Thuế liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người nộp thuế và nhà nước. Người nộp thuế (dù thuế trực thu hay thuế gián thu) đều phải trích một phần tài sản để chuyển cho nhà nước mà không thể khước từ hay trì hoãn. Ngược lại, nhà nước nào cũng mong chờ nguồn thu từ thuế để đảm bảo nguồn vật chất đầu vào cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. Rõ ràng, việc thu nộp thuế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả hai loại chủ thể. Yêu cầu đặt ra là việc thu nộp thuế phải đạt tới mục tiêu sao cho lợi ích của cả hai bên đều đạt được hoặc có thể chấp nhận được (về phía người nộp thuế). Vì vậy, những tư tưởng xuyên suốt quá trình ban hành văn bản pháp luật thuế, quá trình thu nộp thuế cần phải được làm rõ và quy định pháp luật phải thể hiện rõ tư tưởng này. Nếu không xác định hoặc xác định không đúng nguyên tắc đánh thuế, nhà nước sẽ không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như chống thuế hoặc trốn thuế. Có nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nguyên tắc đánh thuế nhưng nổi tiếng nhất là nguyên tắc của Adam Smith “bình đẳng, xác thực, tiện lợi và ít tốn kém”. Một số nguyên tắc cơ bản sau đây cần phải được tuân thủ:

Thứ nhất, đánh thuế phải đảm bảo công bằng.

Nội dung của nguyên tắc công bằng là mọi đối tượng có năng lực chịu thuế đều phải nộp thuế và mọi người có điều kiện liên quan đến thuế như nhau phải được đối xử về thuế như nhau. Trường hợp có sự khác nhau về điều kiện, tính công bằng vẫn được đảm bảo. Điều này thể hiện ở chỗ, nếu có điều kiện khác nhau thì những đối tượng khác nhau nhưng cùng loại, phải được đối xử với nhau tương xứng.(l)

Nguyên tắc công bằng phải được thể hiện xuyên suốt hệ thống pháp luật thuế vì đây không chỉ là nguyên tắc của thuế nói chung mà còn là nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật về thuế. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật thuế luôn hướng tới và đảm bảo sự công bằng. Các đổi tượng có điều kiện như nhau phải nộp những loại thuế giống nhau. Mặt khác, những đối tượng được khuyến khích, ưu đãi khi có đủ điêu kiện họ cũng được hưởng sự đối xử ưu đãi tương ứng.

Thứ hai, đánh thuế phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế.

Nội dung của nguyên tắc này là thuế phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Đây là yêu cầu quan ưọng để đảm bảo tính “trung lập” của thuế. Nguyên tắc đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế hoàn toàn không có nghĩa coi thuế là khoản phân chia lợi ích giữa nhà nước và dân chúng theo nghĩa thông thường. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những đòn giáng nặng nề cho xã hội, cho người lao động. Điều này xuất phát từ việc suy đến cùng, cho dù là thuế gián thu hay thuế trực thu thì loại thuế đó cũng sẽ đánh vào đông đảo dân cư trong xã hội – người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng. Tuy vậy, hoàn toàn không đơn giản khi xác định thế nào là cân bằng giữa các lợi ích. Đây cũng là một trong những yếu tố dễ dẫn tới sự thay đổi trong chế độ chính sách thuế.

Nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế có ý nghĩa pháp lí quan trọng khi xác định những nội dung cụ thể của đạo luật thuế; xác định cơ cấu hệ thống pháp luật thuế. Chẳng hạn, việc xác định thuế suất, biểu thuế cần phải được cân nhắc rất kĩ lưỡng để đảm bảo yêu cầu ttên. Việc ban hành mới một loại thuế cũng được tính toán trên cơ sở tổng số tiền thuế phải trả của người dân ở hiện tại và tương lai, thu nhập của người dân ttên tổng số tiền thuế mà họ phải trả… mà không chỉ đơn thuần xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của Chính phủ.

Thứ ba, đánh thuế phải đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả.

Nội dung của nguyên tắc này là các loại thuế phải đảm rõ ràng, dễ hiểu cho mọi đối tượng và có tính ổn định đồng thời hệ thống thuế phải được tổ chức sao cho chi phí quản lí thu thuế không cao hơn mức mà mục tiêu đề ra cho phép. Nguyên tắc đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả có tầm quan trọng khi ban hành một văn bản pháp luật về thuế, văn bản giải thích, hướng dẫn cho các đối tượng có liên quan. Những quy định pháp luật phải đảm bảo tính dễ hiểu cho mọi đối tượng và cần phải được thực hiện trong một khoảng thời gian dài ổn định. Mặt khác, việc ban hành một loại thuế cũng cần phải tính tới mối tương quan giữa tổng thu dự tính đạt được và chi phí dự tính phải trả cho việc thu và quản lí thuế.

Thứ tư, đánh thuế phải đảm bảo không xảy ra tình trạng một đối tượng tính thuế phải chịu một loại thuế nhiều lần.

Nguyên tắc này đật ra yêu cầu hệ thống pháp luật thuế một quốc gia phải “bóc tách” những phần của đối tượng tính thuế đã nằm trong diện chịu loại thuế đó ở giai đoạn trước. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật thuế giữa các quốc gia cũng phải tính tới khả năng các nhà đầu tư, công dân của quốc gia này nhưng có đối tượng tính thuế ở một quốc gia khác.

Ở Việt Nam, từ năm 1990 trở lại đây, thực hiện đường lối đổi mới, hệ thống pháp luật thuế được ban hành và thực hiện thống nhất cho các đối tượng nộp thuế. Nhà nước Việt Nam xác định những nguyên tắc pháp lí cơ bản nêu ttên như những yêu cầu xuyên suốt trong việc ban hành pháp luật, tổ chức và quản lí thu thuế. Thực hiện các nguyên tắc nêu trên, đã có nhiều luật thuế được ban hành mới nhưng cũng có những quy định hoặc loại thuế phải thay thế do không đảm bảo những nguyên tắc đánh thuế.


Ghi chúBài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.