Hệ thống tổ chức, lãnh đạo, điều hành ngân hàng nhà nước

1. Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Nhà nước

Do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng nhà nước vừa mang tính quản lí nhà nước chuyên ngành, vừa mang tính điều hành kinh tế nên hệ thống tổ chức có những khác biệt so với các cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành ở các lĩnh vực khác.

Theo quy định của Điều 7 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng nhà nước được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất gồm bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc khác.

Trụ sở chính của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đặt tại Hà Nội, là trung tâm lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng nhà nước.

Chi nhánh Ngân hàng nhà nước là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng nhà nước, không có tư cách pháp nhân, chịu sự lãnh đạo và điều hành tập trung thống nhất của thống đốc. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo uỷ quyền của Thống đốc.

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng nhà nước, có nhiệm vụ đại diện theo sự uỷ quyền của Thống đốc. Khác với chi nhánh Ngân hàng nhà nước, văn phòng đại diện không được tiến hành hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Các đơn vị trực thuộc Ngân hàng nhà nước gồm có các đơn vị sự nghiệp (cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ tin học, thông tin và báo chí chuyên ngành ngân hàng) V.V..

2. Lãnh đạo và điều hành Ngân hàng nhà nước

Bộ máy lãnh đạo, điều hành ngân hàng trung ương ở các nước có hình thức tổ chức đa dạng nhưng có thể khái quát thành hai dạng chính là bộ máy lãnh đạo, điều hành tập thể và bộ máy lãnh đạo điều hành theo chế độ một lãnh đạo (thủ trưởng chế).

Với mô hình bộ máy lãnh đạo, điều hành ngân hàng trung ương hoạt động theo chế độ tập thể thì ngoài thống đốc (chủ tịch) là người đại diện của ngân hàng trung ương còn có hội đồng quản trị (hoặc hội đồng chính sách tiền tệ hoặc hội đồng ngân hàng trung ương). Cơ chế hội đồng quản trị thường được áp dụng đối với loại hình ngân hàng trung ương thành lập dưới dạng công ty cổ phần. Ví dụ: Hội đồng quản trị của Hệ thống dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), Hội đồng quản trị của Ngân hàng quốc gia Hungari… Cơ chế hội đồng chính sách tiền tệ hay hội đồng ngân hàng trung ương thường được áp dụng đối với loại hình ngân hàng trung ương thuộc sở hữu nhà nước. Ví dụ: Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Pháp, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc… phổ biến ở các nước, hội đồng quản trị, hội đồng chính sách tiền tệ, hội đồng ngân hàng trung ương là cơ cấu có quyền lực đối với hoạt động của ngân hàng trung ương.

Với mô hình bộ máy lãnh đạo, điều hành ngân hàng trung ương hoạt động theo chế độ một lãnh đạo thì thống đốc hoặc chủ tịch ngân hàng trung ương là người duy nhất chịu trách nhiệm trước nhà nước về toàn bộ hoạt động của ngân hàng trung ương. Chẳng hạn, theo Điều 10 Luật ngân hàng nhân dân Trung Quốc năm 1995, thống đốc là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với hoạt động của ngân hàng trung ương trước Nhà nước.

Ở Việt Nam trước đây, theo quy định tại Điều 4 và Điều 14 Pháp lệnh Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 1990, việc quản trị Ngân hàng nhà nước do hội đồng quản trị đảm nhiệm còn việc điều hành đặt dưới quyền của Thống đốc.

Điều 11 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 1997 quy định: Thống đốc Ngân hàng nhà nước là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều hành Ngân hàng nhà nước.

Điều 8 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định:

1. Thống đốc Ngân hàng nhà nước là thành viên của Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo Ngân hàng nhà nước; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về quản lí nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

2. Thống đốc Ngân hàng nhà nước có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo thẩm quyền;

b) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng nhà nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đại diện pháp nhân của Ngân hàng nhà nước.

Như vậy, cơ chế lãnh đạo Ngân hàng nhà nước ở Việt Nam theo chế độ thủ trưởng chế. Thống đốc Ngân hàng nhà nước là chức vụ vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan hành pháp (Chính phủ), vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp (Quốc hội).

3. Các Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tỉnh, thành phố và văn phòng đại diện.

Các Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của NHNN, chịu sự lãnh đạo và và điều hành tập trung của Thống đốc NHNN. Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố không có tư cách pháp nhân. Chi nhánh NHNN thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Pháp luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định các nhiệm vụ và quyền hạn của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, văn phòng đại diện như sau[2]:

-Kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng trên địa bàn được phân công;

-Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng của TCTD và giấy phép hoạt động ngân hàng cuả các tổ chức khác; quyết định giải thể, chia tách, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên địa bàn;

-Thực hiện tái cấp vốn và cho vay thanh toán;

-Cung ứng các dịch vụ thanh toán, ngân qũi và các dịch vụ ngân hàng khác cho TCTD và kho bạc nhà nước; Thực hiện các ủy quyền khác theo qui định cuả pháp luật

-Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thực hiện giao dịch trực tiếp đối với tổ chức, cá nhân không phải là TCTD.

Đối với các văn phòng đại diện của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có nhiệm vụ đại diện theo sự uỷ quyền của Thống đốc. Văn phòng đại diện không được phép tiến hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn phòng đại diện tại TP HCM
Văn phòng đại diện tại nước ngoài.

3. Lãnh đạo, điều hành Ngân hàng nhà nước Việt Nam:

Đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Thống đốc Ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thành viên Chính phủ, mang hàm bộ trưởng, chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thống đốc có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể:

-Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn của NHNN.

-Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng chính phủ và Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách.

-Đại diện pháp nhân NHNNVN

Giúp việc cho Thống đốc có các Phó thống đốc.

Đứng đầu các Vụ là vụ trưởng, chịu trách nhiệm hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn được phân công. Đứng đầu cơ quan ngang vụ là các giám đốc. Đối với chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở địa phương, đứng đầu là giám đốc chi nhánh.

Trong lãnh đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng ta cũng cần đề cập tới thanh tra ngân hàng và cơ quan tổng kiểm soát trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thanh tra ngân hàng. Thanh tra ngân hàng là thanh tra nhà nước chuyên ngành về ngân hàng, được tổ chức thành hệ thống thuộc bộ máy thuộc Ngân hàng nhà nước.
Về cơ cấu tổ chức thanh tra ngân hàng gồm có:

-Thanh tra NHNN

-Thanh tra Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phồ trực thuộc TW

Đối tượng thanh tra của thanh tra ngân hàng:

– Tổ chức và hoạt động của TCTD

– Hoạt động ngân hàng của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép
Việc thực hiện các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân

Mục đích thanh tra ngân hàng:

– Bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD

– Bảo vệ quyền vàlợi ích hợp pháp của người gửi tiền

– Phục vụ việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Nội dung thanh tra:

-Thanh tra việc chấp hành các qui định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng

– Phát hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm (phạt vi phạmhành chánh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm…)

– Xác minh, kết luận , kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…

4. Cơ quan Tổng kiểm soát của thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Là đơn vị thuộc bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ:

-Kiểm soát hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống NHNNVN.

-Kiểm toán nội bộ với các đơn vị thực hiện nghiệp vụ NHNNVN.

Tổ chức và nhiệm vụ của Tổng kiểm soát do Thống đốc NHNN qui định

5.Thế nào là một NHTW hiện đại?

Câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở các nước trên thế giới cũng chưa có một định nghĩa chính thống nào về NHTW hiện đại.

Đến nay, trên thế giới đã biết đến 3 mô hình NHTW:

(1) NHTW độc lập với Chính phủ;

(2) NHTW là một cơ quan thuộc Chính phủ;

và (3) NHTW thuộc Bộ Tài chính.

Liên quan đến việc lựa chọn mô hình NHTW, nhiều chuyên gia kinh tế nhất trí rằng không có mô hình NHTW nào là lý tưởng cho mọi quốc gia. Sự lựa chọn này không hoàn toàn nằm trong ý muốn chủ quan mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội và thể chế chính trị của từng nước.

Điều đó có nghĩa rằng mỗi một quốc gia có thể vận dụng một mô hình NHTW khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình. Ở nước ta, NHNN là cơ quan của Chính phủ và Thống đốc NHNN là thành viên Chính phủ. Thời gian qua, khi bàn đến vấn đề cải cách NHNN, một số ý kiến cho rằng chúng ta nên lựa chọn mô hình NHTW độc lập với lý do cơ bản được đưa ra là NHTW càng độc lập thì mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát thấp càng dễ thực hiện. Về mặt lý thuyết, điều này là đúng, tuy nhiên, tác giả cho rằng trong thời điểm hiện nay và có thể trong nhiều năm tới, mô hình NHNN là một cơ quan của Chính phủ như hiện nay vẫn phù hợp với thể chế chính trị, đặc thù kinh tế- xã hội và hệ thống luật pháp của nước ta. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả hoạt động của NHNN với tư cách là một NHTW trong nền kinh tế thị trường, việc nâng cao tính độc lập của NHNN là hết sức cần thiết. Nâng cao tính độc lập không có nghĩa là phải tách NHNN ra khỏi bộ máy Chính phủ mà cần phải trao thêm quyền cho Thống đốc- người đứng đầu NHNN- trong việc chủ động lựa chọn và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *