Cách thức kiểm soát ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường

1 Thu thập, quản lí và công bố thông tin môi trường

“Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng kí hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự” (khoản 28 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).“Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đổi với môi trường, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường”; “Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu truy nhập, sử dụng thông tin cho công tác bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích công cộng” (khoản 1 Điều 128 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Để kiểm soát ô nhiễm môi trường thì việc có được đầy đủ, chính xác các thông tin môi trường là điều đặc biệt quan trọng. Nó cho phép các chủ thể kiểm soát ô nhiễm môi trường nắm được thực trạng môi trường cũng như những biến đổi về chất lượng môi trường; sự tương tác giữa môi trường với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội… từ đó chủ động trong việc phòng ngừa ô nhiễm, xử lí các vấn để môi trường.

Do đặc thù của các thông tin trong lĩnh vực môi trường rất rộng, đa dạng, liên quan đến nhiều thành phần môi trường, tồn tại trên phạm vi không gian rộng lớn, với sự vận động, biến đổi không ngừng của các yếu tố tự nhiên nên việc thu thập các thông tin về môi trường là vấn đề không đơn giản. Hoạt động này luôn cần đến sự trợ giúp của các biện pháp, cách thức, công cụ, phương tiện kĩ thuật đặc biệt, được biết đến với các hoạt động quan trắc môi trường, chương trình quan trắc môi trường, hệ thống quan trắc môi trường (các điều 121,123,124 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Mỗi thành phần môi trường khác nhau có cách thu thập và hiển thị thông tin khác nhau. Những thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường được gọi là chỉ thị môi trường. Đây là thuật ngữ pháp lí – kĩ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường.

Những thông tin về thực trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường, các tác động từ hoạt động phát triển đến môi trường, tình hình thực hiện pháp luật môi trường, dự báo thách thức đối với môi trường, phương hướng, biện pháp và cách thức quản lí, bảo vệ môi trường… được thể hiện trong hai loại báo cáo: Báo cáo công tác bảo vệ môi trường cấp tỉnh và báo cáo hiện trạng môi trường.

Các thông tin môi trường phải được thu thập và quản lí theo quy định của pháp luật. Bộ tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương thu thập và quản lí thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thu thập, quản lí thông tin môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, ngành, địa phương và tích hợp với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập hồ sơ môi trường, quản lí thông tin về tác động đối với môi trường từ hoạt động sân xuất, kinh doanh, dịch vụ (Điều 129 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Các thông tin về môi trường phải được công bổ, cung cấp cho các đối tượng có liên quan, đối tượng có quan tâm theo luật định (Điều 130 Luật bảo vệ môi trường năm 2014). Theo đó, tổ chức, cá nhân quản lí khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lí của mình với cơ quan quản lí về môi trường thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Bộ, ngành hàng năm có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lí cho Bộ tài nguyên và môi trường.

Về nguyên tắc, các thông tin môi trường phải được công khai (trừ những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước), gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lí chất thải; khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; các báo cáo về môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin (Điều 131 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Ngoài ra, uỷ ban nhân dân cấp xã còn có trách nhiệm chủ trì, phôi hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn công khai thông tin vê môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư. Trong một số trường hợp, đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng vãn bản (khoản 1 Điều 146 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

2. Quy hoạch bảo vệ môi trường

“Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kĩ thuật bảo vệ môi trường gan với hệ thong giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững” (khoản 21 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm các nguyên tắc: Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; bảo đảm thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; thống nhất giữa các nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường; bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định (gồm: bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; bảo vệ môi trường gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó vói biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành; bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lí tài nguyên, giảm thiểu chất thải; bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chù quyền, an ninh quốc gia; bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hoá, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường…) (khoản 1 Điều 8 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm hai cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Kì quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung: đánh giá hiện trạng môi trường, quản lí môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; phân vùng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng; quản lí môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông; quản lí chất thải; hạ tàng kĩ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường; các bản đồ quy hoạch thể hiện những nội dung trên; nguồn lực thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch (khoản 1 Điều 9 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (khoản 2 Điều 9 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Trách nhiệm lập quy hoạch bảo vệ môi trường thuộc về Bộ tài nguyên và môi trường; uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, theo đó Bộ tài nguyên và môi trường tổ chức lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng nội dung hoặc lập quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn (Điều 10 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Trong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường phải tiến hành lấy kiến và tham vấn các chủ thể có liên quan. Cụ thể là Bộ tài nguyên và môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan ttong quá trình lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành, uỷ ban nhân dân cấp huyện bằng văn bản và tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh (khoản 1 Điều 11 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được thẩm định và phê duyệt. Bộ tài nguyên và môi trường tổ chức hội đồng thẩm định liên ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia; uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh sau khi lấy ý kiến Bộ tài nguyên và môi trường bằng văn bản (khoản 2 Điều 11 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Việc xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường phải được tiến hành định kì để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kì đối với quy hoạch bảo vệ môi trường là 05 năm kể từ ngày quy hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt (khoản 2 Điều 12 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được thực hiện theo các quy định như đôi với việc lập mới quy hoạch (khoản 2 Điều 12 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

3. Ban hành và áp dụng hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường

– Quy chuẩn kĩ thuật môi trường

Ban hành và áp dụng hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường là một trong những hình thức pháp lí quan trọng nhất để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Điều này bắt nguồn từ tính chất của quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Quy chuẩn kĩ thuật môi trường vừa là công cụ kĩ thuật, vừa là công cụ pháp lí để kiểm soát ô nhiễm. Vị trí, vai trò của hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

+ Quy chuẩn kĩ thuật môi trường là cơ sở khoa học để xác định chất lượng môi trường sống của con người, xác định mức độ ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường cụ thể, xác định các biện pháp ngăn chặn và khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Nói khác đi, quy chuẩn kĩ thuật môi trường là căn cứ để quản lí và bảo vệ môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo tình hình môi trường…

+ Quy chuẩn kĩ thuật môi trường giúp cho cấc chủ thể có nhu cầu khai thác, sử dụng các thành phần môi trường biết được phạm vi, giới hạn mà họ được phép tác động đến môi trường, cũng như biết được họ đang sống trong điều kiện môi trường như thể nào. Nói cách khác, thông qua quy chuẩn kĩ thuật môi trường các tổ chức và cá nhân biết được quyền và nghĩa vụ cơ bản trong lĩnh vực môi trường.

+ Quy chuẩn kĩ thuật môi trường là căn cứ pháp lí để các chủ thể có thẩm quyền xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả mà con người gây ra đối với môi trường, từ đó có cơ sở để áp dụng trách nhiệm pháp lí tương ứng.

Theo nghĩa rộng, quy chuẩn kĩ thuật môi trường là những chuẩn mức môi trường, trong đó bao gồm tất cả những thông số thành phần của môi trường được coi là trong sạch và an toàn. Những chuẩn mức này được xây dựng phù hợp với cuộc sống của con người và có những phương pháp nhất định để xác định chúng.

Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 (khoản 5 Điều 3):

“Quy chuẩn kĩ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ố nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kĩ thuật và quản lí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường”.

Những chuẩn mực, những giới hạn cho phép được hiểu là mức độ hoặc phạm vi chất ô nhiễm nhất định có thể chấp nhận được (được phép tôn tại trong một thành phần môi trường nhất định hoặc trong một khoảng thời gian nhất đỉnh) vì chưa đến mức gây nguy hiểm cho con người hoặc đã giới hạn an toàn để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường trong hiện tại cũng như tương lai.

Ví dụ: Quy chuẩn kĩ thuật đối với âm thanh tại các khu vực cần có sự yên tĩnh cao như bệnh viện, nhà trẻ, lớp học, thư viện, các viện nghiên cứu là 55 dbA(1) (trong khoảng thời gian từ 06h đến 1811); 50 dbA (từ 18h đến 22h); 45 dbA (từ 22h đến 06h). Lưu ý: – Decibel (đơn vị đo tiếng ồn)

Quy chuẩn kĩ thuật môi trường vừa là quy phạm pháp luật vừa là quy phạm kĩ thuật. Đó là sự kết hợp giữa những thuộc tính cơ bản của các thành phần môi trường (được thể hiện qua các thông sổ, các chỉ số kĩ thuật cụ thể) với các hình thức pháp lí của nó (được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành) để điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình khai thác, sử dụng, tác động đến các yếu tố khác nhau của môi trường.

Để đáp ứng các yêu cầu nêu trên, quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải được xây dựng và áp dụng trên những nguyên tắc cơ bản sau đây:

+ Đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường; phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

Mục tiêu của bảo vệ môi trường là bảo vệ chất lượng cuộc sống của con người nên việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải nhằm bảo đảm an toàn ở mức cao nhất đối với sức khoẻ của con người (của từng cá nhân cũng như của cả cộng đồng) và hệ sinh vật. Muốn đạt được mục tiêu này thì tiêu chuẩn môi trường nhất thiết phải được xây dựng dựa trên những căn cứ khoa học – pháp lí vững chắc, trong đó những ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người từ sự tác động của môi trường sống là một trong những căn cứ quan trọng nhất cần được xem xét.

Phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường không chỉ là nguyên tắc của việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kĩ thuật môi trường mà còn là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật môi trường nói chung. Nguyên tắc phòng ngừa đòi hỏi hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải được xây dựng trên cơ sở tính toán, cân đối giữa khả năng “chịu đựng” (sức chịu tải của môi trường) với những tác động đến môi trường từ mọi hoạt động của con người cũng như những biến đổi bất thường của tự nhiên, để từ đó xác định những giới hạn an toàn đối với môi trường mà thực chất là an toàn đối với chất lượng cuộc sống của con người.

Ban hành kịp thời, có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế-xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

Quy chuẩn kĩ thuật môi trường là công cụ chính để kiểm soát ô nhiễm nên việc ban hành quy chuẩn kĩ thuật môi trường kịp thời, có tính khả thi là yêu cầu bắt buộc. Tình trạng thiếu quy chuẩn kĩ thuật môi trường sẽ là rào cản lớn nhất cho công tác quản lí và bảo vệ môi trường, do không có cơ sở khoa học – pháp lí cho việc xác định chất lượng thực tế của môi trường, khổng chế những tác động xấu đến môi trường… Việc có quy chuẩn kĩ thuật môi trường nhưng quy chuẩn đó không không phù hợp với mức độ phát triển kinh tế – xã hội, trình độ công nghệ của đất nước cũng gây nên những bất lợi tương tự. Quy chuẩn kĩ thuật môi trường quá cao hoặc quá thấp so với điều kiện kinh tế – xã hội đêu cố những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến con người và các yếu tố tăng trưởng khác. Quy chuẩn môi trường quá thấp sẽ không đàm bảo an toàn đối với sức khoẻ con người. Ngược lại, quy chuẩn môi trường quá cao sẽ không phát huy được hiệu quả thực tế do khó có diều kiện được áp dụng. Thậm chí trong một số trường hợp nó còn tác động làm kìm hãm quá trình phát triển kinh tế đất nước. Ví dụ: những quy chuẩn kĩ thuật môi trường đối với việc nhập khẩu thiết bị, dây chuyền sản xuất quá cao sẽ làm hạn chế việc chuyển giao công nghệ để phục vụ sản xuất, trong khi điều kiện về tài chính và kĩ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường quốc gia phải có xu hướng đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam theo hướng bắt kịp với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia đi trước, cũng như đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ môi trường của cộng đồng thế giới. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ về kĩ thuật, kinh nghiệm quàn lí và nguồn lực tài chính từ phía các tổ chức tiêu chuẩn thế giới và khu vực.

+ Phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

Yêu cầu về chất lượng môi trường tại những khu vực khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, phục vụ cho các mục đích khác nhau không nhất thiết phải giống nhau. Ví dụ: yêu cầu chất lượng mồi trường không khí không nhất thiết phải giống nhau giữa khu sản xuất với khu chữa bệnh; giữa khu vực có hoạt động thương mại, dịch vụ với những khu vực có thư viện, trường học. Tương tự, yêu cầu về chất lượng âm thanh (tiếng ồn) giữa ban ngày và ban đêm là hoàn toàn khác nhau, hay yêu cầu về chất lượng môi trường nước giữa mục đích nuôi trồng thuỷ sản với mục đích tham quan, du lịch… Điều này cũng xảy ra đối với các yêu cầu về xả thải. Giữa các ngành sản xuất khác nhau có những đặc điểm khác nhau về tính chất, mức độ xả thải vào môi trường. Do vậy, trên cơ sở những yêu cầu chung về chất lượng môi trường, việc xây dựng và áp dụng các loại quy chuẩn kĩ thuật môi trường cụ thể cần tính tới các đặc điểm về không gian, thời gian, mục đích của việc sử dụng, tác động đến các yếu tố môi trường. Điều này sẽ góp phần làm tăng hiệu quả của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trên thực tế.

+ Quy chuẩn kĩ thuật môi trường địa phương phải nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kĩ thuật môi trường quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quàn lí môi trường có tính đặc thù. Xuất phát từ các nguyên tắc chung nêu trên, đặc biệt là nguyên tắc quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất, dẫn đến nhu cầu xây đựng quy chuẩn kĩ thuật môi trường tại mỗi địa phương là điều không tránh khỏi. Nguyên tắc này được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu trên, đồng thời ngăn chặn sự tùy tiện, dễ dãi khi xây dựng quy chuẩn kĩ thuật môi trường địa phương, nhất là trước áp lực tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa nguồn thu của địa phương.

Để đảm bảo tính khoa học của quy chuẩn kĩ thuật môi trường, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải dựa vào các căn cứ sau:

+ Căn cứ vào sự tác động của môi trường đến sức khoẻ và cảm quan của con người.

Con người là trung tâm, là mục đích hàng đầu của bảo vệ môi trường. Bất cứ đổi thay nào của môi trường dù là rất nhỏ vẫn bị coi là nghiêm trọng nếu nó gây tác hại đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Sức khoẻ con người là thước đo mức độ ô nhiễm môi trường, phản ánh chất lượng môi trường. Vì vậy, những chuẩn mực về môi trường phải phù hợp với sự tồn tại và phát triển của con người.

Sự tác động của môi trường đến sức khoẻ và cảm quan lành mạnh của con người được chia làm 5 cấp độ khác nhau để làm căn cứ cho việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường, gồm: 1) Mức trong sạch lí tưởng; 2) Mức cơ thể thoải mái; 3) Mức gây bệnh mãn tính; 4) Móc gây bệnh cấp tính; 5) Mức gây nguy hiểm chết người.

Nhìn chung hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường của đa số các quốc gia trên thế giới đều được xây dựng dựa trên cơ sở mức tác động thứ 2 và thứ 3 trong biểu đồ nêu trên.

+ Căn cứ vào sự tác động của môi trường đến các hệ sinh thái và vật liệu.

Quy chuẩn kĩ thuật môi trường không chỉ nhằm bảo vệ sức khoẻ con người mà còn bảo vệ các hệ sinh thái và các yếu tố vật chất khác, chống lại những ảnh hưởng làm suy giảm hệ sinh thái hay làm hư hỏng các vật liệu chính trong công nghiệp và sinh hoạt. Các biến đổi về môi trường có thể chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người nhưng gây ảnh hưởng đối với các hệ động, thực .vật (như cây trồng, vật nuôi) hoặc các vật liệu công nghiệp và xây dựng (như các công trình công nghiệp, giao thông) cũng được xem xét để xây dựng quy chuẩn kĩ thuật môi trường.

+ Căn cứ vào các yếu tố chủ quan và khách quan khác. Ngoài việc dựa vào các căn cứ nêu trên, quá trình xây dựng và áp dụng các quy chuẩn lã thuật môi trường còn phải xem xét đến những yếu tố như: yếu tố nền môi trường (chất lượng tự nhiên của môi trường); sức chịu tải của môi trường (giới hạn cho phép mà môi trường có thể tiếp nhận và hấp thụ các chất gây ô nhiễm); chi phí để thực hiện quy chuẩn kĩ thuật môi trường; mức chính xác của các thiết bị đo lường; mức đồng nhất của các phương pháp thu thập, xử lí thông tin và ý thức xã hội của dân chúng…

Về phân loại quy chuẩn kĩ thuật môi trường, căn cứ vào tính chất của quy chuẩn kĩ thuật môi trường cũng như mục đích ban hành quy chuẩn, hệ thống quy chuẩn kĩ thuật môi trường được chia thành 03 loại: Quy chuẩn kĩ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; quy chuẩn kĩ thuật về chất thải và quy chuẩn (Điều 113 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

+ Quy chuẩn kĩ thuật về chất lượng môi trường xung quanh quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng thành phần môi trường, bao gồm: i) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật; ii) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường có hại để không gây ảnh hưởng xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật. Quy chuẩn kĩ thuật về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường (Điều 116 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Dựa vào đặc điểm về không gian, thời gian và mục đích sử dụng các thành phần môi trường, quy chuẩn kĩ thuật chất lượng môi trường xung quanh được xây dựng theo các nhóm: Nhóm chuẩn kĩ thuật môi trường đối với đất; nhóm quy chuẩn kĩ thuật môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất; nhóm quy chuẩn kĩ thuật môi trường đối với nước biển; nhóm quy chuẩn kĩ thuật môi trường đối với không khí; nhóm quy chuẩn kĩ thuật môi trường đôi với âm thanh, ánh sáng, bức xạ; nhóm quy chuẩn kĩ thuật môi trường đối với tiếng ồn, độ rung (khoản 1 Điều 113 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

+ Quy chuẩn kĩ thuật về chất thải quy định cụ thể hàm lượng tối đa các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong chất thải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại, khối lượng chất thải phát sinh và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải. Quy chuẩn kĩ thuật về chất thải phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định hàm lượng các chất gây ô nhiễm (Điều 117 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Quy chuẩn kĩ thuật về chất thải gồm các nhóm: Nhóm quy chuẩn kĩ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác; nhóm quy chuẩn kĩ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định nhóm quy chuẩn về chất thài nguy hại.

+ Quy chuẩn kĩ thuật môi trường khác. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và chúng nhận hợp quy quy chuẩn kĩ thuật môi trường quốc gia, địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật. Bộ tài nguyên và môi trường ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kĩ thuật môi trường địa phương (Điều 118 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

– Tiêu chuẩn môi trường

Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn về chất thài và các tiêu chuẩn môi trường khác. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lí của tổ chức công bố tiêu chuẩn (Điều 119 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật. Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường tổ chức xây dựng dự thảo, đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường. Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật (Điều 120 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

4. Quản lí chất thải

Chất thải được định nghĩa chung là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác (khoản 15 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Chất thải là nguồn chính gây ô nhiễm môi trường, do vậy, quản lí chất thải là một trong những hình thức quan trọng nhất để kiểm soát ô nhiễm. Chất thải cố thể được nhận biết dưới các dạng sau đây:

– Căn cứ vào tính chất của chất thải, chất thải được chia thành: chất thải lỏng, chất thải khí, chất thải rắn, chất thải ở dạng mùi, chất phóng xạ và các dạng hỗn hợp khác.

– Căn cứ vào nguồn phát sinh chất thải, chất thải được chia thành: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế.

– Căn cứ vào mức độ tác động của chất thải tới môi trường xung quanh, chất thải được chia thành: chất thải thông thường và chất thải nguy hại, trong đó chất thải nguy hại là chất thãi chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác (khoản 13 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014). Pháp luật môi trường hiện hành nghiêm cấm các hành vi xả thải các loại chất thải sau đây (Điều 7 Luật bảo vệ môi trường năm 2014):

+ Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kĩ thuật về bảo vệ môi trường.

+ Thải chất thải chưa được xử lí đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và khó khăn.

+ Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá quy chuẩn môi trường.

+ Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Ị + Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

Quản lí chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế chất thải và xử lí chất thải.

Trên thế giới, có 2 cách tiếp cận phổ biến được áp dụng trong quản lí chất thải là quản lí chất thải ở cuối đường ống sản xuất (còn gọi là quản lí chất thải ở cuối công đoạn sản xuất) và quản lí chất thải theo đường ống sản xuất (quản lí chất thải trong suốt quá trinh sản xuất, dọc theo đường ống sản xuất). Ngoài ra, một số nước phát triển đã có cách tiếp cận mới trong quản lí chất thải, đó là quản lí chất thải nhấn mạnh vào khâu tiêu dùng.(1) Cách này tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (bao gồm cả các nhà sản xuất) để họ lựa chọn và đòi hỏi các sản phẩm được sản xuất ra phải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, phải thân thiện với môi trường và bản thân người tiêu dùng cũng hành động thân thiện vói môi trường trong tiêu dùng sản phẩm.

Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định mới, toàn diện về quản lí chất thải, theo đó “chất thải phải được quản lí trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu huỷ”; “Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lí theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại’’ (Điều 85).

Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức nạng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng (Điều 86 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lí sản phẩm thải bỏ. Người tiêu dùng có teách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định.

Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ.

Đối với mỗi loại chất thải khác nhau, căn cứ vào sự tác động của chất thải đó đối với môi trường xung quanh, pháp luật có các quy định khác nhau về quản lí chất thải. Pháp luật môi trường Việt Nam có các quy định cụ thể về quản lí 2 loại chất thải: chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Cụ thể:

– Quản lí chất thải thông thường: Bên cạnh các quy định chung về trách nhiệm quản lí chất thải trước hết thuộc về chủ phát sinh chất thải (là những tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất, kỉnh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác có phát sinh chất thải) hoặc bên tiếp nhận quản lí chất thải (là những tổ chức, cá nhân khác có đủ điêu kiện và năng lực quản lí chất thải) theo hợp đồng chuyển giao trách nhiệm quản lí chất thải, pháp luật còn quy định riêng việc quản lí từng loại chất thải như sau:

+ Quản lí chất thải rắn thông thường: Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải răn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lí.

Chất thải rắn thông thường phải được thu gom, lưu giữ và vận chuyển đến nơi quy định bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức thu gom, lưu giữ và vận chuyên chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lí (Điều 96 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lí chất thải rắn thông thường phải đáp ứng các yêu cầu: Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lí chất thải rắn thông thường. Trường hợp không có khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lí chất thải răn thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lí (Điều 97 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

+ Quản lí nước thải: Nước thải phải được thu gom, xử lí bảo đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lí theo quy định về chất thải nguy hại. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải; nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lí đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường; bùn thải từ hệ thống xử lí nước thải được quản lí theo quy định của pháp luật về quản lí chất thải rắn; bùn thải có yêu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lí theo quy định của pháp luật về quản lí chất thải nguy hại (Điều 100 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Pháp luật cũng quy định một số đối tượng nhất thiết phải có hệ thống xử lí nước thải, gôm: Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; khu, cụm công nghiệp làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lí nước thải tập trung. Hệ thống xử lí nước thải phải bào đảm các yêu cầu: Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lí; đủ công suất xử lí nước thài phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh; xử lí nước thải đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường; cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đật ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm ưa, giám sát; phải được vận hành thường xuyên (Điều 101 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Chủ quản lí hệ thống xử lí nước thải phải thực hiện quan trắc định kì nước thải trước và sau khi xử lí. số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống xử lí nước thải.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quân lí nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ tài nguyên và môi trường.

+ Quản lí và kiểm soát bụi, khí thải, tiêng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lí bụi, khí thải bào đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường; phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải,thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường; bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lí theo quy định của pháp luật về quản lí chất thải nguy hại (Điều 102 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Ngoài ra, pháp luật còn có các quy định về quản lí và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, theo đó tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lí bảo đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư; tổ chức, cá nhân quản lí tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kĩ thuật môi trường; cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 103 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Bên cạnh hách nhiệm của chủ phát sinh chất thải, pháp luật còn quy định trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lí chất thải (Điều 88 Luật bảo vệ môi trường năm 2014); trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao trong quản lí chất thải (Điều 89 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

– Quản lí chất thải nguy hại: Pháp luật có các quy định rất chặt chẽ và chi tiết về điều kiện để quản lí chất thải nguyên hại, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với mỗi công đoạn của quá trình quản lí chất thải nguy hại. Cụ thể:

Chủ nguồn thài chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng kí với cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lí chất thải nguy hại (Điều 90 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Việc phân loại, thu gom, lưu giữ trước khi xử lí chất thải nguy hại phải được tiến hành theo cách: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lí đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường; trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lí chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lí chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị chuyên dụng bảo đảm không tác động xấu đến con người và môi trường (Điều 91 Luật bảo vệ môi trường năm 2014). Việc vận chuyển chất thài nguy hại phải bằng thiết bị, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lí chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại được vận chuyển sang nước khác phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 2 Điều 92 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Việc xử lí chất thải nguy hại phải được tiến hành bằng phương pháp, công nghệ, thiết bị phù hợp với đặc tính hoá học, lí học và sinh học của từng loại chất thải nguy hại để bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường; trường hợp trong nước không có công nghệ, thiết bị xử lí thì phải lưu giữ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lí nhà uước về bảo vệ môi trường cho đến khi chất thải được xử lí. Điều kiện của cơ sở xử lí chất thải nguyên nhân là: Địa điểm thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt; có khoảng cách bảo đảm để không ảnh hưởng xấu đối với môi trường và con người; có công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc lưu giữ và xử lí chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường; có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; có nhân sự quản lí được cấp chứng chỉ và nhân sự kĩ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp; có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng; có phương án bảo vệ môi trường; có kế hoạch phục hồi môi trường sau khi chấm dứt hoạt động; có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ tài nguyên và môi trường thẩm định và phê duyệt (Điều 93 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

5. Xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng được xem làm một trong những hình thức pháp lí của kiểm soát ô nhiễm. Việc xử lí nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở, đồng thời ngăn chặn những đối tượng khác gây ô nhiễm môi trường.

Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi thải nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, tiếng ồn, độ rung và các chất gây ô nhiễm khác vượt quy chuẩn kĩ thuật môi trường ở mức độ nghiêm trọng (khoản 1 Điều 104 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lí ô nhiễm môi trường (khoản 2 Điều 104 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Trách nhiệm rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiên hành hàng năm và theo trình tự sau: ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này và biện pháp xử lí gửi Bộ tài nguyên và môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Bộ quốc phòng, Bộ công an chù trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và biện pháp xử lí gửi Bộ tài nguyên và môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Bộ tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Quyết định xử lí đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được thông báo cho ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai cho cộng đồng dân cư biết để kiểm tra, giám sát (khoản 3 Điều 104 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).

Trách nhiệm tổ chức xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định như sau: ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; Bộ quốc phòng, Bộ công an chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cố trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lí; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Bộ tài nguyên và môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (khoản 4 Điều 104 Luật bảo vệ môi trường năm 2014).


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *