Khái niệm và đặc điểm bao thanh toán của tổ chức tín dụng

1. Khái niệm bao thanh toán

Khi thực hiện các giao dịch thương mại làm phát sinh các khoản phải thu (ví dụ như các khoản tiền bán hàng chưa đến hạn thanh toán), người bán có thể cải thiện trạng thái ngân quỹ của mình bằng việc đem nhượng bán các khoản phải thu để nhận ngay một khoản tiền mặt đã trừ phần chiết khấu từ tổ chức bao thanh toán. Tổ chức bao thanh toán sau khi nhận các khoản phải thu từ người bán sẽ thực hiện việc thu nợ đối với người mua. Hoạt động bao thanh toán xét về mặt nội dung là sự mua bán quyền đòi nợ. Hoạt động bao thanh toán không làm ảnh hưởng đến nội dung giao dịch thương mại của người bán và người mua, ngoại trừ quyền đòi nợ và tiếp nhận sự thanh toán được chuyển sang cho tổ chức bao thanh toán. Quyền đòi nợ của tổ chức bao thanh toán được xem là tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào liên quan đến khả năng thanh toán của người mua cũng như quá trình thực hiện giao dịch thương mại giữa người bán và người mua. Đối tượng của quyền đòi nợ phải là toàn bộ giá trị khoản phải thu, việc chỉ chuyển nhượng một phần khoản phải thu thường không được chấp nhận. Xét về mặt hình thức, hoạt động bao thanh toán gắn liền với việc chuyển giao cho tổ chức bao thanh toán các chửng từ thương mại liên quan đến giao dịch giữa người mua và người bán. Các chứng từ này là căn cứ để xác định sự tồn tại pháp lí và giá trị kinh tế của các khoản phải thu. Thông thường, các loại chứng từ này bao gồm: chứng từ hàng hoá (ví dụ: hoá đơn bán hàng, hoá đơn vận tải), chứng từ tài chính (ví dụ: hối phiếu hoặc lệnh phiếu) và có thể cả các sổ sách kế toán có liên quan. Cũng cần lưu ý rằng bao thanh toán là quan hệ giữa người bán và tổ chức bao thanh toán nhưng lại liên quan mật thiết tới người mua nên trong thực tiễn thương mại và pháp lí, thủ tục và trình tự thông báo về nội dung bao thanh toán cho người mua luôn được ghi nhận một cách rõ ràng và chặt chẽ.

Công ước của UNIDROIT về bao thanh toán quốc tế năm 1988 (Công ước Ottawa năm 1988 – Công ước được soạn thảo bởi Uỷ ban luật thống nhất quốc tế và hiện có khoảng gần 20 nước tham gia) đã mô tả hoạt động bao thanh toán như sau:

– Bên bán hàng hoá sẽ chuyển giao cho bên bao thanh toán các khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa bên bán và bên mua (con nợ), trừ các hợp đồng nhằm mục đích tiêu dùng cho cá nhân, hộ gia đình;

– Bên bao thanh toán sẽ thực hiện ít nhất hai trong số các nghiệp vụ sau: tài trợ tài chính cho người bán hàng (như cho vay hoặc thanh toán trước cho các khoản phải thu); quản lí các giấy tờ, sổ sách kế toán liên quan đển khoản phải thu; thực hiện việc thu nợ từ người mua; tiến hành các biện pháp phù hợp để giải quyết các hành vi gian lận của người mua.

– Bên mua hàng phải được thông báo chính thức bằng văn bản về việc khoản phải thu đã được bao thanh toán.

Hoạt động bao thanh toán mặc dù đã manh nha từ rất lâu trong lịch sử của nền sàn xuất hàng hoá và được pháp luật đề cập nhưng sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động này cũng như những thành tựu thể chế hoá nó về mặt pháp lí mới chỉ diễn ra trong vài thập kỉ gần đây. Các quy định về mua bán nợ có thể tìm thấy trong bộ luật Hammurabi nổi tiếng và những người đầu tiên thực hiện việc trao đổi các giấy nợ với mức giá thấp hon giá trị bề mặt của nó chính là các thương nhân Lamã. Công cuộc khai thác châu Mỹ và các cuộc cách mạng công nghiệp là những cột mốc cận đại ghi nhận những ưu điểm nổi bật của việc tài trợ thương mại thông qua việc ứng tiền trước cho các khoản phải thu chưa đến hạn thanh toán. Nước Mỹ, nơi phát minh ra rất nhiều công cụ tài chính, từ thế kỉ XIX, các hoạt động bao thanh toán đã diễn ra khá sôi động trong ngành dệt may. Tuy nhiên, hoạt động bao thanh toán chỉ trở thành một loại hình dịch vụ tài chính phổ biến ở nhiều quốc gia từ những năm 1960 và cũng trong khoảng thời gian này, Hiệp hội bao thanh toán quốc tế đã được thành lập. Kể từ đó, hoạt động bao thanh toán phát triển khá nhanh. Thống kê của Hiệp hội bao thanh toán quốc tế cho thấy vào năm 2004, doanh số hoạt động bao thanh toán trên thế giới là khoảng 860 tỉ USD. Mười năm sau đó, năm 2014, con số này đã tăng tới hơn 2817 tỉ USD. Đồng thời với quá trình này, nhiều nỗ lực nhằm tập hợp và thống nhất các nguyên tắc, tập quán, luật lệ chung cho hoạt động bao thanh toán đã được thực hiện. Công ước Ottawa nêu trên, Luật mẫu của Ưncitral về chuyển nhượng các khoản phải thu, các quy định chung của Hiệp hội .bao thanh toán quốc tế ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh phảp lí của quan hệ bao thanh toán. Nguyên nhân cơ bản cho sự phát triển mạnh mẽ này là sự gia tăng các giao dịch kinh tế và xu hưởng đa dạng hoá hoạt động tài chính diễcỊ ra trong thời gian qua. Chính nó đã tạo ra môi trường và điểu kiện để thúc đẩy quá trình ứng dụng những ích lợi của bao thanh tọán trong hoạt động kinh tế. Các lợi ích chính của bao thanh toán có thể tóm tắt là: thứ nhất, nó giúp cho người bán cải thiện được tính thanh khoản cho tài sản của mình và hạn chế những rủi ro, tiết kiệm thời gian cho việc thu nợ từ người mua; thứ hai, các tổ chức tài chính, tín-dụng có khả năng đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Ở Việt Nam, hoạt động bao thanh toán được quy định lần đầu tiên tại Quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng. Theo Quyết định này, khái niệm về bao thanh toán được định nghĩa chính thức như sau:

Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá đã được bên hán hàng và bên mua hàng thoả thuận trong hợp đồng mua, bán hàng hoá.

2. Đặc điểm của bao thanh toán ở Việt Nam

Theo định nghĩa này, hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng ngắn hạn của tổ chức tín dụng. Khi thực hiện quan hệ bao thanh toán, tổ chức tín dụng ứng trước cho khách hàng của mình một khoản tiến nhất đinh thấp hon giá trị thực tế của các khoản phải thu. Phần chênh lệch này chính là phần phí và lãi tín dụng. Thông ‘thường chỉ những khoản phải thu có thời hạn không quá 18O.ngàý mới được chấp nhận bao thanh toán. Từ đặc điểm này có thể rút ra hai nhận xét sau:

Một là so với Công ước Ottawa năm 1988, hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam.bat buộc phải gắn với chức năng tài trợ tín dụng, các nghiệp vụ quản lí sổ sách, quản lí thu nợ không được coi là chức năng độc lập trong bao thanh toán;

Hai là với tính chất là nội dung của cấp tín dụng, tổ chức thực hiện hoạt động bao thanh toán phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục và các hạn chế để bảo đảm an toàn được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, hoạt động bao thanh toán dựa trên quan hệ về mua bán quyền tài sản là quyền đòi nợ. Đây là dấu hiệu để phân biệt hoạt động bao thanh toán với các hình thức cấp tín dụng khác. Do quyền đòi nợ là một loại tài sản được xác định từ giao dịch thương mại cụ thể nên khi thực hiện hoạt động bao thanh toán, tổ chức bao thanh toán phải tiến hành phân tích toàn diện và trực tiếp các giao dịch làm phát sinh khoản phải thu, tình hình tài chính và hoật động của cả bên bán và bên mua hàng. Điều này khác với chiết khấu thương phiếu, do đặc tính trừu tượng của thương phiếu, các bên chuyển nhượng thương phiếu không cân thiết phải quan tâm tới khoản nợ ghi trên thương phiếu phát sinh từ giao dịch kinh tể nào và về mặt pháp lí khoản nợ ghi trên thương phiếu cũng không phụ thuộc vào hợp đồng mua bán. Do sự khác biệt này mà dẫn đến hệ quả là khi thực hiện việc cấp tín dụng dưới hình thức bao thanh toán, bên bán hàng phải chuyển giao toàn bộ chứng từ và các giấy tờ khác liên quan đến giao dịch mua, bán để xác lập và chuyển quyền đòi nợ cho bên bao thanh toán.

3. Các phương thức bao thanh toán

Trong thực tế, hoạt động bao thanh toán có thể thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau. Nếu căn cứ vào mối quan hệ giữa các bên của hợp đồng bao thanh toán với bên mua hàng, hoạt động bao thanh toán có thể tiến hành theo hai hình thức: bao thanh toán đóng và bao thanh toán mở. Trong bao thanh toán đóng, tổ chức bao thanh toán chỉ cấp tín dụng cho người bán hàng còn người bán vẫn chịu trách nhiệm thu nợ từ người mua cho tổ chức bao thanh toán. Ngược lại, trong bao thanh toán mở, tổ chức bao thanh toán sẽ thực hiện trách nhiệm thu nợ từ phía người mua. Nếu căn cứ vào vị trí của tổ chức bao thanh toán trong quan hệ tố tụng, học thuyết của hệ thống common law (hệ pháp luật Anh – Mỹ) còn chia bao thanh toán thành hai dạng: tổ chức bao thanh toán có thể độc lập tiến hành việc kiện người mua hàng và người bán hàng hoặc tổ chức báo thanh toán chỉ có thể kiện với tư cách đồng nguyên đơn.

Quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06/9/2004 ban hành Quy chế hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng ghi nhận những phương thức sau đây:

– Bao thanh toán có quyền truy đòi và bao thanh toán không có quyền truy đòi. Trong bao thanh toán có quyền truy đòi, tổ chức bao thanh toán có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán hàng khi bên mua hàng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải thu. Ngược lại, trong bao thanh toán không có quyền truy đòi, tổ chức bao thanh toán phải gánh chịu mọi rủi ro khi bên mua hàng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

– Bao thanh toán theo hạn mức và bao thanh toán từng lần. Trong bao thanh toán theo hạn mức, các bên sẽ thoả thuận duy trì một hạn mức tín dụng để thực hiện bao thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian đó, nghiệp vụ bao thanh toán được tự động thực hiện mà không cần thiết phải kí kết các hợp đồng bao thanh toán theo từng thương vụ. Thực chất, tổ chức bao thanh toán đã thực hiện việc quản lí toàn diện các khoản phải thu của khách hàng. Ngược lại, trong bao thanh toán từng lần, các bên sẽ thực hiện các thủ tục và kí hợp đồng bao thanh toán đối với các khoản phải thu theo từng lần phát sinh.

– Bao thanh toán xuất khẩu và bao thanh toán trong nước. Bao thanh toán trong nước là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua bán mà các bên mua hàng và bán hàng là người cư trú; còn bao thanh toán xuất khẩu là dựa trên hợp đồng xuất nhập khẩu.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *