Những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách

a) Yếu tố di truyền đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

– Các yếu tố bẩm sinh di truyền đóng vai trò tiền đề tự nhiên, là cơ sở vật chất cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Các yếu tố bẩm sinh di truyền như đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, cấu tạo của não, cấu tạo và hoạt động của các giác quan… Những yếu tố này sinh ra đã có do bố mẹ truyền lại hoặc tự nảy sinh do biến dị (bẩm sinh).

– Di truyền là sự tái tạo ở đời sau những thuộc tính sinh học có ở đời trước, là sự truyền lại từ cha mẹ đến con cái những đặc điểm những phẩm chất nhất định (sức mạnh bên trong cơ thể, tồn tại dưới sạng nhưng tư chất và năng lực) đã được ghi lại trong hệ thống gen di truyền.

Vai trò của di truyền trong sự hình thành và phát triển nhân cách

Nhân tố di truyền giữ vai trò tiền đề vật chất đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người vì:

– Di truyền là sự tái tạo lại ở trẻ em những thuộc tính sinh học có ở cha mẹ, là sự truyền lại từ cha mẹ cho con cái những đặc điểm, những phẩm chất nhất định đã được ghi lại trong hệ thống gen. Những thuộc tính, những đặc điểm có thể di truyền là cấu trúc giải phẫu của cơ thể, những đặc điểm sinh học (như màu da, tóc, vóc dáng…), tư chất của hệ thần kinh. Những yếu tố này trước hết đảm bảo cho loài người phát triển, đồng thời giúp con người có thể thích ứng với những biến đổi của điều kiện sinh tồn.

– Cần phân biệt khái niệm di truyền với bẩm sinh. Bẩm sinh là hiện tượng sinh ra đã có – bẩm sinh có thể là do di truyền và có thể là không phải do di truyền đem lại.

Vai trò của di truyền: Đánh giá về vai trò của di truyền ….có rất nhiều quan điểm khác nhau:

* Quan điểm Phi Mác xít: Gồm 2 quan điểm trái ngược nhau:

– Quan điểm thứ nhất: Di truyền là yếu tố quyết đinh hoàn toàn sự hình thành và phát triển nhân cách con người “ Con vua thì lại làm vua” hoặc “trứng rồng lại nở ra rồng”. Quan điểm là sai vì nó chưa đánh giá đúng vai trò của di truyền, quá đề cao vai trò của di truyền dẫn đến phủ định vai trò của các yếu tố khác đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Trên thực tế sự phát triền nhân cách con người không chỉ do di truyền quyết định mà nó còn phụ thuộc vào các nhân tố khác đó là môi trường và giáo dục đặc biệt là tính tích cực của cá nhân.

– Quan điểm thứ 2: Phủ nhận hoàn toàn vai trò của di truyền, cho rằng di truyền hoàn toàn không có vai trò gì đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

* Quan điểm của chủ nghĩa Mác:

Chủ nghĩa Mác không phủ nhận cũng không quá đề cao vai trò của di truyền mà nhận định: Di truyền là tiền đề, là cơ sở vật chất cần thiết đối với sự hình thành và phát triển nhân cách Di truyền là khả năng tiềm tàng mà từ đó tư chất của con người được phát triển thêm lên thông qua các mối quan hệ xã hội, qua sự giao lưu giữa người với người:

– Di truyền tạo ra những sức sống trong bản chất tự nhiên của con người, tạo khả năng cho người đó hoạt động có kết quả trong một số lĩnh vực nhất định (tạo tiền đề vật chất cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con người)

– Di truyền, đặc biệt là vấn đề di truyền những tư chất (nhất là những tư chất về năng lực hoặc phẩm chất về một lĩnh vực hoạt động nhất định ở trẻ em) có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác giáo dục.

– Di truyền không thể quyết định giới hạn tiến bộ xã hội của con người mà nó chỉ tạo khả năng cho con người hoạt động có kết quả trong một số lĩnh vực nhất định.

– Di truyền không quyết định những giới hạn tiến bộ của con ngườì. Những đặc điếm sinh học mặc dù có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành tài năng, xúc cảm, trí tuệ, thể chất,… của con người nhưng nó chỉ tạo tiền đề cho sự phát triển nhân cách của con người với những lĩnh vực lao động hết sức rộng rãi, nó không định hướng cụ thể vào một lĩnh vực nào đó.

Ví dụ: Một người có tư chất toán học (yếu tố di truyền) nên định hướng cho con người đó có khả năng hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, người đó có trở thành nhà toán học hay giáo viên toán hoặc kỹ sư, kiến trúc sư, bác sỹ, nhà quản lý,….lại phụ thuộc vào sự tích cực, sự cố cố gắng của bản thân, sự giáo dục của môi trường, giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

– Di truyền không quyết định nội dung của sự phát triển tâm lý mà nó chỉ ảnh hưởng: tạo điều kiện thuận lợi hay trở ngại cho sự phát triển tâm lý với tốc độ nhanh hay chậm (VD: trẻ khuyết tật về thị giác hay thính giác tiếp thu kinh nghiệm XH – LS khó khăn và chậm hơn song điều đó không quyết định ND tâm lý nhân cách.

Trên thực tế có nhiều gia đình liên tục xuất hiện những người có tài qua nhiều thế hệ- chỉ có thể giải thích là cá nhân đó được thừa hưởng những tư chất nhất định, được sống và học tập trong môi trường thuận lợi, được tham gia sớm vào hoạt động đó…

* Như vậy, trong giáo dục và quản lý giáo dục cần nhận thức và đánh giá đúng về vai trò của di truyền đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người, không được tuyệt đối hoá vai trò của di truyền hay phủ nhận vai trò của di truyền. Mọi hoạt động giáo dục, dạy học trong nhà trường phải dựa trên đặc điểm tâm lý của từng lứa tuổi để xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp.

b) Yếu tố môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

– Trong sự hình thành và phát triển nhân cách, môi trường xã hội có tầm quan trọng đặc biệt vì nếu không có xã hội loài người thì những tư chất có tính người cũng không thể phát triển được. Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của trẻ nhỏ.

– Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể được thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện và điều kiện cho hoạt động giao lưu của cá nhân, nhờ đó giúp trẻ chiếm lĩnh được các kinh nghiệm để hình thành và phát triển nhân cách của mình.

– Tuy nhiên, tính chất và mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách còn tùy thuộc vào lập trường, quan điểm, thái độ của cá nhân đối với các ảnh hưởng đó, cũng như tùy thuộc vào xu hướng và năng lực, vào mức độ cá nhân tham gia cải biến môi trường.

c) Yếu tố giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

– Giáo dục là sự tác động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các mục đích đã đề ra. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố khác như bẩm sinh – di truyền hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể có được.

– Giáo dục không chỉ thích ứng mà còn có thể đi trước hiện thực và thúc đẩy nó phát triển. Giáo dục có giá trị định hướng sự hình thành phát triển nhân cách. Giáo dục thúc đẩy sức mạnh bên trong khi trẻ nắm bắt được nhu cầu, động cơ, hứng thú và nó phù hợp với quy luật phát triển bên trong của cá nhân.

– Bên cạnh đó giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người bị khuyết tật, nó có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật gây ra cho con người. Giáo dục còn có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lý xấu và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội.

– Tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách. Giáo dục không thể tách rời tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.

Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Một nền giáo dục được tổ chức tốt bằng các hình thức hoạt động giao lưu phong phú và đa dạng với những phương pháp khoa học có thể làm con người đạt tới sự phát triển toàn diện phù hợp với sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, giáo dục đóng vai trò chủ đạo chứ không phải là duy nhất, cũng như không phải là quyết định trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Nó chỉ vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh và thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển theo chiều hướng đó. giáo dục không chỉ là sự tác động một chiều của nhà giáo dục tới học sinh mà còn bao gồm cả những tác động tích cực, phong phú, đa dạng giữa học sinh với nhau nên trong công tác giáo dục cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục.

d) Yếu tố hoạt động cá nhân đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

– Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định với những công cụ nhất định. Hoạt động cá nhân đóng vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

– Thông qua hoạt động của bản thân trẻ sẽ lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử – xã hội và biến nó thành nhân cách của mình. Hoạt động giúp kích thích hứng thú, niềm say mê sáng tạo và làm nảy sinh những nhu cầu mới, những thuộc tính tâm lý mới… ở mỗi các nhân mà nhờ đó nhân cách được hình thành và phát triển.

Sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ phụ thuộc vào hoạt động ở mỗi thời kì, lứa tuổi nhất đinh. Muốn hình thành và phát triển nhân cách thì cha mẹ cần phải tcho con ham gia vào các dạng hoạt động khác nhau và kích thích yếu tố hoạt động cá nhân.

Ngay từ khi còn nhỏ, ở mỗi trẻ đã hình thành những nhân cách khác nhau cũng như chịu chi phối bởi hệ thống gia đình, giáo dục, xã hội,….Trong đó gia đình được coi là cái nôi của nhân cách, tác động vào hệ thống phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Vì vậy giáo dục nhân cách cho trẻ ngay từ nhà là điều rất quan trọng và cần thiết.

e) Yếu tố giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Giao tiếp là hình thức hoạt động đặc trưng cho mối quan hệ giữa con người với con người, thông qua đó thực hiện sự tiếp xúc tâm lí và được biểu hiện ở 3 quá trình: trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau và tác động lẫn nhau.

Ví dụ như giáo viên lên lớp giảng bài cũng coi là hoạt động giao tiếp, do nó có sự trao đổi thông tin.

Giao tiếp đóng vai trò cơ bản trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Bởi vì:

+ Nó không thể có tâm lí con bên ngoài mối quan hệ giao tiếp, con người không thể tồn tại bên ngoài giao tiếp. Thông qua giao tiếp để tiếp thu, lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử – xã hội mà các thế hệ trước để lại để trở thành thành viên của xã hội.

Ví dụ như: Con người không thể tự mình chứng minh các định lí, công thức toán học mà phải thông qua giao tiếp dưới hình thức học tập, trao đổi các nghiên cứu của những nhà toàn học thời trước để lĩnh hội kết quả nghiên cứu của họ.

+ Giao tiếp thúc đẩy sự hình thành ở con người những hứng thú nhận thức khác nhau, điều này có thể làm đòn bẩy để dẫn đến sự tự đào tạo. Ví dụ như: Thông qua việc tham gia các hội thảo về  môi trường, học sinh A có thể thấy hứng thú với vấn đề bảo vệ môi trường, điều đó thúc đẩy em tự nghiên cứu tìm tòi và từ đó dẫn đến sự tự đào tạo.

+ Trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức người khác mà còn nhận thức chính bản thân mình, bất kì người nào cũng đối chiếu mình với cái mà họ nhìn thấy ở người khác, so sánh cái mà họ làm được với cái mà người xung quanh làm. Do đó, qua giao tiếp, con người tự đánh giá bản thân mình như một nhân cách.

Ví dụ: Các em học sinh cùng trao đổi cách giải một bài toán khó. Qua việc tranh luận đó, các em có thể tự thấy cách làm của mình là đúng hay sai, có nhanh gọn hay không.

+ Nhu cầu giao tiếp là một nhu cầu xã hội cơ bản và xuất hiện sớm nhất ở con người. Việc không thỏa mãn nhu cầu này ở con người ở bất cứ lứa tuổi nào đều dẫn đến những rung động tiêu cực.

Ví dụ như: Những trẻ em không được đi nhà trẻ, các em không được tập giao tiếp làm quen với thầy cô và bạn bè nên khi đi học lớp 1 sẽ rất rụt rè, nhút nhát.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *