Xây dựng pháp luật là gì? Cách thức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

[VPLUDVN] Xây dựng pháp luật là một trong những hoạt động cơ bản, không thể thiếu của bất kì nhà nước nào. Các nhà nước luôn phải tiến hành xây dựng pháp luật để có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan, nhân viên nhà nước, các tổ chức xã hội và việc ứng xử của các cá nhân trong toàn xã hội.

1. Tìm hiểu về hoạt động xây dựng pháp luật

Ngày nay, pháp luật không chỉ giới hạn phạm vi tác động trong từng quốc gia mà còn mở rộng phạm vi tác động lên các mối quan hệ quốc tế, giữa các quốc gia, dân tộc và các tổ chức quốc tế càng làm tăng thêm vai trò, mục đích, ý nghĩa của hoạt động xây dựng pháp luật.

Ở khía cạnh chính trị, xây dựng pháp luật là hoạt động nhằm thể hiện ý chí của nhà nước thành pháp luật, còn ở khía cạnh kĩ thuật pháp lí thì đó là hoạt động sáng tạo pháp luật.

Xây dựng pháp luật, theo nghĩa hẹp là hoạt động ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, còn theo nghĩa rộng là hoạt động của tất cả tổ chức và cá nhân (các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và các cá nhân trong xã hội) vào quá trình tạo lập pháp luật. Quá trình tạo lập pháp luật rất phức tạp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai ưò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hoá ý chí nhà nước thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lí nhất định, đặc biệt là hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

Xây dựng pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình điều chỉnh pháp luật, thông qua xây dựng pháp luật các quy định pháp luật được đặt ra, sửa đổi hoặc bãi bỏ cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

Hoạt động xây dựng pháp luật của nhà nước cũng thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, chỉ nhà nước mới có thể ban hành một hệ thống quy phạm pháp luật thống nhất để điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội. Do vậy, xây dựng pháp luật là một trong những hình thức để thực hiện chức năng nhà nước, là sự thể hiện và thực hiện quyền lực nhà nước trong thực tiễn.

2. Nội dung hoạt động xây dựng pháp luật

Xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức rất chặt chẽ, được diễn ra theo các quy trình nhất định với những nội dung cơ bản là:

Thứ nhất, làm sáng tỏ những nhu cầu về sự cần thiết của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội, xác định đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng và phương pháp điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ xã hội đó;

Thứ hai, công nghệ sáng tạo ra quy phạm pháp luật. Các nhà nước thường có những quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, tên gọi, nội dung, nguyên tắc và trình tự, thủ tục ban hành đối với mỗi loại hình thức (nguồn) pháp luật nhất định. Việc đặt ra những quy định như vậy có tác dụng bảo đảm cho các quy định pháp luật được ban hành có chất lượng, mang tính khoa học, thể hiện được đầy đủ ý chí nhà nước, phát huy được hiệu lực và có hiệu quả ưên thực tế. Vì vậy, có thể nói xây dựng pháp luật gắn liền với quá trình nhận thức và thể hiện các lợi ích của toàn xã hội, của nhóm xã hội khác nhau, của nhà nước, của tập thể, của các giai cấp và mỗi cá nhân trong pháp luật.

Khác với các hoạt động pháp luật khác, kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật luôn là tạo ra quy định pháp luật mới để bổ sung vào hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành hoặc sửa đổi, loại bỏ những quy định pháp luật đã lỗi thời, không còn phù với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện tại, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Do vậy, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, là một quá trình sáng tạo ra các quy định pháp luật trên cơ sở nhận thức quy luật và lợi ích xã hội. Các quy định pháp luật – sản phẩm của hoạt động xây dựng pháp luật là kết quả hoạt động tư duy của con người, thông qua quá trình nhận thức các quy luật vận động, phát triển của các quan hệ xã hội, tầm quan trọng của chúng rồi từ đó các chủ thể có thẩm quyền tham gia xây dựng pháp luật sẽ tạo ra các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội sao cho phù hợp với lợi ích của nhà nước và xã hội. Ngay cả trong việc thừa nhận các quy tắc xử sự đã có sẵn như đạo đức, tập quán… thành pháp luật cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn của các chủ thể tham gia. Bởi việc thừa nhận quy tắc này hay quy tắc khác cũng đòi hỏi có sự nghiên cứu, đánh giá đúng, chính xác những quy tắc xử sự đó cùng với những điều kiện tồn tại vận động và phát triển của các quan hệ xã hội. Trong quá trình xây dựng pháp luật đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải dự liệu được trước cả những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai để có thể đặt ra các quy định pháp luật bảo đảm nhu cầu phát triển lâu dài, ổn định của đất nước.

Việc xây dựng pháp luật có thể được thực hiện chỉ bằng các cơ quan nhà nước, cũng có thể là cơ quan nhà nước cùng vói cơ quan của các tổ chức xã hội. Các chủ thể có thẩm quyền có thể phê chuẩn các quy tắc như tập quán, đạo đức… đã có sẵn trong xã hội thành pháp luật hoặc có thể đặt ra các quy tắc mới thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật, cũng có thể tạo ra các quy định mới từ hoạt động thực tiễn của các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết những vụ việc cụ thể.

Vì pháp luật là một hệ thống nên khi ban hành, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất kì một quy định pháp luật nào cũng cần phải cân nhắc xem xét đến tính hệ thống của nó trong tổng thể của hệ thống quy phạm pháp luật của đất nước, tức là sự phù hợp, sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với các quy phạm pháp luật hiện hành. Do sự liên kết chặt chẽ giữa các quy phạm pháp luật, giữa các bộ phận của hệ thống pháp luật, cho nên một quy phạm pháp luật được bổ sung hay thay đổi có thể dẫn đến sự thay đổi của các quy phạm pháp luật khác, sự thay đổi của các hiện tượng pháp luật khác, vì vậy, không thể tuỳ tiện khi xây dựng các quy định pháp luật.

Xây dựng pháp luật được cho là biến những đòi hỏi, những quy luật khách quan của đời sống xã hội thành những quy tắc hành vi cho con người. Do vậy, nó cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, khoa học để củng cố nhà nước, quản lí các mặt khác nhau của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển bền vững đất nước.

3. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn

– Các trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn:

+ Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

+ Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

+ Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.

+ Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

– Thẩm quyền quyết định việc Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn:

+ ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Quốc hội việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.

+ Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

+ Thường trực hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tình; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành quyết định của ủy ban nhân dân cấp tình.

– Trình tự, thủ tục rút gọn được quy định như sau (Xem: Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020):

+ Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức việc soạn thảo.

+ Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản. Trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày.

+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, dự thảo văn bản, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản; cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản.

+ Cơ quan chủ trì soạn thảo trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn bao gồm những tài liệu sau:

– Tờ trình về dự án, dự thảo.

– Dự thảo văn bản.

– Báo cáo thẩm định đối với dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo quyết định của ủy ban nhân dân; báo cáo thẩm tra đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết của hội đồng nhân dân.

+ Cơ quan ban hành xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

+ Người đứng đầu cơ quan ban hành kí chứng thực văn bản quy phạm pháp luật.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *