Bàn về giải quyết tranh chấp bảo hiểm xã hội

1. Tính chất của tranh chấp BHXH

     Về cơ bản, tranh chấp BHXH là sự xung đột, mâu thuẫn, bất đồng giữa các chủ thể trong quan hệ BHXH về các vấn về BHXH. Trong đó BHXH là “sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất khả năng thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội” (Khoản 1 Điều 3 Luật BHXH 2014). BHXH gồm có loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (Khoản 2,3 Điều 3 Luật BHXH 2014). Cần lưu ý khái niệm pháp lý về BHXH vì dưới góc độ kinh tế, xã hội, thuật ngữ BHXH được hiểu rộng là sự bảo đảm mang tính chất xã hội, phi lợi nhuận bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, cứu trợ xã hội v.v…
Tranh chấp BHXH có tính chất và đặc điểm như sau:
–   hủ thể của tranh chấp BHXH bao gồm chủ thể được hưởng chế độ BHXH; chủ thể tham gia BHXH và chủ thể thực hiện chế độ BHXH. Người hưởng cần đủ điều kiện, và thực hiện đúng thủ tục thì mới được hưởng quyền lợi BHXH. Người thực hiện chính sách, chế độ BHXH có nghĩa vụ tương ứng để bên thụ hưởng được hưởng chế độ. Có cả những người tham gia BHXH nhưng không được hưởng quyền lợi trực tiếp (VD: Người sử dụng lao động).
–  Nội dung của tranh chấp BHXH: là các vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ BHXH. Quyền lợi BHXH là những lợi ích vật chất cụ thể và liên quan trực tiếp (VD: tranh chấp trong tính toán, thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp). Ngoài ra có thể có các tranh chấp về thực hiện chủ trương, chính sách BHXH.
–  ranh chấp BHXH có tính phức tạp, giới hạn phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng (người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tự do v.v..,); liên quan đến các hoàn cảnh, giai đoạn khác nhau trong cuộc sống con người.
–  Tranh chấp BHXH có nhiều cách phân loại khác nhau: (a) Phân loại theo nội dung: tranh chấp BHXH bắt buộc, tranh chấp BHXH tự nguyện; (b) Phân loại theo quan hệ xã hội: tranh chấp phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc thực hiện chế độ BHXH; tranh chấp giữa người sử dụng lao động với cơ quan BHXH về việc đóng BHXH; tranh chấp giữa người hưởng BHXH với cơ quan BHXH về việc chi trả chế độ BHXH; (c) Phân loại theo tính chất của tranh chấp: tranh chấp lao động, tranh chấp hành chính; (d) phân loại theo cách thức tiến hành hành giải quyết tranh chấp: khiếu nại, tố tụng, hòa giải v.v…

2. Tính chất của giải quyết tranh chấp BHXH

Giải quyết tranh chấp BHXH là việc các chủ thể của tranh chấp, các cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền tiến hành các hoạt động theo một trình tự, thủ tục, nguyên tắc xác định để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

Tranh chấp BHXH chủ yếu được giải quyết trong cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính, tố tụng hành chính và giải quyết tranh chấp lao động. Những vấn đề BHXH trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Các vấn đề BHXH khác và liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước thì được giải quyết theo cơ chế khiếu nại hành chính và tố tụng hành chính.

– Giải quyết tranh chấp BHXH có thể thực hiện bằng nhiều cách thức, biện pháp. Các cách thức, biện pháp này có thể mang tính chất thỏa thuận, tự quyết định; có thể mang tính quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và thẩm quyền, thủ tục tuân thủ theo quy định pháp luật.

– Nội dung giải quyết tranh chấp về các chế độ BHXH thường liên quan đến các chế độ an sinh xã hội khác (VD: tranh chấp về chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm y tế; tranh chấp về việc đóng BHXH của người sử dụng lao động với cơ quan BHXH liên quan đến việc đóng chế độ bảo hiểm thất nghiệp)

– Giải quyết tranh chấp BHXH phải đáp ứng các nguyên tắc chung của giải quyết tranh chấp an sinh xã hội là như tính pháp chế; minh bạch; khách quan, công bằng, kịp thời v.v…

3.Cách thức, biện pháp giải quyết tranh chấp BHXH.

 Giải quyết tranh chấp BHXH là việc các chủ thể của tranh chấp, các cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền tiến hành các hoạt động theo một trình tự, thủ tục, nguyên tắc xác định để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
 Tranh chấp BHXH chủ yếu được giải quyết trong cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính, tố tụng hành chính và giải quyết tranh chấp lao động. Những vấn đề BHXH trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Các vấn đề BHXH khác và liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước thì được giải quyết theo cơ chế khiếu nại hành chính và tố tụng hành chính.
–  Giải quyết tranh chấp BHXH có thể thực hiện bằng nhiều cách thức, biện pháp. Các cách thức, biện pháp này có thể mang tính chất thỏa thuận, tự quyết định; có thể mang tính quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và thẩm quyền, thủ tục tuân thủ theo quy định pháp luật.
– Nội dung giải quyết tranh chấp về các chế độ BHXH thường liên quan đến các chế độ an sinh xã hội khác (VD: tranh chấp về chế độ BHXH bắt buộc đối với người lao động liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm y tế; tranh chấp về việc đóng BHXH của người sử dụng lao động với cơ quan BHXH liên quan đến việc đóng chế độ bảo hiểm thất nghiệp)
– Giải quyết tranh chấp BHXH phải đáp ứng các nguyên tắc chung của giải quyết tranh chấp an sinh xã hội là như tính pháp chế; minh bạch; khách quan, công bằng, kịp thời v.v…
3.1 Thương lượng
Cũng như thương lượng nói chung, các bên tự đàm phán với nhau để hàn gắn những mâu thuẫn, bất đồng về BHXH phát sinh. Trong quá trình thương lượng, các bên có thể giải trình ý kiến của mình về các nguyên nhân dẫn tới tranh chấp cũng như cách thức khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, sự thành công của việc thương lượng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hợp tác, xây dựng giữa hai bên tranh chấp. Chưa có một cơ chế đảm bảo chắc chắn cho việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được thông qua thương lượng. Thương lượng, thỏa thuận rất phù hợp với giải quyết tranh chấp BHXH vì mang tính chất truyền thống, cần khuyến khích, tuy nhiên cần khắc phục hạn chế của thương lượng là thiếu hiệu quả (do thiếu ý thức tự nguyện và kỹ năng).
Thương lượng được các bên tự thực hiện với mọi tranh chấp BHXH. Nếu là tranh chấp BHXH trong quan hệ hợp đồng lao động thì được xác định như một biện pháp được khuyến khích, coi trọng (Khoản 1, Điều 180 Bộ luật lao động 2019). Khi thực hiện thương lượng giải quyết tranh chấp BHXH trong quan hệ lao động phải chú ý phân biệt với thương lượng tập thể tại Mục 2 Chương V Bộ luật lao động 2019. Thương lượng tập thể này không phải là để giải quyết tranh chấp mà là sự đàm phán, thỏa thuận nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
3.2 Hòa giải, đối thoại
Hòa giải mang tính chất bắt buộc nếu giải quyết tranh chấp về các chế độ BHXH bắt buộc trong quan hệ hợp đồng lao động. Hòa giải này được thực hiện bởi Hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động theo quy định về giải quyết tranh chấp lao động. Nếu tranh chấp lao động được giải quyết bằng con đường tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự thì hòa giải vừa là lựa chọn khi các bên khởi kiện ra tòa án (Luật Hòa giải và đối thoại tại Tòa án 2020) vừa là bắt buộc khi Tòa án đã thụ lý vụ tranh chấp (Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Trường hợp trong các tranh chấp BHXH khác (VD: BHXH tự nguyện), thì các bên có thể tự tiến hành hòa giải nhưng không được trái quy định pháp luật. Nhà nước không quy định cụ thể về hòa giải tự thực hiện, tuy nhiên sẽ hiệu quả nếu có một cơ chế hòa giải mang tính xã hội trong việc giải quyết tranh chấp BHXH.
Hiện nay, chúng ta có Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 quy định về cơ chế hòa giải tại cơ sở. Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP có xác định phạm vi của hòa giải ở cơ sở. Theo nội dung các điều khoản này thì có thể một số tranh chấp BHXH thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế hòa giải cơ sở với tranh chấp BHXH ít được lựa chọn vì còn khó khăn trong chi phí hòa giải, năng lực cán bộ hòa giải, xác định phạm vi hòa giải v.v…
Đối thoại không chỉ để giải quyết mà còn phòng ngừa cả tranh chấp BHXH. Đối thoại do các bên tranh chấp tự thực hiện và mang tính chất tự nguyện nhưng trong quan hệ lao động thì có cả đối thoại bắt buộc theo quy định tại Điều 63, 64 Bộ luật lao động 2019. Người lao động là bên yếu thế nên pháp luật vừa khuyến khích đối thoại chung vừa quy định đối thoại bắt buộc theo định kỳ. Quy định này góp phần xác lập, duy trì quy chế dân chủ cở sở và có thể giải quyết tranh chấp phát sinh. Đối thoại cũng là biện pháp mang tính lựa chọn khi khiếu kiện hành chính BHXH ra tòa án hành chính theo quy định của Luật Hòa giải và đối thoại tại Tòa án năm 2020.
3.3 Khiếu nại
 Các bên tranh chấp BHXH có thể lựa chọn khiếu nại hành chính để giải quyết những bất đồng xảy ra trong quá trình thực hiện chế độ BHXH. Khiếu nại BHXH là khiếu nại quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính, quyết định quản lý của cơ quan, người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về BHXH của mình.
Khiếu nại có thể được áp dụng đối với hầu hết các tranh chấp BHXH và được thực hiện theo quy định chung về trình tự, thủ tục khiếu nại tại Điều 7 Luật khiếu nại 2011. Ngoài ra, do khiếu nại BHXH có nội dung phức tạp và có những vấn đề thuộc trách nhiệm trực tiếp của cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nên phải áp dụng theo các văn bản chuyên ngành. Điều 118 Luật BHXH 2014 quy định quyền khiếu nại BHXH: “1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 2. Người sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Điều 119 Luật BHXH 2014 quy định trình tự giải quyết khiếu nại về BHXH.
 Khiếu nại về BHXH trong quan hệ lao động được áp dụng theo quy định của Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 Quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động nếu tranh chấp thuộc phạm vi Điều 1 của Nghị định.
3.4 Tố tụng
Tố tụng là việc các bên tranh chấp BHXH đưa vụ tranh chấp ra trước cơ quan tài phán để phân định, giải quyết tranh chấp. Cần chú ý là khi đưa vụ tranh chấp BHXH ra giải quyết tại Tòa án thì Tòa án sẽ xác định thẩm quyền theo vụ, việc. Tòa án chưa có điều khoản riêng xác định loại tranh chấp BHXH mà hiện nay tranh chấp BHXH được xác định thuộc tranh chấp lao động hoặc tranh chấp hành chính. Nếu vụ tranh chấp BHXH được xác định là tranh chấp hành chính cụ thể là tranh chấp về quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH thì giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính (Luật tố tụng hành chính 2015). Nếu tranh chấp BHXH trong quan hệ lao động thì giải quyết theo thủ tục tố tụng lao động tức là tố tụng dân sự. Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 219 Bộ luật lao động 2019) quy định tranh chấp BHXH là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án. Những tranh chấp lao động cá nhân về BHXH còn được khởi kiện thẳng ra tòa, không cần phải qua hòa giải (điểm d Khoản 1 Điều 32).
Vì tranh chấp BHXH phức tạp, khó xác định là tranh chấp dân sự, tranh chấp lao động hay tranh chấp hành chính nên Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 105/TANDTC-PC-QLKH ngày 14/4/2016 hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH:  (a) Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động; (b) Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH giữa người lao động, người sử dụng lao động với cơ quan BHXH; (c) Về quyền của cơ quan BHXH đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động (trốn đóng BHXH, chậm đóng tiền BHXH).
Kết luận
Giải quyết tranh chấp BHXH nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quan hệ BHXH. Qua giải quyết tranh chấp, cơ quan nhà nước cũng phát hiện được những vấn đề chưa hoàn thiện, hợp lý của chính sách, pháp luật để có sự điều chỉnh phù hợp. Nhà nước cần tổng hợp các cách thức, biện pháp để thực hiện hiệu quả việc giải quyết tranh chấp BHXH. Hiện nay BHXH đã bao phủ toàn dân (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) vì vậy quan điểm của tác giả là việc xây dựng, hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp BHXH phải đồng bộ với giải quyết tranh chấp an sinh xã hội nhưng cơ chế giải quyết tranh chấp an sinh xã hội phải độc lập với giải quyết tranh chấp lao động và hành chính. Cần chú ý hoàn thiện cả quy định về hòa giải cơ sở và đối thoại lao động, đối thoại hành chính để việc giải quyết tranh chấp BHXH có tính lựa chọn, thân thiện.
TS. Nguyễn Thu Ba


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *