Khái niệm chung:
Trí nhớ là quá trình tâm lí có liên quan chặt chẽ tới toàn bộ đời sống tâm lí của con người. Nếu không có trí nhớ, con người không thể có được quá khứ và cũng không thể có được tương lai: người đó chỉ sống được với những gì đang diễn ra. Một người như vậy không thể làm được bất kì việc gì, họ cũng không biết mình là ai và cũng không thể định hướng được thời gian, không gian.
Trí nhớ là điều kiện không thể thiếu để con người có được đời sống tâm lí bình thường, ổn định và lành mạnh. Trí nhớ cũng còn là điều kiện để con người phát triển được các chức năng tâm lí cấp cao, tích luỹ kinh nghiệm và sử dụng những kinh nghiệm đó vào trong đời sống, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống cá nhân và xã hội.
Đối với nhận thức, trí nhớ có vai trò đặc biệt to lớn. Nhờ có trí nhớ, các biểu tượng của cảm giác, tri giác được lưu giữ làm nguyên liệu cho tư duy. Trí nhớ cũng còn là nơi lưu giữ các quyết định, khái niệm…, kết quả của tư duy và các biểu tượng cảm xúc…
Trong Tâm lí học, trí nhớ được định nghĩa là một quá trình ghi lại, giữ lại và tái hiện những gì cá nhân thu được trong hoạt động sống của mình. Như vậy nét đặc trưng nhất của trí nhớ là trung thành với tất cả những gì cá nhân đã trải qua. Trí nhớ không làm thay đổi những thông tin mà nó thu được và giữ gìn. Đây cũng chính là sự khác biệt của trí nhớ với nhận thức cũng như với tưởng tượng.
Các quá trình cơ bản của trí nhớ:
Quá trình trí nhớ bao gồm các quá trình thành phần: ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện và quên.
Ghi nhớ:
Thường thường người ta chia ghi nhớ của con người thành 2 loại:
Ghi nhớ không chủ định là không định trước cho mình nhiệm vụ ghi nhớ. Đây là loại ghi nhớ không cần phải có biện pháp gì. Ưu điểm của loại ghi nhớ này là nhớ nhanh, nhớ lâu, tốn ít sức lực và thời gian. Tuy nhiên trong đời sống tâm lí của con người, hình thức ghi nhớ chủ yếu là có chủ định.
Ghi nhớ có chủ định là loại ghi nhớ đặt trước cho mình mục đích ghi nhớ. Trong dạng ghi nhớ này, con người cần có nỗ lực ý chí và phải sử dụng những thủ thuật, phương tiện ghi nhớ nhất định.Ghi nhớ có chủ định được thực hiện bằng hai thủ thuật:
Ghi nhớ máy móc: là loại ghi nhớ dựa vào sự liên hệ bề ngoài như trật tự phát âm, liên tưởng… mà không cần đi sâu vào nội dung tài liệu. Những liên hệ bề ngoài này mang tính tạm thời và ít bền vững.
Ghi nhớ ý nghĩa: là loại ghi nhớ dựa vào sự hiểu biết nội dung, mối quan hệ logic bên trong của sự vật, hiện tượng. Do cần phải hiểu nên ghi nhớ ý nghĩa tốn nhiều thời gian hơn. Ngược lại, tài liệu được ghi nhớ tốt hơn, khối lượng nhiều hơn và thời gian bền hơn.
Giữ gìn:
Giữ gìn là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết đã được hình thành trên vỏ não khi nhớ. Người ta chia ra làm 2 loại giữ gìn: tiêu cực và tích cực. Nếu như ta lặp đi lặp lại nhiều lần tri giác tài liệu thì ta có giữ gìn tiêu cực. Còn ta chủ động tái hiện tài liệu đã ghi nhớ thì đó là giữ gìn tích cực.
Nhận lại và nhớ lại:
Nhận lại: là nhận ra đối tượng khi đối tượng được tri giác lại. Nhận lại có thể nhanh chóng và chính xác nếu hình ảnh cũ được giữ gìn một cách vững chắc và hình ảnh mới trùng hợp với hình ảnh cũ. Trong nhiều trường hợp, do thời gian hoặc do các yếu tố khác, hình ảnh mới đã thay đổi nhiều so với hình ảnh cũ. Do vậy chúng ta không thể nhận lại được. Cũng có trường hợp, do có một số nét giống nhau giữa một biểu tượng cũ và biểu tượng mới, chủ thể đã nhận nhầm. Quen quen hoặc hao hao hay hình như… là những từ thường được dùng khi chủ thể còn nghi ngờ tính chuẩn xác của nhớ lại. Chính vì lẽ đó, nhận lại không phải là tiêu chuẩn đáng tin cậy về độ chính xác của trí nhớ.
Nhớ lại: làm hiện lại trong óc hình ảnh của đối tượng đã được tri giác trước đây khi đối tượng không còn ở trước mặt ta. Nhớ lại mang tính cá nhân rất rõ nét; cùng một tài liệu được quan sát nhưng mỗi người nhớ lại một cách khác nhau cùng một bài học, một bộ phim, một sự kiện nhưng nội dung của những người lại nhớ lại lại không hoàn toàn giống nhau. Sự khác nhau này là do kinh nghiệm, hiểu biết, tình cảm, hứng thú… không giống nhau.
Các loại trí nhớ:
Phân loại theo biểu tượng:
Trí nhớ vận động: là trí nhớ những quá trình vận động ít nhiều mang tính tổ hợp. Loại trí nhớ nhớ này đặc biệt quan trọng để hình thành kĩ xảo trong lao động chân tay. Vận tốc hình thành và độ bền của kĩ xảo được dùng làm tiêu chí để đánh giá trí nhớ vận động.
Trí nhớ cảm xúc: là trí nhớ về những cảm xúc, tình cảm đẫ diễn ra trước đây. Cảm xúc luôn liên quan đến việc thoả mãn nhu cầu, đến việc chúng ta thực hiện các mối quan hệ với thế giới xung quanh. Chính vì vậy, trí nhớ cảm xúc có vai trò to lớn trong cuộc sống và hoạt động của mỗi con người. Trong nhiều trường hợp, trí nhớ cảm xúc còn mạnh mẽ và bền vững hơn những loại trí nhớ khác.
Trí nhớ biểu tượng: là trí nhớ đối biểu tượng dạng như một ấn tượng, một hình ảnh của cuộc sống cũng như âm thanh, mùi vị… Trí nhớ biểu tượng có thể được gọi theo giác quan như: thị giác, thính giác, xúc giác… Nếu như trí nhớ thính giác và thị giác thường đóng vai trò chủ đạo trong các loại trí nhớ ở người bình thường thì trí nhớ xúc giác, khứu giác và vị giác, trong một chừng mực nhất định, có sự ảnh hưởng của nghề nghiệp. Ngoài ra chúng cũng đặc biệt phát triển ở những người có khuyết tật giác quan, ví dụ, khiếm thị hay khiếm thính.
Trí nhớ từ ngữ – logic: nội dung của trí nhớ từ ngữ – logic chính là những ý nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên những ý nghĩ luôn tồn tại trong từ ngữ. Do vậy không đơn thuần là nhớ logic mà là từ ngữ – logic. Khi tái hiện và truyền đạt cho người khác, chúng ta có thể thông báo những ý chính hoặc đầy đủ cả từ ngữ.
Phân loại theo mục đích:
Trí nhớ không chủ định: là loại trí nhớ không có mục đích chuyên biệt ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện tài liệu. Trong đời sống cá thể, dạng trí nhớ này xuất hiện đầu tiên. Có nhiều kinh nghiệm sống được thu nhập bằng trí nhớ này.
Trí nhớ có chủ định: là trí nhớ có mục đích ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện. Trong dạng trí nhớ này con người thường dùng các thủ pháp, kĩ thuật để ghi nhớ. Mặc dù xuất hiện sau trí nhớ không chủ định song trí nhớ có chủ định đóng vai trò to lớn trong quá trình tiếp thu tri thức cũng như trong các hoạt động của con người.
Phân loại theo thời gian:
Trí nhớ ngắn hạn (hay trí nhớ tức thời): là trí nhớ ngay sau giai đoạn ghi nhớ. Những tài liệu dường như chưa chìm vào vô thức mặc dù không còn trên ý thức.
Trí nhớ dài hạn: là trí nhớ sau giai đoạn ghi nhớ một khoảng thời gian dài.
Nó rất quan trọng để con người tích luỹ tri thức.
Phân loại theo phương tiện:
Trí nhớ trực tiếp: là loại trí nhớ mà khi ghi nhớ, con người không sử dụng phương tiện nào.
Trí nhớ gián tiếp: là trí nhớ phải sử dụng các phương tiện để ghi nhớ. Đây là dạng trí nhớ chủ yếu của con người.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.