Soạn thảo văn bản áp dụng pháp luật

[VPLUDVN] Văn bản áp dụng pháp luật thường có nội dung đơn giản, cụ thể và luôn được hình thành dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật, do vậy trong quá trình soạn thảo không bắt buộc phải thành lập ban soạn thảo.

Việc soạn thảo văn bản áp dụng pháp luật được tiến hành bởi đơn vị cấp dưới trực tiếp của chủ thể ban hành văn bản hoặc trong một số trường hợp do chính công chức khi thi hành công vụ trực tiếp soạn thảo. Trong trường hợp này, để đảm bảo yêu cầu kịp thời, nhanh chóng đối với hoạt động áp dụng pháp luật, thông thường việc soạn thảo văn bản đã có mẫu sẵn và người soạn thảo hoàn chỉnh văn bản theo mẫu đó. (Ví dụ: Chiến sĩ cánh sát giao thông soạn thảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩh vực giao thông đường bộ theo phụ lục mẫu văn bản của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP). Nguyên tắc chung khi lựa chọn chủ thể soạn thảo văn bản áp dụng pháp luật là nội dung của văn bản liên quan đến chức năng của đơn vị nào do đơn vị đó soạn thảo, nếu liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau thì do đơn vị có chức năng quản lý công việc đó soạn thảo còn các đơn vị khác có liên quan tham gia góp ý cho dự thảo. Ví dụ: Khi ban hành chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường soạn thảo và các Sở Y tế, Công thương, Xây dựng… có thể tham gia tham gia góp ý. Điều kiện ra đời của văn bản áp dụng pháp luật phải có sự kiện pháp lí xảy ra, khi soạn thảo cần lưu ý một số nội dung sau:
– Phải lựa chọn đúng thẩm quyền của chủ thể ban hành văn bản để giải quyết công việc phát sinh phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự kiện pháp lí phát sinh nằm trong phạm vi cho phép.
Ví dụ: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chiến sĩ cảnh sát giao thông là 200.000 đồng nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vi phạm với mức phạt 600.000 đồng thì mức phạt này thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan.
– Phải lựa chọn chính xác quy phạm pháp luật hiện hành tương ứng để áp dụng pháp luật giải quyết công việc cụ thể.

Sau khi lựa chọn được quy phạm pháp luật, cơ quan áp dụng pháp luật cần xác định tên loại văn bản phù hợp với công việc phát sinh. Trong nhiều trường hợp tên loại văn bản áp dụng pháp luật có ý nghĩa quan trọng minh chứng tính hợp pháp về thẩm quyền hình thức của chủ thể áp dụng pháp luật.

Ví dụ: Để bầu các thành viên của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành là nghị quyết.
– Sau khi lựa chọn được quy phạm pháp luật và xác định chính xác tên văn bản áp dụng pháp luật, người soạn thảo sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt nội dung văn bản. Trong hoạt động này, cùng một nội dung, người soạn thảo có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, sau đó lựa chọn cách diễn đạt tối ưu nhất. Ngoài ra, người soạn thảo cần xuất phát từ tính chất của mỗi công việc để xác định nội dung những vấn đề cần được trình bày trong văn bản và sắp xếp chúng cho logic, chặt chẽ.
– Cần xuất phát từ tính chất của mỗi công việc cụ thể để xác định phạm vi vấn đề và đối tượng tác động của văn bản áp dụng pháp luật. Trong quá trình soạn thảo văn bản áp dụng pháp luật, cần xác lập đối tượng của văn bản liền kề với mệnh lệnh của chủ thể ban hành văn bản theo hướng cụ thể hoá. Trước hết, với cá nhân là đối tượng tác động của văn bản áp dụng pháp luật cần cụ thể hoá bằng các dấu hiệu nhân thân. Đối với tổ chức là đối tượng của văn bản áp dụng pháp luật cần cụ thể hoá bằng các dấu hiệu về tên gọi, địa chỉ nơi đóng trụ sở, cơ quan chủ quản, số tài khoản…Nội dung của văn bản áp dụng pháp luật luôn giải quyết công việc cụ thể xác định, mỗi văn bản áp dụng pháp luật được ban hành để giải quyết một loại việc cụ thể. Nếu vấn đề có nhiều nội dung phát sinh trong cùng thời điểm nhưng chưa đủ điều kiện để giải quyết toàn diện thì cần giới hạn chủ đề của văn bản trong phạm vi hẹp so với phạm vi của những việc cần giải quyết. Tức là, chủ thể ban hành văn bản áp dụng pháp luật có thể tách vụ việc đó ra để giải quyết trong nhiều văn bản áp dụng pháp luật khác nhau. Nếu đối tượng tác động của văn bản có liên quan đến một loại quyền và nghĩa vụ, nhưng nội dung của các quyền và nghĩa vụ đó hoàn toàn không giống nhau thì cần thiết phải ban hành nhiều văn bản áp dụng pháp luật để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của mỗi đối tượng. Nếu quyền và nghĩa vụ của các đối tượng không có dấu hiệu khác biệt lớn, thì nên ban hành một văn bản để áp dụng đối với tất cả đối tượng có liên quan. Nếu nội dung chính và nội dung phụ đều quan trọng mà không thể cùng giải quyết trong một văn bản áp dụng pháp luật thì cần nói rõ nội dung nào tách rời giải quyết sau.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *