Thành phần của quan hệ Pháp luật

[VPLUDVN] Các bộ phận hợp thành quan hệ Pháp luật được gọi là thành phần quan hệ Pháp luật, bao gồm: Chủ thể của quan hệ Pháp luật, khách thể của quan hệ Pháp luật và nội dung của quan hệ Pháp luật.

1. Chủ thể quan hệ Pháp luật

Là các bên tham gia vào quan hệ Pháp luật trên cơ sở quyền và nghĩa vụ do Nhà nước quy định. Chủ thể QHPL có thể là cá nhân hoặc tổ chức (Pháp nhân, Hộ gia đình, Tổ hợp tác và tổ chức không có tư cách pháp nhân).

– Cá nhân còn gọi là thể nhân, là những con người cụ thể riêng biệt.

– Pháp nhân là tổ chức được luật pháp cho phép có những quyền và nghĩa vụ như con người cụ thể khi tổ chức đó hội đủ những điều kiện luật định. Điều kiện để trở thành pháp nhân được quy định tại điều 84 Bộ luật dân sự đó là: Tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ Pháp luật.

– Tổ chức không có tư cách pháp nhân là tổ chức, đoàn thể xã hội không có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân.

– Hộ gia đình là tổ chức mà các thành viên có tài sản để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sản xuất kinh doanh, quan hệ sử dụng đất trong hoạt động nông lâm ngư nghiệp do luật pháp quy định.

– Tổ hợp tác là tổ chức hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có xác nhận của cơ quan Nhà nước địa phương của từ 3 thành viên trở lên cùng góp tài sản công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Chủ thể QHPL khi tham gia vào quan hệ Pháp luật phải được Nhà nước thừa nhận khả năng của chủ thể trong QHPL, gọi là Năng lực chủ thể.

Năng lực chủ thể gồm: Năng lực Pháp luật và Năng lực hành vi.

Năng lực Pháp luật: là khả năng của chủ thể được Nhà nước thừa nhận, có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý do Nhà nước quy định khi tham gia vào các quan hệ Pháp luật.

Năng lực hành vi: là khả năng xử sự có ý thức của chủ thể, bằng hành vi của mình tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý được Nhà nước thừa nhận khi chủ thể tham gia vào các quan hệ Pháp luật.

2. Khách thể quan hệ Pháp luật

Là những giá trị vật chất, tinh thần và các giá trị xã hội khác mà các chủ thể tham gia vào quan hệ Pháp luật mong muốn đạt được nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của mình.

Ví dụ: Hàng hóa mua bán, sức khỏe, tác quyền…

3. Nội dung quan hệ Pháp luật

Là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ Pháp luật.

Là những các xử sự mà luật pháp quy định bắt buộc các chủ thể phải thực hiện khi tham gia vào một quan hệ Pháp luật.

Quyền chủ thể được thực hiện theo ý chí của chủ thể nhưng trong sự giới hạn của luật pháp, để đảm bảo trật tự xã hội và quyền của các chủ thể khác.

Nghĩa vụ chủ thể là khả năng xử sự của chủ thể bắt buộc phải làm để thực hiện quyền của chủ thể khác về mặt pháp lý hoặc phải thực hiện vì nghĩa vụ đối với cộng đồng.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *