Phương pháp điều chỉnh pháp luật? Các giai đoạn điều chỉnh pháp luật?

1. Phương pháp điều chỉnh pháp luật

Các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh rất đa dạng, phong phú, phức tạp với nhiều tính chất và đặc điểm khác nhau, nên các phương pháp tác động của pháp luật cũng rất đa dạng, phong phú.

Phương pháp điều chỉnh pháp luật có những đặc điểm là: Do nhà nước đặt ra; được ghi nhận trong quy phạm pháp luật; được nhà nước bảo đảm thực hiện trên cơ sở có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong những trường hợp cần thiết.

Cách thức tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội có thể là: Cấm (không cho phép tiến hành một số hoạt động nhất định: đèn đỏ cấm rẽ phải…); bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hoạt động nhất định); cho phép (được phép hoạt động trong một phạm vi nhất định: đèn đỏ được phép rẽ phải…).

Các phương pháp điều chỉnh pháp luật thường có sự khác biệt ở chỗ chúng xác định: Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật khác nhau; trật tự hình thành quan hệ pháp luật khác nhau; quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia quan hệ pháp luật khác nhau; và các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó cũng khác nhau.

Trong các ngành luật hiện nay thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh cao hơn.

2. Các giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật

Điều chỉnh pháp luật là một quá trình, quá trình này diễn ra rất phức tạp với nhiều hoạt động, nhiều giai đoạn khác nhau. Ở đây chỉ nêu một số giai đoạn cơ bản có liên quan tới quá trình điều chỉnh pháp luật, cần chú ý là việc phân chia này chỉ mang tính chất tương đối.

2.1 Giai đoạn thứ nhất: Xác định nhiệm vụ, mục đích của điều chỉnh pháp luật

Nhiệm vụ của điều chỉnh pháp luật cần được xác định ở nhiều cấp độ khác nhau, có nhiệm vụ của toàn bộ hoạt động điều chỉnh pháp luật, có nhiệm vụ của từng lĩnh vực, từng trường hợp nói riêng. Xác định mục đích, nhu cầu điều chỉnh pháp luật (điều chỉnh nhằm mục đích gì, cần đạt được những gì) để lập chương trình xây dựng pháp luật. Giai đoạn này cần phân tích tình hình, chính sách cho thật chính xác.

Cần tìm kiếm phương án điều chỉnh tốt nhất trong điều kiện hiện tại để giải quyết vấn đề và phải luôn chú ý là pháp luật không phải là công cụ vạn năng có thể giải quyết được mọi việc mà nó cũng có những hạn chế nhất định.

Khi lập phương án giải quyết các nhiệm vụ đã được xác định cần nghiên cứu kĩ kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật đã được tích lũy ở trong nước và thế giới, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và những tư liệu đã nghiên cứu về vấn đề đó.

Trong những trường hợp phức tạp, còn nhiều nghi ngờ, bàn cãi, nếu có thể nên tổ chức những thực nghiệm xã hội – pháp lí, làm thí điểm trước rồi mới tiến hành trên quy mô toàn xã hội.

2.2 Giai đoạn thứ hai: Ban hành pháp luật

Việc ban hành pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành và phải theo những hình thức, thủ tục, trình tự luật định. Nội dung các quy định pháp luật được ban hành phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội… của nhà nước cũng như của nhân dân.

Sau khi ban hành các quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước phải tiến hành các hoạt động cần thiết để đưa chúng vào thực hiện như công bố, thông báo cho các đối tượng phải thực hiện biết được nội dung các quy định pháp luật…

Trong một số trường hợp, các cơ quan nhà nước còn phải tiến hành những công việc như ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn việc thi hành, giải thích pháp luật, cung cấp phương tiện, ngân sách, bổ sung, đào tạo cán bộ, công chức… thì quy định, văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành mới có khả năng được thực hiện dễ dàng và thống nhất.

2.3 Giai đoạn thứ ba: Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật đã có hiệu lực

Việc thực hiện pháp luật có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức như tuân theo, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật. Các chủ thể pháp luật bằng hành vi thực tế của mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lí của mình làm cho các quy định pháp luật đi vào cuộc sống.

2.4 Giai đoạn thứ tư: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và đánh giá kết quả tác động của pháp luật

Trong suốt quá trình điều chỉnh pháp luật, cần tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên và sau đó, có những tổng kết, đánh giá kết quả tác động của pháp luật. Từ đó, đánh giá hiệu quả của pháp luật và hoàn thiện quá trình điều chỉnh pháp luật.

Trong quá trình điều chỉnh pháp luật, nếu xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật thì xuất hiện thêm giai đoạn truy cứu trách nhiệm pháp lí. Khi xảy ra vi phạm pháp luật thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, bảo đảm cho quá trình điều chỉnh pháp luật được tiến hành kịp thời, nghiêm minh và có hiệu quả cao.

Đời sống xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, vì vậy điều chỉnh pháp luật cũng là một quá trình không ngừng trong xã hội hiện nay. Các giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật cứ nối tiếp và đan xen, bổ sung, gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của pháp luật.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *