1. Khái niệm
Tổ chức tín dụng được hiểu là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi , cấp tín dụng , cung cấp các dịch vụ thanh toán
Về mặt kinh tế, đối tượng kinh doanh chính, mang tính chất nghề nghiệp của tổ chức tín dụng là tiền tệ và đó là dấu hiệu để phân biệt tổ chức tín dụng với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân
Về mặt pháp lý, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng thuộc phạm vi áp dụng Luật các tổ chức tín dụng và chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
2. Đặc điểm tổ chức tín dụng
– Đối tượng kinh doanh của các tổ chức tín dụng : các tổ chức tín dụng hoạt động chủ yếu liên quan đến đối tượng là tiền tệ. Trong thời buổi kinh tế phát triển như ngày nay thì đối tượng kinh doanh của các tổ chức tín dụng không chỉ dừng lại ở tiền tệ mà còn nhiều loại hình khác nữa.
– Hoạt động kinh doanh đặc thù của tổ chức tín dụng: tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh đặc thù và chủ yếu đó là việc huy động vốn và sử dụng vốn sẵn có hoặc nguồn vốn huy động được.
+ Huy động vốn của tổ chức tín dụng là việc: nhận tiền gửi vay vốn ngân hàng nhà nước. Huy động vốn có thể được xem là một trong những nghiệp vụ xuất hiện sớm nhất trong hoạt động của các ngân hàng thương mại.
+ Sử dụng vốn của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng cấp tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán cho đối tượng sử dụng vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
Tổ chức tín dụng hoạt động theo nguyên tắc đi vay để cho vay do đó giữa hoạt động huy động vốn và hoạt động sử dụng vốn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Để có vốn vay, tổ chức tín dụng phải thực hiện công tác huy động. Nếu số lượng vốn huy động nhiều thì tổ chức tín dụng có thể tăng cường hoạt động sử dụng vốn, khi đó tổ chức tín dụng có thể mở rộng các khoản cho vay, các khoản đầu tư.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp như thay đổi lãi suất, mở rộng các dịch vụ nhưng cũng không thể tăng được khối lượng vốn huy động dẫn đến việc phải thực hiện chính sách tín dụng có lựa chọn, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng.
– Tính rủi ro: nguy cơ mất vốn hoặc có thể gây ra rủi ro cho toàn hệ thống tín dụng. Rủi ro trong hoạt động tín dụng được hiểu là những không may bất ngờ xảy đến, là sự kiện không may, trở ngại bất ngờ xảy ra gây nên thiệt hại trực tiếp tới hoạt động của các tổ chức tín dụng.
– Quản lý tổ chức tín dụng: chủ thể quản lý là ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ngân hàng nhà nước Việt Nam là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.