền và tự do của người dân được ghi nhận và bảo đảm, đó cũng là cơ sở chính trị – pháp lý cho việc bảo đảm dân chủ và là sự thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước ta là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ, tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta đã theo một nguyên tắc mới về chất so với trước đây “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). Với vị trí, vai trò là Luật cơ bản, nền tảng của quốc gia, Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản và công thức Hiến định về mối quan hệ giữa NNVCD.

Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa mối quan hệ giữa NNVCD trên cơ sở kế thừa nội dung các bản Hiến pháp trước. Đây là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện của Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển, đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc, toàn diện về NNPQ, quyền con người, về bản chất pháp quyền, dân chủ giữa NNVCD. Tính chất pháp quyền, dân chủ của mối quan hệ giữa NNVCD được thể hiện xuyên suốt toàn bộ nội dung bản Hiến pháp. Đặc biệt, Chương II của Hiến pháp gồm 36/120 điều (từ Điều 14 – 49) quy định trực tiếp về quyền con người (QCN), quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có nội dung bao quát các nguyên tắc cốt lõi, quan trọng về mối quan hệ giữa NNVCD. Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân (QCD) không chỉ được thể hiện đầy đủ ở Chương II “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà còn ở nhiều quy định khác của Hiến pháp và là nguyên tắc, tinh thần chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ bản Hiến pháp.

Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, QCD cũng được thể hiện trong Chương III – Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quy định các chính sách và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền về kinh tế – xã hội.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng QCN, QCD; Nhà nước có trách nhiệm trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm QCN, QCD; có cơ chế bảo đảm thực hiện QCN, QCD; mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, đồng trách nhiệm giữa NNVCD, ghi nhận đầy đủ và rộng rãi các quyền và nghĩa vụ của công dân về chính trị, kinh tế – xã hội, tự do cá nhân; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước phải thực hiện hoặc bảo hộ các quyền của công dân; xác định giới hạn QCN, QCD trên cơ sở luật định.

Tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân” chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là công thức Hiến định về mối quan hệ giữa NNVCD được xây dựng trên cơ sở triết lý chính trị – pháp lý về chủ quyền nhân dân. Về bản chất của các nguyên tắc cơ bản bảo đảm QCN, QCD, đồng thời đặt ra vai trò, trách nhiệm phải thực hiện của NNPQ.

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ giữa NNVCD, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nguyên tắc cốt lõi của NNPQ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về QCN. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất của mối quan hệ giữa NNVCD, cơ sở cho toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật.

Trong NNPQ, mối quan hệ giữa NNVCD là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, quan hệ đồng trách nhiệm. Tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ đối với mọi cá nhân, tổ chức, Nhà nước phải chịu trách nhiệm vật chất, tinh thần về các quyết định và hành vi của mình, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân là mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau. Nhà nước không chỉ có quyền được yêu cầu cá nhân thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mà còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với cá nhân, không dừng lại ở khẩu hiệu, tuyên ngôn mà phải có hệ thống pháp lý bảo đảm để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân2.

Quá trình đổi mới đất nước, xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta đã đạt được những kết quả không nhỏ. Từ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tập quyền XHCN, thực hiện chuyên chính vô sản đã chuyển sang mô hình tổ chức bộ máy NNPQ XHCN phục vụ Nhân dân. Có thể nói, đây là bước đổi mới về nhận thức, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ bình đẳng giữa NNVCD, phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng NNPQ XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt đứng trước đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa NNVCD. Do đó, không thể không đẩy mạnh việc đổi mới công tác lập pháp, phát huy dân chủ, xây dựng, hoàn thiện mối quan hệ giữa NNVCD để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *