Luật thương mại là gì? Tìm hiểu về luật thương mại

1. Tổng quan về sự hình thành phát triển luật thương mại

Nền kinh tế hàng hoá hình thành, phát triển đã làm cho mua bán hàng hoá trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp và sản xuất hàng hoá không còn là con đường duy nhất dẫn đến lợi nhuận. Việc thực hiện luân chuyển, phân phối hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ thị trường này sang thị trường khác đã ưở thành cơ hội lợi nhuận tốt cho những người thực hiện nó. Lúc này, tầng lớp thương nhân đã dần hình thành trong xã hội và mua bán hàng hoá được họ coi là một nghề nghiệp chính – “Nghề thương mại”.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá, tầng lớp thương nhân ngày càng đông và lớn mạnh. Từ thời cổ đại, người Phê-ni-xỉ ở Trung Cận Đông cũng đã nổi tiếng về hoạt động thương mại… Nửa đầu thiên niên kỉ thứ II trước công nguyên đã hỉnh thành đông đảo tầng lớp thương nhân giấu có, chuyên buôn bán hàng hoá giữa nước này với nước khác. Quan hệ kinh tế giữa các thương nhân hình thành, được điều chỉnh bởi tập quán, thông lệ, thói quen và nhiều quy tắc xử sự khác… Khi tập quán, thói quen, thông lệ không đủ để tạo ra quy tắc ứng xử giữa họ, những quy định pháp luật thương mại đầu tiên được ban hành, không chỉ để điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân mà còn xác định quy chế pháp lý hay địa vị pháp lý của thương nhân. Nhiều luật lệ, tập quán thương mại và hàng hải quốc tế, điển hình là Bộ luật Hamurabi (gồm 283 điều khoản) ra đời khoảng năm 1694 trước công nguyên, quy định về bảo vệ an toàn cho các thương nhân nước ngoài, quy định về hùn vốn, về gian dối trong buôn bán, về thuê mướn thuyền, tầu xe, nhân công, quy định về buôn bán nô lệ;1 quy định việc vận chuyển hàng hoá và cả phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Ở giai đoạn phát triển của thời kì Trung cổ, luật giữa các thương nhân – Law merchant đã trở thành một chế định khá hoàn chỉnh, tập hợp các quy tắc và quy phạm (thành văn và tập quán) nhằm điều chỉnh hàng loạt các vấn đề trong thương mại như: Tính hợp pháp của hợp đồng, nội dung của hợp đồng, các biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng, các phương thức giải quyết tranh chấp, quan hệ đại lý và uỷ thác, séc, hối phiếu, vận đơn và vận chuyển hàng hoá, các công ty đối nhân và liên doanh, bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và bằng sáng chế, các quyền của thương nhân … Có thể coi đây là những quy định pháp luật đầu tiên, được hình thành từ nhu cầu điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân.

Sự hình thành và phát triển không ngừng của những quy định pháp luật ghi nhận địa vị của thương nhân và hoạt động thương mại của họ đã trở thành nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình tổ chức kinh doanh và các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thế giới và ở mỗi quốc gia. Những quy định pháp luật thương mại đầu tiên chủ yếu là những quy định điều chỉnh hành vi mua bán hàng hoá, bởi khi mới hình thành, khái niệm thương mại chỉ gắn liền với mua bán hàng hoá và những hành vi có liên quan đến mua bán hàng hoá diễn ra (chủ yếu) giữa các thương nhân.

Pháp luật thương mại với tư cách là một lĩnh vực pháp luật tương đối độc lập trong pháp luật dân sự được hình thành dần dần ở châu Âu, bắt đầu bởi sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất và theo đó là đòi hỏi thay đổi các quan hệ sản xuất đang tồn tại. Từ thế kỉ XVI, ngành công nghiệp ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, phát triển mạnh đã thúc đẩy thương mại hàng hải phát triển. Luật của các thương nhân (Zúw Merchanỉ) từng bước được nội luật hoá vào pháp luật quốc gia của nhiều nước, đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật Anh và nhiều quốc gia châu Âu, góp phần bảo vệ quyền lợi của thương nhân.1 Nhiều học thuyết nổi tiếng về thương mại hình thành như chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa tự do thương mại, đã trở thành cơ sở lý luận của chính sách và pháp luật thương mại của nhiều quốc gia.

Thế kỉ XIX, nhiều bộ luật thương mại được ban hành, điển hình là Bộ luật Thương mại Pháp, được ban hành năm 1807. Tiếp đó, Đức và các nước nói tiếng Đức cũng ban hành luật này. Trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, Luật Thương mại thường được nói đến với một phạm trù rộng hơn, gọi là Luật Kinh doanh.

Từ nửa sau thế kỉ XIX, tư tưởng tự do hoá thương mại và điều chỉnh pháp luật đối với các hành vi thương mại ở châu Âu đã ảnh hưởng đến Việt Nam và châu Á. Tại Việt Nam, dưới thời thuộc Pháp, trào lưu canh tân đất nước khuyến khích phát triển lã nghệ và thương mại đã bắt đầu có ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật thời đó. Bộ Dân luật thi hành tại các toà Nam án Bắc Kỳ ban hành năm 1931 đã quy định nhiều hình thức hùn vốn lập hội (hội buôn – công ty), bao gồm hội người và hội vốn. Bộ luật Thương mại áp dụng tại Trung phần được ban hành năm 1942, Luật Thương mại của chính quyền Việt Nam cộng hoà được ban hành năm 1972 cũng có nhiều quy định về công ty kinh doanh. Từ sau khi thống nhất đất nước, pháp luật thương mại Việt Nam cũng luôn được xây dựng và phát triển với tính chất là một lĩnh vực pháp luật tương đối độc lập với pháp luật dân sự, minh chứng bằng sự hiện diện của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014, Luật Thương mại năm 2005… Các văn bản này đã song hành cùng với Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, Bộ luật Dân sự năm 1995,2005,2015.

Như vậy, có thể nói, sự hình thành, phát triển của nền sản xuất hàng hoá và sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân là lý do hình thành pháp luật thương mại. Nghiên cứu của nhiều học giả (đã dẫn) cho thấy, các quy định đàu tiên điều chỉnh hoạt động thương mại và xác định quy chế thương nhân ra đời rất sớm, xuất phát từ nhu cầu giao lưu thương mại quốc tế và có nguồn gốc từ các chế định, các quy tắc và quy phạm (thành văn và tập quán) khá hoàn chỉnh được nội luật hoá trong pháp luật của quốc gia. Ở mức độ khái quát, có thể hiểu, pháp luật thương mại là những quy định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm quy định quy chế thương nhãn và điều chỉnh hoạt động thương mại của họ.

Trong thời đại ngày nay, khái niệm “thương mại” được hiểu theo nghĩa rộng, có nội hàm đồng nghĩa với khái niệm “kinh doanh”. Quan hệ thương mại được hình thành giữa các thương nhân cùng quốc tịch, lãnh thổ hoặc có sự khác biệt về quốc tịch, lãnh thổ. Điều này dẫn đến sự phát triển của pháp luật thương mại về phạm vi, đối tượng điều chỉnh cũng như hình thức chứa đựng quy phạm pháp luật, theo đó, điều ước quốc tế đã và đang trở thành nguồn quan trọng của pháp luật thương mại. Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL thông qua ngày 21/6/1985 coi thương mại “bao gồm nhưng không giới hạn bởi các giao dịch để cung cấp hay trao đổi hàng hoá, dịch vụ, các hợp đồng phân phổi, chi nhánh hoặc đại diện thương mại, đại lý, cho thuê, gia công, tư vẩn, sở hữu công nghiệp, đầu tư, tài chỉnh, ngân hàng, bảo hiểm, khai thác, tô nhượng, liên doanh hoặc các hình thức khác của hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh”. Luật Thương mại của Việt Nam cũng hiểu khái niệm thương mại tương tự như vậy khi quy định:

“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bản hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác .

Sự phát triển theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật thương mại thể hiện ở các khía cạnh cơ bản:

– Trong pháp luật thương mại, có sự mở rộng về nội hàm của khái niệm “thương mại”, theo đó, từ điểm khởi đầu “thương mại” chỉ bao hàm ý nghĩa là hành vi mua bán hàng hoá nhằm mục đích sinh lợi, đến nay, pháp luật thương mại quốc gia và quốc tế đều có xu hướng tiếp cận thương mại là tất cả những hành vi có mục đích sinh lợi và những hành vi đó có thể diễn ra trong các quan hệ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại…, có hoặc không có yếu tố nước ngoài;

– Về quy chế thương nhân: Trong pháp luật thương mại, ngày càng cổ sự mở rộng đa dạng về các loại hình tổ chức kinh doanh, theo đó, pháp luật quy định nhiều loại hình thương nhân, nhiều hình thức hiện diện thương mại, đáp ứng nhu cầu hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

– Về nguồn luật: Nguồn luật điều chỉnh địa vị pháp lý của thương nhân và hoạt động thương mại của họ cũng phát triển đa dạng với các quy định của luật quốc gia, luật quốc tế, tập quán thương mại, án lệ… Các cam kết của Việt Nam trong WTO, các hiệp định thương mại song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… đã và đang có hiệu lực đối với các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài và tác động đến các quan hệ pháp luật thương mại trong nước thông qua những chính sách, pháp luật quốc gia được sửa đổi nhằm đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế.

2. Lịch sử phát triển luật thương mại của Việt Nam

Luật thương mại được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá IX, kì họp thứ 11 thông qua ngày 10.5.1997, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.1998, là cơ sở pháp lí để phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển thị trường hàng hoá và dịch vụ thương mại, mở rộng giao lưu thương mại với nước ngoài; góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của thương nhân; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại Việt Nam là các hoạt động thương mại mà chủ thể là thương nhân. Song hoạt động thương mại theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại gắn liền với hoạt động mua bán hàng hoá (gồm 14 hành vi: mua bán hàng hoá; đại diện cho thương nhân; môi giới thương mại; uỷ thác mua bán hàng hoá; đại lí mua bán hàng hoá; gia công trong thương mại; đấu giá hàng hoá; đấu thầu hàng hoá; dịch vụ giao nhận hàng hoá; dịch vụ giám định hàng hoá; khuyến mại; quảng cáo; trưng bày, giới thiệu hàng hoá; hội chợ, triển lãm thương mại. Đối tượng hàng hoá trong hoạt động thương mại mà Luật thương mại quy định cũng được giới hạn chủ yếu là các động sản như máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác được phép lưu thông trên thị trường, thêm nữa là nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua, bán, còn các đối tượng hàng hoá là bất động sản (không phải nhà ở), các quyền về tài sản như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các tài sản là quyền sở hữu trí tuệ… cùng các hoạt động thương mại khác như: thương mại hàng hãi; dịch vụ hàng không; dịch vụ bưu chính – viễn thông; dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; các dịch vụ tài chính, thuê, mua tài chính… thì không thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại Việt Nam năm 1997. Xét về phạm vi điều chỉnh, ngoài việc xác định quy chế thương nhân, điều chỉnh một số hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện, Luật thương mại Việt Nam còn quy định những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại và chính sách thương mại của Nhà nước.

Hiến pháp năm 1992 ra đời, thừa nhận cùng với hai thành phần kinh tế chủ đạo là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, sự tồn tại của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân về tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác, ghi nhận quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng của các chủ thể kinh doanh trước pháp luật đã làm cho các quan hệ sản xuất, kinh doanh có sự biến đổi sâu sắc cả về chất và lượng. Trong bối cảnh đó, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua và ban hành Luật thương mại.

Về bố cục và nội dung cơ bản, Luật thương mại Việt Nam gồm Lời nói đầu và 6 chương với 264 điều. Mỗi chương, điều đều có tên gọi phần ánh nội dung chính của chương và điều luật đó. Chương l (4 mục với 44 điều) là những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại và chính sách thương mại của Nhà nước Việt Nam, quy định về quy chế thương nhân trong nước, thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam. Chương lÌ (15 mục với 174 điều) quy định về hoạt động thương mại bao gồm 14 loại hành vi thương mại; nội dung thực hiện các hành vi đó; quyền và nghĩa vụ của gập bên trong các quan hệ mua bán hàng hoá; đại diên cho thương nhân; môi giới thương mại; uỷ thác mua bán hàng hoá; đại lí mua bán hàng hoá; gia công trong thương mại; đấu giá hàng hoá; đấu thầu hàng hoá; dịch vụ giao nhận hàng hoá; dịch vụ giám định hàng hoá; khuyến mại; quảng cáo thương mại; trưng bày, giới thiệu hàng hoá; hội chợ, triển lãm thương mại. Chương III (3 điểu) quy định về thương phiếu – là một loại chứng chỉ (hối phiếu và lệnh phiếu) mà thương nhân được sử dụng để thanh toán trong hoạt động thương mại. Chương IV (2 mục với 22 điều) quy định các chế tài trong thương mại và việc giải quyết tranh chấp trong thương mại. Chương V (3 mục với 19 điều) quy định về quản lí nhà nước về thương mại, trong đó quy định nội dung quản lí nhà nước về thương mại, thanh tra thương mại; khen thưởng và xử lí vi phạm. Chương VI gồm 2 điều quy định điều khoản thi hành. Ngày 14.6.2005 tại kì họp thứ 7 Quốc hội Khoá XI đã thông qua Luật thương mại mới thay thế Luật thương mại năm 1997 và có hiệu lực từ ngày 01.01. 2006.

3. Khái niệm Luật Thương mại ở Việt Nam được hiểu thế nào ?

Từ góc độ khoa học pháp lý và góc độ đào tạo luật, ở Việt Nam, khái niệm “Luật Thương mại Việt Nam” là khái niệm khá mới, hình thành trong những năm gần đây, do tác động của điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đào tạo luật học, “Luật Thương mại Việt Nam” là môn học có nội dung nghiên cứu chủ yếu là các quy định pháp luật quốc nội, nghiên cứu về quan hệ thương mại nội địa và địa vị pháp lý của thương nhân thành lập tại Việt Nam.

Ở thập niên 70, 80, khái niệm “Luật Kinh tế” được sử dụng phổ biến. Luật Kinh tế khi đó, được hiểu là một bộ phận của pháp luật kinh tế…, là ngành luật độc lập có phạm vi, đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng, trong đó, pháp luật kinh tế bao gồm các văn bản pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau (Luật Kinh tế, Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Tài chính – Ngân hàng…) điều chỉnh những quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế và quan hệ quản lý kinh tế của nhà nước với tư cách vừa là một tổ chức chính trị, vừa là chủ sở hữu tư liệu sản xuất trong xã hội. Luật Kinh tế ra đời trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa, các cơ quan quản lý kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, sở hữu, tổ chức và kế hoạch hoá. Trong các cơ sở đào tạo luật, “Luật Kinh tế” trở thành một môn học quan trọng, “là kết quả của công tác nghiên cứu khoa học pháp lý và thực tiễn quản lý sản xuất kinh doanh bằng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh”.

Ở Việt Nam, những ý tưởng đầu tiên về sử dụng khái niệm “Luật Thương mại”, “Luật Kinh doanh” để thay thế cho khái niệm “Luật Kinh tế” xuất hiện khi diễn ra những thay đổi về kinh tế, về cơ chế quản lý kinh tế và dẫn đến những thay đổi căn bản trong điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân. Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chủ thể của Luật Kinh tế không còn là các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa (tổ chức kinh tế nhà nước, tổ chức kinh tế tập thể) với tư cách là các đơn vị thực hiện hoạt động sản xuất theo kế hoạch được giao. Nền kinh tế không còn vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung mà vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, với nền tảng là sự công nhận quyền tự do sở hữu, quyền tự do kinh doanh, đồng thời chịu nhiều tác động tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thay đổi này dẫn đến yêu cầu đổi mới trong khoa học luật kinh tế, theo đó, sự tồn tại của khái niệm “Luật Kinh tế” (với nội hàm như đã phân tích) trở nên không còn phù họp. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, phạm vi quyền tự do kinh doanh cũng không ngừng được mở rộng, từ chỗ “tự do kinh doanh theo quy định pháp luật”1 đến “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” – Điều 57 Hiến pháp năm 1992 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013…, vai trò can thiệp, kiểm soát từ phía nhà nước cũng thu hẹp rất nhiều theo xu hướng tôn trọng và đảm bảo thực hiện những hành vi không trái pháp luật của người kinh doanh (thương nhân). Xu hướng này làm cho yếu tố “luật tư” được thể hiện rất rõ nét và khái niệm “Luật Thương mại” dần được sử dụng phổ biến, với ý nghĩa là lĩnh vực pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư kinh doanh của thương nhân. Khái niệm “Luật Thương mại” đã được thay thế cho khái niệm “Luật Kinh tế”, mặc dù nhiều vấn đề “lý luận về vấn đề này còn có những quan điểm khác nhau và cơ cấu của nó cũng chưa ổn định”.

Trong khoa học pháp lý, mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau, song có thể định nghĩa: Luật Thương mại là lĩnh vực pháp luật bao gồm tổng thể các quy định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm quy định quy chế thương nhân, điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân và vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại của họ. “Động lực của toàn cầu hoá chính là sự bùng nổ thương mại hàng hoá và dịch vụ”, dẫn đến sự hình thành một khối lượng đồ bản pháp luật quốc gia, các điều ước quốc tế… điều chỉnh các quan hệ thương mại trong nước và quốc tế. Quy chế thương nhân được xác lập bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản… Hoạt động thương mại của thương nhân được điều chỉnh bởi văn bản: Luật Thương mại (ở Việt Nam, Luật Thương mại được ban hành năm 1997 và 2005), Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Trọng tài thương mại, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hàng hải, các luật thuế, các tập quán thương mại quốc tế… Tổng thể các nguồn luật này là cơ sở pháp lý cho thương nhân gia nhập thị trường, tổ chức hoạt động và rút khỏi thị trường, là cơ sở pháp lý cho thương nhân tiến hành các hoạt động thương mại vì mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, trong khoa học luật thương mại, với sự phát triển không ngừng của các quan hệ thương mại và các văn bản pháp luật điều chỉnh chúng, nhiều lĩnh vực pháp luật thương mại hình thành mang tính chuyên sâu (chuyên ngành) như Luật Thương mại quốc tế gồm các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài, Luật Tài chính – Ngân hàng điều chỉnh các hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thương nhân kinh doanh các dịch vụ này…

Như vậy, ở góc độ nghiên cứu và đào tạo luật học, việc nhận diện khái niệm “Luật Thương mại” có những lim ý cơ bản như sau:

Một là, Luật Thương mại là một lĩnh vực pháp luật gồm tổng thể các quy định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh quy chế thương nhân và hoạt động thương mại của thương nhân cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa họ. Đây là lĩnh vực pháp luật có tính độc lập tương đối, có sự giao thoa với pháp luật dân sự, vì thực tế, Bộ luật Dân sự vẫn được sử dụng ở một mức độ nhất định để điều chỉnh các hoạt động thương mại có mục đích sinh lợi, Bộ luật Tố tụng dân sự được sử dụng để giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thương nhân tại Toà án.

Hai là, ở Việt Nam, có sự khác biệt giữa khái niệm Luật Thương mại – với tính chất là một lĩnh vực pháp luật hay một môn học với khái niệm Luật Thương mại – với tính chất là một văn bản luật do Quốc hội ban hành (ví dụ: Luật Thương mại năm 1997 và Luật Thương mại năm 2005). Theo đó, văn bản Luật Thương mại do Quốc hội ban hành chỉ là một bộ phận nhỏ thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại và môn học Luật Thương mại được giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật.

Ba là, Luật Thương mại Việt Nam đã và đang được tiếp nhận với phạm vi và đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các quy định pháp luật quốc gia và các quan hệ thương mại nội địa. Luật Thương mại quốc tế, Luật Tài chính – Ngân hàng… đều thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại do chứa đựng các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi và quy định quy chế thương nhân. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý và đào tạo luật, Luật Thương mại quốc tế với đặc trưng là điều chỉnh các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài, Luật Tài chính – Ngân hàng có đặc trưng chủ yếu là điều chỉnh các quan hệ thương mại hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được nghiên cứu, giảng dạy với tính chất là môn học riêng. Do vậy, ở góc độ đào tạo, những năm gần đây, khái niệm “Luật Thương mại quốc tế” đã được sử dụng trong sự phân biệt với khái niệm “Luật Thương mại Việt Nam” và với nội dung bao gồm các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *