[VPLUDVN] Đối với văn bản pháp luật, việc xác định một loại văn bản phù hợp để ban hành không phải do ý muốn chủ quan của người soạn thảo quyết định mà phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và đôi khi tuỳ thuộc vào nội dung công việc mà văn bản giải quyết. Trước khi soạn thảo văn bản pháp luật, người soạn thảo cần phải xác định rõ loại văn bản sẽ được soạn thảo và ban hành.
Việc xác định chính xác tên loại văn bản sẽ:
Thứ nhất, lựa chọn được quy trình soạn thảo văn bản pháp luật phù hợp
Mỗi loại văn bản pháp luật có một quy trình xây dựng khác nhau. Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngoài quy trình chung mà mọi văn bản quy phạm pháp luật phải trải qua, mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật do mỗi cơ quan có thẩm quyền ban hành lại có điểm khác biệt về quy trình cụ thể. Đồng thời quy trình soạn thảo, ban hành văn bản áp dụng cũng không giống với quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, việc xác định đúng loại văn bản pháp luật sẽ ban hành giúp người soạn thảo lựa chọn đúng quy trình xây dựng văn bản, góp phần bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng văn bản. Ví dụ: Loại văn bản cần ban hành được xác định là luật thì quy trình xây dựng văn bản này phải tuân thủ theo đúng quy định tại Chương III Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Một quy trình chi tiết và phức tạp với sự tham gia của rất nhiều chủ thể có liên quan như trên mới bảo đảm cho loại văn bản hiệu lực pháp lý cao như luật có chất lượng. Tuy nhiên, nếu loại văn bản được ban hành là quyết định áp dụng pháp luật thì quy trình soạn thảo đơn giản chỉ là xác định đơn vị sẽ được giao soạn thảo (thường là đơn vị cấp dưới trực tiếp của cơ quan ban hành văn bản) và đơn vị này sẽ lựa chọn quy phạm phù hợp để áp dụng mà không cần phải thành lập ban soạn thảo hay nghiên cứu đường lối của Đảng,… như văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, xác định được mối quan hệ giữa văn bản đang soạn thảo với những văn bản pháp luật khác
Khi soạn thảo văn bản pháp luật, một trong những hoạt động phải tiến hành là nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan để tạo được sự hài hoà, thống nhất giữa văn bản được soạn thảo với cả hệ thống pháp luật. Do vậy, cùng với việc xác định chủ thể ban hành văn bản, việc xác định chính xác loại văn bản cần soạn thảo sẽ góp phần xác định thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản, từ đó biết được văn bản cần soạn thảo phải phù hợp với văn bản nào và có khả năng làm mất hiệu lực của văn bản nào. Ví dụ: Loại văn bản cần soạn thảo là thông tư của bộ trưởng, do thông tư có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên nội dung của thông tư không được trái với các văn bản này. Đồng thời, thông tư của bộ trưởng ban hành cũng phải hài hoà, không được mâu thuẫn với các thông tư khác còn hiệu lực và nó có thể làm mất hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Thứ ba, lựa chọn được cách thức thể hiện nội dung phù hợp
Mỗi loại văn bản pháp luật có cách thức thể hiện nội dung riêng, mỗi cách thể hiện đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc xác định một loại văn bản phù hợp để ban hành trong từng trường hợp cụ thể cũng có nghĩa là lựa chọn được cách trình bày khoa học nhất để chuyển tải nội dung văn bản tới người đọc, phát huy tối đa giá trị tác động của văn bản. Chẳng hạn, nếu nhà quản lý cần thể hiện các quy định cô đọng, mang tính mệnh lệnh, quyền uy thì cần sử dụng kiểu kết cấu điều khoản (luật, pháp lệnh, quyết định…); nếu ngoài việc chuyển tải nội dung còn phải có sự giải thích, chỉ đạo cụ thể, cặn kẽ thì không nên sử dụng hình thức điều khoản mà cần lựa chọn kiểu kết cấu nghị luận (chỉ thị).
Mặt khác, trong chừng mực nhất định, nếu xác định được loại văn bản cần ban hành sẽ có thể xác định được tính chất pháp lý của văn bản pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản áp dụng pháp luật. Ví dụ: Luật, nghị định, thông tư… luôn là văn bản quy phạm pháp luật; bản án, quyết định của toà án luôn là văn bản áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cần phải xem xét nội dung văn bản pháp luật để xác định tính chất của văn bản đó.
Như vậy, hình thức văn bản pháp luật là một vấn đề không đon giản. Việc xác định đúng tên loại văn bản để soạn thảo và ban hành sẽ tạo ra sự thống nhất trong cả hệ thống văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.