1. Phân loại quy phạm pháp luật
– Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh pháp luật có thể phân chia các quy phạm pháp luật thành các nhóm lớn tương ứng là các ngành luật: Quy phạm pháp luật hành chính, quy phạm pháp luật dân sự… Với cách tiếp cận này còn có thể chia các quy phạm pháp luật thành những nhóm nhỏ hơn ngành luật như phân ngành luật, chế định pháp luật…
– Phụ thuộc vào hình thức mệnh lệnh nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật dứt khoát, quy phạm pháp luật không dứt khoát và quy phạm pháp luật hướng dẫn.
+ Quy phạm pháp luật dứt khoát là quy phạm trong đó bộ phận quy định chỉ nêu ra một cách xử sự rõ ràng, chặt chẽ;
+ Quy phạm pháp luật không dứt khoát là quy phạm trong đó bộ phận quy định nêu ra nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể lựa chọn cho mình một cách xử sự từ những cách đã nêu;
+ Quy phạm pháp luật hướng dẫn là quy phạm trong đó bộ phận quy định của quy phạm thường đưa ra những lời khuyên nhủ, hướng dẫn các chủ thể tự giải quyết một số công việc nhất định.
– Phụ thuộc vào cách thức xử sự nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật bắt buộc, quy phạm pháp luật cấm và quy phạm pháp luật cho phép.
+ Quy phạm pháp luật bắt buộc có bộ phận quy định buộc chủ thể phải thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cấm có bộ phận quy định cấm chủ thể không được thực hiện một số hành vi nhất định.
+ Quy phạm pháp luật cho phép có bộ phận quy định cho phép chủ thể có thể tự xử sự theo những cách thức nhất định (thường là những quy định về quyền và tự do của các chủ thể pháp luật).
– Căn cứ vào nội dung, tác dụng của quy phạm pháp luật có thể chia các quy phạm pháp luật thành quy phạm nội dung và quy phạm hình thức (thủ tục).
+ Quy phạm pháp luật nội dung là những quy phạm xác định các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm của các chủ thể pháp luật.
+ Quy phạm pháp luật hình thức (thủ tục) là những quy phạm xác định trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lí của mình hay tiến hành áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế.
– Căn cứ vào tính chất của lĩnh vực quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh (chủ thể và lợi ích mà pháp luật bảo vệ) có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật công pháp và quy phạm pháp luật tư pháp.
+ Quy phạm pháp luật công pháp là quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với tư nhân, liên quan đến lợi ích chung của nhà nước và xã hội.
+ Quy phạm pháp luật tư pháp là quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các tư nhân với nhau, liên quan đến lợi ích riêng tư của tư nhân.
2. Cách phân chia, sắp xếp các quy phạm pháp luật
Kỹ thuật phân chia, sắp xếp kết cấu nội dung của văn bản quy phạm pháp luật giữ vai trò quan trọng, bảo đảm tính logic, khoa học và chặt chẽ về hình thức, nội dung, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản đó.
Kết cấu của văn bản được hiểu là cách thức tổ chức các yếu tố nội dung theo trình tự hoặc mô hình nhất định, về cơ bản, kết cấu không đơn thuần chỉ là sự sắp xếp vị trí các yếu tố thuộc nội dung văn bản theo trình tự trước sau, trên dưới, mà còn là việc bảo đảm tính liên kết, tính thống nhất trong mối quan hệ giữa các yếu tố nội dung của văn bản.
Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật trình bày theo kết cấu điều khoản đều có cách phân chia, sắp xếp các vấn đề nội dung bằng nhiều cấp độ sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Cách phân chia này có đặc điểm là tạo ra nhiều tầng, bậc ngôn ngữ theo kiểu mỗi cấp độ là một đơn vị lớn chứa đựng nhiều nội dung, trong mỗi đơn vị lại có sự sắp xếp thành các nhóm ở cấp độ nhỏ hơn. Chẳng hạn, kết cấu nội dung của văn bản quy phạm pháp luật thường được sắp xếp trong một đơn vị lớn là các phần; trong đơn vị phần chứa đựng nhiều chương; nội dung của chương được phân chia thành các mục, trong mục chứa đựng các tiểu mục, các tiểu mục gồm các điều; điều có thể được chia thành các khoản (1, 2, 3…); khoản có thể chia thành nhiều điểm (a, b, c…). Như vậy, với cách phân chia theo kết cấu điều khoản, nội dung của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo trình tự: phần – chương – mục – điều – khoản – điểm.
Tuy nhiên, việc phân chia nội dung văn bản theo các cấp độ vừa nêu không đặt ra đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường, việc lựa chọn những đơn vị nào trong các cấp độ chủ yếu căn cứ vào tính chất, nội dung và số lượng các quy phạm pháp luật có trong văn bản. Nếu các quy phạm pháp luật có số lượng lớn, đề cập nhiều vấn đề khác nhau thì văn bản hoặc đơn vị của văn bản được chia thành nhiều cấp độ; ngược lại, nếu số lượng các quy phạm pháp luật không nhiều thì phân chia ít cấp độ hơn. Theo đó, trường họp văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng thì nội dung được phân chia theo cấp độ: phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Trường hợp văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì nội dung được bố trí trình bày trong các điều, khoản, điểm.
Cùng với việc phân chia nội dung văn bản theo các cấp độ nêu trên là việc đặt tiêu đề đối với những đơn vị được sắp xếp theo từng cấp độ. Thực tế cho thấy, trong những cấp độ được xác lập có một số đơn vị khi trình bày thường có tên gọi (phần, chương, mục, điều) và có một số đơn vị khi trình bày không có tên gọi (khoản, điểm). Trong trường họp này, tên gọi của đơn vị chính là tiêu đề của từng cấp độ. Tiêu đề có tác dụng giới hạn phạm vi chủ đề của từng đơn vị, qua đó giúp cơ quan soạn thảo xác định chính xác vấn đề cần xác lập.
Điều 32. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức (Xem: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. phân chia vói các cấp độ khác nhau còn được sắp xếp theo vấn đề. Hầu hết nội dung đề cập trong văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp, phân chia theo trình tự có tính khoa học, thống nhất và hợp lý. Do vậy, để tạo ra tính nhất quán trong việc trình bày các vấn đề cơ quan soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ chung – riêng, trước – sau giữa các phần nội dung khi chúng được xác lập trong văn bản.)
Trên thực tế, mỗi cấp độ có một tiêu đề riêng, phản ánh chủ đề nội dung của cấp độ đó. Để việc xác lập tiêu đề có tác dụng nhất định cần bảo đảm trình bày tên của tiêu đề phản ánh đúng nội dung của đơn vị trong văn bản. Tránh tình trạng tiêu đề và nội dung của đơn vị văn bản phản ánh các vấn đề khác nhau, hoặc tiêu đề có giới hạn rộng hơn hay hẹp hơn so vởi nội dung của văn bản. Đồng thời, phải bảo đảm việc khái quát vấn đề ở mức độ cao, tạo sự cô đọng, ngắn gọn, tránh trùng lặp với nội dung của đơn vị văn bản.
Hiện nay, có một số cách sắp xếp các vấn đề thuộc nội dung của văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng như sau:
– Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể;
– Quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục;
– Quy định về quyền và nghĩa vụ được trình bày trước quy định về chế tài;
– Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù;
– Theo trình tự diễn biến của vấn đề.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.