Nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tư duy lôgic

1. Đặt vấn đề

Con người là động vật duy nhất có tư duy và ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ là cái biểu đạt tư duy, nên ngôn ngữ là công cụ để con người suy nghĩ; là phương tiện để con người giao tiếp với nhau, truyền đạt tư duy cho nhau. Tư duy là thuộc tính của bộ não con người, là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Ngôn ngữ là cái biểu đạt tư duy và có nhiều hình thức khác nhau. Tiếng nói là hình thức cơ bản đầu tiên của ngôn ngữ. Hình thức cơ bản thứ hai của ngôn ngữ là chữ viết. Tiếng nói của con người có từ khi loài người hình thành. Chữ viết chỉ xuất hiện khi con người đạt đến một trình độ văn minh nhất định. Ngoài tiếng nói và chữ viết, ngôn ngữ còn có nhiều hình thức khác, đó là cử chỉ của con người (như lắc đầu, gật đầu, nhắm mắt, trợn mắt, chỉ tay, giơ tay, khoanh tay, chắp tay, cười, khóc, nhảy,…), tín hiệu và ký hiệu (như đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, bảng chỉ dẫn, biểu tượng,…) cũng được con người dùng để biểu đạt những ý nghĩ nào đó của tư duy, tức cũng là ngôn ngữ.

Ngôn ngữ và tư duy không thể tồn tại tách rời nhau. Ngôn ngữ của con người ngày càng phát triển thì càng thúc đẩy tư duy của con người phát triển. Ngược lại, tư duy của con người càng phát triển thì càng thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.

Tư duy nói chung, tư duy lôgíc nói riêng và ngôn ngữ có mối quan hệ gắn bó với nhau. Việc tìm hiểu rõ hơn mối quan hệ này không chỉ cần thiết cho những người nghiên cứu và giảng dạy, học tập môn Lôgíc học và chuyên ngành Ngôn ngữ học mà còn bổ ích cho tất cả mọi người. Bài viết này góp phần làm rõ điều đó.

2. Khái niệm về tư duy và ngôn ngữ

2.1. Tư duy

Bài viết này đề cập đến khái niệm tư duy với tư cách là đối tượng nghiên cứu của lôgíc học (Lôgic học là khoa học nghiên cứu những quy luật và hình thức chính xác của tư duy nhằm nhận thức đúng đắn hiện thực), tức tư duy lôgíc.

Tư duy là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như triết học, tâm lý học, sư phạm học, sinh lý học thần kinh cao cấp, điều khiển học,… trong đó, mỗi khoa học nghiên cứu một khía cạnh của tư duy. Theo quan điểm của Triết học Mác – Lênin, “tư duy” –  một bộ phận của ý thức  – “là sự phản ánh thế giới khách quan vào đầu óc con người một cách gián tiếp và khái quát. Tư duy là thuộc tính đặc biệt của vật chất có tổ chức cao là bộ não con người; nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Quan niệm về tư duy giúp cho việc đi sâu phân tích một số đặc điểm của tư duy lôgíc: Tư duy lôgíc là tư duy một cách có hệ thống, tất yếu, chặt chẽ và chính xác.

– Tính hệ thống là một đặc điểm của quá trình tư duy lôgíc, trong đó các tư tưởng được sắp xếp theo một trình tự nhất định với một kết cấu chặt chẽ, nhất quán, không mâu thuẫn. Qua đó, ta thấy rõ tính chỉnh thể của đối tượng tư duy.

– Tính tất yếu của tư duy là một trong những điều kiện nhất định để bảo đảm được tính chân lý của nhận thức. Muốn vậy, tư duy phải diễn ra bằng cách thực hiện các thao tác lôgíc trên các khái niệm, các phán đoán theo các quy tắc nhất định của suy luận.

– Tính chặt chẽ của tư duy là tư duy theo những quy tắc nhất định và tư duy dựa trên những cơ sở vững chắc, có lý do đầy đủ.

– Tính chính xác của tư duy là tư duy phản ánh những nội dung cơ bản xác định của đối tượng; nắm bắt cái bản chất của nó như khái niệm; và xác định được giá trị chân lý của các tư tưởng trong quá trình phản ánh hiện thực như phán đoán, suy luận, chứng minh, bác bỏ… Nó đòi hỏi tư duy phải rõ ràng, rành mạch, để người khác hiểu đúng tư tưởng, không làm cho người khác hiểu sai đối tượng mà tư tưởng của chúng ta đề cập.

Có rất nhiều loại hình tư duy như tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật… Và mỗi người có thể có sở trường về một hoặc một vài loại hình tư duy đó nhưng ai cũng phải cần có tư duy lôgic với những đặc điểm đã trình bày ở trên để thành công trong lĩnh vực hoạt động của mình.

2.2. Ngôn ngữ

Một dân tộc càng văn minh, ngôn ngữ càng phong phú, nhất là ngôn ngữ khoa học. Do đó, ngôn ngữ là phương tiện hình thành, giữ gìn và chuyển giao thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, là phương tiện giao tiếp giữa mọi người. Ngôn ngữ là cầu nối cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người và giữa các dân tộc khác nhau trên thế giới. Và ngôn ngữ còn là bộ phận quan trọng tạo nên văn hóa của mỗi dân tộc.

Theo nghĩa rộng, người ta gọi ngôn ngữ là hệ thống thông tin ký hiệu đảm bảo chức năng hình thành, giữ gìn và chuyển giao thông tin, là phương tiện giao tiếp giữa mọi người. Ngôn ngữ được chia thành ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nhân tạo. Tư duy và ngôn ngữ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng là tiền đề, điều kiện ra đời, tồn tại và phát triển của nhau.

3. Mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ

Quan điểm của triết học Mác – Ăngghen cho thấy, ngôn ngữ và tư duy đều hình thành trong quá trình lao động của loài người. Nhờ lao động, con người tách khỏi giới động vật, hình thành ý thức (trong đó có tư duy) và ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức. Không có hệ thống tín hiệu này – tức ngôn ngữ thì ý thức nói chung và tư duy nói riêng không thể tồn tại và thể hiện được. Ngôn ngữ, theo C. Mác là cái vỏ vật chất của tuy duy, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, không có ngôn ngữ, con người không thể có ý thức. Ngôn ngữ là hình thức vật chất của các hình thức và quy luật của tư duy. Con người không thể tư duy nếu không dùng tới ngôn ngữ.

Ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) vừa là phương tiện giao tiếp, đồng thời là công cụ của tư duy. Nhờ ngôn ngữ, con người mới có thể khái quát hóa, trừu tượng hóa, mới có thể suy nghĩ, tách khỏi sự vật cảm tính. Mặt khác, ý thức, tư duy không phải là một hiện tượng thuần túy cá nhân mà là một hiện tượng có tính chất xã hội, do đó nếu không có phương tiện trao đổi xã hội về mặt ngôn ngữ thì ý thức, tư duy không thể hình thành và phát triển được. Tư duy lôgic đến lượt nó lại giúp cho việc sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt ngôn ngữ của mỗi người tốt hơn, có hiệu quả hơn. Điều khác biệt giữa ngôn ngữ và tư duy lôgic là ở chỗ: ngôn ngữ có tính cộng đồng, dân tộc, còn tư duy logic không mang tính cộng đồng, tính dân tộc hay tính giai cấp mà nó mang tính thống nhất trên toàn thế giới, nghĩa là ai cũng tư duy theo những hình thức, quy tắc, quy luật giống nhau.

Khái niệm, phán đoán, suy luận là các hình thức của tư duy, là các phạm trù của lôgic học nhưng chúng được biểu thị thông qua ngôn ngữ: Khái niệm được biểu thị bằng từ, ngữ; phán đoán được biểu thị bằng câu; suy luận được biểu thị bằng chuỗi câu, đoạn văn. Cho nên, ngôn ngữ là một công cụ để tư duy. Tuy nhiên, cần lưu ý là khái niệm không đồng nhất với từ, cụm từ; phán đoán không đồng nhất với câu; suy luận không đồng nhất với chuỗi câu.

Đầu tiên chúng ta xét quan hệ giữa khái niệm và từ (cụm từ). Từ là cơ sở vật chất của khái niệm, không có từ thì không thể hình thành và sử dụng được khái niệm.

Khái niệm là một hình thức của tư duy, là một phạm trù của lôgíc học dùng để chỉ rõ sự vật là gì, phân biệt nó với sự vật khác. Nó có tính chất chung cho mọi dân tộc, cho mọi cộng đồng người. Còn từ là một đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, là một phạm trù của ngôn ngữ học, là một hoặc một số ký hiệu âm được quy ước (convention) trong cộng đồng để chỉ cái gì đó (từ là sự thống nhất hữu cơ giữa âm và nghĩa), sự quy ước đó có tính chất riêng biệt của mỗi cộng đồng; mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng nên sự quy ước đó không giống nhau.

Khái niệm được hình thành trên cơ sở tư duy nhưng dùng từ để biểu đạt mà ta gọi là tên của khái niệm (thuật ngữ). Bất kỳ khái niệm nào cũng được thể hiện bằng một từ hay một số từ (cụm từ) nhất định. Còn từ cũng gắn chặt với khái niệm nhất định, nhờ có khái niệm được nó biểu đạt nên từ mới trở nên có ngữ nghĩa.

Một từ có thể biểu đạt nhiều khái niệm khác nhau, người ta gọi là từ đồng âm (thí dụ: từ “mai” biểu thị nhiều khái niệm như: 1. Phần cứng trên mu con rùa hoặc cua; 2. Ngày tiếp sau ngày hôm nay; 3. Một loại cây cùng họ với trúc; 4. Mối lái,…). Có thể nhiều từ cùng biểu đạt một khái niệm, người ta gọi là từ đồng nghĩa  (thí dụ: “tổ quốc”, đất nước”, “giang sơn” cùng biểu đạt một khái niệm; “chết”, “khuất núi”, “chầu Diêm vương”, “bỏ mạng” cùng biểu đạt một khái niệm). Bên cạnh đó, có những từ không biểu thị khái niệm. Như vậy, khái niệm phản ánh hiện thực khách quan, còn từ là sự biểu đạt khái niệm bằng ngôn ngữ của một cộng đồng người cụ thể.

Về quan hệ giữa phán đoán và câu, chúng ta thấy phán đoán được biểu thị bằng câu tường thuật có chứa một lượng thông tin nhất định. Sự thống nhất của phán đoán và câu là ở chỗ các thành phần cơ bản của chúng đều biểu thị đối tượng tư tưởng về hiện thực khách quan. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đồng nhất bởi: phán đoán thuộc phạm trù của lôgíc học, còn câu thuộc phạm trù của ngôn ngữ học. Thành phần của phán đoán và câu không giống nhau, kết cấu lôgíc của tư tưởng và kết cấu ngữ pháp của câu không trùng nhau. Kết cấu lôgíc của phán đoán mọi người là như nhau, song kết cấu ngữ pháp của câu lại phụ thuộc vào ngôn ngữ của từng dân tộc. Một phán đoán có thể biểu thị bằng những câu khác nhau. Một thí dụ so sánh trong Bảng sau: (Xem Bảng)

Câu biểu thị phán đoán Câu không biểu thị phán đoán
Hôm nay trời mưa Hôm nay trời có mưa không nhỉ?
Hôm nay trời không mưa Trời mưa mới chán làm sao!
Nếu hôm nay trời mưa thì ta ở nhà Không biết hôm nay trời có mưa không đây?

Câu hỏi nói chung không biểu thị phán đoán, trừ câu hỏi tu từ. Thí dụ câu sau: “Ai mà không muốn hạnh phúc (Tương đương với phán đoán: “Mọi người đều muốn hạnh phúc).

Suy luận cũng được biểu hiện bằng những biểu thức ngôn ngữ đó là chuỗi câu, đoạn văn nhưng chúng cũng không đồng nhất với nhau, không phải bất cứ chuỗi câu nào cũng là suy luận. Trong suy luận phải có kết cấu gồm tiền đề (các phán đoán đã biết), kết luận (phán đoán mới – tri thức mới rút ra) và lập luận tuân theo những quy luật, quy tắc lôgíc xác định.

Giao tiếp là quá trình phát và nhận thông tin, là quá trình sử dụng ngôn ngữ. Nhưng trong giao tiếp, con người cũng thông báo, diễn đạt tư tưởng, cũng chứng minh, thuyết phục, lập luận, chất vấn, nghi ngờ, bác bỏ,… nghĩa là chúng ta cũng tư duy. Do vậy, trong ngôn ngữ cũng có những quy luật ngôn từ để biểu hiện, phản ánh tư duy và tiếp nhận thông tin. Nói cách khác, trong quá trình giao tiếp hay diễn đạt tư tưởng, con người đồng thời vừa sử dụng ngôn ngữ vừa sử dụng các hình thức lôgíc và quy luật lôgíc của tư duy thông qua ngôn ngữ.

Những người yêu thích Truyện Kiều chắc sẽ nhớ 2 câu: “Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” – đây là lời lập luận của nhân vật Hoạn Thư biện hộ cho mình khi bị Kiều báo oán. Thường thì độc giả yêu Truyện Kiều chỉ tiếp cận hai câu Kiều trên (cũng như Truyện Kiều nói chung) từ góc độ nghệ thuật bậc thầy về xây dựng ngôn ngữ và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du. Tuy nhiên, dưới góc độ Lôgíc học, hai câu Kiều trên là một trong những hình thức của tư duy mà con người thường xuyên sử dụng, đó là lập luận mà ở đây là một luận ba đoạn rút gọn (còn được gọi là luận hai đoạn), trong đó tiền đề lớn đã được rút gọn (đã được bỏ qua). Chúng ta có thể khôi phục lại suy luận trên trên thành một luận ba đoạn đầy đủ là:

Đàn bà (M) ghen là thường tình (P) (Tiền đề lớn)             Công thức:    M là P

Tôi (S) là đàn bà (M) (Tiền đề nhỏ)                                                     S là M

Nên, tôi (M) ghen cũng là thường tình (P) (Kết luận)                             S là P

Đây là một suy luận hợp lôgíc, các tiền đề đều chân thực và lập luận rất chặt chẽ, tuân thủ các quy tắc chung của tam đoạn luận nhất quyết đơn và quy tắc loại hình (suy luận trên thuộc loại hình I). Lập luận của Hoạn Thư rất có tính thuyết phục cả về lý lẫn về tình, qua đó, Hoạn Thư đã tự bào chữa thành công cho mình như một luật sư thực thụ trước “tòa án” do Kiều lập nên. Điều đó càng làm nổi bật một Hoạn Thư không chỉ “ghê gớm” mà còn quá sắc sảo. Hoạn Thư đã từng đày đọa Kiều một cách không thương tiếc về mặt tinh thần cũng như thể xác nhưng đã tự bào chữa cho mình trở thành vô tội bằng một lập luận chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc Kiều tha bổng cho Hoạn Thư cũng cho thấy Kiều vừa là một người thông minh, có tư duy nhạy bén vừa là một con người rất nhân văn và cao thượng.

4. Kết luận

Như vậy, tư duy lôgíc và ngôn ngữ có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ, giao thoa lẫn nhau. Việc nghiên cứu rõ hơn mối quan hệ này cho thấy việc nắm vững các tri thức của Lôgíc học, việc phát triển tư duy lôgíc rất quan trọng đối với mọi người. Đồng thời nó giúp chúng ta vận dụng một cách tự giác những hình thức và quy tắc của suy nghĩ, tư duy, nghĩa là giúp ta nâng cao trình độ “kỹ thuật” suy nghĩ, tư duy, tạo ra thói quen suy nghĩ “thông minh” hơn, góp phần vào việc nâng cao tính xác định, tính chính xác, tính không mâu thuẫn, tính liên tục, tính triệt để, tính chứng minh được của lập luận; tăng cường hiệu quả và niềm tin của suy nghĩ, lời nói; định hướng và chỉ đạo đúng đắn cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Tri thức cơ bản của Lôgíc học đặc biệt quan trọng trong quá trình nắm vững tri thức mới, trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy và học tập, viết luận văn và bài phát biểu, cũng như nâng cao hiệu quả giao tiếp, thuyết trình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Dân (1996), Lôgíc và tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
  2. Vương Tất Đạt (2002), Lôgíc học đại cương, Nxb Giao thông, Hà Nội.
  3. Tô Duy Hợp, Nguyễn Anh Tuấn (1997), Lôgic học, Nxb Đồng Nai.
  4. Nguyễn Đức Dân (1987), Logic – ngữ nghĩa – cú pháp, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội
  5. Vương Tất Đạt (2001), Logic học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Vũ Thị Nga (Bộ môn Khoa học cơ bản – Trường Đại học Công đoàn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *