Phân tích đối tượng và phạm vi điều chỉnh pháp luật

1. Đối tượng điều chỉnh pháp luật

Đối tượng điều chỉnh pháp luật là các quan hệ xã hội. Pháp luật bảo vệ quan hệ xã hội, bảo đảm cho các quan hệ đó phát triển có trật tự, định hướng sự phát triển của chúng. Các quan hệ xã hội tồn tại, phát triển một cách khách quan, nhà nước chỉ tác động vào chúng bằng pháp luật.

Pháp luật không điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội mà tập trung điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, điển hình, phổ biến có liên quan tới đời sống cộng đồng xã hội, đến việc củng cố địa vị và lợi ích của lực lượng cầm quyền trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… cần đến sự điều chỉnh của pháp luật. Còn những quan hệ xã hội không cơ bản, ít quan trọng có thể được điều chỉnh bằng các quy phạm xã hội khác. Một số quan hệ riêng tư, liên quan đến nội bộ các tổ chức phi nhà nước, liên quan đến tình cảm riêng tư của con người như quan hệ bạn bè, quan hệ trong nội bộ gia đình…, đơn lẻ chỉ xảy ra một vài lần ừong cuộc sống, pháp luật không điều chỉnh.

Việc xác định những quan hệ xã hội nào cần điều chỉnh bằng pháp luật là rất quan trọng đối với một đất nước. Chẳng hạn, số lượng người con trong gia đình do nhà nước quy định hay do mỗi gia đình tự quyết định… Nếu không xác định đúng có thể dẫn đến những can thiệp không cần thiết, có thể xâm phạm đến tự do, danh dự của con người…

2. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật

Phạm vi điều chỉnh của pháp luật được xem xét ở hai khía cạnh là:

Thứ nhất, phạm vi về số lượng, trong đó có cả phạm vi không gian, thòi gian và đối tượng áp dụng;

Thứ hai, phạm vi về mức độ can thiệp, điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác…

Về số lượng: số lượng các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh lúc đầu chưa nhiều, rồi sau được mở rộng dần theo nhu cầu và điều kiện cho phép. Điều này cũng có nghĩa với số lượng quy phạm pháp luật lúc đầu chưa nhiều, sau này càng ngày càng nhiều.

Mỗi quy phạm pháp luật thường chỉ tác động trong những khoảng thời gian và không gian nhất định. Sở dĩ như vậy là vì xã hội luôn thay đổi, vận động và phát triển, cho nên để điều chỉnh có hiệu quả đòi hỏi các quy phạm phải có sự thay đổi nhất định.

Về mức độ điều chỉnh của pháp luật phụ thuộc vào tính chất và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội.

Các văn bản luật thường được dùng để điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng và có tính ổn định hơn nên chỉ điều chỉnh ở cấp độ chung, những vấn đề khái quát, có tính nguyên tắc. Chẳng hạn, các quy định của Hiến pháp điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc xác định chế độ chính trị, kinh tế, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước..; những quan hệ xã hội nào chưa thật ổn định, phạm vi tác động hẹp hoặc dễ thay đổi thì nên điều chỉnh bằng các quy định của các văn bản dưới luật.

Việc điều chinh có thể ở mức độ can thiệp sâu hoặc ở mức độ vừa phải đối với hành vi của các chủ thể. Chẳng hạn, pháp luật phong kiến Việt Nam đã can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, pháp luật phong kiến quy định cả việc buộc người đàn ông phải bỏ vợ khi người vợ không có con, có ác tật, lắm lời…

Khả năng và phạm vi điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật chịu ảnh hưởng của cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó có các yếu tố cơ bản như:

– Ý chí của người xây dựng pháp luật;

– Tính chất của các quan hệ xã hội;

– Điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội (điều kiện kinh tế cho phép thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; truyền thống duy lí hay duy tình; xã hội đã phát triển hay chưa phát triển…);

– Ý thức pháp luật của nhân dân, của cán bộ, công chức nhà nước, của những nhà chính trị (ý thức pháp luật cao thì khả năng điều chỉnh dễ dàng và hiệu quả điều chỉnh sẽ cao…);

– Sự thống nhất của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự thống nhất về ý chí và lợi ích giữa các lực lượng trong xã hội (xã hội càng thống nhất thì khả năng điều chỉnh pháp luật càng tốt, hiện tượng vi phạm pháp luật sẽ giảm…);

– Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật (mức độ chính xác, đồng bộ, phù hợp của pháp luật; hiện tượng mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật…).

Hiện nay, đang tồn tại nhiều xu hướng trong việc xác định phạm vi và mức độ điều chỉnh pháp luật lên các quan hệ xã hội: Một số muốn mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật lên các quan hệ xã hội mới (những quan hệ trước đây được điều chỉnh bằng những công cụ khác, những quan hệ xã hội mới phát sinh); số khác lại muốn thu hẹp phạm vi và mức độ điều chỉnh pháp luật, hạn chế bớt sự can thiệp của pháp luật lên hành vi của các chủ thể, đưa lại nhiều tự do hơn cho các chủ thể pháp luật (đề cao khả năng tự điều chỉnh của xã hội; nhà nước, pháp luật chỉ can thiệp khi xã hội không tự giải quyết được hoặc giải quyết không có hiệu quả).

Việc xác định phạm vi điều chỉnh pháp luật lên các quan hệ xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lí, duy trì sự ổn định xã hội, tạo điều kiện cho xã hội phát triển và nâng cao hiệu quả pháp luật. Điều này phụ thuộc vào sự sáng suốt của các cơ quan xây dựng pháp luật của đất nước.

Xu thế chung là không nên điều chỉnh bằng pháp luật quá nhiều, nhung cái gì cần điều chỉnh bằng pháp luật thì phải có pháp luật điều chỉnh; mức độ điều chỉnh sâu, nông là phụ thuộc vào từng loại hoặc từng quan hệ xã hội cụ thể sao cho có hiệu quả cao nhất.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *