Tư bản bất biến và tư bản khả biến

[VPLUDVN] Muốn tiến hành sản xuất, nhà tư bản phải ứng tư bản (bỏ vốn) ra để mua tư liệu sản xuất và sức lao động, tức là biến tư bản tiền tệ thành các yếu tố của quá trình sản xuất, thành các hình thức tồn tại khác nhau của tư bản sản xuất. Các bộ phận khác nhau đó của tư bản có vai trò khác nhau trong quá trình sản xuất giá trị thặng dư.

–     Trước hết, xét bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất.

Tư liệu sản xuất có nhiều loại:

+ Có loại được sử dụng toàn bộ trong quá trình sản xuất, nhưng chỉ hao mòn dần, do đó chuyển dần từng phần giá trị của nó vào sản phẩm như máy móc, thiết bị, nhà xưởng…

+ Có loại khi đưa vào sản xuất thì chuyển toàn bộ giá trị của nó trong một chu kỳ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu. Song, giá trị của bất kỳ tư liệu sản xuất nào cũng đều nhờ có lao động cụ thể của công nhân mà được bảo toàn và di chuyển vào sản phẩm, nên giá trị đó không thể lớn hơn giá trị tư liệu sản xuất đã bị tiêu dùng để sản xuất ra sản phẩm. Cái bị tiêu dùng của tư liệu sản xuất là giá trị sử dụng, kết quả của việc tiêu dùng đó là tạo ra một giá trị sử dụng mới. Giá trị tư liệu sản xuất dược bảo toàn dưới dạng giá trị sử dụng mới chứ không phải là được sản xuất ra.

Khái niệm: bộ phận tư bản biến thành tư liệu sản xuất mà giá trị được bảo toàn và chuyển vào sản phẩm, không thay đổi về lượng giá trị của nó, được C. Mác gọi là tư bản bất biến, và ký hiệu là c.

–    Xét bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động:

+ Một mặt, giá trị của nó biến thành các tư liệu sinh hoạt của người công nhân và mất đi trong tiêu dùng của công nhân.

+ Mặt khác, trong quá trình lao động, bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư.

Như vậy, bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động đã không ngừng chuyển hoá từ đại lượng bất biến thành một đại lượng khả biến, tức là đã tăng lên về lượng trong quá trình sản xuất.

Khái niệm: bộ phận tư bản biến thành sức lao động không tái hiện ra, nhưng thông qua lao động trừu tượng công nhân làm thuê mà tăng lên, tức là biến đổi về lượng, được C. Mác gọi là tư bản khả biến, và ký hiệu là v.

Ý nghĩa của việc phân chia cặp phạm trù trên.

Việc phân chia cặp phạm trù trên sẽ vạch rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, chỉ có lao động của công nhân làm thuê mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *